Bất nhất trong vận dụng các qui định của luật hình sự, tùy tiện diễn giải các qui định này không chỉ xảy ra khi công an điều tra, viện kiểm sát lập cáo trạng “vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan” mà còn có thể nhìn thấy ở hàng loạt đại án…
Hãy xem đại án “Việt Á”. Tuy không có sĩ quan công an nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì chạy án như đại án “giải cứu” song đem Kết luận Điều tra (KLĐT), Cáo trạng và bản án sơ thẩm so với luật hình sự hiện hành, ắt sẽ thấy những mâu thuẫn không thể lý giải được…
Chẳng hạn vì sao cùng nhận tiền của Việt Á nhưng ông Nguyễn Thanh Long (Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Bộ trưởng Y tế) bị xem là “nhận hối lộ”, bị phạt 18 năm tù nhưng ông Chu Ngọc Anh (Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Chủ tịch Hà Nội) chỉ “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”và bị phạt ba năm tù?
Tại sao lại xem 200.000 Mỹ kim mà ông Chu Ngọc Anh đã nhận khi còn là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ (KHCN), 50.000 Mỹ kim mà ông Phạm Công Tạc đã nhận khi còn là Thứ trưởng KHCN là “quà cảm ơn” nhưng lại xem 350.000 Mỹ kim mà ông Trịnh Đình Hùng (một Vụ phó của Bộ KHCN) đã nhận là… “tiền hối lộ” (1)?
Khẳng định các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc đã ký các quyết định để giao cho Việt Á phối hợp với Học viện Quân y (HVQY) nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19, thành lập hội đồng nghiệm thu trái quy định, khen thưởng, tổ chức họp báo để quảng bá cho Việt Á và… nhận tiền của Việt Á, dù ai cũng thấy đó chính là tiền đề khiến thảm nạn do đại dịch gây ra trở thành trầm trọng hơn, tạo ra đại án như đã biết nhưng lại xem khoản tiền ông Anh, ông Tạc đã nhận chỉ là… “quà cảm ơn” thì có khác gì phỉ báng cả luật pháp XHCN lẫn “pháp chế XHCN”? Ngoài “chạy án” còn lý do nào khác thuyết phục hơn để giải thích cho mâu thuẫn này?
Tương tự, vì sao lãnh đạo HVQY đề nghị Bộ KHCN lấy công quỹ cấp cho công trình nghiên cứu bộ xét nghiệm COVID-19 nhưng chỉ có bốn sĩ quan là thuộc cấp của lãnh đạo học viện này bị truy cứu trách nhiệm hình sự (2)? Chẳng lẽ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ đảng CSVN hàm hồ khi công bố kết luận rằng:
Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy HVQY nhiệm kỳ 2015 – 2020 và 2020 – 2025 có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đảng và vi phạm pháp luật. Cần xem xét, kỷ luật ba viên tướng (hai trung tướng là Chính ủy và Giám đốc, một thiếu tướng là Phó Giám đốc HVQY), một đại tá, một thượng tá vì “đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng chống dịch và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (3)…
Nếu kết luận của UBKT thuộc BCH TƯ đảng CSVN có căn cứ, tại sao các viên tướng lãnh đạo HVQY được miễn trách nhiệm hình sự? Những viên tướng này đã làm gì để cuối cùng, thay vì là bị cáo, ít nhất do “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bỗng nhiên lại trở thành “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”?
***
Trước đại án “Việt Á” là đại án “giải cứu”. Hoạt động điều tra đã tạo cơ hội cho ông Nguyễn Anh Tuấn (Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội) nhận 2,85 triệu Mỹ kim để chạy án. Ông Tuấn đã chia cho ông Hoàng Văn Hưng 800.000 Mỹ kim. Được xác định là “môi giới hối lộ” với thù lao môi giới gần hai triệu Mỹ kim nhưng ở phiên sơ thẩm, ông Tuấn chỉ bị phạt năm năm tù. Đến phiên phúc thẩm, dù ông Tuấn không kháng cáo, đại diện phía kiểm sát vẫn đề nghị khoan hồng hơn nữa – giảm án thêm cho ông Tuấn và tòa án nhất trí, chuyển hình phạt thành bốn năm (4)! Sự nhân đạo khác thường, bất chấp luật hình sự này là một vụ “chạy án” khác?
Khó có thể đưa ra giả định khác “chạy án” khi còn có những trường hợp như ông Đỗ Hữu Ca (Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng) đòi 35 tỉ để dàn xếp điều tra. Hoạt động “bảo vệ và thực thi pháp luật” tại Việt Nam phải như thế nào thì ông Ca mới thản nhiên mở cổng đón xe chuyên dụng của ngân hàng chở tiền đến giao tại nhà (5)!
Gần đây, công an Việt Nam loan báo sẽ xem xét vợ chồng ông Ca có “kê khai đóng thuế thu nhập cá nhân” hay không vì lúc khám xét tư gia của ông Ca hồi đầu năm ngoái, họ tìm thấy hơn 40 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và “nhiều đồ vật, tài sản là Việt Nam đồng, ngoại tệ, trang sức, kim loại màu vàng, sổ tiết kiệm” (6).
Thông tin vừa đề cập làm nhiều người hồ hởi song xét kỹ sẽ thấy mức độ khả tín và khả thi rất thấp. Nếu công an, kiểm sát, tòa án cho rằng cần làm như thế thì hệ thống này đã không tìm mọi cách để trả lại cho ông Nguyễn Anh Tuấn “146 lượng vàng, 210.000 Mỹ kim, dỡ bỏ lệnh phong tỏa một tỉ đồng của gia đình ông Tuấn tại ngân hàng” (7).
Một số người am tường về hoạt động của hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật tại Việt Nam từng đề cập đến việc các cơ quan trong hệ thống này chủ động loan báo thông tin về kế hoạch điều tra, đối tượng dự trù sẽ tạm giam để nhận… “chạy án”. Trên thực tế, hệ thống bảo vệ và thực thi pháp luật tại Việt Nam đã và đang “đánh trống, bỏ dùi” trong nhiều đại án. Ví dụ trong đại án “giải cứu”, vì sao sau kết luận “có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng” (8) nhưng lại chẳng thấy vụ án nào ? Vì sao ông Đỗ Xuân Tuyên – Thứ trưởng Y tế, cấp trên trực tiếp của ông Phạm Trung Kiên (người nhận hối lộ khoảng… 180 lần với số tiền lên đến 42,6 tỉ) vô sự?
Vì sao chỉ có Cục phó Cục Quản lý Xuất nhập cảnh của Bộ Công an bị xử lý hình sự mà Cục trưởng và những cá nhân ở cấp cao hơn trong Bộ Công an lại vô sự, cho dù rõ ràng là không thể né tránh “trách nhiệm liên đới”? Vì sao chỉ xử lý một số doanh nhân tham gia thực hiện các chuyến bay… “giải cứu”, một số lãnh đạo địa phương liên quan đến việc sắp đặt “nơi ăn, chốn ở” cho những người Việt có nguyện vọng được “giải cứu” bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi một số tập đoàn, một số doanh nghiệp bỗng nhiên được lựa chọn để cung cấp dịch vụ “cưỡng bức cách ly”, khiến chi phí hồi hương vọt lên như pháo thăng thiên lại… vô sự?
Tương tự, đại án Việt Á đã kết thúc nhưng tại sao vẫn không có câu trả lời cho thắc mắc những ai nắm giữ 80% cổ phần của công ty rõ ràng là “hữu danh vô thực” này? Làm sao có thể xem tiến trình điều tra – truy tố – xét xử như thế là “khách quan, vô tư” và “đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”?
Tại sao hồi đầu năm 2022, dựa trên các dữ liệu về xuất – nhập cảng, Tổng cục Hải quan khẳng định Công ty Việt Á nhập các bộ xét nghiệm COVID-19 từ Trung Quốc (9) nhưng khi xét xử, hệ thống tư pháp quân đội (kiểm sát quân sự, tòa án quân sự) nhất trí xác định bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ ông Phan Quốc Việt) là người “nghiên cứu, tối ưu hóa quy trình sản xuất bộ xét nghiệm COVID-19 từ các tài liệu do WHO, CDC Mỹ và một số nước khác công bố trên Internet” (10)? Ngoài việc giúp ông Hồ Anh Sơn (Thượng tá, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự thuộc HVQY) vốn bị khởi tố về ba tội nhưng khi kết thúc điều tra, chỉ bị truy tố một tội (11), “phát hiện” gây sửng sốt ấy của các cơ quan tiến hành tố tụng còn giúp những ai, giá của sự giúp đỡ đó là bao nhiêu?
Xưa, cổ nhân có ngạn ngữ “nước lên cá ăn kiến, nước xuống kiến ăn cá”. Nay, quan sát công cuộc phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam, dường như đó chỉ là… ăn lẫn nhau!
Chú thích
(10) https://laodong.vn/phap-luat/vo-ong-chu-viet-a-la-nguoi-nghien-cuu-san-xuat-ra-kit-test-1283734.ldo
(11) https://laodong.vn/phap-luat/cuu-thuong-ta-thoat-hai-toi-trong-vu-cong-ty-viet-a-1282793.ldo
This webpage is unbelievable. The brilliant data reveals the distributer’s interest. I’m awestruck and expect further such astonishing entries.