Có đến 488 tổ chức xã hội dân sự Myanmar vừa ra tuyên bố chung bày tỏ sự thất vọng trước việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thiếu hành động cương quyết trước cuộc đảo chính và giết người tàn tạo của quân đội Myanmar. Đồng thời nhóm này lên án Việt Nam, Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ đã ngăn HĐBA LHQ không thông qua tuyên bố lên án nặng quân đội Myanmar.
Tuyên bố chung ngày 16/3 của nhóm 488 các tổ chức xã hội dân sự Myanmar từ nhiều quốc gia trên thế giới có đoạn viết: “Chúng tôi vô cùng thất vọng về việc không thể đưa ra tuyên bố này do bất đồng từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam. Đáng buồn thay, điều này cho thấy HĐBA LHQ không có khả năng thực hiện bất kỳ hành động có ý nghĩa nào.”
HĐBA LHQ hôm 10/3 không đạt được đồng thuận để ra tuyên bố lên án nặng vụ đảo chính quân sự tại Myanmar vào đầu tháng 2.
Lý do là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam vào chiều tối ngày 10/3 đã đề nghị sửa đổi bản thảo tuyên bố do Anh quốc soạn, yêu cầu không đề cập tới đảo chính, và rút lại lời đe dọa sẽ có biện pháp tiếp theo.
Bà Wai Wai Nu, nhà sáng lập tổ chức Mạng lưới Hòa bình của Phụ nữ (Women’s Peace Network), và là cựu tù nhân chính trị Mynamar hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, cho VOA biết tổ chức của bà đã ký tên vào tuyên bố chung. Bà nói rằng các lợi ích kinh tế và địa chính trị là nguyên nhân chính khiến Hà Nội, Bắc Kinh, Moscow và New Delhi ngăn cản động thái của HĐBA LHQ:
“Cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Việt Nam đều có mối quan hệ bền chặt từ lâu với Myanmar và họ có quan hệ trên nhiều mặt trong đó có kinh tế.
“Nga đang bán vũ khí cho Myanmar và Trung Quốc về cơ bản đang kiểm soát nền kinh tế Myanmar; các khoản đầu tư lớn vào Myanmar cũng là từ Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Vì vậy, họ có mối quan hệ rất chặt chẽ về lợi ích thương mại cũng như các lợi ích địa chính trị khác ở Myanmar.”
Việt Nam, thành viên không thường trực của HĐBA LHQ, là nước đầu tư lớn vào Myanmar. Hiện có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar, theo Nikkei Asia, trong số này có những tập đoàn lớn như Viettel, Vietnam Airlines, Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng BIDV… với tổng đầu tư hơn 2,2 tỉ đôla theo các số liệu năm 2019.
Hôm 18/3, ông Phil Robertson, Phó giám đốc châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói BBC: “Việt Nam có mối quan hệ rất thân thiết với quân đội Myanmar. Thực tế đã có một liên doanh được thành lập. Đó là mạng điện thoại di động Mytel giữa công ty quân đội Myanmar và Viettel thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Việt Nam.”
Liên doanh Mytel với vốn đầu tư 2 tỷ đôla được thành lập từ năm 2016, và hiện Viettel đang nắm giữ 49% cổ phần. Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết Mytel đã có lãi 20 triệu đôla từ Qúy I/2020, sớm hơn thời điểm có lợi nhuận dự kiến 2 năm, sau khi đạt được hơn 10 triệu thuê bao.
Một báo cáo của tổ chức Justice for Myanmar, một phong trào nhằm vạch trần tình trạng áp bức có hệ thống và vi phạm nhân quyền ở nước này, vào ngày 20/12/2020, đã công bố chi tiết về sự tham gia của Viettel và các doanh nghiệp quốc tế khác trong lĩnh vực viễn thông Myanmar. Báo cáo này nói rằng “quan hệ đối tác thương mại được thiết lập giữa các doanh nghiệp nước ngoài này và Mytel cho thấy họ đồng lõa với các hành vi lạm dụng của quân đội Myanmar.”
“Các quan chức của tập đoàn Viettel vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng quân sự bí mật, chuyển giao công nghệ quân sự và lưỡng dụng, và hoạt động tại các căn cứ quân sự của Myanmar mà chính phủ dân sự không cho phép tiếp cận,” trang Justice for Myanmar viết.
“Bằng cách đó, Viettel và Bộ Quốc phòng Việt Nam đang đóng góp vào các hoạt động quân sự ở các địa bàn người dân tộc Myanmar và hỗ trợ, tiếp tay cho tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người,” Justice for Myanmar cho biết.
Tuyên bố của 488 tổ chức xã hội dân sự lên án Việt Nam, Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ đã ngăn LHQ chỉ trích nặng quân đội Myanmar
Hôm 10/3, ông Phil Robertson của tổ chức HRW viết trên Twitter: “Người dân Miến Điện nên biết rằng khi Hội đồng Bảo an LHQ không hành động liên quan đến cuộc đảo chính quân sự Myanmar – thì đó là do những kẻ xấu (villain) ngăn chặn LHQ đưa ra bất kỳ hành động nào: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.”
Hồi tháng trước, HĐBA LHQ ra thông cáo báo chí bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp do quân đội ban hành, và kêu gọi quân đội trả tự do cho những người bị bắt giữ, nhưng cũng không lên án cuộc đảo chánh do sự chống đối của Nga và Trung Quốc.
Theo International Crisis Group, Trung Quốc có lợi ích kinh tế và địa chính trị đáng kể ở Myanmar. Trung Quốc từ lâu đã là đối tác nước ngoài quan trọng nhất của Myanmar và Myanmar coi Trung Quốc “là nguồn đầu tư chính, bảo vệ ngoại giao và là đòn bẩy tiềm năng đối với các nhóm vũ trang dân tộc đang chiến đấu với quân đội của đất nước.”
Theo nhóm vận động có tên gọi Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết, ít nhất 217 người biểu tình đã bị giết và 2.655 người bị bắt kể từ cuộc đảo chính diễn ra hôm 1/2.
Theo các tổ chức nhân quyền, quân đội Myanmar buộc các tập đoàn viễn thông, trong đó có Mytel, nhắm mục tiêu vào việc truy cập mạng Internet trong quá trình cuộc đảo chính, và tắt quyền truy cập vào các trang mạng và nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác nhau, bao gồm Facebook.
Giới chỉ trích cho rằng những khả năng công nghệ này, bao gồm cả công nghệ được chuyển giao từ Viettel, đã mang lại cho quân đội Myanamar quyền lực càn quét để giám sát dân thường và phối hợp hành động nhắm vào những người biểu tình.
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.