Cách tính thiệt hại vật chất trong bất kỳ vụ án kinh tế nào ở Việt Nam xưa nay cũng đều vi phạm nguyên tắc cơ bản của hình luật (luật hình sự) là suy đoán vô tội.
Quả thật, thay vì chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra là hậu quả trực tiếp của hành vi phạm pháp, cơ quan điều tra luôn lượng giá thiệt hại bằng các phép tính đơn giản trên cơ sở giả định rằng nếu không có hành vi phạm pháp thì không có thiệt hại.
Chẳng hạn, thiệt hại về lãi phát sinh, tính theo lãi suất thông dụng, nghe có vẻ đương nhiên trong hoạt động kinh doanh đơn thuần, là một ví dụ dễ thấy về cách xác định thiệt hại theo giả định hợp lý nêu trên.
Tuy nhiên, hình luật khác dân luật. Khi tính giá trị thiệt hại để yêu cầu bồi thường dân sự, tòa có thể lượng giá thiệt hại gián tiếp hoặc thiệt hại cơ hội do hành vi vi phạm cam kết gây ra để buộc bên có lỗi bồi thường cho nạn nhân. Dân luật mang lại công bằng chính là ở chỗ đó.
Cách tính như thế, tuy vậy, không thể áp dụng trong các vụ án hình sự, bởi hình luật buộc tòa án tuyên phạt bị cáo dựa trên chứng cứ xác thực, chứ không thể chỉ căn cứ vào những “sự thật” chưa xảy ra hoặc lẽ ra phải xảy ra theo suy đoán của cơ quan điều tra. Hình luật mang lại công lý là ở chỗ này.
Nói cách khác, có những thiệt hại cần tính toán để buộc đương sự chịu trách nhiệm bồi thường dân sự, nhưng không thể dựa vào đó bắt đương sự chịu trách nhiệm hình sự. Đây là điểm mấu chốt mà cơ quan tư pháp phải nhận thức rõ.
Đọc nhiều bản kết luận giám định tư pháp mà cơ quan điều tra trưng cầu để xác định thiệt hại, không thể không ái ngại cho các bị can, bị cáo trong những vụ án kinh tế, bởi sinh mạng pháp lý của họ lại được định đoạt bằng những con số trên giấy, hơn trên thực tế.
Chừng nào cơ quan tư pháp hiểu được sự khác biệt giữa hình luật và dân luật, hầu có thể giảm thiểu oan sai cũng như mang lại công bằng và công lý cho toàn xã hội đây?