Saturday, December 21, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGCHƯƠNG 4 - "NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI"

CHƯƠNG 4 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”

(Tác giả: Brian Eyler-Người dịch: Kiến Phước Nguyễn Tấn).

Vẫn hơi dài, sorry các bạn, người dịch than: viết ra rồi, cắt, cắt nữa, rồi tiếc, và phải dừng. Nhưng đọc đi, thôi thì những ngày “tự cách ly” này, có thêm thì giờ, bạn có thể nhẩn nha đọc, thêm thấu hiểu chuyện xa – chuyện gần, chuyện xưa – chuyện nay (hết ý kiến chủ thớt, đoạn dưới là của người dịch)
Rất cảm ơn mọi người đã bỏ thời gian ra nhắn tin góp ý, đặc biệt nhờ các anh chị mà mình đã dịch được 2 địa danh quan trọng là làng Yubeng (Vũ Bằng) và dòng Wunonglong (Ô Năng Long). Trong các chương trước, có 1 từ mà mình đã lược dịch là từ Zomia. Từ này được sử gia Willem van Schendel của ĐH Amsterdam dùng để nói về Khối núi Đông Nam Á của lục địa Á Châu vào năm 2002. Từ Zomia cũng được tác giả James Scott dùng để nói về vùng cao nguyên của Đông Nam Á trong cuốn sách “The Art of Not Being Governed” (Nghệ thuật chống cai trị). Từ thời điểm này mình sẽ dịch Zomia là Cao nguyên Đông Nam Á.

