Đối phó lâu dài với Tập Cận Bình

0
191
Trong nước Trung Quốc, Tập Cận Bình sẽ thành một Mao Trạch Đông mới. Nhưng với thế giới bên ngoài, mối đe dọa của Tập Cận Bình còn nguy hiểm hơn Mao rất nhiều.

Ngô Nhân Dụng

Trong nước Trung Quốc, Tập Cận Bình sẽ thành một Mao Trạch Đông mới. Nhưng với thế giới bên ngoài, mối đe dọa của Tập Cận Bình còn nguy hiểm hơn Mao rất nhiều. Mao Trạch Đông chỉ hô hào “cách mạng thế giới” nhưng không đủ tiền và vũ khí để thực hiện. Tập Cận Bình có cả hai, đem tiền trải ra trên “Vòng Đai” và “Con Đường” và đang chế tạo thêm các hàng không mẫu hạm cũng như hỏa tiễn liên lục địa và vệ tinh nhân tạo.

Trên nhật báo Wall Street Journal, ngày 13 tháng 8, 2021, George Soros viết rằng Tập Cận Bình là “kẻ thù nguy hiểm nhất của các ‘xã hội mở’ trên thế giới.” Sau khi yên vị làm “chủ tịch mãn đời” thì trong 10 năm hay 20 năm tới, Tập Cận Bình sẽ còn nguy hiểm hơn.

Muốn tiếp tục nắm quyền sinh sát trên 1.4 tỷ người Trung Hoa, họ Tập sẽ phải khích động dân chúng bằng tình tự chủng tộc, bằng giấc mộng bành trướng, và cuộc cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Đó không phải chỉ là một cuộc chạy đua kinh tế hay quân sự, mà còn là một cuộc thi tài coi hệ thống xã hội nào đem lại trật tự, phồn vinh và hạnh phúc cho loài người hơn.

“Trung Quốc Mộng” do Tập Cận Bình khởi xướng không phải chỉ là một “giấc mộng của người Trung Hoa.” Đó chính là giấc mộng muốn cả thế giới cũng “được” sống theo lối người Trung Quốc. Cả thế giới được sống dưới cùng một chế độ! Như thời Tần Thủy Hoàng, Tư Mã Thiên viết trong Sử Ký, “Bất cứ nơi nào có dấu tích người sống, không ai không phải là thần dân” (Nhân tích sở chí, vô bất thần giả).

Theo Tập Cận Bình, chế độ cộng sản lối Trung Hoa là siêu việt, tốt đẹp hơn tất cả các chế độ dân chủ ở nước khác. Cuộc cạnh tranh ý thức hệ đang diễn ra một cách cụ thể. Ngày 9 tháng 12 này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ khai mạc một cuộc “Họp Thượng Đỉnh Dân Chủ” (Summit for Democracy). Ông mời Đài Loan tham dự, nhưng không mời Trung Cộng.

Để phản bác, Thứ Bẩy 4 tháng 12, Bắc Kinh công bố một “Bạch thư.” Họ đề cao một thể chế dân chủ khác, đang thi hành trong nước, được Tập Cận Bình tuyên dương từ năm 2019, gọi là chế độ “Dân chủ Nhân dân Toàn Quá trình” (Toàn Quá trình Nhân dân Dân chủ, 全过程人民民主), (dịch sang tiếng Anh là “whole-process democracy”). Trong phiên họp quốc hội ngày 13 và 14 tháng 10 vừa qua, danh từ này, được ghi thành luật lệ, đã được toàn thể các đại biểu chấp nhận. Trong chế độ đó, dân chúng sẽ được tham khảo ý kiến, nhưng chỉ được bỏ phiếu ở cấp địa phương, không có bầu cử toàn quốc, quyền tư pháp không độc lập, báo chí không được tự do.

Với tham vọng về ý thức hệ lớn lao đến thế, Tập Cận Bình có thể so sánh với Stalin trong thời Chiến tranh Lạnh. Stalin tin tưởng rằng Liên Xô sau cùng sẽ thắng Mỹ và các nước tự do dân chủ, áp dụng chế độ cộng sản khắp thế giới. Tập Cận Bình cũng muốn giúp cả thế giới thực hiện chế độ “Dân chủ Nhân dân Toàn Quá trình.”

Đứng trước mối đe dọa lâu dài này, chúng ta có thể rút ra những bài học thời Chiến tranh Lạnh, để đối phó với tham vọng bành trướng của Trung Cộng.

Trước hết, cuộc chạy đua giữa Liên Xô và Mỹ kéo nửa thế kỷ nhưng không gây ra một cuộc đại chiến. Không có một chính phủ Mỹ, hay các nước Tây phương nào tính chuyện lật đổ chế độ cộng sản ở Nga. Chiến lược chính là “ngăn chặn” (containment), do nhà ngoại giao George Kennan đưa ra năm 1947: Chấp nhận thế giới bị chia thành hai khối đối nghịch; kiên nhẫn chờ đến khi chế độ cộng sản tự tan rã vì không thể giải quyết những mâu thuẫn tự bên trong.

Căn bản của “chiến lược ngăn chặn” là xác định một mục tiêu lâu dài với các hành động uyển chuyển tùy thời cơ. Thời Đại chiến Thứ Hai, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã hợp tác với Stalin. Sau đó, Tổng thống Harry Truman giúp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để cộng sản không cướp được chính quyền, rồi bảo vệ Nam Hàn và Đài Loan và cản không cho Mao Trạch Đông tiến xuống vùng Đông Nam Á. Ông cũng bắt đầu ngăn chặn cuộc bành trướng của Stalin ở Âu châu, với kế hoạch Marshall và thiết lập NATO. Các đời tổng thống Mỹ sau đó tiếp tục chiến lược này.

Chiến lược “ngăn chặn” Trung Cộng dễ thi hành hơn thời trước. Trong Chiến tranh Lạnh, nhiều dân tộc còn bị chủ nghĩa cộng sản quyến rũ. Ngày nay, từ Âu châu, Á Đông cho tới các nước nghèo ở châu Phi, ai cũng thấy mối lo Trung Cộng bành trướng. Dân các nước Á Đông, từ Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, cho tới Philippines và các nước Đông Nam Á đều ý thức về mối đe dọa này. Ấn Độ sẽ là một cường quốc giữ vững miền Nam Á châu. Dân các nước châu Phi, châu Mỹ La tinh cũng bắt đầu lo lắng trước các món nợ mà Bắc Kinh đang muốn trùm lên đầu họ.

Nhưng ngược lại, Tập Cận Bình cũng có nhiều lợi thế hơn Stalin. Kinh tế Trung Quốc đã phát triển, mạng lưới giao thương của Trung Quốc lan rộng tạo một ràng buộc với nhiều nước nhất trên thế giới. Trung Cộng sẽ ủng hộ các chế độ độc tài, tả hoặc hữu, khắp nơi. Bắc Kinh có thể tung tiền ra mua chuộc các nhà chính trị và chính phủ các nước nghèo.

Nhưng đằng sau những lợi thế đó là những nhược điểm nằm sẵn trong chế độ, kinh tế, và xã hội Trung Quốc.

Một chế độ độc tài không thể nào giúp cho kinh tế phát triển như trong các xã hội tự do dân chủ. Khi con người không được sống tự do thì óc sáng tạo không được phát huy, kinh tế sẽ tới lúc đình trệ. Liên Xô ngày xưa đã thành công trong các chương trình công nghiệp hóa trong nửa thế kỷ, rồi cũng bế tắc. Cho tới nay, kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh nhờ lực lượng lao động lớn và có khả năng học hỏi nhanh.Nhưng hầu hết các thành công kinh tế ở Trung Quốc đều dựa trên những phát minh có sẵn, học từ các nước Âu Mỹ. Giống như Nhật Bản đã phát triển trong các thập niên 1960 cho đến 80. Một nhược điểm lớn nhất của Trung Quốc là càng ngày càng nhiều người già, sinh đẻ ít hơn, dân số sẽ giảm xuống không thể tránh được.

“Chiến lược Ngăn chặn” trong 10 năm, 20 năm, sẽ chờ đến khi các các mâu thuẫn bên trong bắt buộc Trung Quốc thay đổi; không khác gì tình trạng Liên Xô từ thập niên 1980. Stalin tin tưởng rằng chế độ cộng sản là ưu việt, thế giới tư bản sẽ sụp đổ. Tập Cận Bình cũng tin rằng “chủ nghĩa xã hội với đặc tính Trung Hoa” và chế độ “Toàn Quá trình Nhân dân Dân chủ” của ông ta sẽ được cả loài người áp dụng.

Sau cùng giấc mộng của Stalin đã tan tành. Giấc mộng của Tập Cận Bình cũng vậy. Dân Trung Quốc sẽ còn tin tưởng vào đảng Cộng sản cho đến khi các nhược điểm kinh tế và xã hội ở Trung Quốc hiển hiện rõ ràng. Khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ nhìn thấy nhu cầu cải thiện đời sống của người dân khẩn thiết hơn tham vọng toàn cầu, như Yuri Andropov và Mikhail Gorbachev ở Liên Xô đã tỉnh ngộ.

608780cookie-checkĐối phó lâu dài với Tập Cận Bình