BTV Tiếng Dân
Năm ngày sau vụ thảm sát ở Đồng Tâm, chính quyền đã leo thang thêm bước nữa trong việc đàn áp người dân. Ngày 13/1/2020, Công an TP Hà Nội đã khởi tố ông Lê Đình Công, con trai cụ Lê Đình Kình, là người đã thiệt mạng trong vụ thảm sát Đồng Tâm rạng sáng 9/1, cùng 19 người về tội “Giết người”.
VnExpress đưa tin: 20 người bị điều tra hành vi giết người ở Đồng Tâm. Bên cạnh ông Lê Đình Công, những người khác bị khởi tố gồm: Lê Đình Uy, Lê Đình Doanh, Lê Đình Quang, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tiến, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Bùi Thị Đục, Bùi Thị Nối, Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Thị Lụa, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân, Trần Thị La, Trịnh Văn Hải.
Công an còn khởi tố bị can đối với Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến về tội “Chống người thi hành công vụ”, tạm giam Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim, Nguyễn Thị Dung với cùng tội danh.
Theo bài báo, sáng 13/1, các ngả đường ra vào khu vực Thôn Hoành, xã Đồng Tâm vẫn bị phong toả. Lực lượng chức năng tiếp tục chốt chặn tại đầu đường tỉnh 429, gần UBND xã Phúc Lâm, cách Đồng Tâm hơn 4 km.
Tối 13/1, VTV phát một phóng sự ngắn, cho thấy hình ảnh của 3 người thân và một cộng sự của cụ Kình, gồm các ông Lê Đình Công, Lê Đình Doanh, Lê Đình Quang, lên TV “nhận tội”, với gương mặt bị đánh bầm tím. Mời xem clip “nhận tội” của VTV:
Báo Dân Trí tổng hợp bản tin nói trên về vụ Đồng Tâm: Lời khai của Lê Đình Công. Công an đã tìm được cách để 4 người này phải ra trước ống kính thừa nhận, họ đã “mua vũ khí”, chủ yếu gồm lựu đạn và vật dụng chế tạo bom xăng để ném vào công an. Ngoài ra, họ còn khai những chi tiết chống lại cha, chú của mình.
Đây là thủ đoạn tuyên truyền quen thuộc của VTV, một công cụ của nhà cầm quyền, qua đó có thể thấy, nhà cầm quyền xem thường pháp luật do chính họ đặt ra. Khi người dân bị thẩm cung mà không có luật sư bên cạnh, có ai dám bảo đảm rằng họ không bị bức cung? Hình ảnh người dân Đồng Tâm với gương mặt bị đánh bầm dập, khai trước ống kính TV, là bằng chứng tố cáo luật rừng của chế độ này.
Đến sáng 14/1/2020, trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, tổ chức họp báo, cung cấp một số thông tin về vụ cưỡng chế – thảm sát ở Đồng Tâm. Zing đặt câu hỏi: Chuyện gì xảy ra ở Đồng Tâm rạng sáng 9/1?
Nói là họp báo công bố thông tin, nhưng tướng Quang chủ yếu vu khống “Tổ Đồng thuận” của cụ Kình mà không hề có sự chất vấn thông tin từ các phóng viên báo chí. Tướng Lương Tam Quang phát biểu: “Số này ráo riết chuẩn bị phương án, vũ khí để chuẩn bị chống đối. Họ có ý định bắt cán bộ, gây cháy nổ UBND xã để gây tiếng vang với dư luận bên ngoài”.
Về cái chết của 3 viên công an gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh, đại úy Phạm Công Huy và thượng úy Dương Hoàng Đức Quân, tướng Quang kể rằng nhóm này đã đuổi bắt người thân cụ Kình trên trần tầng 1 của nhà (không rõ nhà ai) và “đã bị ngã xuống hố kỹ thuật” sâu gần 4 m: “Lập tức các đối tượng đã sử dụng bom xăng, đổ xăng ra can, tưới xuống và đốt. Cái này qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đã khai nhận”.
