Phải minh định ngay tắp lự rằng, nhan đề trên không có ý nhắc về chị Võ Thị Sáu huyền thoại một thời khi dù cả hai tay bị còng từ phía sau vẫn ung dung ngắt một nhành hoa Lê-ki-ma để cài lên mái tóc mình, trên đường ra pháp trường chịu hành quyết, làm nức lòng những ai đã lỡ yêu quý anh Tám, tức Lê Văn Tám, trước đó. Đây là chị Sáu nức tiếng sử sách cách mạng thuộc miền Đông Nam Bộ, vùng Bà Rịa Vũng Tàu – Côn Đảo, ai ai cũng biết.
Chị Sáu trong bài viết muốn nói trước hết là một thiếu nữ Hà Thành duyên dáng, xinh đẹp thời thập niên 1940 của thế kỷ trước, thường được các họa sĩ nổi tiếng bậc nhất ở Hà Nội chọn làm nguyên mẫu trong các bức tranh của mình. Chị từng xuất hiện trong bức “Thiếu Nữ Bên Đầm Sen” của danh hoạ Nguyễn Gia Trí, trong bức “Thiếu Nữ Bên Hoa Sen” và nhất là trong kiệt tác “Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ” của danh hoạ Tô Ngọc Vân, một người con của vùng đất Xuân Cầu, Hưng Yên.
Nghe nói, dưới nét vẽ tài tình của Tô Ngọc Vân, chị Sáu đã hoá thân trong bức hoạ thành một nàng thiếu nữ đài các, mộng mơ, trinh trong như tiên nữ hạ phàm. Thử tưởng tượng, một dáng hạc kiều diễm trong phong vận áo dài tha thướt, trắng muốt ghé gương mặt khả ái tình tứ nghiêng nghiêng về phía lọ hoa huệ cũng trắng muốt một màu như vậy. Dáng vẻ nàng, hợp với những họa tiết và màu sắc xung quanh, đã tôn tạo nét đẹp hài hòa trọn vẹn người thiếu nữ Hà Thành, vừa Tây vừa ta, vừa hiện đại vừa truyền thống, qua nét buồn vương vấn, mông lung…
Chuyện chị Sáu Hà Thành xưa là vậy, còn chị Sáu nay thì sao, là ai và đến từ đâu? Cũng có nhiều điều đáng ghi nhớ lắm. Chị đến từ “xứ hoa đào”.
Số là, vừa rồi, có một người con cũng xuất thân từ vùng đất Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên như danh hoạ Tô Ngọc Vân tiền bối, đã phác hoạ xong một phần ba bức tranh về thượng tầng chính trị Việt Nam đương đại, vừa sôi động nóng bỏng vừa trồi sụt thất thường, chưa từng có xưa nay. Đó là ông BT BCA đương nhiệm Tô Lâm. Ông lấy thanh gươm “điều tra tham nhũng” làm phán quan bút mà vẽ tranh, tranh về 18 Ủy viên Bộ chính trị (BCT) khoá XIII mà dân gian hay gọi tắt là Bê Xê Tê, để phân biệt với các bộ bình thường khác. Bởi trong BCT khoá này chỉ mỗi bà Trương Thị Mai là phụ nữ nên bức hoạ ông vẽ được tạm gọi tên là “BCT Bên Hoa Mai”! Mỗi nét ông phết xuống là 1 UVBCT ra về. Thế mới kinh!
Thế nhưng, sao lại là “chị Sáu” cho được? Có liên quan gì? Có chứ! Hôm nay (16/5/2024), Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII khai mạc mà không có bà Trương Thị Mai, Thường trực BBT kiêm TBTCTW, ngồi trên bàn chủ toạ cùng với TBT Nguyễn Phú Trọng như trong những lần hội nghị trước. Thay vào đó là ông Lương Cường, Chủ nhiệm TCCT QĐNDVN. Như vậy, những lời đồn đoán đã trở thành sự thật. Chị Mai đã viết đơn từ hết mọi chức vụ về Đà Lạt, Lâm Đồng vui thú điền viên, mở đường cho các UVBCT khác “trám” vào 2 vị trí bị khuyết sau khi bà xin rút. Vị trí TTBBT đã có ông Lương Cường đảm nhiệm, còn vị trí TB TCTW, không biết ai sẽ nắm đây?
Như thế, bà Trương Thị Mai là UVBCT thứ sáu trong tổng số 18 UVBCT khoá XIII đã phải nghỉ giữa chừng, vì nhiều lý do. Gọi chị là “chị Sáu Bê Xê Tê” cùng vì lẽ đó. Tỉ lệ rơi rụng 1/3 quả là kinh hoàng. Có bao giờ mới qua hơn nửa khoá mà tới 6 UVBCT phải viết đơn xin nghỉ chưa? Chưa! Có bao giờ trong cùng một khóa BCT mà 2 CTN, 1 CTQH và 1 TTBBT, đều là ứng cử viên cho chức danh TBT đều bị cho “về vườn” chưa? Cũng chưa! Ai gây nên cảnh “đoạn trường” này? Đến nỗi một phụ nữ không chồng không con, không quyền lợi nhóm phe phái (trên lý thuyết) phải trả áo mũ về quê. Nghe nói, chị Mai vì thất bại trong việc phản đối BCT lập uỷ ban đặc biệt điều tra phế truất ông Vương Đình Huệ, cựu CTQH, nên chị bực mình từ chức.
Cho nên, nói bức hoạ “Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ” của Tô Ngọc Vân và bức “BCT Bên Hoa Mai” do ông Tô Lâm vẽ có liên quan với nhau là bởi ở hai điểm nêu trên. Thế là, việc chị Sáu Mai giũ trâm cài tóc từ quan Bê Xê Tê đã khiến bức hoạ sau dang dở khi mới phác thảo chỉ 1/3 khung hình. Có lẽ, lịch sử ĐCSVN sẽ mãi ghi nhớ ngày 16/5/2024 với 6/18 UVBCT bị phế truất trước khi BCT buộc phải bầu bổ sung người mới. Chị Mai, vì là vị thứ 6 trong BCT khoá này phải ra đi nên được gọi là “chị Sáu Bê Xê Tê”, nhằm phân biệt với một chị khác, đã được bầu bổ sung theo tiến trình cơ cấu nữ của ông TBT NPT. Chính trường quá khốc liệt nên chị phải ra đi, để lại dân gian lời ca cải biên mãi ngân nga:
“Ai lên xứ hoa Đào đừng quên mang về một cành Mai”
Lami Nguyễn Hoàng Dũng