Ảnh-Một cô gái Dao

Chương 4: NGƯỜI DAO VÀ CAO NGUYÊN ĐÔNG NAM Á?
Loại thịt mà Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất là thịt heo, nhưng nhiều năm qua, ngành này luôn dính liền với các scandal về quản lý chất lượng và buôn lậu, dẫn đến việc nước này phải thắt chặt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc giết mổ 1.5 triệu con heo mỗi ngày. Năm 2013, 900 người bị bắt ở miền Bắc Trung Quốc vì tội trộn thịt chuột, và cáo chồn để làm giả thịt heo. Năm 2015, hơn 1,000 người bị bắt vì tội bán thịt heo nhiễm độc làm học sinh ngộ độc hàng loạt ở Vân Nam. Cuộc điều tra sau đó cho thấy đống thịt heo đó đã được đông lạnh hơn 40 năm và có chứa E Coli. Nhưng cuộc khủng hoảng thịt heo đó lại mở ra cơ hội cho làng Nam Phượng Trung (Nanpengzhong), một ngôi làng nhỏ chỉ với 130 hộ dân nằm ở vùng núi Tây Song Bản Nạp của Vân Nam. Sau khi đường xá được xây để nối làng này với vùng thung lũng bên dưới vào 2014, trưởng làng, ông Nhân Sơn (Ren San) bắt đầu nuôi giống heo tai nhỏ bằng thức ăn và nước hữu cơ. Khi nhu cầu thịt heo tăng cao, ông dần dần chỉ làng mình và 3 làng lân cận cách nuôi heo này. Thịt heo Nam Phượng Trung có giá cao hơn gấp đôi so với thịt heo phổ thông ở Trung Quốc, và mỗi tuần đều có 2 chuyến bay đem thịt heo từ làng về các thành thị lớn để tiêu thụ. Người giàu Trung Quốc ở Thượng Hải, Bắc Kinh rất chuộng loại thịt heo này và thật buồn cười khi chỉ hơn 10 năm trước, vùng Nam Phượng Trung vẫn nghèo và lạc hậu nhất nước.
“Hơn nửa dân làng bây giờ đều đã có xe hơi, mọi người đều có xe máy và một số gia đình đã đủ điều kiện cho con vào đại học” – ông Nhân cho biết. Được bầu làm trưởng làng lần đầu năm 1998, ông Nhân đã từ từ giúp bà con nơi đây trồng thành công trà, cà phê, cao su và sau đó là nuôi heo. Để làm được điều đó, ông đã liên tục đi học các khoá đào tạo về nông nghiệp do chính quyền địa phương Tây Song Bản Nạp tổ chức ở Cảnh Hồng, thủ phủ vùng này. Ông Nhân và 400 dân làng thuộc về dân tộc Dao, nhóm người thiểu số mà chính phủ Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông luôn coi là lạc hậu và “mọi rợ”. Hơn 2 triệu người Dao sống rải rác ở cao nguyên phía Nam Vân Nam, Đông Myanmar và vùng đồi núi phía Bắc Thái Lan, Lào và Việt Nam. Nhà nhân chủng học Patricia Pelley cho biết trong văn hoá dân đồng bằng Á Châu, tộc nào càng sống trên cao thì càng man rợ, và người Dao luôn sống ở các vùng cao nhất lục địa.
Vào những năm 1990, chính phủ Trung Quốc yêu cầu người Dao phải đăng ký chứng minh nhân dân, và tất cả người Dao đều phải tìm cho mình 1 cái tên tiếng Hoa. Người Dao lúc đó không có ngôn ngữ viết. Trước đó, trong sinh hoạt hằng ngày, họ không bao giờ phải viết tên mình xuống. Họ đã từng có nhưng theo truyền thuyết, khi bị xâm lược và buộc lưu vong thì họ đã phải ăn những tấm da trâu ghi chép lịch sử của mình để tồn tại.
Nhờ lối sống tách biệt mà họ giữ được tính cách, sự cân bằng văn hoá sinh thái và việc sử dụng tài nguyên bền vững. Những tộc người thiểu số sống ở lưu vực sông Mekong như người Dao luôn dịch chuyển lên xuống các dãy núi nhiều thế kỷ qua. Vì thế, rất khó để có thể định hình chính xác lịch sử của họ; xa xưa, họ luôn truyền miệng lịch sử của họ qua truyện kể và các bài hát.
Khi ngồi cùng tôi ở mảnh vườn trên tầng thượng nơi ông sinh sống và cũng là văn phòng của đảng Cộng sản tại làng, ông Nhân kể rằng theo ba ông, người Dao định cư ở vùng núi này từ những năm 1950, rồi càng đông người đến sống và làng bị hết nước nên họ mới phải dời tới vị trí hiện tại từ 1971.
Nhưng khi lục lại lịch sử Trung Quốc được ghi chép, thì người Dao đã xuất hiện từ hơn 2000 năm trước tại vùng Tứ Xuyên và có một nền văn minh lúa nước tương đối phát triển. Sau đó, do xung đột với các dân tộc phương Bắc nên họ bị đẩy khỏi Côn Minh, về phía đồng bằng sông Hồng, liên minh với người Nam Chiếu và Đại Lý cùng phát triển.
Trong văn hoá người Dao, họ luôn đặt cây lúa ở trung tâm để tưởng nhớ về nền văn minh lúa nước đã thất truyền của mình. Các câu chuyện cổ của người Dao luôn cảnh báo việc bị phụ thuộc hoặc xâm chiếm bởi các đế chế bành trướng. Nhà nhân chủng học người Hà Lan, Leo Alting Von Geusau, người đã giành nửa cuối đời mình sống với người Dao, cho biết trong lòng dân tộc này vẫn tồn tại tâm thế của kẻ bại cuộc (heritage of defeat) và tự nhìn nhận họ là một dân tộc bất lực, phải tránh xa khỏi các quốc gia hùng mạnh vùng đồng bằng.
Người Dao nổi tiếng về văn hoá truyền miệng có thể lưu giữ được phả hệ của hơn 60 đời. Lịch sử du mục của người Dao cũng được kết lại trong các bài ca lịch sử đó. Mỗi lần có 1 đứa trẻ ra đời thì gia đình lại đặc tên cho nó qua nghi lễ truyền thống. Trách nhiệm của mỗi gia đình là phải dạy cho con cái của mình nhớ về gia phả và lịch sử người Dao bằng cách truyền miệng. Mỗi 12 năm, người Dao sẽ tự tổ chức lễ thờ cúng cho tổ tiên của mình tại nhà, rồi cùng cả làng ăn mừng. Ai phá vỡ các nghi thức này sẽ đem lại xui xẻo và có thể bị đuổi khỏi làng.

