Monday, December 30, 2024
HomeTHẾ GIỚICAIRO - AI CẬP – Kết thúc chuyến đi - phần 4

CAIRO – AI CẬP – Kết thúc chuyến đi – phần 4

Giao Thanh Pham

(Tập thứ 55c)

Đến Ai Cập mà chỉ đi trong vòng chục ngày thì thế nào cũng thiếu sót. Việc đi lại ở Ai Cập tương đối khá khó khăn vì sa mạc mênh mông, dân cư tuy đông đúc nhưng gần như họ không đi lại nhiều như người dân ở những đất nước khác, ai đã sinh ra và lớn lên ở đâu, thì coi như cả đời vẫn loanh quanh sống ở đó, trừ những người sống ở thành thị cần phải đi lại giữa thủ đô Cairo và thành phố biển lớn thứ 2 là Alexandria. 

Thủ đô Cairo và thành phố Alexandria nằm về phía Bắc của Ai Cập nhưng những nơi lăng tẩm vua chúa và đền đài lại nằm cả ở phía Nam dọc theo giòng sông Niles xa xôi, mà hễ muốn đi thăm thành phố biển Alexandria thì lại phải lội ngược lên miền Bắc càng xa những khu lăng tẩm và đền đài như Aswan và Luxor. Đi xe thì xa mà bay thì vất vả và mất nhiều thơi giờ, thế là chúng tôi chọn xuôi Nam, đành bỏ qua 3 kỳ quan “Di Sản của Thế Giới”, the Lighthouse of Alexandria (Pharos), the Great Library, thư viện lớn nhất thế giới trong thời kỳ cổ đại và sau cùng là the Catacombs of Kom El Shoqafa. Theo giòng sông Niles xuôi về hướng Nam để đi thăm các Kim Tự Tháp và các Ngôi Đền … vẫn hơn.

Đền Hoàng Hậu

Nơi chúng tôi ghé đến đầu tiên cách Cairo chưa tới chục dặm là thành phố Giza, thành phố lớn thứ 3 sau Cairo và Alexandria. Giza được biết đến với những Kim Tự Tháp rất lớn, the Great Pyramid of Giza và the Great Sphinx. Đường đến Giza khá chật hẹp và bẩn thỉu, đi lại rất khó khăn và chậm chạp, điều đầu tiên đập vào mắt là con kênh nước đen ngòm đầy rác rưởi chạy dọc bên tay trái của con đường. Hai bên đường có những cánh đồng nhỏ trồng một loại cỏ xanh dương nhìn rất đẹp mắt, dùng để nuôi Lừa và Ngựa.

Đến xem tận mắt những kỳ quan ở Ai Cập mới thấy tham vọng của vua chúa ngày xưa nó khủng khiếp cỡ nào. Những đền đài, những lăng tẩm cho các vị vua cho các hoàng hậu thuộc nhiều triều đại phải nói nó làm khổ dân không biết cơ man nào mà kể. Bởi hàng trăm hàng ngàn hàng khối đá khổng lồ nặng hàng chục hàng trăm tấn kia không phải là đá lấy từ ngay những nơi họ xây lăng tẩm hoặc ở quanh khu vực, mà được đem về đây từ rất xa qua đường sông Niles trong mùa con nước chỉ kéo dài vào mấy tháng trong một năm. Tải về được đến đây là một chuyện, đẽo gọt rồi xây lên lại là cả một kỳ công, chả thế mà những kỳ quan này thường được hoàn thành trong nhiều năm, hàng chục, hàng vài chục và có cái kéo dài cả hơn hai trăm năm là vậy.

The Great Pyramids of Giza.

Người dân Ai Cập chủ yếu sống dọc 2 bên bờ sông Niles, giòng sông duy nhất chảy từ Nam ra Bắc trước khi đổ vào biển Địa Trung Hải, mang lại nguồn nước ngọt cho 100 triệu con người trên mảnh đất khô cằn đầy nắng, gió, bụi, cát và sỏi đá. Ngồi trên máy bay nhìn xuống, chẳng thấy gì ngoài những vùng sa mạc cát vàng mênh mông tít tắp. Ngồi trên xe nhìn quanh chẳng thấy gì ngoài gió và bụi, bụi mù mịt, bụi ngập trời và nắng chói chang, nắng cắt da thịt. Ba thứ mà Cairo nói riêng và Ai Cập nói chung có thừa mứa là nắng, gió và cát bụi, đúng vào một cơn gió bụi tung lên mở mắt không ra. Đất đai rất khô cằn, chẳng trồng cấy được gì ngoài chà là và cỏ cho Lừa và Ngựa, mà chỉ có thể trồng được ở 2 ven bờ sông mà thôi. Đi xa ra độ nửa cây số là hết trồng được gì vì lượng nước mưa rơi xuống đất nước này, phải nói là không hề có. 

Bên ngoài nhà cửa của người Ai Cập gần như chẳng bao giờ được sửa sang hay quét dọn, chuyện này không thể thực hiện được vì cát bụi bay ngập trời 24 giờ đồng hồ một ngày 365 ngày một năm không ngừng nghỉ. Dân Ai Cập sống với nắng, gió và cát bụi, lẽ đương nhiên họ ăn uống và hít thở trong nắng, gió và cát bụi chứ trốn đi đâu được.

Ra đường, phụ nữ trùm bó kín mít chỉ chừa ra 2 con mắt và 2 bàn tay. Đàn ông thì mặc 2,3 lớp áo, áo choàng áo khoác nhìn sơ tưởng họ đang sống ở những vùng tuyết lạnh Alaska nhưng không, họ đang sống ở vùng mà thời tiết khô rang da thịt và nóng trên 35, 36 độ C tương đương với gần 100 độ F. Lý do khá đơn giản những lớp áo dầy này được dùng để cách nhiệt, giữ nhiệt độ cơ thể không bị ảnh hưởng bởi cái nóng gay gắt ở bên ngoài.

Lạc đà, nắng, gió và cát.

***

Có mấy địa danh phải đến mới có thể ngắm nhìn được những kỳ quan của Ai Cập như đền đài và lăng tẩm, bao gồm địa danh Aswan và Luxor. Aswan cách Cairo gần ngàn cây số, nên du khách thường chọn bay đến đây trước, ở đó đã có sẵn các du thuyền để du khách trải nghiệm sinh hoạt của người dân Ai Cập trên giòng sông Niles thơ mộng, ít ra đó là những gì họ quảng cáo. Thực tế, chả có mấy sinh hoạt gì trên giòng sông này ngoài giòng nước chảy lững lờ. Rất ít gặp những chiếc ghe nhỏ thả lưới bắt cá vì nước trong và xanh như nước biển, cá nhỏ không thấy, thì làm gì có cá lớn. Nghe họ quảng cáo thì nhiều nhưng chả thấy gì suốt mấy ngày thuyền trôi trên sông.

Đến Aswan, thành phố được tự hào là cứ địa mỏ vàng của Ai Cập mà người dân nghèo khổ ghê lắm, họ sống nhờ vào khách du lịch. Lại cũng chèo kéo và xin xỏ. Ở Aswan, có những chương trình du lịch trên sông trên những chiếc Du Thuyền đầy đủ tiện nghi đến 3 địa danh chính, Aswan, Abu Simbel và Luxor. Khách có thể chọn những chuyến đi ngắn 3 ngày 2 đêm hoặc dài hơn tùy ý. Các dịch vụ bao gồm đưa đi đưa về ở những di tích thắng cảnh, kèm theo ăn uống và phòng ốc nghỉ ngơi. Trên du thuyền lại có sẵn những cái quầy phục vụ rượu và các loại thức uống, có cả những kiosk bán quà lưu niệm.

Bán đồ lưu niệm.

Nói chung, việc đi lại đến những nơi chốn để tham quan ở Ai Cập tương đối khá nhiêu khê và vất vả, tuy vậy, hình ảnh những ngôi đền vĩ đại và những Kim Tự Tháp khổng lồ, luôn là những gì thúc giục du khách, những người có điều kiện, chắc chắn phải đi một lần cho biết. Những trải nghiệm du lịch, không thể dựa vào những gì người khác kể cho nghe hoặc viết … đánh giá mà phải tự mình đến để thấy tận mắt mới được. Không phải ai cũng thích trái táo. Chẳng phải ai cũng thích quả cam. Cũng chẳng ai có thể “diễn tả” đủ cho mình biết cái vị ngọt của trái táo ra sao cũng như cái vị ngọt ngọt chua chua của quả cam thế nào. Phải ăn vào thì mới có cảm giác do chính mình nhận định.

Nếu hỏi tôi, nhất là về những gì tôi đã trải qua sau hơn 1 tuần ở Ai Cập, tôi xin trả lời: 

AI CẬP ĐÁNG ĐỂ ĐẾN và ĐÁNG ĐỂ TRẢI NGHIỆM NẾU CÓ ĐIỀU KIỆN.

*** Xoài, Bưởi, Cam, Nho, Lê, Táo, trái nào cũng có cái vị riêng của nó không thể lẫn lộn hoặc giống nhau được. Athens của Hy Lạp, Cairo của Ai Cập cũng thế, mỗi nơi đều có một hương vị riêng, không lẫn lộn vào đâu được.

*** Ai Cập để lại trong lòng tôi những kỷ niệm không bao giờ quên. Hình ảnh những căn nhà xây dở dang với những cột trụ xi măng lòi lên nham nhở ở khắp nơi đập vào mắt và tạo ra những thắc mắc cho du khách là những gì chẳng nơi nào có. Hình ảnh sinh hoạt ở những ngôi chợ ngoài trời chật chội, đông đảo, lộn xộn trộn lẫn một chút bát nháo cũng khó có thể ra khỏi trí óc của du khách một lần đã đến Ai Cập. Những cặp mắt đẹp mê hồn của các thiếu nữ Ai Cập thật đúng như trong tranh ảnh quảng cáo và nhất là món ăn dân giả, quốc hồn quốc túy có tên Koshari chắng chắn tôi sẽ không bao giờ quên.

Chào tạm biệt Cairo … chúng tôi chuẩn bị lên đường bay sang thủ đô Amman của Jordan.

https://www.facebook.com/giao.pham.127/posts/pfbid02539egsoSYDHe2JfFNMVbfZhrMPXGhHby1dFuyJC56qJ43qh75zyx1GQLDH6BGSxl

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular