CẬP NHẬT CHIẾN TRANH TẠI UKRAINE 13.10.2022 12AM

1
236
Ảnh 1: Một người dân tại Bakhmut đi xe máy qua khe các vật cản chống tăng được đặt giữa thành phố này.

Cù Tuấn

12h

Giới chức Ukraine thông báo cơ sở hạ tầng trọng yếu ở thủ đô Kiev bị UAV tấn công hôm nay, sau nhiều ngày thành phố liên tục bị tập kích. Chính quyền vùng Kiev thông báo một khu định cư ở thủ đô bị không kích vào sáng sớm nay. “Lực lượng cứu hộ đang làm việc tại hiện trường”, giới chức Kiev cho hay, nhưng không cung cấp chi tiết về cuộc tấn công. Oleksiy Kuleba, tỉnh trưởng tỉnh Kiev bao quanh thủ đô, cho biết cuộc tấn công được tiến hành bởi “đạn tuần kích do Iran chế tạo”. Văn phòng Tổng thống Ukraine sau đó xác nhận cơ sở hạ tầng trọng yếu tại Kiev đã bị máy bay không người lái (UAV) tấn công, nhưng chưa tiết lộ mức độ thiệt hại.

11h

Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine đã nói với cộng đồng quốc tế vào hôm thứ Tư 12/10 rằng đất nước Ukraine hiện đang cần số tiền lớn để xây dựng lại sau cuộc xâm lược của Nga – và để bù đắp khoản thiếu hụt ngân sách khổng lồ cho năm 2023. Phát biểu trước hội đồng thống đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, ông Zelensky đã yêu cầu 57 tỷ đô la để giải quyết tình hình tài chính ảm đạm ở Ukraine, nơi mà nền kinh tế đã giảm sút hơn một phần ba và thu nhập thì giảm cùng tỷ lệ. Phần lớn số tiền được yêu cầu, 38 tỷ đô la, sẽ được dành cho ngân sách, dành cho lương hưu, các dịch vụ xã hội và tiền lương của các bác sĩ và luật sư – những thứ mà sẽ đảm bảo sự sống còn của người dân Ukraine. Ông Zelensky nói rằng 17 tỷ đô la sẽ cần thiết để xây dựng lại các thành phần quan trọng của nền tảng Ukraine – trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông và nhà ở – mà Nga đã phá hoại, với thêm 2 tỷ đô la được phân bổ cho việc mở rộng xuất khẩu sang châu Âu và khôi phục cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Ảnh 2: Khu vực văn phòng Đại sứ quán Đức bị tên lửa Nga tấn công ở Kyiv.

Tổng thống Mỹ Joe Biden không có ý định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 để bàn về Ukraine, ngoại trừ vấn đề liên quan tới ngôi sao bóng rổ Brittney Griner. Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 11/10, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới hay không, Tổng thống Joe Biden nói: “Tôi không có ý định gặp ông ấy. Nhưng ví dụ, nếu ông ấy đến gặp tôi tại G20 và nói: “Tôi muốn nói về việc thả Griner”, thì tôi sẽ gặp ông ấy. Ý tôi là, điều đó còn phụ thuộc vào tình hình”.

10h

Đại sứ Việt Nam tại LHQ kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình và bảo vệ người dân trước những diễn biến gần đây ở Ukraine. Tại phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 12/10 về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định Việt Nam theo dõi sát và đặc biệt quan ngại trước các diễn biến gần đây tại Ukraine, theo thông cáo hôm nay của Bộ Ngoại giao. Đại sứ cho rằng các bên cần đảm bảo tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không can thiệp công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia.

Moskva phản đối Tokyo khai hỏa pháo phản lực HIMARS trong cuộc tập trận chung với Mỹ tuần này ở thao trường gần quần đảo Kuril tranh chấp với Nga. “Chúng tôi đã truyền đạt phản đối mạnh mẽ tới đại sứ quán Nhật Bản ở Moskva về các vụ thử hệ thống pháo phản lực HIMARS”, Bộ Ngoại giao Nga hôm 12/10 ra tuyên bố cho biết, đề cập đến cuộc tập trận chung ngày 10/10 giữa quân đội Nhật và Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng khi lên kế hoạch tổ chức tập trận chung với Mỹ tại thao trường Yausubetsu, miền bắc Nhật Bản, Tokyo đã tuyên bố không có kế hoạch thử nghiệm các loại vũ khí tầm xa như HIMARS. “Chúng tôi coi đợt tập trận này là thách thức với an ninh vùng Viễn Đông của Nga và kiên quyết yêu cầu chấm dứt các hành động như vậy”, tuyên bố có đoạn. Nga cho hay đã cảnh báo Nhật về “các biện pháp đáp trả thích hợp và không thể tránh khỏi, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa quân sự”, song không nêu chi tiết.

9h

Thủ tướng Hungary Orban nói cựu tổng thống Mỹ Trump là người có thể chấm dứt xung đột đang diễn ra ở Ukraine. “Người Ukraine có nguồn cung vô tận vì họ nhận được tất cả những thứ đó từ người Mỹ”, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói trong sự kiện với truyền thông Đức ở Berlin hôm 11/10, cho rằng sự ủng hộ của Washington với Kiev đang kéo dài xung đột Ukraine. Thủ tướng Orban khẳng định ông đứng về phía Ukraine vì Nga đã “vi phạm luật quốc tế”, song ông kêu gọi các bên dừng bắn ngay lập tức, nếu không xung đột sẽ lan tới châu Âu và có thể khiến hàng chục nghìn người chết. “Tôi yêu chuộng hòa bình, vì vậy tôi muốn dừng bắn lập tức, bất kể người Ukraine có nghĩ gì về điều này”, ông cho biết. Thủ tướng Hungary cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden làm leo thang căng thẳng với Nga. “Ông Joe Biden đã đi quá xa với những bình luận về ông Putin. Ngược lại, cựu tổng thống Donald Trump là hy vọng cho hòa bình ở Ukraine”, ông Orban nói, song không nêu chi tiết.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lên án Nga sáp nhập 4 tỉnh Ukraine, động thái Tổng thống Mỹ mô tả gửi “thông điệp rõ ràng” tới Moskva. Nghị quyết “lên án việc Liên bang Nga tổ chức cái gọi là các cuộc trưng cầu dân ý bên trong biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine” nhận được 143 phiếu thuận, 5 phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 12/10. 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Pakistan và Việt Nam. 5 nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Nicaragua. Nghị quyết kêu gọi tất cả cơ quan của LHQ và quốc tế không công nhận bất kỳ thay đổi nào do Nga công bố về biên giới và yêu cầu Moskva “đảo ngược ngay lập tức và vô điều kiện” các quyết định của mình.

Ngày 12-10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói Mỹ đang nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng của mình, đồng thời đề phòng “sự cưỡng ép địa chính trị” của Nga, Trung Quốc và các nước khác. Theo Hãng tin Reuters, bà Yellen tuyên bố Washington đang nỗ lực để tăng cường hội nhập với Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm nhiều thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Bộ trưởng Yellen cho rằng nền kinh tế toàn cầu đối mặt với “cơn gió trái chiều” và Mỹ đang cố gắng thử chuỗi cung ứng của mình. “Chúng tôi biết cái giá phải trả của việc Nga vũ khí hóa thương mại như một công cụ cưỡng bức địa chính trị. Chúng ta phải giảm thiểu những tổn thương tương tự trước các nước như Trung Quốc”, bà Yellen nói.

8h

Nỗ lực gây quỹ tại Ukraine để mua UAV tự sát thu được 9,6 triệu USD trong vòng 24 giờ sau khi Nga tập kích tên lửa diện rộng. Serhiy Prytula, người đưa ra sáng kiến, ngày 12/10 cho biết số tiền sẽ mua được khoảng 50 máy bay không người lái (UAV) tự sát RAM II do Ukraine chế tạo, với đầu đạn nặng ba kg, cùng ba trạm điều khiển. Ông Prytula cho biết họ sẽ mua được thêm các loại bom và đạn khác trong những ngày tới. “Nga muốn làm chúng tôi hoảng sợ, song chúng tôi đã đoàn kết hơn nữa”, ông Prytula nói và cảnh báo Nga “không chọc giận Ukraine”. “Mọi người đã quyên góp cho cuộc báo thù và chúng tôi đảm bảo cuộc báo thù sẽ diễn ra”.

7h

Anh thông báo sẽ cung cấp tên lửa đối không tầm trung AMRAAM dùng trong hệ thống phòng không NASAMS được Mỹ chuyển cho Ukraine. “Cuộc tấn công của Nga nhằm vào các khu vực dân cư ở Ukraine thúc đẩy tăng cường hỗ trợ cho những lực lượng đang bảo vệ đất nước của mình. Tôi đã phê chuẩn việc cung cấp tên lửa đối không AMRAAM cho Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết trong thông cáo hôm 12/10, nhưng không nêu số lượng tên lửa cụ thể. Giới chức Anh cũng thông báo cung cấp thêm hàng trăm máy bay không người lái (UAV) và 18 lựu pháo cho Ukraine, bên cạnh 64 khẩu đã được chuyển giao từ trước.

Điện Kremlin cho hay Tổng thống Erdogan có thể đề xuất làm trung gian hòa giải các vấn đề Ukraine trong hội đàm với người đồng cấp Putin. “Thổ Nhĩ Kỳ đang đề xuất hòa giải. Nếu có bất kỳ cuộc đàm phán nào, nhiều khả năng sẽ diễn ra trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, có thể ở Istanbul hoặc Ankara”, cố vấn chính sách đối ngoại Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết hôm 12/10. Ông Ushakov thêm rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan “có thể đề xuất vấn đề này” trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 13/10.

Quan chức cấp cao Ukraine thừa nhận hàng trăm mục tiêu ở nước này bị phá hủy, sau khi Nga thực hiện cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn những ngày qua. “Trong 3 ngày liên tiếp, đối thủ đã thực hiện các vụ phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) cảm tử nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Chỉ riêng trong ngày hôm qua, 3 khu vực ở Ukraine đã bị tấn công 8 lần. Trong 3 ngày qua, Ukraine ghi nhận 128 vụ tấn công từ Nga, khiến 200 mục tiêu khác nhau bị phá hủy, bao gồm 28 cơ sở hạ tầng năng lượng”, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal công bố ngày 12/10 trong cuộc họp nội các nước này. Theo quan chức trên, các cuộc tấn công nhằm mục tiêu cả vào hệ thống phát và phân phối điện. “Nga đã phóng hàng trăm tên lửa và UAV vào các thành phố Ukraine. Tuy nhiên, nhờ vào khả năng của các đơn vị phòng không, chúng ta đã tránh được thiệt hại nghiêm trọng”, ông Shmyhal nhấn mạnh.

0h

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden công bố chiến lược an ninh quốc gia, chủ yếu nhắm tới Nga và Trung Quốc. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ dài 48 trang được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hôm 12/10, sau nhiều tháng trì hoãn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Tài liệu này không thể hiện thay đổi lớn nào trong quan điểm của Mỹ và cũng không đưa ra học thuyết mới nào cho chính sách đối ngoại của ông Biden, mà tập trung vào Nga và Trung Quốc.

Mỹ coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất vừa có ý định định hình lại trật tự quốc tế, vừa ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để làm vậy”. Để ứng phó điều này, Washington cho biết Mỹ sẽ giúp đỡ các quốc gia mà không cần “có đi có lại”, duy trì hòa bình tại eo biển Đài Loan, điều chỉnh cách tiếp cận ngoại giao với Trung Quốc và làm việc với Trung Quốc trong các lĩnh vực đôi bên cùng có lợi.

Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ cũng cáo buộc Nga “đã theo đuổi chính sách đối ngoại của chủ nghĩa đế quốc với mục tiêu đảo lộn các yếu tố chính của trật tự quốc tế”, thêm rằng sẽ tiếp tục trừng phạt Nga vì xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Washington vẫn khẳng định sẵn sàng làm việc với Moskva trong các lĩnh vực đôi bên cùng có lợi.

Hungary cho rằng các lệnh trừng phạt của EU gây ra khủng hoảng năng lượng và muốn liên minh không áp thêm biện pháp với nguồn cung Nga. “Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là do những lệnh trừng phạt thất bại mà Brussels áp đặt. Thật không may, cả vấn đề giá cả cùng các đề xuất của Ủy ban châu Âu đều hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Chúng ta nên tìm lại tiếng nói chung, nếu không sẽ phải đối mặt những vấn đề lớn”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 12/10 đăng trên mạng xã hội.

Ngày 12-10, hơn 50 quốc gia phương Tây là thành viên Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine đã họp và hứa sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine, đặc biệt vũ khí phòng không sau khi Nga triển khai các đợt tấn công tên lửa vào Ukraine gần đây. Theo Hãng tin Reuters, mở đầu cuộc họp diễn ra tại trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Ukraine đã thay đổi động lực của cuộc xung đột từ tháng 9-2022 khi tái chiếm nhiều lãnh thổ do Nga kiểm soát. Tuy nhiên, Ukraine sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để tiếp tục chiến đấu, đặc biệt sau các đợt tấn công tên lửa lớn của Nga trong tuần này. “Sự hỗ trợ về an ninh, huấn luyện và nỗ lực duy trì từ nhóm liên lạc là thiết yếu”, Bộ trưởng Austin kêu gọi. 

Ảnh 1: Một người dân tại Bakhmut đi xe máy qua khe các vật cản chống tăng được đặt giữa thành phố này.

Ảnh 2: Khu vực văn phòng Đại sứ quán Đức bị tên lửa Nga tấn công ở Kyiv.

652930cookie-checkCẬP NHẬT CHIẾN TRANH TẠI UKRAINE 13.10.2022 12AM

Thank you for your sharing. I am worried that I lack creative ideas. It is your article that makes me full of hope. Thank you. But, I have a question, can you help me?