Muốn dẹp được nạn dạy thêm, học thêm thì điều tiên quyết là phải chỉ ra được nguyên nhân đã sản sinh ra nó.
1. Chương trình nặng?
Đây là nguyên nhân được nhiều người nêu ra, với lý do rằng vì chương trình quá nặng, phải học thêm thì mới hoàn thành được, bằng không nếu chỉ học trên lớp thì chỉ là cưỡi ngựa xem hoa.
“Theo số liệu năm 2009, thời gian học trung bình của học sinh từ 7 – 15 tuổi (tương đương từ lớp 1 – 9) ở các nước thuộc nhóm Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khoảng 7.390 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, theo chương trình 2006, học sinh Việt Nam từ lớp 1 – 9 chỉ học khoảng hơn 5.600 giờ; còn theo chương trình mới 2018, thời gian chỉ tăng lên được chút ít là gần 6.200 giờ, nghĩa là còn thấp khá nhiều so với thời gian học của HS các nước OECD” (Dẫn theo báo Thanh Niên). Vậy là nặng hay không nặng?
Nội dung chương trình giáo dục của Việt Nam không phải nặng mà là khô cứng, cách dạy thì nhàm chán, máy móc, nặng tính văn mẫu… Chính tính chính chất này mới làm cho học sinh chán học, mệt mỏi, không tiếp thu tốt; và vì thế lại càng phải dùng nhiều biện pháp để bắt thuộc bài, dẫn đến đã chán càng chán hơn, thậm chí dẫn đến phản ứng tiêu cực từ các em.
Như vậy, cái cần thay đổi không phải là cắt giảm dung lượng, thời lượng mà là xây dựng nội dung bài học sao cho hấp dẫn, mang tính khai mở; có phương pháp giảng dạy và tổ chức hoạt động giáo dục lôi cuốn, kích thích tư duy…
Nay chương trình mới, như đối với cấp Tiểu học chẳng hạn, đã được thiết kế 2 buổi/ngày. Mục đích là buổi 2 dành cho các hoạt động thể chất, nghệ thuật, năng khiếu, trải nghiệm…, nhằm giúp các em cân bằng và phát triển hài hòa. Nhưng phần lớn các nhà trường đã không những không thực hiện yêu cầu tối quan trọng này mà thay vào đó, họ đưa các trung tâm hay các giờ học thêm vào chiếm chỗ, biến thành học thêm để thu tiền. Do đó, vấn đề là lập lại kỷ cương để các em được thụ hưởng một nền giáo dục thực chất, tử tế và phát triển hài hòa.
2. Do thi cử?
Đúng, thi cử nặng nề cả về nội dung lẫn sự khốc liệt trong “tỉ lệ chọi” đã dẫn đến một cuộc đua và đẩy học sinh vào con đường học thêm. Tuy nhiên nếu quan sát chi tiết hơn thì sẽ thấy điều này không đúng cho tất cả.
Ví dụ như đối với học sinh Tiểu học, đâu có thi cử gì, nhưng chính ở cấp học này nạn học thêm dường như lại trầm trọng nhất.
Áp lực thi cử chủ yếu là đối với học sinh lớp 9 chuyển cấp lên lớp 10 và học sinh 12 thi vào đại học. Chúng ta biết rằng, thi vào lớp 10 công lập là một mục tiêu to lớn của cả học sinh và phụ huynh thành phố, vì áp lực tài chính nếu học trường tư; nhưng câu chuyện công/tư chủ yếu là vấn đề đối với các đô thị lớn chứ nông thôn thì cơ bản không có áp lực này. Trong khi đó, tỉ lệ dân số giữa nông thôn và thành thị của Việt Nam hiện tại là 2/1, tức nông thôn gấp 2 lần thành phố. Tuy nhiên, như chúng ta đang thấy, nạn học thêm không chừa bất cứ đâu. Ở thành phố lớn khốc liệt hơn là bởi mật độ dân số cao hơn chứ không có nghĩa là nông thôn không bát nháo.
Thi cử và văn hóa thi cử ở Việt Nam “đang có vấn đề”, và nó cần được cải cách mạnh mẽ. Tuy nhiên nếu nói rằng nó là nguyên nhân chính dẫn đến nạn dạy thêm, học thêm thì lại thiếu thuyết phục. Thời tôi đi học cách đây 20 năm thì thi đại học rất khó, nhưng mươi năm trở lại đây, trừ những trường top, thì bắt đầu…“rớt khó hơn đậu”! Cứ đến mùa tuyển sinh là các trường đại học lại cử người đi nô nức mời chào khắp các trường phổ thông, gọi là “tư vấn tuyển sinh”. Chưa bao giờ các trường phổ thông lại oách đến thế so với đại học!
Cách đây chưa đầy 10 ngày, có lẽ tất cả chúng ta còn nhớ, khi hàng loạt tờ báo đăng nội dung “Học sinh giỏi từ chối vào đại học, đi xuất khẩu lao động mong đổi đời”. Rồi trước đó ít ngày, Bộ Giáo dục công bố một con số gây sửng sốt “Gần 118.000 thí sinh đỗ đại học nhưng bỏ nhập học”. Phải thừa nhận rằng “Thời vàng son” của giấc mơ đại học đã đi qua.
Phần trên là nói về Tiểu học và THPT, giờ quay trở lại với THCS (lớp 9). Cái áp lực thi vào công lập là do đâu? Do thiếu trường. Vậy giải pháp đơn giản là xây thêm trường. Nhà nước không thể phó mặc cho dân tự bơi tìm trường trong khi trường lớp thiếu nghiêm trọng như hiện nay. Một mình Hà Nội mà “Hơn 33.000 học sinh Hà Nội trượt lớp 10 công lập” thì hỏi tại sao cuộc chiến không khốc liệt? Cho nên, vấn đề không phải chỉ ở câu chuyện thi cử, mà phía sau nó và quan trọng hơn là chi đầu tư cho giáo dục. Nếu vẫn thiếu trường mà học phí tư thục thì chót vót, dù có cải cách thi cử cách nào cuộc chiến vẫn sẽ vô cùng cam go. Và hơn thế, nếu con bạn đậu được công lập thì con người khác sẽ phải văng ra, chúng ta cần sự bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục chứ không phải chỉ là chiến thắng lẫn nhau.
3. Vì thành tích của nhà trường?
Có, và khá nặng, nhất là đối với những trường THPT chuyên, trường chất lượng cao. Nhưng các trường phổ thông bình thường thì không hoặc không đáng kể. Họ không mấy bận tâm đến thành tích, chỉ miễn là học sinh tốt nghiệp được, và em nào vào đại học thì mừng, chứ không ham hố câu chuyện thành tích, vì họ cũng thừa biết rằng chẳng lợi lộc gì cho mình. Những giáo viên nào từng dạy cả trường chuyên và trường phổ thông bình thường thì thấy rõ sự khác nhau một trời một vực này. Dạy “trường làng” sướng hơn nhiều, dù thu nhập sẽ thấp hơn. Mà cả nước thì được bao nhiêu trường chuyên? Chúng ta cứ từ đó mà suy.
4. Vì tiền?
Theo tôi, đây mới là nguyên nhân chính. Nếu vì chất lượng, vì sự phát triển của học sinh thì các nhà trường sẽ thực hiện đầy đủ và hiệu quả chương trình Giáo dục Quốc dân. Ví dụ, đối với tiểu học quy định học 2 buổi/ngày với buổi 2 là các nội dung thể dục, thể thao, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm, thì nhà trường phải tổ chức cho các em, nhưng đây không, họ đem thời gian ấy của các em bán lại cho các trung tâm để chia lợi nhuận.
Bên cạnh đó là ép học sinh học thêm bằng đủ các mánh khóe chiêu trò, như viết đơn tự nguyện, chèn vào giờ chính khóa, đưa tiết chính khóa cài vào buổi học thêm, trả bài chính khóa trong buổi học thêm, phân biệt đối xử, cố tình gây khó dễ bằng điểm số; liên kết với bên ngoài và gắn những cái tên rất kêu như STEM, STEAM, Tin học Quốc tế, Tiếng Anh Bản ngữ, Kỹ năng sống, v.v..
Nếu vì chất lượng giáo dục thì nguyên tắc cơ bản là anh phải thực hiện hết trách nhiện để đạt hiệu quả mà chương trình chính khóa đã đề ra; còn lại, em nào có nhu cầu thật sự thì mới tổ chức dạy thêm, nhưng đây anh dùng thủ đoạn để ép tất cả phải đi học, thì nếu không phải vì tiền thì là vì cái gì?
Để kết thúc, tôi xin nhắc lại cái ý mà tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần: không ai cấm dạy thêm cả, nhưng phải tuyệt đối cấm dạy thêm trong nhà trường và cấm giáo viên đang làm việc trong hệ thống giáo dục công tổ chức và dạy thêm. Đây là biện pháp ngăn ngừa có tính nguyên tắc mà bất cứ một xã hội nào nếu muốn quản trị được thì cũng sẽ phải thực hiện. Còn các giáo viên nếu muốn dạy thêm thì phải ra khỏi hệ thống giáo dục công và tự do hành nghề bằng cách mở trung tâm hay tự dạy ở nhà, thì tùy. Tôi xin hết lòng ủng hộ và sẵn sàng gửi con mình đến học nếu các vị dạy tốt và cháu có nhu cầu.
Chú thích: OECD bao gồm – Úc, Áo, Bỉ, Canada, Cộng Hòa Séc, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ai Xơ Len, Ai Len, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Luxemburg, Mexico, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Slovakia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ.)
Thái Hạo