Tuesday, December 3, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIFBI điều tra vũ khí quyền lực mềm của chính quyền Trung...

FBI điều tra vũ khí quyền lực mềm của chính quyền Trung Quốc

Thiên Thảo

19-2-2018

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các mối đe doạ trên toàn thế giới vào ngày 13/02/2018 tại Washington, một quan chức cấp cao của FBI cho biết Cục điều tra Liên bang Mỹ đang tiến hành điều tra Viện Khổng Tử – tổ chức “giáo dục” được ví như vũ khí quyền lực mềm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có mạng lưới hoạt động tại hơn 100 quốc gia.

Khổng Tử – nhà hiền Triết lỗi lạc sống vào thời Xuân Thu – là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất từ thời cổ đại Trung Quốc và được người đời xem là “vạn thế sư biểu”. Những giá trị đạo đức mà Khổng Tử ủng hộ, niềm tin vào Thiên thượng cùng các quan niệm triết học của ông đã được lưu truyền qua các thế hệ trong hơn 2000 năm qua. Trong cuộc Cách mạng văn hoá đầu những năm 60, ĐCSTQ đã phỉ báng ông và phá hoại Nho giáo, kết quả là những giá trị truyền thống cổ xưa bị chà đạp và không còn nguyên vẹn tại Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, trái với những tuyên bố và hành động của mình trong quá khứ, ĐCSTQ đã sử dụng hình ảnh của nhà hiền triết Khổng Tử như một công cụ để thâm nhập vào xã hội phương Tây dưới chiêu bài “dạy tiếng Trung” – đó là thành lập Viện Khổng Tử.

Viện Khổng Tử – vũ khí quyền lực mềm của Trung Quốc trong ngoại giao

Được thành lập vào năm 2004 với chi phí lên đến hàng trăm triệu USD, Viện Khổng Tử tuyên bố mục tiêu của họ là học hỏi và giao lưu văn hóa. Thoạt nhìn vào mục tiêu này thì nó không khác mấy với các học viện ngôn ngữ và văn hóa khác trên thế giới như British Council của Anh, Aliances Françaises của Pháp, Goethe của Đức, … đều giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa để giao lưu văn hóa và gắn kết các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, nếu xét đến nguồn gốc và hoạt động của Viện Khổng Tử trong hơn một thập kỷ qua, không khó để người ta thấy thực tế tuyên bố của Viện này chỉ là mục tiêu trên bề mặt và hoạt động của nó còn thâm độc nguy hiểm hơn nhiều.

Khác với các viện khác ở phương Tây như Anh, Pháp, Đức,… được thành lập độc lập bên ngoài trường học và cung cấp các khóa học ngoại khoá, Viện Khổng Tử được thành lập bên trong các trường đại học, cao đẳng và chịu toàn quyền kiểm soát của Ban Hán Ngữ – cơ quan của Bộ Giáo dục Trung Quốc.  Hội đồng Điều hành Ban Hán Ngữ dưới sự chỉ đạo của ĐCSTQ sẽ quyết định nội dung giảng dạy, tuyển dụng – đào tạo đội ngũ nhân viên, đầu tư ngân sách, quyết định cơ cấu tổ chức và hoạt động của Viện Khổng Tử.

Viện Khổng Tử được xem là một trong những kế hoạch chính của nhà cầm quyền đương đại nhằm tăng cường quyền lực mềm – đó là truyền bá chính sách, đường lối, tư tưởng của ĐCSTQ ra nước ngoài. Vào năm 2011, giám đốc Ban Hán ngữ – bà Từ Lâm (Xu Lin) – đã nói về vai trò của Viện Khổng Tử là “gánh vác nhiệm vụ gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc, không chỉ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới mà còn mở rộng lợi ích chiến lược”.

Trong nhiều năm qua, các báo cáo nghiên cứu, điều tra của các cá nhân, tổ chức ở Mỹ và Canada đều chỉ ra mục tiêu “học hỏi và giao lưu văn hóa”, “giảng dạy tiếng Trung [giản thể]” của Viện Khổng Tử thực chất chỉ là bức bình phong che đậy cho một sự thật lớn hơn: Tổ chức này đóng vai trò là công cụ truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ đến nền giáo dục phương Tây, gây ảnh hưởng và định hướng luận đàm học thuật, hoạt động gián điệp ngầm và kiểm soát quyền tự do ngôn luận tại nước ngoài.

