Thursday, December 12, 2024
HomeBLOGĐây là đôi chân của chị Pham Doan Trang

Đây là đôi chân của chị Pham Doan Trang

Bức ảnh được chụp vào trung tuần tháng 8.2016, tại bờ biển thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi cách không xa Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh .

Khi đó, đôi chân của chị mới trải qua cuộc phẫu thuật ở hai đầu gối chưa lâu, bác sỹ khuyên hạn chế đi lại, nhưng chị vẫn cố gắng đến vùng Kỳ Anh này để lắng nghe người dân chia sẻ về thảm họa môi trường biển mà họ phải gánh chịu do Formosa gây nên.

Tuy dù đi lại khó khăn và đau đớn, chị vẫn đi bộ hàng cây số ra bãi tàu, trèo lên tàu cá của ông Lê Xuân Thế để ra biển, mục sở thị sự đồ sộ của Formosa từ vịnh Sơn Dương, đảo Sơn Dương. Bởi trước khi là nhà hoạt động, chị là một nhà báo, và với bổn phận của một nhà báo chị mong muốn đem đến cho cộng đồng sự thật, góc nhìn đa chiều về những gì đã, đang và sắp xảy ra tại đây.

Khi lên bờ, ngón chân cái bên phải của chị sưng tấy, chảy mủ xanh lét, đau nhức đến phát khóc, khiến chị không tài nào ngủ được, cho đến khi về Hà Nội xử lý mới hết. Lúc đó, chúng tôi vẫn bông đùa với nhau: không biết chân chị bị thế có phải do nhiễm chì của Formosa thải ra biển không nhỉ?

Nguyên nhân việc hai đầu gối chân chị phải mổ là bởi trong ngày 26.4.2015 – ngày diễn ra cuộc tuần hành vì cây xanh Hà Nội cuối cùng tại Hồ Hoàn Kiếm, chị đã bị những kẻ mặc thường phục, tay đeo băng đỏ “bảo vệ” đánh đòn hiểm vào đầu gối, rồi khênh chị lên xe bus cùng hơn 20 người, chở tới Công an quận Long Biên đến chiều mới thả tự do. Hai cái đầu gối không thể hiện trấn thương nặng ngay, mà nó ngấm dần ngấm dần, tăng lên từng tuần, từng tháng, ngày càng xưng vù bởi dịch do viêm đa khớp bên trong chảy ra, tích đọng.

Từ khi thấy đau, chị có đi khám, đi đắp thuốc, nhưng vẫn không khỏi. Đến khi không thể nào chịu nổi, sau khoảng 1 năm bị đánh đòn hiểm, chị đành phải gác lại công việc của mình, để đi khám và thực hiện phẫu thuật. Bác sỹ là người ủng hộ lý tưởng của chị, khi thăm khám, anh hỏi: tại sao chân lại bị nặng thế này? Do đá bóng hay đua xe? Chị vừa cười vừa đáp: một bên do đá bóng, một bên do đua xe. Khi nằm viện, chị không thể công khai bệnh viện, không thể công khai bác sỹ – vừa để tự bảo vệ mình, cũng vừa bảo vệ cho những người giúp đỡ chị.

Chị từ một người lành lặn, hoàn toàn khỏe mạnh, đi lại, thể thao tốt, đã biến thành Trang “què” theo cách gọi của một số cán bộ “thanh kiếm-lá chắn”. Ấy thế nhưng, vẫn có những kẻ ác ý mà ai-cũng-biết-là-ai đi rêu rao rằng: ngày xưa con Trang ăn chơi xa đọa, bị bệnh giang mai, nên bây giờ nó chạy vào chân, lại cứ đi đổ thừa do công an đánh.

Ở Hà Nội, chị sống chung với người mẹ đã ngoài bảy mươi. Bà cụ là người hiền lành, đôn hậu, cởi mở, tin tưởng vào sự lựa chọn và việc làm của chị là đúng đắn, không trái với đạo đức. Từ khi chị dấn thân, căn hộ nhà chị tại khu tập thể Hào Nam được các “đồng chí” chăm sóc cẩn thận, với đầy đủ các biện pháp “toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” – từ việc muốn biến ông bà tổ trưởng dân phố, ông bán nước chè, ông rửa xe thành antena cho công an; cửa nhà nhiều lúc bị đổ keo vào khóa hoặc có cái khóa giời ơi đất hỡi nào đó khóa trái mỗi khi có sự kiện gì đó; nhà có nghi vấn bị gắn bọ nghe trộm.

Đỉnh điểm, nhà của gia đình ở đó, hộ khẩu ở đó, nhưng bên an ninh chả hiểu ép thế nào, mà buộc được tổ dân phố và hàng xóm ký cam kết để đẩy chị đi chỗ khác sinh sống. Nhưng tình làng nghĩa xóm và sự thấu hiểu đã khiến những người hàng xóm không làm theo bản cam kết ngược đời kia, cũng không hợp tác làm theo yêu cầu phi lý của công an.

Chị và người mẹ già chuyển qua căn hộ mới ở cũng không yên thân, nhiều lần hàng tốp nhân viên an ninh mặc thường phục giam lỏng chị trong nhà nhiều ngày liền.

Tôi nói điều này để chúng ta cùng hiểu rằng, những gì chị Đoan Trang đã làm cho công cuộc dân chủ hóa, đòi thực thi quyền con người tại Việt Nam không chỉ là những bài viết, cuốn sách, bản báo cáo, các cuộc gặp gỡ, vận động, mà còn có cả máu, nước mắt, cả danh dự có thể bị một đám nào đó bôi bẩn bất cứ lúc nào, cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc cá nhân và tiền đồ trong sự nghiệp – vốn rất thuận lợi khi chị đơn thuần là nhà báo, không tham gia phong trào đối lập này.

Chị chưa bao giờ coi mình là thủ lĩnh hay lãnh đạo trong phong trào dân chủ – nhân quyền. Chị luôn khiêm tốn “Tôi có làm gì đâu! Tôi cũng bình thường, giống như mọi người thôi mà!” và luôn khuyến khích, động viên và hỗ trợ người khác để làm sao có ngày càng nhiều người có thể và dám làm những điều mà các nhà hoạt động đang làm. Theo chị, đó mới là cách giúp Việt Nam có một nền dân chủ bền vững, không rơi từ nền độc tài này sang một nền độc tài khác.

Với những gì chị đã hy sinh và cống hiến, tôi nghĩ chị hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng Homo Homini của People in Need – một tổ chức nhân quyền quốc tế có trụ sở tại Cộng hòa Séc.

Xin chúc mừng chị và chúc cho đôi chân của chị có thể đi lại tự do trên đất nước Việt Nam thực sự dân chủ – nhân quyền được bảo đảm – nơi mọi người dân đều cảm thấy an toàn và tự hào.

Xin trích bốn câu thơ của cụ Hồ Dzếnh để tặng chị:

“Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular