Chính trị trong nước đang trong bối cảnh chưa từng có trong lịch sử. Tình tiết những âm mưu dày đặc. Những sự kiện dồn dập đang mang lại nguồn dữ liệu chưa từng có cho giới quan sát và phân tích chính trị.
Mỉa mai nhất là trong bối cảnh diễn biến chính trường sôi động đến nghẹt thở – phải nói là mang tính lịch sử – không có sự dự phần của báo chí. Truyền thông chính quy hoàn toàn bị gạt ra bên lề. Phóng viên nói chung giờ ngồi “hóng tin” từ Bùi Thanh Hiếu và Lê Nguyễn Hương Trà. Thậm chí có người “ức quá”, như tâm sự của một cây viết nội chính nhà nghề nói với tôi, chỉ biết đọc VOA và BBC để cập nhật thêm từ những gì mà cá nhân tự tìm hiểu mà tuyệt đối không thể viết ra.
Cung đình hỗn loạn. Chẳng ai còn tâm trí “nhắc nhở” báo chí phải “đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng”. Muốn nhắc bây giờ chắc mồm cũng mắc cỡ và họng thấy nghẹn. Không người dân nào dám chắc những thông tin được cung cấp một chiều từ công an, và báo chí chỉ đăng lại, có khi cùng sao chép nguyên văn, có bao nhiêu tỷ lệ sự thật. Không có bài báo “điều tra” độc lập nào về Trương Mỹ Lan. Tất cả đều được cung cấp “đầy đủ” từ công an. Số liệu ngồn ngộn nhưng đúng hay sai thì chỉ công an biết. Cây nào bị chặt làm củi thì chỉ được phép đốt cây ấy trên mặt báo.
Ai cũng có thể nhận ra yếu tố phe nhóm nhưng báo chí không thể tự ý, độc lập và có đủ quyền “tự do ngôn luận” trong phân tích hoặc điều tra để “giúp” đánh tham nhũng. Chẳng báo nào dám đề cập hung thần Hai Nhựt Lê Thanh Hải khi chưa được bật đèn xanh. Các cuộc họp giao ban báo chí gần đây, được miêu tả là cực kỳ căng thẳng, nhưng trên mặt báo, tương lai điện ảnh nước nhà mới là chủ đề chứ không phải sự sống còn của hệ thống chính trị quốc gia.
Những VOA, BBC và RFA đang thắng lớn. Cờ đang trong tay họ, tha hồ phất. Vô hình trung, Ban tuyên giáo Trung ương đang nhường sân cho “địch”. Mặt trận thông tin về tình hình nội chính Việt Nam đang nghiêng về phía “đài địch”. Ở đây không có sự cạnh tranh, nếu có thì chỉ là sự cạnh tranh giữa các đối thủ báo chí tự do.
Báo chí nhà nước hoàn toàn bị tê liệt, phập phồng lây lất với thẻ đỏ chực chờ. Một cách chính xác, đó là một sự bức tử. Sống không bằng chết. Sự câm nín của họ đã giúp “đài địch” thoải mái chạy hết công suất. Tỷ số đang thuộc về ai – một câu hỏi không cần trả lời. Điều đáng tiếc nhất là nhà báo trong nước đã bị tước mất cơ hội trở thành người viết sử của thời đại.
Hệ thống báo chí Việt Nam hiện có khoảng 1.000 cơ quan truyền thông. Bài báo ngày 21-12-2023 của vietnamplus.vn cho biết Việt Nam có “6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình”, trong đó có 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Số liệu nhân sự Ban tuyên giáo Trung ương không được cung cấp công khai, tương tự nhân sự báo Nhân Dân, nhưng chắc chắn không dưới 100 người ở mỗi cơ quan.
Đội quân báo chí hùng hậu, với 20.508 nhà báo có thẻ, về lý thuyết, có thể nghiền nát “đám báo chí hải ngoại cò con”. Tuy nhiên, tình thế không phải vậy. Thực trạng đầy bi đát và chua chát. Thực tế là chưa đến 50 người, nhấn mạnh chưa đến 50 (không tính lực lượng cộng tác viên), trong tổng nhân sự tòa soạn ban Việt ngữ của VOA, BBC và RFA gộp lại, đang làm mưa làm gió và ngày càng trở thành nguồn tin chính mà hàng ngàn nhà báo có thẻ ở Việt Nam có thể đang vượt tường lửa chăm chú đọc. 50 so với 20.508 – một sự chênh lệch không tưởng.
Chính sách kiểm soát và bóp cổ báo chí ở Việt Nam là đúng hay sai, khi trận địa thông tin được nhường cho đối phương (chính xác hơn là “kẻ thù” của họ)? Khi được phát triển tự do, việc làm nghề mới “tiến hóa”, theo quy luật tự nhiên. Không ít bài báo hải ngoại viết về nội chính Việt Nam bây giờ không chỉ thuần túy cung cấp thông tin mà còn cho thấy sự chuyên nghiệp nhà nghề đáng nể của họ. Tay nghề của người sáng tạo luôn khác với tay nghề của anh thợ lắp ráp trong một dây chuyền. Súng đạn được bắn tự do khác với “chiến thuật” tổ chức thông tin quen thuộc và nhàm chán đến mức những gì viết ra và cùng nhau đăng lại chỉ khiến độc giả chia sẻ với sự mỉa mai.
Vấn đề ở chỗ trong “phe nhà” có không ít “nguồn nội bộ” cung cấp cho đạn cho “địch”. Mà “địch”, dù lực lượng mỏng, rất mỏng, nhưng súng ống lại được xài không hạn chế. Đạn địch đang bắn nát hệ thống lá chắn thông tin của truyền thông nhà nước. Không thừa nhận điều này thì chỉ là tự dối nhau. Thế giới thông tin bây giờ đã rất khác. Khác từng ngày. Kỹ thuật liên quan truyền thông cũng rất khác. Bối cảnh thời đại không còn như cách suy nghĩ cũ kỹ của những “chủ trì, nghiên cứu, tham mưu về chủ trương, đường lối, nhiệm vụ và giải pháp của Đảng trong lĩnh vực tuyên giáo…”.
Sẽ chẳng có thay đổi. Với Đảng, thay đổi là tự sát. Báo chí vẫn buộc phải ngoan. Khi mặt trận truyền thông tiếp tục nhường cho “phe địch”, việc kiểm soát thông tin cũng như định hướng tư tưởng hiển nhiên trở thành một chính sách vô nghĩa. Có rất ít những điều vô nghĩa có thể tồn tại lâu dài, kể cả khi nó được mặc định là không thể chết.