Viện Khổng Tử – công cụ truyên truyền và kiểm duyệt của Trung Quốc tại nước ngoài

Vai trò tuyên truyền và kiểm duyệt của Viện Khổng Tử dưới chiêu bài “dạy tiếng Trung” đã được chính Trung Quốc thừa nhận trong một phát ngôn vào tháng 9 năm 2010 của ông Lưu Vân Sơn – Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền vào thời điểm đó: “Phối hợp công tác nỗ lực tuyên truyền ở nước ngoài và trong nước, đẩy mạnh việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho chúng ta [ĐCSTQ]. Công tác tuyên truyền ở nước ngoài nên “toàn diện, đa cấp độ và rộng khắp”… Chúng ta nên thực hiện việc kiểm soát và quản lý các nhà báo nước ngoài; chúng ta nên dẫn dắt họ báo cáo về Trung Quốc khách quan và thân thiện… Chúng ta cần chủ động thực hiện các cuộc chiến tuyên truyền quốc tế chống lại các vấn đề như Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan, Nhân quyền và Pháp Luân Công. Chiến lược của chúng ta là chủ động đưa văn hóa của chúng ta [ĐCSTQ] ra nước ngoài… Chúng ta nên làm tốt trong công tác thiết lập và vận hành các trung tâm văn hóa và các Viện Khổng Tử ở nước ngoài”.

Nắm toàn quyền quyết định nội dung giảng dạy của Viện Khổng Tử, ĐCSTQ đã kiểm duyệt những chủ đề bị cho là “nhạy cảm” và bất lợi thông qua việc cấm Viện Khổng Tử giảng dạy, thảo luận về các chủ đề như Tây Tạng, Đài Loan, cuộc Thảm sát Thiên An Môn, hệ thống trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc, Pháp Luân Công,… Trong hơn một thập kỷ qua, Viện Khổng Tử đã gây áp lực lên các đại học phải kiểm duyệt chương trình, đặt điều kiện giáo viên và sinh viên được nói và không được nói những gì, truyền bá lịch sử, tư tưởng, chính sách với phiên bản được “tẩy trắng” của nhà cầm quyền Trung Quốc. Vì thế, môi trường học thuật tại một số trường đại học đã không còn tính độc lập và cởi mở, tự do học thuật bị kiểm soát, sinh viên được truyền dạy những điều đã bị bóp méo – nói đúng hơn đó là phiên bản tẩy trắng về Trung Quốc mà chế độ Trung Cộng là biên kịch.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến về vấn đề Viện Khổng Tử kiểm soát môi trường đại học là trường hợp Viện Khổng Tử ở Isarel đã cản trở buổi triển lãm nghệ thuật “Chân – Thiện – Nhẫn” của các sinh viên là người học Pháp Luân Công. Vào tháng 3/2008, các sinh viên trường đại học Tel Aviv lên kế hoạch tổ chức buổi triển lãm “Nghệ thuật Chân – Thiện –  Nhẫn”, được biết buổi triển lãm này trưng bày bộ sưu tập các bức tranh mô tả các học viên Pháp Luân Công và cuộc bức hại tàn khốc ở Trung Quốc. Lãnh sự quán Trung Quốc đã can thiệp bằng cách gây áp lực kinh tế lên đại học Tel Aviv bằng hình thức ngừng các khoản tài trợ của Viện Khổng Tử cho đại học này. Buổi triển lãm đã buộc phải dừng sau hai ngày mở cửa. Sau đó, tòa án địa phương đã xác định rằng lệnh dừng cuộc triển lãm từ Đại học Tel Aviv là do áp lực kinh tế và chính trị từ Lãnh sự quán Trung Quốc. Tòa án đã ra lệnh cho Đại học Tel Aviv tổ chức buổi triển lãm nghệ thuật trong một tuần và phải bồi thường 10.000 USD cho những người tổ chức buổi triển lãm.

Ngoài ra, vai trò là “cái loa” tuyên truyền của ĐCSTQ của Viện Khổng Tử tại nước ngoài có thể thấy rõ qua trường hợp giám đốc Viện Khổng Tử tại Nga đã lặp lại tuyên truyền dối trá bôi nhọ Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Nikolay Kukharenko là giám đốc của Viện Khổng Tử tại Đại học Quốc gia ở Blagoveshchensk ở Nga. Vào năm 2010, trên một trang web tiếng Nga mới được thành lập, Kukharenko đã đăng tải các nội dung phỉ báng Pháp Luân Công và báo The Epoch Times với nguồn trích dẫn từ truyền thông nhà nước Trung Quốc. Màn tung hứng giữa Kukharenko và chế độ Trung Cộng sau đó còn được thể hiện qua việc bài viết của Kukharenko được trích dẫn trên một trang web vận hành bởi nhà cầm quyền Trung Quốc vào năm 2013.

