Nếu ở ngoài, bạn có rất nhiều sự lựa chọn để thực hiện ước mơ, làm giầu, lo cho bản thân và gia đình, thì vẫn có những người quyết định từ bỏ một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, dấn thân vào phong trào đấu tranh cho một xã hội dân chủ, tự do…
Nhiều người đã bị bắt bớ, bị tù đày chỉ vì họ muốn thực hiện ước mơ, lý tưởng dân chủ của mình. Nhưng sự bắt bớ đó lại tạo cảm hứng cho những người khác tiếp tục dấn thân, tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ mạnh mẽ hơn. Tôi đã nhận cảm hứng đó từ hình ảnh Cha Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước toà, từ Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân.(Trong vụ xử phúc thẩm 2 Luật sư tại Hà Nội CLBNBTD có anh Nguyễn Tiến Trung ra hỗ trợ đưa tin và hai Luật sư Lê Công Định và Đặng Dũng từ SG ra bào chữa cho hai bạn Đài Và Nhân)
Nhưng khi bị bắt vào nhà tù cộng sản, sự lựa chọn chỉ còn hai ngả.
Một : Cúi đầu khuất phục để mong được đối xử nương nhẹ hơn, được nhận một bản án ít năm tù hơn…Nhưng bạn sẽ mất hết.
Hai : Không bao giờ nhận tội, khuất phục trước cường quyền, chấp nhận tất cả những sự đàn áp khốc liệt từ nhà tù. Đặc biệt, những người giữ vai trò thủ lĩnh của một nhóm thì càng phải giữ cho được hình ảnh của mình, không để nhà tù tìm cách bôi nhọ và dùng truyền thông để xoá bỏ hình ảnh của họ, làm tổn thương hình ảnh của cả nhóm.
Tôi đã chọn ngay lựa chọn thứ hai, vì tôi không muốn mất hết, không muốn tổ chức nhỏ bé mà tôi đại diện bị tổn thương. Và tôi đã kiên trì giữ lựa chọn thứ hai để đi qua 11 nhà tù khác nhau từ Nam ra Bắc, mặc dù gặp rất nhiều gian khổ, đã có lúc đối diện với cái chết để đấu tranh với nhà tù cộng sản, đòi hỏi quyền làm người của mình và của anh em tù nhân.
Thời gian khó khăn nhất của một tù nhân chính trị là ngay sau khi bị bắt, nếu bạn đứng vững được trước những thử thách của tháng đầu tiên, bạn có nhiều cơ hội để đứng vũng trong suốt hành trình tù tội của mình. Tôi bị giam ở trại tạm giam Q3 từ ngày 20/4/2008 đến ngày 22/10/ 2008, chỉ trong 6 tháng từ những bỡ ngỡ ban đầu tôi dần nhận ra những thủ đoạn nham hiểm của nhà tù cộng sản và tìm cách sống thích nghi với nó mà vẫn giữ và thể hiện tinh thần của một người tù chính trị giữa các tù nhân hình sự. (Bài thơ Những Dòng sông tranh đấu và Bài hát TỰ DO đã ra đời ở trại giam này).
Tôi nhận ra rằng nhà tù là một trường học lớn với những bài học sâu sắc, những kinh nghiệm mà những người tù đi trước truyền lại, có cả những bài học mà tù nhân đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tôi luôn hỏi kinh nghiệm của những người tù đi trước và cách mà họ làm để đạt mục đích. Đó là tù hình sự, họ có thể làm mọi cách để đạt mục đích, tù chính trị như chúng tôi lại khác, làm sao đạt mục đích nhưng lại phải giữ cho được hình ảnh của mình, không xử dụng những cách vi phạm nội quy hay pháp luật để chúng không có cớ bôi nhọ hoặc đàn áp, kỷ luật mình.
Ngày 22/10/2008 tôi bị chuyển đến trại tạm giam Chí Hoà, tiếp tục giữ vững tinh thần và đối phó với những trò khai thác bằng chiêu “nhảy sô”. Những ngày sống ở đây càng củng cố quyết tâm của tôi hơn. (Bài thơ Xe Dây cũng nói rõ quyết tâm của tôi trong ngục tù cộng sản).
Vào tù ta lại xe dây
Xe năm, xe tháng, xe ngày, xe đêm.
Ta xe nỗi nhớ vào tim
Ta xe căm hận vào thêm tháng ngày
Bao giờ thoát kiếp tù đày
Xe dây trói lũ độc tài trao dân.
Ngày 10/2/2009 tôi bị chuyển qua trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu để điều tra về các hoạt động của tôi với anh em hải ngoại. Tôi đã không hợp tác với lý lẽ đơn giản, tôi đi ra nước ngoài du lịch hợp pháp và không bị khởi tố vì các chuyến đi này nên không có nghĩa vụ trả lời. Ngày 10/3/2009 họ chuyển tôi lại trại tạm giam Chí Hoà, vẫn là phòng 60 Lầu 3 khu A-B.
( Còn nữa )