Từ FB Trần Huỳnh Duy Thức :
Đã hơn ba tháng dịch bệnh Covid – 19 khuấy đảo thế giới, như Bill Gates đã viết trong thư ngỏ của mình, Corona thật sự là một cơ hội, chứ không chỉ là thách thức của nhân loại. Nó là một người sửa chữa tuyệt vời cho thế giới ngày nay, hay nói cách khác, nó là một người thầy nhắc lại cho chúng ta những bài học quan trọng.
Tuy nhiên, không như nhiều người lầm tưởng, Covid – 19 không phải là một người thầy dễ dãi, người sẽ giải quyết hết các vấn đề của chúng ta còn chúng ta thì chỉ việc chờ đợi. Covid – 19 sẽ sửa chữa thế giới bằng cách buộc con người phải đưa ra lựa chọn. Chính vì vậy mà Bill Gates kết thúc lá thư của mình bằng câu nói Covid – 19 đã hoàn thành công việc của nó là đem lại các bài học, việc học hay không chính là lựa chọn của chúng ta. Chắc chắn ở một nơi rất xa, ở bên kia địa cầu, có một người cũng sẽ đồng ý và tâm đắc với những gì mà Bill Gates viết, bởi vì chính anh cũng đã nhiều lần viết về điều này, cách đây rất lâu rồi, qua những lá thư gửi về cho gia đình từ trong lao tù, chính là tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức.
Nếu những ai thường xuyên theo dõi các lá thư của anh chắc sẽ không còn lạ lẫm gì với cụm từ “Dòng chảy thời đại”, đây là cách anh Thức gọi tên sự vận động của các quy luật phát triển, sự điều chỉnh của tự nhiên, của một bàn tay vô hình mà anh tin rằng sẽ có sức mạnh cuốn phăng những giá trị đã trở nên lỗi thời, những giá trị bảo vệ và dung dưỡng cho sự chà đạp lên quyền con người, những giá trị đi ngược lại với dòng chảy. Mặt khác, nếu chúng ta biết nắm bắt dòng chảy, biết nuôi dưỡng và phát huy những giá trị tốt đẹp theo quy luật, dòng chảy sẽ đưa chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa và bình đẳng. Dòng chảy thời đai có một loại sức mạnh mà không một cá nhân, thế lực hay thậm chí là một nhà nước độc tài nào có thể chống lại ý chí của nó được. Sức mạnh của dòng chảy đến từ tính trực diện của nó, trước sự vận động của nó, con người buộc phải đưa ra sự lựa chọn, một là thay đổi theo quy luật để tiếp tục tồn tại hoặc bị cuốn phăng và quên lãng vào lịch sử.
Không có gì là nói quá nếu cho rằng dịch bệnh Covid – 19 chính là một biểu hiện của Dòng chảy thời đại mà anh Thức thường nhắc đến khi chúng ta chứng kiến sức ảnh hưởng của nó lên một gã độc tài toàn trị như Trung Quốc, hay thậm chí là cả những “gã khổng lồ” như Hoa Kỳ, Anh, Đức. Ngay tại thời điểm này, chúng ta đều thấy được khả năng chống chọi của những chính sách như “Một Trung Quốc”, “Brexit” và “Make America Great Again” trước Covid – 19 hiệu quả đến đâu.
Câu trả lời không là gì khác ngoài thiết lập một hệ thống toàn cầu hóa, bước đầu là hệ thống y tế toàn cầu với sự minh bạch thông tin, như diễn giả Alanna Shaikh, đã chia sẽ trong bài TEDTalk “Coronavirus is our future” của mình vào giữa tháng ba, nếu như ngay từ đầu Trung Quốc trung thực và minh bạch về thông tin của dịch bệnh, đồng thời chúng ta có một hệ thống y tế toàn cầu nơi mà mọi quốc gia đều có thể hợp tác và trao đổi thông tin minh bạch và nhanh chóng, phần còn lại của thế giới đã có thể chuẩn bị tốt hơn cho công tác ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh.
Có một điều chắc chắn rằng thế giới của chúng ta sẽ không bao giờ quay trở về như cũ trước khi Covid – 19 xuất hiện nữa, để tiếp tục tồn tại, con người cần phải học cách hợp tác và quan tâm đến lợi ích toàn cầu. Những gì chúng ta có thể làm lúc này không phải là tìm cách đổ lỗi cho ai, mà là chuẩn bị thật tốt để thích nghi và phát triển trong một thế giới mới, đặc biệt là đối với Việt Nam. Đây là chuyến tàu vận hội của Việt Nam, nếu không kịp thời nắm bắt, chúng ta sẽ lại tiếp tục bị giam cầm trong quá khứ lạc hậu hàng trăm năm tiếp theo.
Trước những sự kiện trên thế giới, và đặc biệt là những sự kiện gần đây tại Việt Nam, gia đình mong muốn chia sẻ lại những lời nhắn nhủ cũng như cảnh tĩnh tâm huyết của anh Thức trong suốt thời gian vừa qua, với hi vọng đem lại sự yên bình và vững tin, cũng như là giúp mọi người xác định được phương hướng của mình nhằm vượt qua giai đoạn đầy thử thách này.
Theo anh Thức, trong giai đoạn này, chúng ta nên làm những gì?
Ở phạm vi nhà nước và xã hội, chúng ta cần đặt nhiều sự quan tâm và nguồn lực hơn vào việc phát triển tác dụng của trào lưu mềm vào phát triển xã hội, vào việc tạo ra một xã hội cởi mở và một mô hình chính trị cởi mở, nơi người dân có thể chỉ trích bất kỳ vị lãnh đạo nào của đất nước không chỉ bằng những góp ý chính sách mà còn bằng sự chế giễu họ công khai. Một xã hội cởi mở như vậy thì mới có thể tạo ra hoặc chấp nhận những ý tưởng mới, đột phá về công nghệ và mô hình kinh doanh. Không có cởi mở về chính trị thì sự cởi mở về kỹ thuật, kinh tế rất hạn chế.[1]
Sở dĩ một xã hội cởi mở có thể chấp nhận và gìn dưỡng những giá trị như trên vì họ hiểu rõ tầm quan trọng của Quyền Con Người trong việc xây dựng xã hội, rằng mỗi một cá nhân đều bình đẳng và đều có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, của quốc gia như nhau, bất kể công việc, địa vị, chức vụ, học vấn, xuất thân, v.v… Vì vậy, để xã hội được phồn thịnh và văn minh, từng cá nhân đó phải được tôn trọng, để huy động năng lượng sáng tạo của toàn xã hội, cộng hưởng thành nguồn lực đưa xã hội tiến về phía trước. Ở trạng thái bình đẳng, lĩnh vực nghề nghiệp nào cũng có thể thành công lớn, tạo ra giá trị ảnh hưởng lên xã hội và đều có thể được coi trọng. Không còn thứ bậc được xác định bởi xuất thân, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, ý thức hệ, dòng tộc, đảng phái, … Mức độ được tôn trọng và tầm ảnh hưởng của mỗi người được hình thành từ nỗ lực và phẩm giá của họ. Tổng thống, thủ tướng vẫn có thể bị xem thường nếu người dân không thấy được nỗ lực của ông/bà ta vì đất nước hoặc thấy sự đánh mất đạo đức của người nhận sự trao quyền của nhân dân. Một người làm công việc mà ngày xưa bị miệt thị là “xướng ca vô loài” vẫn có thể trở thành một biểu tượng về văn hóa và đạo đức ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người.[2]
Còn ở phạm vi của từng cá nhân, để kiến thiết và làm việc trong một xã hội toàn cầu hóa, chúng ta cần phải trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết để làm việc nhóm, để cộng hưởng năng lượng cùng người khác, sao cho ta có thể dung nạp sự khác biệt, cộng hưởng nó cùng với năng lượng của chúng ta và của toàn xã hội. Có thể nói để làm được điều đó cần hai kỹ năng quan trọng, đó là kỹ năng đối thoại và kỹ năng tư duy độc lập, sáng tạo.
Để có thể phân tích hết được những kỹ năng trên, chỉ vài trang giấy e là không đủ, bạn có thể tìm đọc thư 76A – Kỹ năng làm việc – Giao tiếp trong thời đại Quyền Con Người mà anh Thức viết cho các con cháu đã được gia đình anh đăng tải, nếu bạn có mong muốn tìm hiểu tường tận về chúng. Tại đây gia đình chỉ xin nhắc lại tám giá trị quan trọng để hình thành và xác lập trạng thái bình đẳng của xã hội mà mọi người cần xây dựng và gìn giữ, được anh Thức đưa ra trong thư trên:
1/ Thượng tôn Quyền Con Người để hướng đến Văn minh Quyền Con Người
2/ Tôn trọng sự khác biệt và quyền bình đẳng của mọi người
3/ Tôn trọng pháp luật để giải quyết tranh chấp trên tinh thần thỏa hiệp
4/ Nhiều cơ hội, lựa chọn; sự đa dạng về trái chiều và quan điểm
5/ Đề cao văn hóa thuyết phục; văn hóa mệnh lệnh và văn hóa dựa vào quyền lực bị suy giảm
6/ Đề cao suy nghĩ độc lập và khả năng sáng tạo
7/ Cùng nhau chống lại các giá trị đi ngược lại Quyền Con Người
8/ Khoan dung và nhân ái được đề cao hơn trừng phạt và lên án cay độc.
Cuối cùng gia đình xin trích lại lời của anh Thức trong thư 76A để khép lại bài viết, kính chúc mọi người và những người thân yêu sức khỏe, bình an và thật vững tin để vượt qua giai đoạn này:
“Hãy khuyến khích người khác nói ra suy nghĩ của họ. Lắng nghe để hiểu họ và cố tìm ra những giá trị từ họ phù hợp với mong muốn của mình để tạo ra sự kết hợp có lợi cho đôi bên. Còn nếu không thể tìm được điểm chung thì cũng đừng bài bác quan điểm của họ, mà hãy thuyết phục rằng ta sẽ tìm ra được giá trị phù hợp từ quan điểm của họ cho một dịp khác, dự án khác. Làm những việc này đều phải chân thành và tôn trọng lẽ phải.”[3]
Hẹn gặp mọi người tại kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do và bình đẳng.
_________________________________________________
[1] https://tranfami.wordpress.com/2017/02/12/thu-gui-tbt-nguyen-phu-trong-trich-81a/
Tranh minh họa: Cyber Judgment by patreon.com/mimi_n