Vấn đề Viện Khổng Tử tuyên truyền giả dối, gieo rắc lòng thù hận tại hải ngoại, kiểm soát và định hướng luận đàm học thuật đã bị giới tri thức ở xã hội phương Tây chú ý và phản đối. Ông Norman Baker, cựu Bộ trưởng nước Anh xem “Học viện Khổng Tử như một con ngựa thành Troy, nó tạo ra một hình tượng có lợi đối với ĐCSTQ. Nó khiến người ta e ngại khi ĐCSTQ sử dụng tổ chức này để truyền bá những thông tin sai lệch”.

Chính sách phân biệt đối xử và làn sóng đóng cửa Viện Khổng Tử trên thế giới

Tất cả “giáo viên” làm việc tại Viện Khổng Tử đều phải chịu sự kiểm tra và giám sát chặt chẽ từ những cơ quan chuyên trách của ĐCSTQ. Tiêu chí tiên quyết trong việc tuyển dụng nhân sự của Viện Khổng Tử là cá nhân đó không được tập luyện Pháp Luân Công, giáo viên phải tuyên bố mình không phải là học viên Pháp Luân Công và không tham gia vào các hoạt động liên quan [ủng hộ] Pháp Luân Công. Tuy nhiên, khi chính sách phân biệt đối xử, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng này áp đặt lên các trường đại học và họ phải thực hiện để không phật lòng Bắc Kinh thì nó đã xâm phạm đến các giá trị minh bạch phổ quát như tự do học thuật, tự do nghiên cứu thảo luận, không phân biệt đối xử ở phương Tây, dẫn đến làn sóng phản đối và đóng cửa Viện Khổng Tử trên thế giới.

“Không có nghi ngờ gì về việc các Viện Khổng Tử là một phần của chiến dịch quyền lực mềm của chế độ Trung Cộng”, ông Sonny Shiu-Hing Lo, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Waterloo, Canada.

Theo bà Marci Hamilton, Chủ tịch Paul R. Verkuil khoa Luật Công của Đại học Yeshiva ở New York, các Viện Khổng Tử phải tuân theo các đạo luật chống phân biệt đối xử của Mỹ. “Nó [chính sách phân biệt đối xử của Viện Khổng Tử] thật trắng trợn. Đó là vô đạo đức và bất hợp pháp trong thế giới tự do. Quan niệm rằng tại Mỹ hay Canada, chúng ta phải chịu đựng nó đơn giản vì chính sách đó bắt nguồn từ một nước khác là sai”. Bà cho biết đạo luật chống phân biệt đối xử có thể được áp dụng trong trường hợp này khi có cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp Mỹ hay một vụ kiện riêng của một cá nhân bị phân biệt đối xử.

Vụ kiện mà bà Hamilton nói đến đã xảy ra sau đó vào năm 2011 tại Canada, nó đã đã mở đầu cho làn sóng đóng cửa Viện Khổng Tử tại Bắc Mỹ và được tái hiện trong bộ phim nổi tiếng In the Name of Confucius của đạo diễn người Canada – Doris Liu. Một giáo viên tại Viện Khổng Tử của Đại học McMaster ở Canada từ chức vào năm 2011 đã kiện Đại học McMaster tại Toà án Nhân quyền Ontario vì vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng tôn giáo của cô ấy. Cô đã chỉ ra rằng trong hợp đồng mà cô ký kết với Viện Khổng Tử, có những quy định cấm cô tập luyện Pháp Luân Công và Đại học McMaster đã thụ động trong vấn đề này khiến sự phân biệt đối xử ấy được “hợp pháp hóa”. Vào tháng 2 năm 2011, Đại học McMaster cho biết trong một tuyên bố rằng “Các quy định trong quyết định tuyển dụng ở Trung Quốc không phản ánh các hoạt động tuyển dụng thông thường của trường đại học. Nhiều cuộc thảo luận đã được tổ chức với các quan chức của Viện Khổng Tử để xem xét các giải pháp khả thi nhưng không thể tìm ra cách giải quyết thỏa đáng”. Cuối cùng, vào tháng 7 cùng năm, Đại học McMaster quyết định không gia hạn hợp đồng với Viện Khổng Tử và đóng cửa tổ chức này.

Người dân Canada phản đối hoạt động của Viện Khổng Tử tại Canada, kêu gọi Hội đồng giáo dục Toronto (TDSB) ngừng hợp tác với Viện Khổng Tử. Ngày 29/10/2014, TDSB đã tuyên bố ngừng hợp tác với Viện Khổng Tử. Ảnh chụp màn hình từ trailer phim In the Name of Confucius.

Tại Canada, ngoài Đại học McMaster, Đại học Manitoba và Đại học British Columbia quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử, Hiệp hội Giảng viên các Trường Đại học của Canada (CAUT) – cơ quan đại diện cho hơn 70.000 người trong giới học thuật nước này – đã thông qua một nghị quyết vào năm 2013 chấm dứt tất cả các mối quan hệ với các Viện Khổng Tử vì sức ảnh hưởng mạnh mẽ của ĐCSTQ lên tổ chức nhân danh nhà hiền triết này. James Turk, Giám đốc điều hành của CAUT đã nói: “Khi đồng ý với việc lập ra các Viện Khổng Tử, các trường đại học và cao đẳng của Canada đang làm tổn hại chính họ khi cho phép Hội đồng Hán ngữ Quốc tế có được tiếng nói trong một số vấn đề của nhà trường, chẳng hạn như trong chương trình giảng dạy, các văn bản và các chủ đề của các cuộc thảo luận trong lớp”, ông Turk giải thích: “Việc can thiệp như vậy là sự vi phạm cơ bản quyền tự do học thuật”.

Sự kiện Viện Khổng Tử bị phản đối ở Canada đã tạo ra làn sóng đóng cửa Viện Khổng Tử trên thế giới. Nhiều trường đại học đã quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử như Đại học Lyon (Pháp), Đại Học Stockholm (Thụy Điển), Đại học Sydney (Úc),… Một ví dụ cụ thể có thể nói đến là Viện Khổng Tử tại Đại học Stockholm là Viện Khổng Tử đầu tiên được Trung Quốc thành lập tại châu Âu. Tuy nhiên, sự kiểm duyệt và phân biệt đối xử tự do tín ngưỡng của Viện này đã dẫn đến việc Đại học Stockholm quyết định đóng cửa tổ chức này. Vào năm 2006, Trung tâm Asia Pacific của Đại học Stockholm đã lên kế hoạch mời ông Erping Zhang như một học giả thỉnh giảng tại trường; ông Erping Zhang có năm bằng cấp trong đó gồm bằng Thạc sĩ Quản lý công của một trong những ngôi trường danh giá thế giới – Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.  Tuy nhiên, Viện Khổng Tử đã cố gắng ngăn cản Đại học Stockholm mời ông Erping Zhang bằng cách gửi email cáo buộc ông Zhang không phải là học giả, lý do thật sự đằng sau là vì công việc tình nguyện của ông Zhang tại Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ở Mỹ.

Theo bà Jocelyn Chey – nhà ngoại giao và là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Sydney, việc để Viện Khổng Tử ở trường đại học là gây khó khăn cho giới học thuật trong việc duy trì sự độc lập và tự do.

Hoạt động gián điệp dưới chiêu bài học thuật bị bại lộ

Không chỉ đóng vai trò là vũ khí quyền lực mềm của chế độ Trung Cộng để truyền bá tư tưởng của ĐCSTQ đến nền giáo dục phương Tây, kiểm soát, gây ảnh hưởng và định hướng luận đàm học thuật, Viện Khổng Tử còn dính liếu đến hoạt động gián điệp, ăn cắp trí tuệ, thu thập thông tin tình báo để Trung Quốc hiện thực hóa dã tâm là “cường quốc” kiểm soát thế giới.

Cơ quan tình báo của Canada đã từng cảnh báo về việc Viện Khổng Tử có dính liếu đến các phi vụ tình báo của ĐCSTQ tại hải ngoại. Vào tháng 10/2014, trong cuộc họp ban quản lý Hội đồng Trường Phổ thông Toronto, ông Michel Juneau-Katsuya, cựu Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Cơ quan Tình báo An ninh Canada đã phát biểu rằng “Các cơ quan phản gián phương Tây nhận diện các Viện Khổng Tử là hình thức cơ quan gián điệp được chính phủ Trung Quốc sử dụng để thu thập tin tức tình báo”.

Sau sự kiện hàng loạt Viện Khổng Tử bị phản đối và đóng cửa tại Canada, chiêu bài học thuật của ĐCSTQ đã bị bại lộ và không còn tác dụng tại đất nước lá phong này. Chế độ Trung Cộng hướng trọng tâm mở rộng quyền lực mềm và thu thập tin tình báo đến nước láng giềng của Canada – Mỹ, đối thủ mạnh nhất của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, mặc dù số lượng Viện Khổng Tử ở Mỹ là nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác nhưng chế độ Trung Cộng lại thất bại trong việc duy trì hình ảnh của mình qua Viện Khổng Tử tại xứ sở cờ hoa. Tương tự Hiệp hội Giảng viên các Trường Đại học của Canada (CAUT), Hiệp hội Giáo sư các trường Đại học của Mỹ (AAUP) đã thôi thúc các trường đại học không hợp tác với Viện Khổng Tử. Tiếp bước AAUP, một số trường đại học hàng đầu của Mỹ như Đại học Chicago, Đại học Pennsylvania đã đóng cửa Viện Khổng Tử.

Một tuần trước khi phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các mối đe doạ trên toàn thế giới diễn ra, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida đã viết thư cho 5 tổ chức ở Florida – Miami Dade College và các trường đại học North Florida, South Florida và West Florida cũng như trường trung học Cypress Bay ở Broward County – yêu cầu họ đóng cửa Viện Khổng Tử.

Trong phiên điều trần ngày 13/2/2018, Giám đốc FBI – ông Christopher Wray – đã cảnh báo giới học thuật về việc gián điệp Trung Quốc đang hoạt động trong các trường đại học, cao đẳng của Mỹ; cụ thể ông cho biết Trung Quốc tích cực đưa tình báo vào các trường đại học như những “giáo sư, người làm khoa học, sinh viên”, 56 văn phòng địa phương trên toàn quốc của FBI đang phải theo dõi họ và FBI cũng “thận trọng theo dõi” hoạt động của các Viện Khổng Tử tại Mỹ. Đồng thời, ông bày tỏ mối quan ngại về sự ngây thơ của nhiều người trong giới hàn lâm trước hoạt động gián điệp ngày càng tinh vi của Trung Quốc không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn trong giới hàn lâm. Việc các trường đại học hợp tác với Viện Khổng Tử gây ra những nguy cơ tiềm ẩn không chỉ xâm phạm những giá trị phổ quát của Mỹ mà còn về mặt an ninh quốc gia, vị giám đốc FBI nói rằng “Tôi nghĩ sự ngây thơ của giới hàn lâm về vấn đề này tạo ra những khó khăn riêng của nó. Trung Quốc đang khai thác môi trường nghiên cứu và phát triển cởi mở của Mỹ, đó là môi trường mà tất cả chúng ta đều trân trọng. Nhưng họ [Trung Quốc] đang lợi dụng nó”.

Nếu như các quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền là đối tượng hàng đầu mà Đạo luật Magnisky nhắm đến và được chuyên gia phân tích đánh giá đó là thông điệp mà Mỹ muốn gửi đi – “America first” không có nghĩa là Mỹ không quan tâm đến những gì diễn ra trên thế giới, thì lần này với việc FBI quyết định điều tra Viện Khổng Tử – tổ chức được ĐCSTQ sử dụng như một trung tâm gián điệp nguy hiểm thâm nhập vào xã hội phương Tây – cho thấy Mỹ không làm ngơ trước dã tâm muốn kiểm soát thế giới của Trung Quốc. Giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia (ODNI), ông Dan Coats, nói rằng Trung Quốc có một mục tiêu chiến lược dài hạn để trở thành một cường quốc thế giới, đồng thời ông cho biết “Tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đang phân tích ý định của Trung Quốc một cách tổng hợp nhất”. 

_____

Nguồn tham khảo:

1. Miami Herald: The FBI is investigating Confucius Institute

2. McClatchy DC Bureau: FBI says Chinese operatives active at scores of U.S. universities

3. WOIPFG: Investigative Report on the Confucius Institute 

4. The Epoch Times:

5. Foreign Policy: American Universities Are Welcoming China’s Trojan Horse

6. Tuổi Trẻ: Vì sao giảng đường Mỹ, Canada đóng cửa Viện Khổng Tử?

Liên quan đến chủ đề Viện Khổng Tử bị FBI điều tra, quý đọc giả quan tâm có thể đọc thêm bài viết “Ổ tình báo” núp danh Viện Khổng Tử của Trung Quốc chính thức bị điều tra trên Blog Thiên Hà.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular