ĐIỀU TÔI NỂ HỌ

0
1634

Tôi thực sự thấy phục nể người cộng sản ở chỗ, họ nói về chủ nghĩa xã hội như một thứ đức tin suốt mấy chục năm ròng với những ngôn từ và lập luận y hệt như của thời điểm cách đây cả thế kỷ, không có mấy thay đổi dù ngữ cảnh và ngữ nghĩa đã hoàn toàn khác đi. Họ có thể nói miệt mài về nó nhưng chỉ bằng những ngữ vựng cũ và họ chẳng thể viết thêm gì là của họ mà có tính sáng tạo cả, vì những thứ thuộc về sáng tạo thì ở phía bờ kia là chủ nghĩa tự do nó đã có đầy đủ mà ngày càng mạnh mẽ hơn gấp bội. Điều đó làm cho chúng ta chán ngấy họ vì những gì đã quá quen thuộc bởi sự lặp đi lặp lại đến nhàm chán của nó, trong khi tri thức thế giới thì đã vươn đi xa hơn bao giờ hết.

Tôi phục nể họ ở việc họ có thể nói mãi về một điều mà không cần phải biết nó thực sự có còn phù hợp hay cần phải cải biến gì không, cũng không cần phải biết người khác có thích nó hay không hay kể cả là việc họ cũng chẳng cần phải tỏ ra biết lắng nghe những tiếng nói phản biện lại. Mọi bài học lịch sử mà nó xảy ra theo những chiều hướng tiêu cực vì hàng loạt những thất bại có tính hệ thống và tất yếu đã được minh định dường như không phải là tấm gương để họ rút ra điều gì đó để thay đổi mà là để họ lại tiếp tục phủ nhận rằng những thứ đã tồn tại mà thất bại ấy chỉ là do bởi người ta đã hiểu và vận dụng sai lầm bản chất cốt lõi mà nó thuộc về của học thuyết chủ nghĩa mà họ đã từng xem như một thứ phép màu toàn năng đó.

Cứ nhìn vào xã hội Trung Quốc hay những nước đã từng theo cộng sản mà rồi sụp đổ, thì đều thấy ở đó sự băng hoại trầm trọng và rộng khắp của đạo đức cũng như nhân cách con người và ở đó lan rộng sự phá huỷ đến tận cùng đối với nền tảng văn hoá lẫn nghệ thuật của dân tộc. Chủ nghĩa đó đặt lên trên hết là các giá trị được mệnh danh là chủ nghĩa tập thể, trong khi khoa học, nghệ thuật hay đạo đức lại là những thuộc tính thuộc về cá nhân và chỉ có thể đạt được nhờ có tự do cho cá thể trong tư duy và hành động. Nhưng chủ nghĩa tập thể đã hoàn toàn đè bẹp cái tự do cá nhân cần thiết và quý báu đó của mỗi con người để đồng nhất nó với cái toàn thể mà nó phục vụ. Chủ nghĩa tập thể duy trì được nhờ sự ngày càng thắt chặt và bó hẹp bởi những cấm đoán, trong khi đạo đức, học thuật và nghệ thuật đều cần sự mở rộng chủ động của sự tự do. Đó chính là mâu thuẫn và xung đột nội tại tự nhiên trong bản chất của cấu trúc xã hội và thuộc tính thuộc về cá nhân.

Mỗi cá nhân sẽ phải đối mặt với một tình trạng đầy đau đớn là “mỗi người sẽ phải dùng đạo đức của số đông để chống lại và rồi dần tới thủ tiêu đạo đức (cá nhân) nội tại trong con người chính họ” – trích Dân trị và Chính quyền.

Điều tồi tệ hơn cả là ở xã hội cộng sản kiểu Trung Quốc, sự tử tế cũng là một sự ban ơn từ những người mang trên mình danh xưng cộng sản: ban ơn sự tử tế ngay từ trong quan hệ gia đình, quan hệ công việc cho đến quan hệ bạn bè. Sự tử tế luôn là một sự cân nhắc và ban ơn mà hoặc chúng phải được nhận lại sự đối đãi hậu hĩnh bằng một lợi ích nào đó hoặc chỉ đơn giản là để trừng phạt những kẻ khác. Ở những xã hội này, thì sự thành công, nếu có, về mặt kinh tế cũng chỉ là những chỉ số có tính nhất thời mà rồi sẽ phải đánh đổi hầu hết những giá trị sinh tồn khác bằng việc huỷ hoại nó. Và kể cả như thế thì việc tăng trưởng đó cũng sẽ sớm bị đình trệ lại mà không thể nào tiến lên được nữa.

Dù vậy, như tôi đã nói, tôi vẫn phải phục nể họ về mặt kiên nhẫn và nhẫn nại đối với sự lạc quan của họ về những gì mà họ ca tụng và tuyên truyền suốt gần một thế kỷ qua, trong khi thực tế hầu như nó chỉ đem đến sự suy thoái và tha hoá ngày càng trầm trọng hơn cho con người và xã hội.

330230cookie-checkĐIỀU TÔI NỂ HỌ