Làng Mae Salong xưa

MÔ HÌNH NƯƠNG RẪY, THỰC CHẤT ĐÃ GIỮ RỪNG
Một lý do khác buộc người Dao phải luôn di cư là để tìm kiếm nguồn thức ăn. Họ, cũng như nhiều dân tộc ở Cao nguyên Đông Nam Á sống ở vùng cao nguyên Tây Bắc Trung Quốc, áp dụng mô hình nương rẫy. Hình thức này là “đốt rừng làm rẫy” (slash and burn) và bị dân Trung Quốc đồng bằng xem là thấp kém hơn kỹ thuật lúa nước đồng bằng. Người đồng bằng nghĩ phương thức canh tác này sẽ tạo ra 1 vòng lặp không ngừng của việc trọc hoá núi đồi, nhưng điều này là vô căn cứ. Để canh tác nương rẫy, dân thường chọn dùng ở các vùng có nhiều sườn đồi cạnh nhau, phát quang bụi rậm, đốt những cây thấp hơn để tạo 1 lớp phân bón tự nhiên. Họ trồng lúa, khoai hay các loại cây trồng đa canh khác, đáp ứng đủ nhu cầu của dân làng. Những sườn đồi này, tuỳ theo độ phì nhiêu, mà sẽ được canh tác trong từ 2 đến 10 năm rồi khi đất hết dinh dưỡng thì họ để trống trong vòng 10 năm nhằm phục hồi. Dân càng ít, càng cần ít đất.
Hình thức canh tác “du canh du cư” này đã bị cấm ở Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan do người đồng bằng nghĩ là nó tạo ra rất nhiều mảnh đồi trống núi trọc; phá hủy môi trường. Tuy nhiên, họ đã hiểu sai, vì canh tác nương rẫy là tập trung khai thác một diện tích đồi núi nhất định mà thôi; những vùng đất chung quanh sẽ không bị đụng vào và nhìn tổng thể vùng cao nguyên sẽ luôn giữ được cho mình 1 lượng đất rừng ổn định. Canh tác nương rẫy nếu được quản lý đàng hoàng sẽ luôn đảm bảo được hệ sinh thái rừng, tạo môi trường sống cho động vật hoang dã, giúp núi đồi luôn đủ độ ẩm và ngăn chặn núi lỡ.
*Note: Mô hình canh tác nương rẫy còn giúp người Dao sống tách biệt với dân dân đồng bằng. Ngoài ra, các nghi lễ truyền thống của người Dao (lịch) giúp củng cố chủ nghĩa bình đẳng (phân chia đều tài nguyên, đất đai và các lãnh thổ khác).
Do sản lượng thấp từ canh tác nương rẫy, người Dao phải sống dựa trên các nguồn dinh dưỡng khác như trái cây, thú rừng, nấm và măng. Việc gìn giữ cân bằng sinh thái giữa trồng trọt và núi rừng là điều kiện tồn tại tiên quyết của người Dao, vì vậy truyền thống của họ cấm tuyệt đối việc khai thác những khu rừng sâu. Trong văn hoá người Dao, các khu rừng ở cao nguyên luôn được bảo hộ bởi thần rừng và các loại thú dữ được coi là hiện thân của thần linh. Người Dao khi vào rừng chỉ thu hoạch măng, nấm, và các loại động vật “an toàn” như heo rừng, nai và gấu (!?); Họ tin là chỉ cần lỡ tay gây tổn thương trâu rừng, báo đốm và tê giác, cả làng sẽ gặp xui xẻo. Tương tự như vậy, cây trong rừng cũng được tôn trọng tuyệt đối; gỗ xây nhà hay sưởi ấm được lấy ở mức tối thiểu từ các khu rừng gần làng, mà họ coi như vành đai thủ hộ đảm bảo tính bền vững cho tài nguyên rừng. Ngoài ra, người Dao cũng thu hoạch các loại thảo dược để bán xuống đồng bằng, rất được giá. Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Dao vùng Tây Song Bản Nạp cũng thu hoạch thêm mây tre và trồng á phiện (opium) để bán về đồng bằng. Như cách trữ tiền và thể hiện, phụ nữ người Dao hay dắt tiền trên vành nón (nên mới có tên là người Dao tiền). Tác giả Jame Scott mô tả những sản vật này là vũ khí của kẻ yếu (weapon of the weak). Nhưng rồi với đường xá và vũ khí tiên tiến, người Trung Quốc cũng dần dần chiếm được quyền kiểm soát vùng cao nguyên thượng nguồn Mekong này.

