Chính quyền đang thất bại trong chống dịch phải cậy nhờ giới chuyên môn độc lập?

0
233

Mỗi người góp một tay  

Hôm 10 tháng 7 năm 2021, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để nghe các ý kiến độc lập nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch COVID-19 của thành phố.

Tại buổi gặp gỡ, ông Nên khẳng định luôn tôn trọng ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước nhưng không tự đưa ra các giải pháp, mà phải lắng nghe và tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bởi bất cứ quyết định nào đưa ra cũng liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế – xã hội và cuộc sống của người dân. Ông mong muốn các giải pháp phải đáp ứng sự kỳ vọng của dân, phải có lợi cho dân. Ông Nguyễn Văn Nên cũng thừa nhận thành phố đang đứng trước thử thách rất lớn và tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng.

Là một bác sĩ, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, tôi hiểu dịch bệnh nó lan truyền nhanh như thế nào, nên tập thể anh em chúng tôi, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ cũng mong đồng hành cùng chính quyền, cùng nhân dân để đưa đất nước đi qua dịch bệnh. – Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng

Là một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng đã viết một bức tâm thư gửi ông Nguyễn Văn Nên, góp ý về cách chống dịch hiện nay. Bức thư đang lan tỏa trên mạng xã hội facebook.

Vị bác sĩ này kêu gọi thay đổi ngay quan điểm về dịch bệnh COVID-19 cũng như người nhiễm Coronavirus. Ông cũng góp ý những điều cần làm và những điều cần tránh trong cách chống dịch hiện nay.

Trao đổi với RFA sáng 16 tháng 7, Bác sĩ Thắng chia sẻ lý do ông viết bức tâm thư gửi ông Nguyễn Văn Nên:

Hiện nay, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, trực tiếp là ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư thành ủy, Ủy viên Bộ chính trị là những người hết sức cầu thị và mong muốn mọi lực lượng trong xã hội đoàn kết lại để cùng nhau đưa đồng bào Việt Nam đi qua dịch hạn này. Đất nước còn nghèo và rất nghèo, những phương tiện như con người, vật chất, của cải, trang thiết bị đều rất thiếu thốn. Dịch bệnh này giáng một đòn rất nặng vào nền kinh tế, kéo lùi nền kinh tế Việt Nam.

Dân lao động khổ lắm chị ạ. Người dân bình thường khổ lắm chứ không như những người tầng lớp trên có nhiều cách để trốn dịch, thoát dịch.

Là một bác sĩ, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, tôi hiểu dịch bệnh nó lan truyền nhanh như thế nào, nên tập thể anh em chúng tôi, rất nhiều giáo sư, tiến sĩ cũng mong đồng hành cùng chính quyền, cùng nhân dân để đưa đất nước đi qua dịch bệnh.”  

Ngoài Bác sĩ Thắng, Bác sĩ Phan Xuân Trung, công tác tại Trung tâm Y khoa Medic, Thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi các đồng nghiệp hãy vì trách nhiệm và danh dự của Thầy thuốc, đến nhà giúp bệnh nhân khi hữu sự.

Trò chuyện với RFA qua điện thoại tối 16 tháng 7, Bác sĩ Nhan Trừng Sơn, Phó Giáo sư, giảng dạy tại trường đại học Y Khoa thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cách chống dịch của chính quyền thành phố đang đi đúng hướng. Sở dĩ dịch bệnh bùng phát là do các loại virus biến thể.

Ông đồng ý với biện pháp cách ly những người F0 cũng như những chỉ thị Nhà nước đưa ra và các hình thức xử phạt. Theo ông, số tiền thu được từ việc xử phạt nên dùng như những gói cứu trợ người nghèo trong tình hình hiện nay. Với lời kêu gọi của lãnh đạo thành phố cũng như những bác sĩ đồng nghiệp trong chiến dịch chống dịch hiện nay, ông nói:

“Tùy sức khỏe và tài năng từng người. Với tuổi tôi hiện nay, tôi không thể đến bệnh viện để giúp khám bệnh mà tôi chỉ khám lọc, tức là khám qua điện thoại các triệu chứng rồi hướng dẫn người ta đi làm xét nghiệm. Tôi đóng cửa phòng mạch để khám bệnh, tư vấn miễn phí cho người dân qua điện thoại. Ngoài ra tôi còn tham gia giảng dạy online cho sinh viên đại học y khoa.”  

Chính quyền đang đi sai hướng?

000_9ET4PR.jpg
Một chốt chặn ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 12 tháng 7 năm 2021. AFP

Theo một số chuyên gia y tế, chính quyền đã đi sai hướng nên dịch bệnh bùng phát, người dân cảm thấy bất an với hàng loạt chỉ thị được Chính phủ ban hành bị coi là trái hiến pháp và pháp luật khi ngăn cản người dân đi lại, cấm đoán các hoạt động kinh tế, tước đoạt nhiều quyền tự do khác của người dân.

Về phương diện chuyên môn, Bác sĩ Đinh Đức Long nhân định cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Ông nói:

“Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công. Mà nói về luật hành chính, quan hệ hành chính là quan hệ phục tùng. Nghĩa là cấp dưới phục tùng cấp trên. 

Như vậy tư duy chống dịch của họ sai khi chống dịch bằng quan hệ hành chính. Tư duy đó là tư duy trấn áp, mệnh lệnh. Không thể ra lệnh cho con virus không được phát triển. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’.”

Các nước chống dịch phải dựa vào các chuyên gia dịch tễ học lâm sàng, tức là các nhà y học chuyên ngành về lâm sàng. Đằng này, Việt Nam, cụ thể là thành phố Hồ Chí Minh lại chống dịch dựa vào các nhà chuyên gia về hành chính công. Theo tôi, cách chống dịch hiện nay là ‘chống dịch theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. – Bác sĩ Đinh Đức Long 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng nêu quan điểm của ông:

“Có bất cập thực sự trong chỉ đạo từ Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, từ Bộ trưởng Nguyễn Thành Long. Tôi nói thẳng luôn, những người đấy đã lái cuộc chiến chống vi-rút corona  sang một hướng hoàn toàn thất bại. Nếu họ thành công thì hôm nay không như thế này. Phải nói là họ đã thất bại. 

Để góp phần chữa chạy cái thất bại ấy, tôi mong mọi người cùng góp ý cho những phương pháp đúng đắn hơn, cùng góp công sức với Chính phủ để chống dịch. Chúng ta chỉ có thể đóng góp với tư cách cá nhân, Chính phủ mới có thể ra những quyết định dựa trên những đóng góp của những nhà chuyên môn. 

Nếu chính quyền thay đổi và người dân trong, ngoài nước cùng góp sức thì dịch bệnh sẽ qua.”

Theo tin từ Cổng thông tin Công Đoàn Việt Nam hôm 2 tháng 7 năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh vừa có báo cáo thống kê kết quả của hai nhóm nghiên cứu: Nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, làm trưởng nhóm và nhóm nghiên cứu Tech4COVID do Tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh, làm trưởng nhóm.

Với dữ liệu ghi nhận đến ngày 27 tháng 6, nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright nhận định xu hướng dịch đã gần đạt đỉnh vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Đến đầu tháng 8 chỉ còn rải rác vài ca/ngày trước khi kết thúc vào cuối tháng 8 nếu Chỉ thị 10 được tuân thủ tốt.

Trong khi đó, nhóm Tech4COVID dự báo số ca F0 trong cộng đồng có xu hướng giảm nhẹ trong tháng 7. Dịch sẽ được kiểm soát đến cuối tháng 8 nếu Chỉ thị 10 được tuân thủ tốt và triển khai nhanh xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng.https://www.youtube.com/embed/W9RSJONKPyE

595100cookie-checkChính quyền đang thất bại trong chống dịch phải cậy nhờ giới chuyên môn độc lập?