Các nước đã làm gì sáu năm sau phán quyết Biển Đông?

0
229
Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò (đường 9 đoạn) mà Trung Quốc tự vẽ ra và đã bị toà PCA bác bỏ trong phán quyết năm 2016 AFP

Phân tích của Nguyễn Bảo Duyên
2022.07.15

Sáu năm sau Phán quyết Biển Đông

Đã sáu năm trôi qua kể từ khi Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết lịch sử, theo đó Hội đồng trọng tài nhất trí và kiên quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.

Philippines đã khởi xướng vụ kiện vào năm 2013 theo quy trình giải quyết tranh chấp của Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đặt câu hỏi về tính hợp pháp của các tuyên bố và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết năm 2016 được nhiều người mong đợi đã giải quyết ba vấn đề chính. Thứ nhất, Phán quyết kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là “Đường 9 đoạn”. Thứ hai, Phán quyết xác định rằng một số cấu trúc đá nhất định đã bị Trung Quốc thay đổi thông qua các hoạt động cải tạo và xây dựng không tạo ra các quyền mới cho Trung Quốc. Thứ ba, Phán quyết nhận định rằng Trung Quốc “vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này” bằng cách can thiệp vào hoạt động đánh bắt và thăm dò dầu khí, xây dựng các đảo nhân tạo và không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép tại đây.

Khi phán quyết được đưa ra, đây được coi là một thắng lợi to lớn không chỉ đối với Philippines mà cả cộng đồng quốc tế. Phán quyết này không chỉ ủng hộ các quyền của Philippines nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này mà còn cung cấp khuôn khổ pháp lý cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ở cấp độ khu vực, phán quyết tác động đến cách các quốc gia xác định lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông. Tại Hội nghị cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 36 được tổ chức trong năm 2020, các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở để xác định các quyền lợi biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp trên các vùng biển”. Tuyên bố tái khẳng định “UNCLOS thiết lập khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương” (1).

Những tuyên bố và hành động trái ngược của Philippines

Tuy nhiên, tại Philippines, phán quyết đã không được đón nhận như mong đợi. Mặc dù đã công khai chúc mừng phán quyết vào năm 2016, Tổng thống khi đó là Rodrigo Duterte đã “gạt sang một bên” phán quyết và thay vào đó, thực hiện chính sách đối ngoại thân thiện với Bắc Kinh. Động thái này được thực hiện một phần với hy vọng sẽ dẫn đến việc Trung Quốc tài trợ nhiều hơn cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng của chính quyền Duterte. Tuy nhiên, mọi thứ đã không diễn ra như mong đợi của vị cựu Tổng thống. Trong khi các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Philippines không như mong đợi, Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động ở Biển Đông, tàu Trung Quốc quấy rối các thuyền và tàu nghiên cứu của Philippines, tiếp tục hiện diện trong lãnh thổ Philippines và Trung Quốc tiếp tục mở rộng các đảo nhân tạo.

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo ngày 12/7 khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông là vô căn cứ.

Ông Enrique Manalo tuyên bố: “Những phát hiện này không còn nằm trong tầm phủ nhận và bác bỏ nữa, mà mang tính kết luận vì không thể chối cãi. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những nỗ lực phá hoại nó … thậm chí xóa nó khỏi luật pháp, lịch sử và ký ức của chúng tôi.” (2)

Các nhà hoạt động tham gia biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila hôm 12/7/2018 nhân kỷ niệm hai năm phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế về Biển Đông. AFP

Các nhà hoạt động tham gia biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila hôm 12/7/2018 nhân kỷ niệm hai năm phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế về Biển Đông. AFP

Mỹ tiếp sức cho Philippines 

Ngay lập tức, Mỹ đã có động thái “tiếp sức” cho Philippines trong vấn đề Biển Đông. Trong một tuyên bố kỷ niệm ngày Toà Trọng tài ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh:

“Như tôi đã lưu ý trong bài phát biểu ngày 26/5, Mỹ cùng các đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cam kết duy trì một cơ chế, nơi hàng hóa, ý tưởng và con người sẽ được lưu thông tự do cả trên đất liền, trên không gian mạng, cũng như trên các vùng biển khơi. Cơ chế này mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia lớn nhỏ. Bảo tồn một Biển Đông tự do và rộng mở, theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là một phần của tầm nhìn chung này.

Sáu năm trước, Tòa Trọng tài được thành lập theo UNCLOS 1982 đã ra phán quyết cuối cùng và có giá trị ràng buộc đối với Philippines và Trung Quốc. Tòa kiên quyết bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc đối với chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, khẳng định những đòi hỏi này không có cơ sở luật pháp quốc tế. Tòa cũng tuyên bố Trung Quốc không có đòi hỏi hợp pháp đối với các khu vực được Tòa Trọng tài xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao đã công bố Giới hạn trên biển số 150 – báo cáo mới nhất trong loạt nghiên cứu về các tuyên bố chủ quyền biển của các quốc gia ven biển và tính nhất quán của họ với luật pháp quốc tế. Báo cáo xem xét các diễn giải mới của Trung Quốc về yêu sách Biển Đông sau phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài và kết luận rằng các yêu sách của Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 13/7/2020, Mỹ tái khẳng định chính sách liên quan đến các tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông. Chúng tôi cũng một lần nữa nhấn mạnh một cuộc tấn công có vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu thuyền hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ “kích hoạt” các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951.

Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi khiêu khích. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác, cũng như các thể chế khu vực như ASEAN để bảo vệ và duy trì trật tự dựa trên luật pháp.” (3)

Sáng kiến của Mỹ để chống lại sự cưỡng ép của Trung Quốc

Không chỉ phản đối, Mỹ còn đề xuất ra một chiến lược tập hợp lực lượng hải cảnh và các tổ chức đánh bắt cá của các nước Đông Nam Á lại để đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Viện Hải quân Mỹ (USNI) đã đề xuất chiến lược đối phó “tình trạng nổi dậy” tại các vùng biển trong khu vực nhằm mục đích kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc tại các vùng biển giàu tài nguyên, nơi một số quốc gia đang có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau. Trong một số nghiên cứu của USNI gần đây, các chuyên gia hải quân Mỹ đã mở rộng ý tưởng về cái mà họ gọi là “cuộc nổi dậy trên biển”. Nhiều ý kiến cho rằng Hệ thống Hàng hải Mỹ – bao gồm Hải quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển – cùng các đối tác và đồng minh châu Á đang cùng phát triển và triển khai một chiến lược khả thi nhằm chống lại “các hoạt động nổi dậy trên biển” do lực lượng tuần duyên và dân quân hàng hải Trung Quốc tiến hành (4).

Zhang Mingliang, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc), cho rằng một khuôn khổ khu vực do Mỹ dẫn đầu như vậy có khả năng sẽ hạn chế các hành động của lực lượng hải cảnh và dân quân hàng hải của Trung Quốc trong khu vực. Ông ta nhấn mạnh: “Một khi cơ chế áp đặt thực thi hàng hải khu vực do Mỹ dẫn đầu được dựng nên, nó sẽ đặt ra một mối đe dọa và thách thức to lớn đối với các lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc mạnh hơn và có năng lực cao hơn rất nhiều so với các lực lượng của các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, những lực lượng yếu kém và rời rạc này có thể trở thành một bộ máy áp đặt thực thi pháp luật mạnh mẽ và thống nhất nếu được Mỹ dẫn dắt” (5).

Việt Nam cần tham gia sáng kiến của Mỹ

Việc mở rộng sự hiện diện và hợp tác của Lực lượng Hải cảnh Mỹ ở Đông Nam và Nam Á và các đảo Thái Bình Dương là chính sách quan trọng của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden nhằm đối phó các mối đe dọa xuyên quốc gia và duy trì “một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Theo một văn kiện về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Nhà Trắng phát hành hồi tháng 2/2022, trọng tâm của chiến lược này là “hợp tác bền vững và sáng tạo… trong khu vực và hơn thế nữa” trong các nghiệp vụ tư vấn, đào tạo, triển khai và xây dựng năng lực chấp pháp trên biển.” 

Việt Nam vẫn đang cần sự giúp đỡ của Mỹ và nhiều quốc gia khác trong việc nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát biển để có thể chống lại chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc trên biển Đông. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải tham gia sáng kiến này của Mỹ, để có thể cùng chung sức duy trì luật pháp quốc tế trên biển Đông, trong đó có UNCLOS và Phán quyết Biển Đông.

_______________

Tham khảo:

1. https://asean.org/wp-content/uploads/2020/06/Chairman-Statement-of-the-36th-ASEAN-Summit-FINAL.pdf

2. https://dfa.gov.ph/dfa-news/statements-and-advisoriesupdate/30865-statement-of-foreign-affairs-secretary-enrique-a-manalo-on-the-6th-anniversary-of-the-award-on-the-south-china-sea-arbitration

3. https://www.state.gov/sixth-anniversary-of-the-philippines-china-south-china-sea-arbitral-tribunal-ruling/

4. https://www.usni.org/magazines/proceedings/2022/february/maritime-strategy-deal-china

5. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3184709/south-china-sea-us-led-southeast-asian-strategy-contain-beijing

618720cookie-checkCác nước đã làm gì sáu năm sau phán quyết Biển Đông?