LÃ MINH LUẬN
Trong cuốn CẨM NANG CHÍNH TRỊ này, nữ nhà văn Phạm Đoan Trang đã cung cấp cho bạn đọc biết 10 loại chủ nghĩa trong hàng trăm thứ CHỦ NGHĨA (Ý THỨC HỆ) đã từng tồn tại trong lịch sử nhân loại. Đó là Chủ nghĩa Tự do, Chủ nghĩa Bảo tồn, Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ xã hội, Chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa Vô chính phủ, Chủ nghĩa môi trường, Tôn giáo thuần tuý, Chủ nghĩa Cộng đồng, Chủ nghĩa Nữ quyền, Chủ nghĩa Dân tộc. Đó cũng là những chủ nghĩa phổ biến trong lịch sử loài người từ xưa đến nay và chúng cũng được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
CHỦ NGHĨA – Ý THỨC HỆ hay còn gọi là HỆ TƯ TƯỞNG, “Ý thức hệ là một hệ thống niềm tin dẫn dắt hành động chính trị. Cụ thể hơn là một tập hợp các quan điểm, quan niệm có quan hệ qua lại, dẫn dắt hoặc tạo cảm hứng cho các hành động chính trị.” Một ý thức hệ hoàn chỉnh phải mang “tính tổng quát, tính lan toả, tính rộng khắp, tính mạnh mẽ”. Vậy, làm phép qui chiếu thì CNXH mà ĐCS VN và một số nước hiện nay vẫn còn đang cố bám đuổi có còn mang những tiêu chí đó không?
Không chỉ bây giờ “Chính trị bình dân” mới nói đến CNXH là CHỦ NGHĨA KHÔNG TƯỞNG mà thế giới đã nhận ra nó từ lâu và nó đã thành hiệu ứng đomino từ những năm 80-90 của thế kỉ trước để bước sang ý thức hệ TB kiểu mới. Bởi CNXH là một chủ nghĩa ăn bám, tham nhũng, một chủ nghĩa giả dối, tạo ra cho xã hội một loạt những kẻ ăn không ngồi rồi, bóc lột, bất công và nghèo đói, nhất là từ khi Chủ nghĩa Mác được trộn trạo với một mớ hổ lốn các loại chủ nghĩa như chủ nghĩa Lênin, Stalin, Mao… và nó được “nâng cấp” lên thành Chủ nghĩa Cộng sản, ngang hàng với chủ nghĩa Phát xít mà thế giới gọi chúng là ĐẠI HOẠ của nhân loại.
Trong khi CNXH đã thoái trào và nhiều nước TB ở phương Tây và châu Âu vẫn đang trên đà phát triển thì CON ĐƯỜNG THỨ BA ra đời. Đây là một khái niệm, một Ý THỨC HỆ khá mới mẻ mà cuốn sách đem lại cho bạn đọc. Ý THỨC HỆ này có tham vọng thay thế cho cả CNTB và CNXH. Vậy nó có phải là con đường thú vị và lí tưởng không? Nội dung của nó là gì?
– Thứ nhất, nó thừa nhận toàn cầu hoá trong thế giới hiện đại.
– Thứ hai, CNXH nhà nước can thiệp từ trên xuống dưới đã hết thời; CNTB đã phát triển thành “kinh tế tri thức”, đề cao vai trò công nghệ thông tin và kĩ năng cá nhân, trong đó, nhà nước đóng vai trò thiết yếu về kinh tế và xã hội. Cụ thể:
+ Phát triển giáo dục, đào tạo kĩ năng cho dân, nâng cao cạnh tranh kinh tế toàn cầu.
+ Phát triển xã hội dân sự và các cộng đồng để hạn chế sức ép của CNTB và thị trường.
Những người theo trường phái này đề xướng khái niệm “nhà nước công lợi”, nghĩa là nhà nước hỗ trợ tài chính có điều kiện cho giáo dục và những người đang tìm việc… Họ kêu gọi cân bằng quyền và trách nhiệm, bình đẳng về cơ hội và ủng hộ chế độ nhân tài.
Như vậy, hệ tư tưởng thứ ba này nó sẽ phù hợp với một nhà nước như thế nào? Có phải là một nước Dân chủ, đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập không? Việt Nam ngay bây giờ sẽ chọn đi theo con đường nào? Có nhất thiết phải rập khuôn theo một ý thức hệ mà các nước phương Tây, châu Âu đã đi hay theo xu hướng CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG mà nước Mỹ bây giờ đang thực hành? Cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức mà còn gợi mở cho những ai đang đau đáu trước thực trạng mà nhận đường, tìm đường changer cho đất nước.
Một thứ chủ nghĩa nữa khiến suy nghĩ của tôi phải dừng lại khá lâu, đó là CHỦ NGHĨA DÂN TỘC & LÒNG YÊU NƯỚC. Chủ nghĩa Dân tộc hiểu theo nghĩa rộng là Chủ nghĩa Quốc gia. Chủ nghĩa này trong thời kì phong kiến ở Việt Nam hay Trung Quốc nó được coi là một phẩm chất tốt đẹp – CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC. Chủ nghĩa yêu nước (tinh thần yêu nước, lòng yêu nước) được cụ thể hoá bằng lòng trung thành (tôi trung), trung quân ái quốc – yêu nước trung thành với vua, ngược lại, trung với vua nghĩa là yêu nước. Khi các cuộc nội hay ngoại chiến xẩy ra, thần dân tham chiến trước hết là vì vua, vì lãnh thổ mà vua đang cai trị (Sông núi nước Nam vua Nam ở…). Vì vậy, quyền và lợi sau khi chiến thắng đều thuộc về vua và đẳng cấp quý tộc chứ không thuộc về dân đen.
Bước sang thế kỉ XX, trải qua quá trình giành độc lập dân tộc, thay đổi chế độ, ĐCS lên nắm quyền, lãnh đạo toàn dân tham gia hai cuộc chiến lớn (chống Pháp, Mỹ…) và cuộc tốc chiến thứ ba chống quân bành trướng Tàu Cộng, cái “chủ nghĩa yêu nước” ấy suy cho cùng nó đã bị người ta lợi dụng để lôi kéo, gắn kết toàn dân tham gia cuộc chiến vì một ý thức hệ mịt mờ (XHCN) chứ không phải vì chủ quyền lãnh thổ, vì một quốc gia, dân tộc. Bởi lẽ, khi cuộc chiến kết thúc thì quyền và lợi vẫn thuộc về ai, có phải chủ yếu chỉ ở một nhóm người? Và các khẩu hiểu “Trung với đảng, hiếu với dân…” nghĩa là thế nào?
Tuy vậy, từ cuối thế kỉ XX sang đầu thế kỉ XXI, làn sóng toàn cầu hoá, Trái đất tròn bỗng bị đập bẹp thành cái mâm phẳng thì khái niệm Chủ nghĩa quốc gia, dân tộc… đã trở nên lỏng lẻo ở nhiều nước. Các nước phương Tây nhanh chóng hoà nhập vào làn sóng toàn cầu còn các nước phương Đông thì chậm chạp hơn, nhất là Việt Nam… nó bị chính cái chủ nghĩa dân tộc bó buộc, ăn sâu vào tinh thần, tư tưởng mỗi người dân:
“Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ, như cha, như vợ, như chồng
Ôi! Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…” (Chế Lan Viên)
Chính cái chủ nghĩa yêu nước cực đoan ấy mà khiến hầu hết người Việt bị lợi dụng vào những mục đích xấu như lôi kéo tham gia chiến tranh vì Tổ quốc… mà họ không biết được đó có phải là mục đích chính hay không? Còn nữa, người Việt Nam khi tham gia bất cứ một sự kiện nào cũng thể hiện màu cờ sắc áo dân tộc bằng cách mang theo cờ đỏ sao vàng, nhất là khi vào sân vận động xem bóng đá. Một rừng cờ đỏ, áo đỏ, băng zôn đỏ… đỏ đến chói chang, nhức nhối, bức bối gợi người ta nghĩ đến những cuộc chiến tranh đẫm máu “xương chất thành núi, máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm…”, gợi người ta nghĩ đến Chủ nghĩa Sô-vanh: kiêu ngạo, hiếu chiến, hung hãn, bạo lực… Ở Mỹ và châu Âu thì chủ nghĩa dân tộc đã mang hàm ý tiêu cực.
Vậy, chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước, lòng yêu nước ở đây là gì? Là trước hết ta hãy yêu chính ta, yêu gia đình của ta, yêu nơi ta sinh ra và lớn lên, gắn bó, đó là quê hương; yêu thiên nhiên, yêu con người và cuộc sống; biết giúp đỡ người hoạn nạn, kém may mắn, biết bất bình căm tức trước những cái ác, cái xấu, cái bất công, vô lí, trái lẽ phải… sẵn sàng hi sinh bản thân nếu vì một mục đích lớn lao, cao cả, chính đáng; tỉnh táo để không bị lợi dụng…
Chốt lại vẫn đề về các chủ nghĩa, tác giả cuốn sách muốn nói với bạn đọc rằng khi nền kinh tế thị trường đã trở nên toàn cầu hoá thì khái niệm quê hương, đất nước, dân tộc, quốc gia và lòng yêu nước cũng không còn mặc định trong tư tưởng mỗi người nữa. Các công ty sản xuất, chế xuất hay kinh doanh đều có thể hợp tác, liên doanh, liên kết với nhau trên toàn cầu, ở đâu lâu thì đất cũng hoá tâm hồn, hoá quê hương; còn đối với cá nhân, ở đâu có nhà nước pháp quyền, vì dân, quyền lợi của họ được bảo đảm, có công việc tốt và an xã hội tốt thì đó là quê hương, là Tổ quốc.
Vậy, suy cho cùng, Ý THỨC HỆ trong thời kì hiện đại này có cần thiết cho một đảng chính trị, một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia nhất thiết phải theo không? Nhiều triết gia trả lời rằng KHÔNG. Bởi khi đã toàn cầu hoá thì tính truyền thống sẽ suy yếu. Con người vừa thích độc lập lại vừa cần hợp tác; chủ nghĩa nào thì cũng bị chống đối và ủng hộ, chủ nghĩa nào cũng có mặt tốt, mặt tồi tệ. Có lẽ người ta hướng tớI… CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG chăng? Lịch sử chuyển động theo LẼ PHẢI không phải THÓI QUEN TRUYỀN THỐNG, CNXH quá lỗi thời, ắt nó phải chuyển động theo xu thế của thời đại.
(Còn nữa)