[Năm 1808, – TÂY NGUYÊN trong sách của cả Tây & Ta]
Ông Nguyễn Cảnh Bình viết hẳn một cuốn sách để giới thiệu Hiến pháp Mỹ nhưng trong sâu thẳm, ông nuôi dưỡng tâm thế của một nhà độc tài. Không lạ khi đúng ngày sinh thứ 100 của ông Lý Quang Diệu, ông ném ra nhà sách ngay bộ Hồi Ký hai tập của ông Lý, in rất đẹp.
Tất nhiên, ông Lý là nhà độc tài khá anh minh. Nhưng, vấn đề của các quốc gia thích sùng bái cá nhân là thích tung hô một người khi tưởng là họ anh minh, đến khi nhận ra họ bạo chúa thì không còn sửa sai được nữa.
Cũng hy vọng là ông Bình chỉ tung hô các nhà độc tài vì mục tiêu thương mại. Cũng như bộ sách xuất bản kịp thời nhân ngày sinh của ông Lý, ngay sau khi vụ bạo loạn vừa mới nổ ra ở Tây Nguyên, trước cửa nhà tôi đã có một bộ sách 5 cuốn nghiên cứu rất sát, rất sâu về người Thượng.
Ông Bình có lẽ vẫn rình đâu đấy để khi có “chết người, cháy nhà…” là ông có sách.
Người Pháp đến nước Ta rõ ràng là mang tâm thế thực dân. Nhưng khi đã coi đất đai của cha ông chúng ra là “thuộc địa” họ cũng đã làm ở đây nhiều việc. Công việc mà họ làm sớm nhất, bài bản nhất phải nói là các công trình khảo cứu về địa lý, văn hóa… Đương nhiên, về sách vở nghiên cứu thì phần đóng góp quan trọng nhất phải kể đến các “Cố Tây”.
Đọc Chúng Tôi Ăn Rừng của Georges Condominas, Người Ê Đê của Anne De Hauteclocque-Howe, Rừng. Đàn Bà. Điên Loạn và Potao của Jacques Dournes… thấy họ làm quá bài bản, quá dấn thân và hiểu người Tây Nguyên hơn chúng ta hiện nay nhiều lắm.
Nhưng, điều rất ngạc nhiên là trước người Pháp đã từng có hai người Việt viết sách về đề tài này: Người thứ nhất là Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Cư Trinh, viết ở dạng truyện, Truyện Sãi Vãi. Người thứ hai là Ôn Khê Nguyễn Tấn với Vũ Man Tạp Lục Thư.
Ôn Khê Nguyễn Tấn là “trường hợp hi hữu, một vị võ tướng sau thời gian đánh dẹp, vỗ về giống dân khó trị… đã chịu khó ngồi lại biên chép, ghi nhận các kinh nghiệm, kể tên khá tỉ mỉ các vùng đất đã đi qua với ước vọng thầm kín là chỉ vẽ đường đi nước bước cho những người kế tục công cuộc tiễu vũ sau này”.
Người Pháp trích dẫn khá nhiều Vũ Man Tạp Lục Thư và Henri Maitre đánh giá: “Mặc dù khá lộn xộn, đã cho những nhận xét rất chính xác về cá tính của người Mọi, đã nâng cao giá trị về tài quan sát của tác giả: các sự kiện được kể lại tuy thiếu phương pháp, nhưng lại rất quý giá và đã tiết lộ cho chúng ta một trang rất kỳ thú mặc dù đó là phó bản về lịch sử xứ An Nam”.
Cuốn sách được viết vào năm 1871, xuất bản lần đầu, được in năm Thành Thái thứ 10 [1898] và được dịch ra tiếng Pháp năm 1904.
Công cuộc bình định Cao nguyên của tiền nhân đã không hề đơn giản: Tả quân Lê Văn Duyệt, người được tín nhiệm nhất; người đã dùng uy lực thu phục được các bộ lạc Thượng hung dữ nhất, vào tháng Giêng năm Mậu Thìn, 1808, đã chém đầu Phó quản cơ Lê Quốc Huy khi ông này sách nhiễu quá đáng khiến người Thượng nổi loạn.
Chúng ta được biết đến Vũ Man Tạp Lục Thư nhờ công nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Cung. Lịch Sử Vùng Cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư vốn là tiểu luận cao học sử của ông đệ trình tại Đại học Văn Khoa Huế năm 1974.
Theo ông, “chiến tranh đã làm cho nhiều tài liệu, các công trình nghiên cứu bị thiêu hủy, bị mất mát… hoặc rơi vào tay những người kém hiểu biết. Thư viện trường Dòng Thiên An tại Huế, nơi tàng trữ hàng chục ngàn pho sách về sử học, văn học, nghệ thuật, đa số của linh mục Leopold Cadiere [Cố Cả], một nhà nghiên cứu lịch sử rất nổi tiếng, để lại cho giáo phận Huế, đã bị thiêu rụi trong sự kiện Mậu Thân 1968.”
Cám ơn anh Nguyễn Cảnh Bình, chúc mừng Omega sinh nhật năm thứ Bảy.