Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
Ý kiến phản hồi bài viết về nhóm Đồng Thuận của tác giả Lê Văn Bảy và nói, trước khi phê phán dân Đồng Tâm, cần nhìn lại quá trình từ trước 2017.
Ngày 19/1/2020, BBC Tiếng Việt có đăng bài viết của tác giả Lê Văn Bảy, từ Sài Gòn, có tựa đề “Cụ Kình và những mạng người đánh đổi đất ở Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?“. Trong đó tác giả Lê Văn Bảy cho rằng, người dân Đồng Tâm “hung hăng”, “hung tợn”, “hiểu biết về pháp luật quá nông cạn”… Tóm lại, thảm kịch Đồng Tâm xảy ra lỗi là do dân Đồng Tâm.
Phương pháp lập luận của ông Lê Văn Bảy là chỉ xem các video clip mà người dân Đồng Tâm quay lên, trong đó có những lúc những thủ lĩnh của dân Đồng Tâm hô hào sẵn sàng đổ máu, giết người để giữ đất.
Trước hết, tôi đồng ý với tác giả Lê Văn Bảy là “thời này không thể dùng bạo lực”. Nhưng tác giả Lê Văn Bảy mới nhấn mạnh có một ý là “Người dân lại càng không thể thách thức dùng bạo lực với chính quyền.”
Tôi muốn nhấn mạnh rõ chiều ngược lại là, nhà cầm quyền cũng không được dùng bạo lực với dân một cách bất hợp pháp.
Nhà cầm quyền đã dùng bạo lực trước
Cần nhắc lại biến cố Đồng Tâm vào tháng 4/2017, trong khi quá trình phân giải tranh chấp đang diễn ra thì nhà cầm quyền đã lừa cụ Lê Đình Kình ra đồng Sênh rồi đạp gãy chân cụ, sau ba ngày mới cho cụ đi cấp cứu. Thủ phạm sự việc này không hề được hệ thống bảo vệ pháp luật của nhà cầm quyền làm sáng tỏ.
Chính từ việc lừa dối dân và sử dụng bạo lực với dân trước, ở đây là với một cụ già, một đảng viên cộng sản lão thành được dân kính trọng, cho nên dân không còn tin vào nhà cầm quyền. Sau đó dân đã nổi dậy và bắt giữ 38 cảnh sát cơ động ở Đồng Tâm.
Tuy nhiên, dân Đồng Tâm đã tỏ ra hết sức tử tế, lương thiện, đối xử rất tốt với các chiến sĩ cảnh sát cơ động. Có lẽ không ai có thể quên hình ảnh cảm động khi các chiến sĩ cảnh sát cơ động được thả ra đã vái tạ dân.
Bên phải dùng đến bạo lực là bên yếu lý lẽ, sai pháp luật, trái đạo lý. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc từng nói: “Gót chân Asin của chính phủ trong vụ Đồng Tâm là không đưa ra được bản đồ”. Còn chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải công nhận: “Kinh nghiệm từ các vụ việc trong quá khứ như Quán Nam, Đồ Sơn tại Hải Phòng, và vụ việc vừa qua ở Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là do chính quyền không sát dân, giải quyết sai quy định pháp luật.”
Từ đó, có thể khẳng định rằng nhà cầm quyền đã làm sai quy định của pháp luật và không hề đưa ra được bản đồ cho rằng đất đồng Sênh mà dân đang canh tác là đất quốc phòng. Có ai có thể tưởng tượng đất quốc phòng lại không có bản đồ hay không? Tệ hại hơn, nhà cầm quyền đã sử dụng bạo lực trước với dân và không hề phải chịu trách nhiệm trong việc sử dụng bạo lực.
Ở phía ngược lại, dân Đồng Tâm đã tỏ ra rất kiềm chế và tử tế. Họ vẫn tin việc thu hồi đất đồng Sênh là chuyện quan tham ở địa phương ăn đất, còn trung ương Đảng cộng sản vẫn tốt và sẽ lắng nghe họ.
Sao lại dùng lời nói làm bằng chứng buộc tội?
Tác giả Lê Văn Bảy tập trung làm nổi bật những lời nói đe dọa sử dụng bạo lực trong các video clip của dân Đồng Tâm và ông đã “rùng mình vì sự hung hăng của họ”. Tôi không biết ông Bảy có “rùng mình” trước việc nhà cầm quyền cho người đạp gãy chân cụ Lê Đình Kình ở tuổi trên 80 hay không?
Còn đối với tôi, những video clip đe dọa sử dụng bạo lực do chính dân Đồng Tâm kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi chỉ cho thấy một điều là họ tuyệt vọng. Thực tế là họ đã biết cảnh sát cơ động đổ quân về Đồng Tâm từ cả tuần trước, họ cũng đã thấy các vũ khí hạng nặng như xe bọc thép có súng phòng không 12 ly 7, xe có gắn đại bác âm thanh để giải tán đám đông… Họ cũng đã biết nguy cơ dân Đồng Tâm bị cảnh sát cơ động tấn công nên đã đưa tin lên mạng xã hội từ trước.