Trước đó, rất nhiều tuyên truyền viên, dư luận viên lan truyền tin đồn rằng đó là cái hố chông có rải nhiều mảnh sành, thì hôm nay tướng Quang phải đính chính, rằng dưới hố không hề có chông hay mảnh sành. Nhưng Quang vẫn không thừa nhận sự thật là cái hố đó đã có từ lâu, chứ không phải do gia đình cụ Kình đào để chiến đấu với công an.
BBC lưu ý một chi tiết quan trọng trong thông báo của công an về vụ Đồng Tâm: Bộ Công an Việt Nam nói ‘không có lệnh bắt giữ” khi ‘lực lượng vào thôn Hoành’. Tướng Quang thừa nhận, “hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ” và “không có lệnh bắt giữ” nhưng vẫn tìm cách ngụy biện hành vi sát hại cụ Kình, cũng như đàn áp, tra tấn người thân của cụ và dân thôn Hoành.
Chi tiết người dân Đồng Tâm “ném lựu đạn” vào công an được tướng Quang tận dụng triệt để, nhằm biện minh cho hành động hành hung, sát hại dân, dù không hề có hình ảnh, bằng chứng nào đưa ra để chứng minh lời Quang nói.
Facebooker Tráng Nguyễn viết: Công an lại trở mặt “nhanh như người yêu cũ” trong vụ Đồng Tâm. Về lời giải thích của tướng Quang cho câu chuyện cụ Kình “tấn công” vào một chốt tuần tra của CSCĐ, Tráng Nguyễn viết:
“Thực chất, chốt này là chốt 16, xác định đóng chốt ở cổng thôn Hoành. Khi chốt 16 cách cổng thông Hoành khoảng 50 mét thì các đối tượng đã sử dụng lựu đạn tấn công anh em. Quả này nổ, nhưng anh em đã được đề phòng”. Ông Tráng bình luận, đây là lần thứ 3 công an đổi kịch bản cho câu chuyện mà trong đó một ông lão đi lại khó khăn vì bị đánh gãy chân, có thể nhanh chóng vượt quãng đường 2km trong đêm để tấn công CSCĐ!?
Vụ án Nọc Nạng: Nông dân giết người để bảo vệ đất đai, được tuyên trắng án
Đến đây, cần nhắc lại vụ án đồng Nọc Nạng, là vụ tranh chấp đất đai xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào, quan chức thực dân Pháp cùng tham quan của chính phủ Nam Kỳ. Khoảng 7h sáng 16/2/1928, hai viên cảnh sát Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại.
Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình Biện Toại ra chứng kiến, nhưng khi thấy cô Nguyễn Thị Trong là phụ nữ và còn nhỏ tuổi thì cho rằng cô Trong không thể làm chứng và đã hành hung cô này. Anh em Biện Toại, Mười Chức liền xông ra và dùng lưỡi mác đâm trúng bụng Tournier. Bouzou rút súng bắn bị thương nặng 4 người phía Biện Toại, rồi lại lấy súng của Tournier, bắn tiếp, làm nhiều người thương vong, rồi bỏ chạy.
Đến ngày 17/8/1928, Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạng, Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, các luật sư biện hộ cho gia đình Biện Toại là người Pháp, gồm Tricon và Zévaco. Kết quả: Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng; cô Nguyễn Thị Trong, tuy nhận án 6 tháng tù nhưng được tha vì đã bị tạm giam đủ thời gian; Miều (chồng Liễu) nhận án 2 năm tù vì tiền án ăn trộm.
Sách sử “lề đảng” về giai đoạn thực dân thường tìm mọi cách sỉ nhục các viên chức Pháp nhưng bỏ qua sự kiện này, vì nó cho thấy, ngay cả một chính phủ thuộc địa vẫn có tòa án xử rất nghiêm minh. Trong vụ án Nọc Nạng có người chết là sĩ quan Pháp, Chánh án và công tố viên đều là người Pháp, nghĩa là về lý thuyết, phía Biện Toại hầu như không có phần thắng, nhưng kết quả họ được tha bổng, chỉ có một án tù 2 năm duy nhất nhưng không liên quan đến vụ án.
Trong khi một chính phủ thuộc địa đã xử án người dân Việt công tâm như vậy, thừa nhận quyền bảo vệ đất đai của người dân, thì chính quyền “cộng hòa XHCN”, mang tiếng “của dân, do dân, vì dân” lại tìm mọi cách đẩy dân vào đường cùng. Họ không chịu nhận sai khi đem quân đến đàn áp dân vào lúc trời chưa sáng, rồi buộc dân tội giết người và quyết ăn thua đủ với dân, trong khi chính họ cũng đã ra tay sát hại dân.
Nhận định về vụ án Đồng Tâm:
Đến thời điểm này, tối 14/1/2020, phía công an CSVN đã khiến mâu thuẫn Đồng Tâm không thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình nữa. Họ sát hại rồi vu khống cụ Kình đã đành, họ còn tiếp tục đàn áp và truy tố người thân cụ Kình. Tự họ đã lột mặt nạ, cho người dân thấy rõ bản chất của lũ cường hào, ác bá, đẩy dân đến đường cùng.
Công an, quân đội CSVN và dư luận viên của chế độ có thể cho rằng, họ đã thắng trong vụ này. Nhưng đó chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài, công an CSVN không đạt được bất cứ “chiến thắng” nào trong vụ này cả. Thứ nhất: Họ đã chứng minh cho dân thấy luật ở VN vẫn là “luật rừng”, tự họ đặt ra luật không thực hiện cưỡng chế đất đai từ 22 giờ đến 6 giờ, rồi chính họ làm trái luật đó nhưng không ai phải chịu trách nhiệm.
Có một bộ phận tuyên truyền viên lập luận rằng, vụ công an bao vây thôn Hoành là để “bắt tội phạm” chứ không phải cưỡng chế. Đó là ngụy biện cho cái sai này bằng cái sai khác, còn nghiêm trọng hơn. Nếu cụ Kình là “tội phạm” và vụ đột kích vào Đồng Tâm là để bắt tội phạm, thì bắt buộc công an phải có lệnh khởi tố, lệnh bắt bị can có sự phê chuẩn của viện kiểm sát, thay vì mang 3000 quân vào làng lúc 2-3h sáng để bắn giết dân lành vô tội.
Thứ hai, trước khi vụ thảm sát Đồng Tâm diễn ra, vẫn còn khả năng giải quyết các bất đồng giữa chính quyền và người dân bằng biện pháp hòa bình, phi bạo lực. Mặc dù các phong trào phản kháng bất bạo động bị đàn áp rất khốc liệt, nhưng khả năng thay đổi trong hòa bình vẫn còn. Nhưng sau vụ công an sử dụng bạo lực đối với dân như vậy, thì chính quyền đã đẩy dân đến ranh giới giữa bất bạo động và bạo động.
Từ khi mâu thuẫn Đồng Tâm nổ ra hồi năm 2017 đến nay, cụ Kình nói riêng, người dân Đồng Tâm nói chung, đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với các nhóm dân oan mất đất từ miền Bắc (nhất là nhóm Dương Nội) đến miền Nam (như nhóm Thủ Thiêm). Thời khắc bi thảm này của gia đình cụ Kình càng khiến dân oan hiểu ra sự vô nghĩa của lựa chọn dùng pháp lý để đấu tranh với các thế lực cường hào, ác bá. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu dân oan cả nước chọn phương án bạo động để đáp trả các cơ quan công quyền?
_____
Mời đọc thêm: Đồng Tâm: Trước Tết, công luận Việt Nam chia rẽ sâu sắc(BBC). – Cụ Lê Đình Kình được mai táng; trong khi 22 người dân Đồng Tâm bị khởi tố (RFA). – Đám tang ông Kình bị ‘giám sát chặt’; vợ cáo buộc cảnh sát đánh đập (VOA). Báo “lề đảng”: Bộ Công an giải thích lý do đưa cảnh sát đến Đồng Tâm (VNE). – Nhóm “Đồng thuận” đã chuẩn bị bắt giữ cán bộ, phá hủy cây xăng Miếu Môn (HNM). – Vụ Đồng Tâm: Khởi tố 22 bị can về hành vi giết người, chống người thi hành công vụ (TN).