Đà Lạt: Chính phủ thua trọc phú?

0
553
Cam Ly 01.09.2020 2:34

(VNTB) – Cơ quan chức năng địa phương hoà toàn bất lực trước các “trọc phú đông tiền” 

Họp nóng

Từ ngày 28 tháng 8 mạng xã hội đã bắt đầu sôi sục vụ công ty Liên Minh mang hàng trăm tượng với tổng trọng cả trăm tấn về Đà Lạt. Các ý kiến cho rằng những bức tượng này được mang về để trang trí cho công trình Tử Cấm Thành ở Đồi Mộng Mơ Đà Lạt. 

Tin tức này được chính ông chủ của khu du lịch khoe trước lên mạng xã hội. 

Với vạn quân được chia ra làm 04 đội quân hùng hậu, kiểm soát tại 04 cửa ra vào “Tử Cấm Thành ” gồm cửa đông, cửa tây, cửa nam & cửa bắc.

Đội quân số 1 gồm 230 tinh binh, mỗi tinh binh nặng gần 500 kg, tổng trọng lượng tương đương trên 100 tấn đã sẵn sàng cùng đoàn xe ngày mai sẽ vượt hơn 300km về với tp đà lạt để các hoạ sĩ và nghệ nhân may đo quân phục nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một trò chơi mới được mang tên “chả giống ai”.

Sau khi có ý kiến phản đối việc sử dụng một phiên bản của tượng gốm như lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng ở quận Lâm Đồng bên Trung Quốc ở Đà Lạt, ông chủ Liên Minh Group đã đưa thêm một ghi chú rằng: “Đây là tượng lính của Việt Nam nha! Nhìn kỹ ký văn trên giáp phục và binh khí hình chim hạc thì sẽ biết. Các cao nhân bàn phím chớ có tay nhanh hơn não và đừng tưởng là tượng Tầu đó nha! Giờ ngáo đá, ngáo đủ thứ hết em sợ lắm.

Cho đến sáng thứ hai ngày 31 tháng 8, ngành du lịch Lâm Đồng mới lật đật mở cuộc “họp nóng” để xử lý thông tin này. Theo thông tin từ báo người lao động thì “sở du lịch đã nắm được thông tin và đang phối hợp với các ngành chức năng để xác minh, xử lý”. Một nguồn tin của Sở Du lịch Đà Lạt cho biết thêm là “ khi người ta đưa ra hoạt động thì chúng tôi mới nắm thông tin trên mạng.”

Không hiểu chức năng của Sở Du lịch, sở Xây Dựng và lãnh đạo Đà Lạt – Lâm Đồng là giám sát các hoạt động đang diễn ra trong thực tế dựa vào năng lực thẩm tra, chuyên môn, kiến thức văn hoá và mỹ thuật để điều hành một tỉnh? Hay các quyết định của họ dựa vào dư luận trên mạng để mà lèo lái vuốt đuôi cho hợp lòng người chỉ vì họ không có khả năng ra quyết định?

Nghe thì có vẻ thật buồn cười, nhưng có lẽ lãnh đạo Đà Lạt – Lâm Đồng có thói quen xử lý theo dư luận.

Xử lý theo dư luận 

Đà lạt nhỏ như cái bàn tay, chuyện gì xảy ra ở đâu cũng khó mà qua được tai mắt của dân hay của cơ quan chức năng. Thế nhưng hàng loạt vụ việc lại có thể lọt qua được con mắt tài tình của cơ quan chủ quản. 

Năm 2019, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin hàng chục căn nhà được xây dựng trái phép trong rừng thông ở tiểu khu 156 thuộc phường 10 thành phố Đà Lạt. đại diện lãnh đạo UBND Phường 10, thành phố Đà Lạt thừa nhận: Tại khu vực này có 9 căn nhà xây không phép, diện tích mỗi căn rộng khoảng 90 – 100 m2. Những căn nhà trái phép này rao bán trên mạng xã hội với giá khoảng 1 tỷ đồng/căn. 

Thế nhưng ông phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình khi trả lời phóng viên báo chí lại tuyên bố rất ngây thơ rằng “những công trình vi phạm không phải xây dựng nhà, chủ yếu là công trình nhỏ.” 

Việc xây dựng trái phép diễn ra từ năm 2018, khi TTXVN phát hiện sai phạm vào cuối tháng 9/2019 và cho lên báo ngày 24/9 thì ba ngày sau lãnh đạo Tp. Đà Lạt chỉ đạo làm rõ vụ nhiều nhà không phép mọc giữa rừng thông. Chưa đầy một tuần lễ sau, ngày 1/10/2019 lực lượng chức năng thành phố Đà Lạt đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình nhà xây không phép trên đất rừng.

Ngày 6/11/2019, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm tại khu vực nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng ở số 1 Triệu Việt Vương, phường 4 (thành phố Đà Lạt) về các hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép…

Nhà hàng Trên Đỉnh Đồi Trăng nằm trong khuôn viên rộng hơn 6.300m2, gồm 13 khối công trình với tổng diện tích xây dựng hơn 2.736m2, đa phần là xây dựng không phép, trái quy hoạch. 

Đặc biệt, nhà hàng này đã lấn, chiếm đất rừng phòng hộ với diện tích hơn 1.880m2 ở vị trí đắc địa giáp Khu du lịch Dinh 3 – Bảo Đại, thành phố Đà Lạt nhứng có vẻ như cơ quan chức năng đã làm lơ. 