Rõ ràng là với những khí tài quân sự hiện đại thì những vũ khí tự chế của họ chỉ là đồ chơi trẻ con. Người dân Đồng Tâm biết rõ là họ không có cơ hội nào để bảo vệ đất đai cày cấy của họ trước “công cụ bạo lực cách mạng” của Đảng cộng sản. Họ chỉ còn cách lên gân, đe dọa, mong rằng thông tin đã phổ biến rộng thì nhà cầm quyền sẽ không dám tấn công họ.
Người dân Đồng Tâm tuyệt vọng nhưng tôi và bao nhiêu người Việt Nam khác cũng tuyệt vọng không kém. Chúng tôi chỉ biết chia sẻ trên mạng xã hội để nhiều người biết đến bất công mà dân Đồng Tâm phải gánh chịu. Tôi cũng chỉ biết dùng ngòi bút của mình để bảo vệ cho họ.
Cũng như khi tôi nhìn thấy sinh viên Hong Kong đấu tranh cho dân chủ bị vây hãm trong trường Đại học Bách khoa bởi cảnh sát, các em đã đưa ra tấm bảng “Save us” (Cứu chúng tôi), mong rằng báo chí sẽ chụp được và thông điệp của các em sẽ đến được với mọi người dân trên thế giới. Tôi tuyệt vọng vì tôi không giúp gì được cho các em sinh viên Hong Kong, nhưng đau đớn hơn là tôi cũng tuyệt vọng vì không thể giúp được những người nông dân là đồng bào mình đang kêu cứu trên mạng xã hội.
Về chuyện sử dụng vũ khí của dân, tôi chỉ trích dẫn hai bài báo trên báo nhà nước để ông Lê Văn Bảy và người dân cả nước xem thông tin dân có vũ khí bạo lực có đúng không.
Báo Công An Nhân Dân ngày 13/1/2020 đăng:
“Thực tế, trong sự việc vừa qua, các đối tượng đã rất mưu mô, thâm độc, chuẩn bị kỹ lưỡng vũ khí, phương tiện nhằm giết người thi hành công vụ với tính chất hết sức tàn độc, man rợ (những vũ khí cực kỳ nguy hiểm như bom xăng, lựu đạn, dao phóng, xây hầm chông…)”
Còn Thứ trưởng Bộ Công an – Trung tướng Lương Tam Quang ngày 14/1/2020 thì nói “không có chuyện đào hố chông, rải mảnh sành như tin đồn.”
Cùng thông tin do Bộ Công an đưa ra mà bản thân họ đã nói ngược nhau thì liệu những lời cáo buộc của công an là dân có trang bị lựu đạn hay dân dùng lựu đạn tấn công cảnh sát cơ động trước có đáng tin?
Ông Lê Văn Bảy chê dân Đồng Tâm “hiểu biết về pháp luật quá nông cạn”,nhưng tôi thấy chính nhà cầm quyền mới không hiểu biết pháp luật. Nếu họ – nhà cầm quyền – hiểu biết pháp luật thì công an đã xin lệnh của Viện kiểm sát khám xét nhà của những người tuyên bố có vũ khí trên clip, sau khi tìm ra tang chứng là vũ khí trong nhà họ thì sẽ khởi tố theo đúng trình tự pháp luật.
Rất tiếc là nhà cầm quyền đã không hành xử theo pháp luật mà lại tổ chức một cuộc tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm lúc 4 giờ sáng không hề theo bất kỳ một quy định pháp luật nào. Để rồi sau đó, phải lấp liếm bào chữa cho việc này bằng cách đưa ra ba kịch bản khác nhau cho thảm kịch Đồng Tâm chỉ trong vòng 5 ngày. Kịch bản nào cũng đầy sơ hở.
Luật sư Ngô Anh Tuấn, do dân Đồng Tâm mời tư vấn, thì ngay khi có tin thảm kịch xảy ra đã vào Đồng Tâm nhưng lại bị chính công an, an ninh ngăn cản, không cho luật sư vào để trực tiếp chứng kiến hiện trường vụ việc.
Nghi vấn cái chết của bốn người
Ở đây tôi khẳng định rằng các chiến sĩ cảnh sát cơ động đã chết cũng là người Việt Nam, là đồng bào của tôi; cụ Lê Đình Kình cũng thế, và bất kì một người Việt Nam nào chết thê thảm đều khiến tôi đau đớn.
Tác giả Lê Văn Bảy đặt nghi vấn về giá đất Đồng Tâm do cụ Lê Đình Kình nêu ra nhưng thật sự chi tiết đó hoàn toàn không quan trọng nữa. Điều nghi vấn lúc này là cái chết của bốn người Việt Nam trong thảm kịch Đồng Tâm có minh bạch hay không? Họ có chết oan không?
Về ba chiến sĩ tử nạn, hoàn cảnh cái chết của họ rất đáng ngờ và lời kể của các tướng công an rất sơ sài. Trong hành quân hay di chuyển chiếm lĩnh trận địa thì các chiến sĩ luôn ở cách xa nhau để tránh “chết chùm”. Khi đánh chiếm mục tiêu thì chiến sĩ đi đầu chiếm được vị trí an toàn xong thì chiến sĩ dưới cùng sẽ tiến lên chiếm vị trí an toàn tiếp theo và được đồng đội bắn yểm trợ. Không bao giờ có chuyện quân lính tiến lên cùng một lúc sát nhau.
Hơn nữa, theo lời kể của ông Lương Tam Quang thì ở kịch bản 3, dân đã ném hai quả lựu đạn trước, rồi cảnh sát cơ động mới truy đuổi. Cảnh sát đã biết dân có lựu đạn thì càng không thể đi chụm lại với nhau để chết chùm. Đó là logic quân sự căn bản. Việc cả ba người rơi xuống hố một lúc là vô lý. Việc người dân đang bị truy đuổi dưới làn mưa đạn mà vẫn ung dung có thời gian quay lại, đổ một lượng lớn xăng xuống, rồi châm lửa đốt càng vô lý hơn.
Chính vì sự vô lý đó nên nhà cầm quyền phải nhanh chóng trao huân chương Chiến công cho các chiến sĩ tử nạn và tổ chức phát động toàn quân học tập theo tấm gương của ba chiến sĩ này để khỏa lấp sự vô lí trong cái chết của họ đi.
Về cái chết của cụ Lê Đình Kình, trong kịch bản 2 do Bộ Công an đưa ra, ông Trịnh Xuân Viết, Chánh Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức, nói: “ông Kình bị ngạt khói, sau đó được đưa đi viện và 7 giờ sáng nay, thi thể ông được bàn giao cho gia đình”. Tuy nhiên, các hình ảnh thi thể cụ Kình trên mạng xã hội cho thấy, cụ đã bị tra tấn đánh đập tàn bạo rồi bị hành quyết bằng nhiều phát đạn vào người ở cự ly gần.
Việc công an có thể dễ dàng khống chế, bắt sống những người trẻ tuổi trong nhà cụ Lê Đình Kình mà phải giết chết cụ khiến dư luận càng không thể tin lý lẽ của Bộ Công an đưa ra. Chính vì cụ Lê Đình Kình bị giết không minh bạch, không theo trình tự pháp luật như vậy nên Bộ Công an phải đưa ra một lý do không có cơ sở khoa học là xác chết của cụ còn nắm được lựu đạn.
Tôi cho rằng, những nghi vấn về cái chết của bốn người trong thảm kịch Đồng Tâm mới là điều dư luận cần phải chú ý và đòi hỏi nhà cầm quyền làm rõ vào lúc này, chứ không phải giá đất đồng Sênh bao nhiêu mới là quan trọng. Đó là cách đánh lạc hướng vấn đề.
Kết luận
Đối với tôi, người nông dân ở Đồng Tâm hiền lành, chân chất bao đời nay không thể đơn giản trong phút chốc trở thành “hung hăng”, “hung tợn” như lời tác giả Lê Văn Bảy nói, và càng không thể là “khủng bố” như Bộ Công an cáo buộc.
Cần phải nhìn lại cả một quá trình dài, ít nhất là từ năm 2017.
Vụ việc Đồng Tâm sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực lâu dài và sâu xa đến xã hội Việt Nam. Từ nay thì nhà cầm quyền có thể công khai tấn công giết chết bất kỳ ai phản đối chính sách của họ, vu cho họ là “khủng bố” khi chết tay còn cầm lựu đạn, và huy động truyền thông một chiều để dư luận tin rằng họ đáng chết.
Không cải tổ sang nền dân chủ pháp quyền, nơi có tòa án độc lập, truyền thông tự do, thì những thảm kịch như Đồng Tâm sẽ còn tiếp tục diễn ra trên đất nước này.
Tổng bí thư Đảng cộng sản – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới tuyên bố: “Mỗi mùa xuân có Đảng là một mùa hạnh phúc, an vui với mỗi người dân và gia đình Việt”. Sau mùa xuân năm ngoái ở Lộc Hưng, Sài Gòn và mùa xuân năm nay tại Đồng Tâm, Hà Nội, nhân dân hai miền Nam Bắc có lẽ đã thấm thía lời nói của ông Trọng hơn bao giờ hết.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Nguyễn Tiến Trung, cựu tù nhân chính trị, hiện sống tại Sài Gòn.