Làng Mae Salong ngày nay

Đối với người Dao, sự xuất hiện của người Hán Trung Quốc đồng nghĩa với điềm xui xẻo vì chiến lược Hán hóa của họ. Trong Cách mạng văn hoá, người Trung Quốc đã cấm tuyệt đối dân tộc thiểu số việc thờ cúng tổ tiên và cả trang phục truyền thống ; các bàn thờ của người Dao bị phá bỏ và cấm luôn các phong tục thờ cúng từ xưa. Chính quyền TQ đã cấm cả người Trung Quốc thờ cúng tổ tiên để tạo ra 1 thế hệ người Hán trung thành với lý tưởng khác…Khi đó, chính phủ Trung Quốc tịch thu và xung quỹ toàn bộ vùng rừng núi chung quanh; họ tiến hành thu hoạch gỗ ngay lập tức và đưa khu vực này vào chiến lược khai thác tài nguyên quốc gia. Điều đó dẫn đến xung đột sâu sắc giữa chính quyền Trung Quốc và người dân tộc. Chỉ đến triều đại của Đặng Tiểu Bình, từ sau 1979, người dân tộc mới lại được cho phép mặc trang phục truyền thống và thực hiện các phong tục; nhưng đất canh tác vẫn do chính quyền trung ương quản lý.
*Note: Theo phong tục người Dao, mỗi năm phải xây mới cổng làng, mà bằng gỗ nguyên khối. Tục lệ bị cấm từ năm 1998 do chính phủ Trung Quốc cấm chặt cây rừng, cấm canh tác nương rẫy.

VÌ SAO LỚP TRẺ DAO QUÊN ĐI TRUYỀN THỐNG?
Văn hoá địa phương người Dao từ đó dần dần bị xóa mờ. Tháng 10/2014, trong 1 lần quay lại thăm, tôi được mời tham dự vào lễ hội mùa màng truyền thống của người Dao. Trên đường đến lễ đường, chúng tôi bắt gặp 1 nhóm thanh niên ngồi hát karaoke uống bia ở cửa hàng tiện lợi, khuyên chúng tôi đừng đến lễ hội vì ở đó toàn là mê tín thôi. Chúng tôi vẫn tham dự lễ hội. Sự lệch pha trong cách nhìn của thế hệ thanh niên quả đáng lo ngại cho sự mất dần những giá trị địa phương. So với các dân tộc thiểu số khác ở Vân Nam, người Dao vẫn cố giữ các lễ hội truyền thống. Nhưng chính phủ Trung Quốc tập trung tách thế hệ trẻ người Dao với các truyền thống cha ông. Từ năm 2013, tất cả các gia đình người Dao đều bị bắt buộc phải gửi con cái đến học ở những trường tập trung dưới đồng bằng và chỉ cho chúng về nhà vào cuối tuần. Điều luật này gần như tách biệt giới trẻ người Dao từ 6 đến 15 tuổi khỏi gia đình. Càng về sau, người Dao càng lo ngại vì trẻ con Dao dần dần không còn nhớ về các truyền thống của dân tộc.

Việc cấm canh tác nương rẫy cũng đẩy các khu rừng mà người Dao từng nhiều năm sinh sống đến cảnh bị khai thác kiệt quệ. Những mảnh rừng trước đây được người Dao gìn giữ, nay đã bị đốn hạ để trồng cây cao su. Cây cao su xuất hiện ở Nam Phượng Trung lần đầu tiên vào đầu những năm 2000 như là giống cây sinh kế mới. Giờ đây, chính phủ Trung Quốc giao đất khác người Dao xưa, vì dựa trên đầu nhân khẩu (nhà nào nhiều người được thêm đất). Nhà nghiên cứu lịch sử Dao tộc, Vương Kiên Hoa (Wang Jianhua) cũng cho biết quan chức của vùng này cũng lợi dụng chính sách đó để vơ vét đất đai.
*Note: Ngày nay, người Dao sống phụ thuộc vào thị trường thế giới, chứ không như ngày xưa khi còn tự cung tự cấp. Lối sống của người Dao ở Nam Phượng Trung cũng thay đổi ít nhiều; khi trồng cây dài ngày, rảnh rỗi hơn, họ sinh tật đánh bạc và uống rượu. Khi còn ở đây, tôi đã từng chứng kiến cảnh 1 thanh niên người Dao mất mạng do lái xe khi say xỉn.
*Note: Những phần tiếp theo của chương 4 là các câu chuyện của tác giả tiếp xúc với những người Dao tộc.

