19-2-2018
Những bồi bút, văn nô của đảng trong thời gian qua xuất bản hàng loạt sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình với những cái tựa đọc lên rất dễ bị tăng xông máu như “Con đường phi thường của Đặng Tiểu Bình”, “Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt” v.v…
Lẽ ra nên có một tác phẩm kể tội ác của y đối với dân tộc Việt Nam và đặt tựa là “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” mới đúng. “Côn đồ” là chữ y dùng để chỉ Việt Nam.
Lý do vì “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” đã từng chủ trương xóa bỏ nước Việt Nam trong bản đồ thế giới bằng một cuộc chiến đánh phủ đầu (preemptive war).
“Đánh phủ đầu” theo chủ trương của “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” không phải là để dời vài cột mốc, đụng độ lẻ tẻ dọc biên giới mà là cuộc tấn công quyết định trước khi Việt Nam có khả năng chống trả.
“Côn đồ Đặng Tiểu Bình” nói với Tổng thống Jimmy Carter trong chuyến viếng thăm Mỹ đầu năm 1979: “Bất cứ nơi nào, Liên Sô thò ngón tay tới, chúng ta phải chặt đứt ngón tay đó đi.”
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger giải thích quan điểm này trong tác phẩm Về Trung Quốc (On China):
“Những gì Đặng Tiểu Bình đề nghị về căn bản là chính sách đánh phủ đầu, đó là một lãnh vực trong chủ thuyết quân sự ngăn chận tấn công của Trung Quốc… Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ chuẩn bị phát động các chiến dịch quân sự để phá vỡ kế hoạch của Liên Sô, đặc biệt tại vùng Đông Nam Á”.
“Đông Nam Á” và “ngón tay” theo ý “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” không phải là mục tiêu nào khác mà là Việt Nam.
Trong chuyến viếng thăm Mỹ đầu năm 1979, Đặng không mua chuộc được sự ủng hộ công khai của Mỹ. Mỹ chỉ đồng ý giúp theo dõi sự động binh của 55 sư đoàn Liên Sô phía Bắc và chụp không ảnh các trận đánh vùng biên giới.
Đặng tưởng đó là một thành công nhưng hóa ra là một thất bại. Nhờ những tấm ảnh chụp từ vệ tinh mà các cơ quan truyền thông quốc tế biết dân quân Việt Nam vùng biên giới dù không chuẩn bị đã dạy cho Trung Cộng một bài học đích đáng.
Theo nhận xét của Đại Tá Russell D. Howard thuộc Học Viện An Ninh Quốc Gia của Không Quân Hoa Kỳ, Trung Cộng thiệt hại chỉ trong vài ngày bằng hơn một nửa số tổn thất của Mỹ trong 10 năm tham dự chiến tranh Việt Nam.
Sau tuần lễ đầu chịu đựng nhiều thiệt hại nhưng danh sách các vùng chiếm được chỉ là những làng xã dọc biên giới, “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” ra lịnh bằng mọi giá phải chiếm cho được thành phố Lạng Sơn, thủ phủ tỉnh Lạng Sơn để lấy tiếng trước khi rút lui. Chiều ngày 4 tháng Ba, sau nhiều trận giao tranh đẫm máu quân Trung Cộng tiến vào Lạng Sơn.
Khi rút khỏi những nơi này, quân Trung Cộng san bằng tất cả nhà cửa để trả thù cho số thương vong quá lớn.
Ký giả Nayan Chanda thăm vùng giao tranh vài ngày sau cuộc chiến đã ghi nhận không chỉ các công sở mà cả trường học, bịnh viện đều bị quân Trung Cộng giựt sập.
Để ngăn chận khối Việt Miên Lào liên minh nhau, tháng 8 năm 1975, “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” chia sẻ với Khieu Samphan, nhân vật số ba trong Khmer Đỏ “Khi một siêu cường [Mỹ] rút đi, một siêu cường khác [Liên Sô] sẽ chụp lấy cơ hội mở rộng nanh vuốt tội ác của chúng đến Đông Nam Á”.
Để xóa bỏ Việt Nam, “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” ủng hộ CS Campuchia giết một cách dã man đồng bào Việt sống dọc biên giới Việt Miên.
“Côn đồ Đặng Tiểu Bình” gặp riêng “khát máu Pol Pot” từ 28 tháng 9 đến 22 tháng 10, 1977 tại Bắc Kinh.
“Khát máu Pol Pot” chủ trương chỉ cần một người Campuchia diệt được ba chục người Việt, dân Campuchia sẽ tiêu diệt toàn bộ dân tộc Việt Nam. Các cuộc đột kích vào đảo Thổ Châu, Phú Quốc, nhiều địa phương thuộc các tỉnh An Giang, Tây Ninh, đốt phát làng mạc, giết người, bắt cóc, bịt mắt thả sông của Khmer Đỏ trong giai đoạn 1977-1978 phát xuất từ chủ trương này.
Về mặt đối ngoại, “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” cố gắng thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á, Á Châu và Mỹ.
Từ cuối năm 1978 đến đầu năm 1979, Đặng viếng thăm hàng loạt quốc gia châu Á như Nhật, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Miến Điện, Nepal. Tại mỗi quốc gia thăm viếng, họ Đặng luôn đem thỏa ước Việt-Sô ra hù dọa các nước láng giềng như là mối đe dọa cho hòa bình và ổn định Đông Nam Á.
Đặng phát biểu tại Bangkok ngày 8 tháng 11 năm 1978: “Hiệp ước [Việt Sô] này có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Á Châu và Thái Bình Dương. An ninh và hòa bình châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế giới bị đe dọa”. Ngoại trừ Singapore, Đặng nhận sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á.
Lý Quang Diệu sáng suốt chỉ ra cho “Côn đồ Đặng Tiểu Bình” thấy: “Không có một cộng đồng Nga kiều nào tại các nước Đông Nam Á có thể dẫn đến các cuộc nổi dậy của Cộng Sản do Liên Sô ủng hộ nhưng ở đâu cũng có các cộng đồng Hoa kiều được đảng và nhà nước Trung Cộng xúi dục và ủng hộ”.
Việt Nam, quốc gia vùng trái độn giữa hai quyền lực thế giới, chưa bao giờ đứng trước một chọn lựa sinh tử như hôm nay.
Một người có trách nhiệm với tương lai đất nước, dù cá nhân mang một thiên kiến chính trị nào, cũng phải biết thức tỉnh, đặt quyền lợi dân tộc lên trên, chọn hướng đi thích hợp với đà tiến văn minh dân chủ của thời đại, chấm dứt việc cấy vào nhận thức của tuổi trẻ một tinh thần bạc nhược, đầu hàng, vinh danh kẻ thù dân tộc.
Chỉ với vài trong số rất nhiều tội ác mà lịch sử sẽ lần lượt viết ra trong tương lai, Đặng Tiểu Bình xứng đáng được gọi “Côn đồ”.