Công trình được xây dựng từ năm 2016 -2017 và trở thành một địa chỉ ăn uống cho khách du lịch, nhưng mãi đến cuối năm 2019 mới bị xử lý vi phạm sau khi báo chí lên tiếng.

Tương tự, vụ việc khu du lịch Núi Quỷ với những bức tượng không mang tính nghệ thuật, phản cảm với kích thước lớn và buổi khai trương rầm rộ. Chỉ khi hình ảnh lan tràn trên mạng xã hội, lãnh đạo Đà Lạt mới té ngửa ra với những bức dị tượng và vội vàng thông báo đã cho đóng cửa khu du lịch chờ xử lý. 

Người đưa hình ảnh lên mạng về khu du lịch Núi Quỷ đã bị nhân viên bảo vệ khu du lịch hành hung ngay tại trung tâm thành phố nhưng không nghe nói vụ việc đã được xử lý ra sao dù khu du lịch này được xây dựng hoàn toàn trên nền đất nông nghiệp. 

Chưa đầy hai tháng sau thì cũng chủ nhân của khu du lịch Núi Quỷ lại gây xôn xao dư luận với Vạn Lý Trường Thành với đội “tinh binh” phiên bản Việt.

Chính phủ còn không ăn thua nữa là?

Từ năm 2018, báo chí đã lên tiếng nhiều về nạn xâm lấn khu vực Hồ Tuyền Lâm, thắng cảnh quốc gia, của các nhà đầu tư để làm bờ kè, phim trường, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê. Đầu năm 2019 báo Thanh Niên loạt bài “Băm nát di tích thắng cảnh hồ Tuyền Lâm,” về việc xây dựng các khu khách sạn không phép. 

Sau khi báo đăng, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả lên Thủ tướng, đến tháng 2 cơ quan chức năng địa phương mới bắt đầu cho thành lập ban kiểm tra liên ngành để tiến hành xác minh, xử lý sai phạm. 

Việc xử lý sai phạm cũng không đâu vào đâu khiến tờ Pháp Luật phải gọi đó là Xử lý kiểu “đầu voi, đuôi chuột” khi tới tháng 9 năm 2019 vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý trách nhiệm…” dù rằng báo chi đã điểm mặt 10 doanh nghiệp đang góp phần tàn phá Hồ Tuyền Lâm.

Đến tháng 3 năm 2020, cơ quan chức năng Đà Lạt mới xử lý cưỡng chế được 1 doanh nghiệp vi phạm và cho đập bỏ 5 căn biệt thự. Cho đến nay đã là tháng 9 năm 2020, mà vẫn chưa nghe thêm động tĩnh gì về vụ việc này trong khi ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã giao thời hạn phải báo cáo UBND tỉnh cuối tháng 3-2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 7/1/2020, báo Lâm Đồng có bài Thêm điểm du lịch canh nông Vườn Thượng Uyển Bay, theo đó khu du lịch này mới được cấp phép với nguồn vốn 5,2 tỷ đồng. Dự kiến sẽ xây dựng xong vào quý 3/2020 và đưa vào hoạt động quý 4/2020. 

Nhưng thực tế công trình này đã đi vào hoạt động với quy mô đồ sộ, hoành tráng, rộng hàng nghìn mét vuông xây dựng không phép trên đất quy hoạch rừng phòng hộ tại phường 10, thành phố Đà Lạt ngày 9/1/2020.

Có lẽ đây là khu du lịch quy mô được xây dựng thần tốc nhất chỉ trong 2 ngày mà cả thành phố Đà Lạt không ai hay biết?!

Tháng 3/2020 Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu xử lý khu du lịch trái phép này lần thứ nhất. Tháng 6/2020, báo công an có bài Vụ “Vườn thượng uyển bay” không phép: Tháo dỡ kiểu… đối phó? tường trình việc 100 nhân viên công lực tham gia cưỡng chế nhưng đó chỉ là việc làm cho có.

Tháng 8/2020, Chính phủ lần thứ 3 chỉ đạo xử lý sai phạm dự án ‘Vườn thượng uyển bay’. Từ đó cho đến nay vẫn không có động tĩnh gì về việc chính quyền Đà Lạt đã thực hiện nghiêm chỉnh lệnh của chính phủ.

Trong vòng hai năm trời, những vụ việc xây dựng trái phép động trời, với quy mô lớn làm huỷ hoại cảnh quan, môi trường thiên nhiên và văn hoá của Đà Lạt và vùng lân cận liên tiếp diễn ra và chỉ được xử lý hời hợt. Chừng đó cũng đủ để thấy, cơ quan chức năng địa phương hoặc bất lực trước các “trọc phú đông tiền” hoặc bị các thế lực nâng đỡ cho các trọc phú vô hiệu hoá nên đều há miệng sẽ mắc quai.

Có lẽ đã tới lúc các quan chức bất tài nên về vườn để cho người làm được việc xử cho tới nơi những kẻ chỉ muốn băm nát Đà Lạt và trả lại cho Đà Lạt cái hồn thanh tao vốn có của một thành phố từng được coi là Tiểu Paris.

563660cookie-checkĐà Lạt: Chính phủ thua trọc phú?