Bãn đồ khối Cao nguyên Đông Nam Á

NGƯỜI DAO THÁI TỪ DÂU ĐẾN (Câu chuyện 1)
Cuối tháng 12, 2014, tôi bắt gặp 1 cô gái người Dao trẻ tên Meepu ở Mae Salong (giờ còn gọi là làng Santikhiri, ở vùng Chiang Rai, Thái Lan), một ngôi làng phía Bắc Thái, không xa động Tham Luang mà đội bóng thiếu niên tên Heo Rừng đã bị nước cuốn rớt xuống, và được giải cứu tháng 6, 2018. Meepu và bạn bè cô, lúc gặp tôi, đang bán trà hữu cơ trong lễ Năm mới mà người Thái tổ chức ở làng Mae Salong. Thanh niên người Dao rất thích các trò đánh du thể hiện sự tự do, như câu hát nổi tiếng của dân tộc họ: “Dù mất giang sơn, ta vẫn có thể tự do chơi đánh đu giữa đất trời.”

Ảnh-Một cô gái người Dao trẻ tên Meepu ở Mae Salong (giờ còn gọi là làng Santikhiri, ở vùng Chiang Rai, Thái Lan)

Cô gái Dao Meepu vốn không sinh ra ở Mae Salong mà đến từ Trung Quốc. Trong khi phần lớn trong 75.000 người Dao Thái di cư đến đây vào thế kỷ 20, Meepu và gia đình cô đến đây vào 2004. Cho tới trước 1950, người Thái và các dân tộc thiểu số miền núi khác vẫn thường di cư xuyên biên giới các nước Thái Lan, Lào, Myanmar và Việt Nam (biên giới chỉ quản lý lỏng lẻo bằng vài chốt canh). Khu vực này với giao thương hàng hoá và nhân lực ở đây chính là khu Tam Giác Vàng sau đó.
Chuyến đi lên làng Mae Salong làm chúng ta có cảm giác như quay lại Vân Nam. Ở độ cao hơn 1000 mét, các biển hiệu ở Mae Salong đều bằng tiếng Hoa thay vì tiếng Thái. Mae Salong là một ngôi làng độc đạo, con đường xuyên qua làng dài 3 cây số đi thẳng lên bờ núi. Hầu hết các hộ dân ở đây đều là con cháu của lính Trung Hoa Quốc Dân đảng (Chinese Nationalist Kuomintang – KMT) bỏ trốn khỏi Vân Nam sau khi đảng Cộng Hoà Nhân dân Trung Hoa (Republic of China) ra đời năm 1949. Những người lính KMT này đầu tiên bỏ chạy sang Myanmar, cố gắng tổ chức các cuộc nổi dậy, và khu Tam Giác Vàng hình thành dần trở thành trung tâm của cuộc chiến á phiện toàn cầu. Đầu những năm 1960, đảng KMT bị trục xuất khỏi Myanmar, để rồi cuối cùng dừng chân ở phía Bắc Thái Lan và Mae Salong là cứ điểm của KMT từ đó.

NGƯỜI DAO THÁI VÀ SỰ THAY ĐỔI TÔN GIÁO (Câu chuyện 2)
Dương Trọng Quang (Yang Congguang), là người Hán Trung Quốc, hiện đang là mục sư ở nhà thờ Baptist tại Mae Salong. Gia đình ông bỏ trốn khỏi Vân Nam đến Myanmar vào năm 1958 và cải giáo sang đạo Thiên Chúa sau khi đã ổn định cuộc sống ở làng Lí Tư, tỉnh Shan (vào những năm 1960, khi biên giới giữa Vân Nam và Đông Nam Á liên tục xảy ra giao tranh, gia đình họ vô tình gặp được cộng đồng Thiên Chúa giáo hiền lành, không hút chích, đánh bạc hay nhậu nhẹt, nên họ quyết định cải đạo). Ông Dương sau đó bị đảng KMT bắt nhập ngũ và sau vài năm ông, bỏ trốn, lưu lạc khắp nơi, cuối cùng đến Bangkok và học đạo để trở thành mục sư. Đầu những năm 1990, chiến tranh lạnh kết thúc, vợ chồng Dương Trọng Quang dừng chân ở làng Mae Salong, xây cho mình 1 nhà thờ nho nhỏ chỉ 1 phòng. Ngày ngày, buổi sáng 2 vợ chồng tổ chức lễ cho người Dao. Cuối tuần, 2 vợ chồng lại mở lớp dạy tiếng Hoa miễn phí cho những đứa trẻ người Dao không quốc tịch (nên không thể vào trường dạy tiếng Thái ở địa phương). Sau vài năm, những đứa trẻ đó vào được trường cấp 3 ở Thái, có vài đứa vào đại học.
Sau khi làng Mae Salong thành lập 10 năm, gia đình Meepu đến đây, cải đạo sang Thiên chúa giáo, và Meepu theo học trường của mục sư Dương. Nhờ đó, cô đã vào được trường Thái, tốt nghiệp cấp 3 hoàng gia Thái, và giờ đây cô đang dạy tiếng Hoa ở trường của mục sư Dương để dành tiền đi học đại học. Cô muốn thành cô giáo dạy tiếng Hoa vì cô không hiểu gì những bài hát tiếng Dao mà dân làng cô hay hát.
Thiên Chúa giáo đến với vùng cao nguyên biên giới giữa Trung Quốc và Đông Nam Á thông qua các nhà truyền giáo từ Anh và Pháp từ thời thuộc địa. Tôn giáo ở đây như 1 cách để giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc và nối họ với một thế giới rộng lớn hơn. Dù sau đó Thiên Chúa Giáo bị cấm, các nhà truyền giáo phương tây đã kịp cắm rễ tôn giáo ở các làng Lí Tư, làng Karen (người cổ dài), làng Kachin (Cảnh Pha – Jingpo)…
Cho tới trước những năm 1980, người Dao ở cao nguyên Thái Lan và Myanmar đã bài xích rất mạnh mẽ đạo Thiên Chúa. Việc canh tác lúa nương bị thay bằng trồng cây á phiện. Hoàng gia Thái, cùng sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc (UN) dạy làm nông thay cây á phiên nhưng thất bại. Thanh niên người Dao lún vào tình trạng nghiện ngập. Nhiều phụ nữ người Dao trẻ đã trở thành nô lệ tình dục, và các ngôi làng Dao thanh bình một thời, chứng kiến cảnh bệnh xã hội lan tràn. Và người Dao càng cải đạo sang Thiên Chúa giáo vì nghĩ điều này giúp họ giữ được hệ giá trị đạo đức của mình.

Người Dao càng cải đạo sang Thiên Chúa giáo vì nghĩ điều này giúp họ giữ được hệ giá trị đạo đức của mình.

Nhờ đạo này, người Dao không quốc tịch cũng hoà nhập được cộng đồng. Ở Thái, hoàng gia Thái đòi hỏi người dân trung thành với lý tưởng “Quốc Gia, Tôn Giáo và Quốc Vương” (Nation, Religion, and King), thể hiện sự ưu ái tập trung vào Đạo Phật. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, chính phủ Thái Lan đã xem người dân thiểu số đều là dân nhập cư bất hợp pháp.
Hiện tại, có hơn 17,000 đơn xin nhập tịch từ người Dao ở quận Mae Fah Luang (Dịch ra là Cố Hậu – the late princess mother), nơi có làng Mae Salong. Và hiện chỉ có gần 50% số người Dao là có quốc tịch. Người Dao có khuynh hướng cho con mình học tiếng Anh và tiếng Hoa nhiều hơn là tiếng Thái. Họ cũng nghĩ kết nối các nhà thờ dễ kết nối thế giới. Như trường hợp Ashi, một thanh niên người Dao đã tốt nghiệp thủ khoa khi theo học mục sư Dương, rồi được học cử nhân tiếng Anh ở một đại học tư tại Chiang Rai, và Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại đại học Thanh Hoa TQ. Ashi hiện tại đang quản lý 1 start-up công nghệ tại Chiang Rai. Gần đây, Meepu đã được nhận vào học chương trình sư phạm ở 1 đại học công tại Chiang Rai.
Việc cải đạo sang Thiên Chúa giáo đã khiến người Dao kết nối nhiều hơn với các thị trường tư bản, theo chủ nghĩa cá nhân và hệ thống quản trị định hướng phương tây. Đạo Thiên Chúa cũng tạo nên sự chia rẽ trong cộng đồng người Dao. Những người Dao theo đạo luôn coi thường phần còn lại của tộc mình. Học giả về người Dao, Lý Hải Anh cho biết các nhà thờ người Dao cũng ngăn cấm thờ phụng ông bà; phải dẹp bỏ bàn thờ tổ tiên, không nghe lời các già làng, và không được sử dụng đông dược.
Cả 2 học giả về Dao tộc, ông Vương Kiên Hoa và bà Lý Hải Anh đều đang cố gắng thực hiện các hoạt động cổ vũ việc gìn giữ văn hoá người Dao. Họ lo lắng truyền thống lịch sử truyền miệng của người Dao sẽ dần biến mất.. Khi sự kết nối với gia đình và tổ tiên biến mất, cũng là lúc chúng ta mất đi danh tính của mình. Xung đột đức tin của người Dao vẫn là vấn đề đã và đang xảy ra nhiều năm nay. Phong trào Tân Truyền Thống được khởi xướng từ năm 2008, do những doanh nhân, giáo sư, bác sĩ và nhân viên chính phủ dẫn đầu, nhằm khôi phục các phong tục truyền thống qua các hoạt động ca hát, nghệ thuật và canh tác nông nghiệp. Trong hơn 10 năm qua, họ đã thực hiện và thành công trong việc tạo ra 1 hệ thống chữ viết tiêu chuẩn để ghi chép lịch sử; việc truyền miệng lịch sử cũng được lược bỏ và chỉ thể hiện trong sách vở qua các tranh vẽ. Những tư liệu này được họ in ấn và truyền bá rộng rãi, lên cả mạng xã hội. Ông Nhân Sơn cũng đem các bộ sách này về trưng bày ở bảo tàng Nam Phượng Trung. Có một trường phái khác, đối lập Tân truyền thống thì đã giản lược hoá quá đáng truyền thống người Dao. Nói chung cả 2 đều cố giữ để người Dao không mất về tay Thiên Chúa giáo.
Lần cuối cùng nói chuyện với trưởng làng Nhân, chúng tôi gọi cho nhau qua WeChat hơn 1 tiếng đồng hồ. Ông khoe về các nỗ lực gìn giữ văn hoá người Dao cuối cùng cũng đạt được 1 ít thành tựu. Giờ đây, các hội nghị về truyền thống Dao tộc được tổ chức đều đặn và nhiều người người tham dự hơn. Ông cũng gửi cho tôi những file PDF, video và hình ảnh về các hoạt động của phong trào. Ngày nay, thay vì tâm thế của kẻ bại trận, người Dao đã phát triển cho mình một hệ thống kinh tế xã hội đầy khí lực, ngay cả khi phải đương đầu với sưu thuế và chế độ nô lệ, vẫn có thể giữ vững giao thương với dân đồng bằng. Công nghệ và các cơ hội xã hội từ đồng bằng đã không còn bị nghi kị nữa. Thậm chí, nhiều người Dao đã dùng công nghệ để giữ gìn và phát huy truyền thống của họ. Điều vui là khi tán gẫu về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, ông Nhân cười: “Chúng tôi không lo lắng gì cả. Chiến tranh là chuyện của các nước lớn. Chúng tôi là người Dao, và chúng tôi giỏi nhất là sinh tồn. Nếu chiến tranh nổ ra, người Dao chỉ cần quay lại canh tác nương rẫy là được. Và chúng tôi vẫn giỏi chuyện đó lắm.”
Chương 5: Tam Giác Vàng vận hành ra sao?
Ảnh-Những cô gái Dao-Làng Mae Salong xưa và nay-Du khách chơi trò đánh đu của người Dao-Bãn đồ khối CN Đông Nam Á.

CHƯƠNG 1 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
CHƯƠNG 2 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
CHƯƠNG 3 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
CHƯƠNG 4 – “NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA DÒNG MEKONG VĨ ĐẠI”
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular