Đừng nghĩ Việt Nam đang đánh đuổi công nghệ nước ngoài

0
833
Đang có rất nhiều ý kiến tranh luận về vụ Vinasun kiện Grab. Ảnh minh họa

Hồ Hữu Hoành

“…Đến nay, đa số ý kiến tôi đọc được về vụ Vinasun kiện Grab đều bênh Grab và cho rằng Vinasun kiện không có cơ sở, đang kéo lùi lịch sử. Lý do được đưa ra là Grab ứng dụng công nghệ nên rẻ hơn, chất lượng tốt, nhờ thế thu hút được khách hàng.

Trước tiên, cần khẳng định rằng, khởi kiện là quyền Hiến định mà Vinasun có thể sử dụng và là cách làm văn minh hơn rất nhiều so với chăng biểu ngữ ngoài đường. Kể cả khi yêu cầu của Vinasun là vô lý, không có cơ sở thì cũng phải tuyên dương họ chọn cách làm văn minh. Còn nếu Toà án cho rằng họ sai, họ sẽ phải chịu án phí.

Còn về chuyện giá cước của Grab “rẻ hơn” thì cần cân nhắc kỹ. Trong nền kinh tế, việc một doanh nghiệp bán hàng rẻ hơn đối thủ cạnh tranh có thể xuất phát từ hai nguyên nhân chính.

Nguyên nhân thứ nhất là chi phí kinh doanh của họ thấp hơn từ đó dẫn đến giá bán hàng hoá, dịch vụ rẻ hơn. Nguyên nhân thứ hai là họ cố tình đưa ra giá thấp hơn đối thủ và thấp hơn cả chi phí kinh doanh của mình, với mục đích là để loại bỏ đối thủ, từ đó trở nên độc quyền trên thị trường (mà nhiều người gọi nôm na là bán phá giá).

Về chi phí kinh doanh, không thể phủ nhận việc Grab ứng dụng công nghệ nên có chi phí điều hành, hiệu quả sử dụng xe cao hơn so với taxi, nên họ có điều kiện để giảm giá mà taxi không thể làm được. Điều này không ai phủ nhận, kể cả các hãng taxi truyền thống.

Nhưng ngoài ra, chi phí kinh doanh của Grab cũng thấp hơn các hãng taxi do chi phí tuân thủ pháp luật của họ thấp hơn. Điều này có thể thấy rất rõ khi đọc các quy định quản lý taxi. Ví dụ, taxi phải có mào và phải đăng ký mầu sơn; Taxi phải có đồng hồ tính tiền và phải được kiểm định định kỳ; Taxi có niên hạn sử dụng xe ngắn hơn, có thời hạn đăng kiểm ngắn hơn; Taxi phải đăng ký giá cước với Sở Tài chính, muốn điều chỉnh giá phải báo trước 15 ngày; chứ không linh hoạt từng giây như Grab; số lượng xe taxi bị giới hạn bởi quy hoạch mỗi tỉnh, không thể tự do thêm bớt xe như Grab; cách đây ít lâu taxi bị cấm đi vào một số tuyến đường còn Grab thì không, v.v…

Nhiều người nói Vinasun mà thắng kiện thì báo giấy kiện báo điện tử, truyền hình kiện internet, trâu kiện máy cày… Lập luận này rất buồn cười.

Đầu tiên vẫn phải nói, kiện là quyền của báo giấy, của truyền hình và của trâu, nếu họ sẵn sàng mất án phí khi thua. Tiếp theo, nếu báo điện tử, internet, máy cày thắng trên thương trường thuần tuý vì họ có ưu điểm về công nghệ, về sự thuận tiện, về chi phí thấp thì họ không việc gì phải sợ. Nhưng nếu họ tiêu diệt đối thủ bằng những thủ đoạn kinh doanh như gièm pha, bán phá giá… thì họ vẫn xứng đáng bị xử lý…

… Trước khi sáp nhập với Uber, mức giá của Grab đưa ra thấp đến mức khó tin. Có rất nhiều cuốc xe tôi đi mà tiền cước chắc chắn không đủ để trả tiền xăng, chứ đừng nói gì đến trả thù lao cho tài xế, khấu hao xe, chi phí vận hành phần mềm, chi phí quảng cáo, marketing…

Grab liên tục báo lỗ tại Việt Nam. Khoản lỗ này không phải là tiền cho không người tiêu dùng Việt Nam, mà mục đích nhằm lôi kéo tối đa người tiêu dùng, nhanh chóng chiếm thị phần để từ đó vươn lên vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền.

Vụ sáp nhập với Uber có thể xem là một thành công của Grab khi loại bỏ được một đối thủ cạnh tranh. Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh đã có kết luận sơ bộ về việc thương vụ mua bán này vi phạm luật cạnh tranh. Chúng ta đang chờ kết luận cuối cùng của Cục. Cũng cùng thương vụ này ở Singapore, Chính phủ nước này đã phạt Grab gần 10 triệu đô la.

Như vậy, không thể bỏ qua nguy cơ rằng, yếu tố giá rẻ của Grab đến cả từ việc hãng này đang “bán phá giá”. Nếu điều này đúng, các hãng taxi có thể yêu cầu đòi bồi thường…”

P/s: các bạn ghét Vinasun cũng được, nhưng mà thỉnh thoảng… cũng nên bình tĩnh một chút, chứ ko thì tự nhuộm màu làm bò xanh của các agency…

363450cookie-checkĐừng nghĩ Việt Nam đang đánh đuổi công nghệ nước ngoài