Thursday, September 19, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘICác luật sư trong vụ Đinh La Thăng- Trịnh Xuân Thanh cần...

Các luật sư trong vụ Đinh La Thăng- Trịnh Xuân Thanh cần đề nghị Toà án dừng phiên toà

Vu Hai Tran

Các luật sư trong vụ Đinh La Thăng- Trịnh Xuân Thanh cần đề nghị Toà án dừng phiên toà để kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét một phần nghị quyết 41 của Quốc hội thi hành Bộ Luật Hình Sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017 – BLHS 2015/2017) có trái Hiến Pháp 2013 (điều 16 khoản 1) và nguyên tắc áp dụng pháp luật được Luật Việt nam và Pháp Luật Quốc Tế công nhận hay không. (Luật sư Trần Vũ Hải và Luật gia Hirota Fushihara cùng chung ý kiến này, đây là vấn đề lớn, không chỉ liên quan đến vụ án này)

Chiều hôm qua, 12/1/2018, phiên toà xét xử vụ án Đinh La Thăng- Trịnh Xuân Thanh đã đến phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát đã luận tội, một số luật sư đã phát biểu tranh luận. Đáng tiếc chưa thấy luật sư nào đánh giá về Nghị Quyết 41 của Quốc hội về việc thi hành BLHS 2015/2017, mà theo chúng tôi có phần trái Hiến Pháp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của các bị cáo. Chúng tôi cho rằng, các luật sư cần đề nghị Toà án áp dụng khoản 7 điều 2 luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 để dừng phiên toà và kiến nghị đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét lại Nghị quyết 41 này có trái Hiến pháp không và trái Nguyên Tắc Áp Dụng Luật được Luật Việt nam và Pháp Luật Quốc Tế công nhận.

BLHS 2015/2017 thực tế đã xoá bỏ tội danh theo điều 165 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) “tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng Nghị Quyết 41 này tại điều 2 khoản e quy định: đối với những hành vi cố ý làm trái này theo điều 165 BLHS 1999 xảy ra trước 0h ngày 1/1/2018 mà đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sau thời điểm này thì tiếp tục áp dụng BLHS 1999 để xử lý. Trong khi cũng hành vi này bị phát hiện sau thời điểm 0h ngày 1/1/2018 thì không khởi tố, điều tra, truy tố xét xử theo điểu 165 BLHS 1999 mà áp dụng BLHS 2018 với các điều khoản tương ứng. Quy định này dẫn đến có những hành vi không thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015/2017, nhưng vẫn áp dụng luật cũ hết hiệu lực để truy tố, xét xử nếu hành vi này bị khởi tố trước ngày 1/1/2018.
Luật gia Hirota Fushihara, là người Nhật tốt nghiệp luật tại Việt nam và hiện đang làm luận án tiến sỹ luật tại Hà nội có quan điểm như sau :

MỘT PHẦN NGHỊ QUYẾT 41/2017/QH14 TRÁI PHÁP LUẬT VÀ HIẾN PHÁP?

Nguyên tắc không áp dụng hồi tố pháp luật hình sự được qui định bởi bảo đảm chức năng bảo đảm tự do của pháp luật hình sự. Theo đó, chúng ta có quyền tự do để thực hiện mọi hành vi trong cuộc sống, miến sao pháp luật không ra lệnh cấm. Nếu một hành vi đã được thực hiện xông mà bị phạt bởi pháp luật được lập nên sau hành vì đó thì coi như chúng ta không thể có tự do hành động.

Tuy nhiên, nguyên tắc này được xác định với mục đích đảm bảo lợi ích cho bị cáo hình sự, nên khi việc áp dụng hồi tố nếu mang lại lợi ích cho bị cáo thì nguyên tắc này không có lý do để áp dụng. Bên cạnh đó, một khi pháp luật của một quốc gia đã tuyên bố xóa một tội danh đồng nghĩa là trật tự pháp luật của quốc gia đó coi hành vi đó không còn tính nguy hiểm về trách nhiệm hình sự. Nhận định và hệ quả pháp lý đó cần phải được hưởng thụ bởi tát cả mọi người dân.

Trong khi đó,Nghị quyết 41/2017/QH14 cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người phạm vào tội danh quy định tại Điều 165 BLHS 1999 nếu hành vi phạm tội được thực hiện trước 1/1/2018 nhưng được truy tố, xét xử sau thời điểm này. Trong khi đó, Bộ Luật Hình Sự 2015 bãi bỏ tội danh này. Quy định này trái với tôn chỉ mục đích của nguyên tắc không hồi tố pháp luật hình sự như đã nêu trên.

Đồng thời, việc áp dụng hồi tố pháp luật cho (những người phạm vào) môt số tội danh cá biệt như điều 165 Bộ Luật Hình Sự 1999 chưa được chứng mình tính hơp lý để đối xử không bình đẳng với (những người phạm vào) các tội danh khác (mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi BLHS mới đã bãi bỏ các tội), trong khi Khoản 1 điều 16 Hiến pháp (Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật), yêu cầu nhà nước thực hiện và bảo đảm mọi người đều bình đằng trước pháp luật trừ khi có lý do hợp lý theo các giá trị khác được đảm bảo bởi Hiến pháp.

Lập luận của luật gia người Nhật này về việc một phần Nghị Quyết 41 trái Hiến Pháp 2013 (điều 16 khoản 1) rất xác đáng. Vì quy định này dẫn đến hai người cùng có hành vi như nhau (cố ý làm trái quy định Nhà nước..) và thực hiện gần như cùng thời điểm, nhưng một người bị khởi tố trước ngày 1/1/2018 thì có thể bị xử đến 20 năm tù, còn người kia may mắn hơn do chưa bị khởi tố thì được thoát trách nhiệm hình sự. Như vậy nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật (theo Hiến Pháp 2013) bị xâm phạm.

Ngoài ra quy định tại điều 2.e trên của Nghị Quyết 41 :
1. Mâu thuẫn với điều 2.b trong chính Nghị Quyết này. (Không điều tra, truy tố, xét xử với những tội phạm đã bị xoá bỏ theo BLHS 2015/2017)
2. Mâu thuẫn với điều 156 khoản 4 Luật Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật 2015 (không áp dụng văn bản pháp luật cũ mà áp dụng văn bản pháp luật mới nếu quy định trách nhiệm pháp lý hay quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn)
3. Mâu thuẫn với chính điều 7 khoản 3 BLHS 2015/2017 (áp dụng quy định xoá bỏ tội phạm hay quy định nhẹ hơn đối với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày có hiệu lực thi hành)
4. Mâu thuẫn với điều 15 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (mà Việt nam đã tham gia), theo đó nếu luật quy định hình phạt nhẹ hơn ( có thể hiểu cả xoá bỏ) sau khi có hành vi phạm tội, thì quy định nhẹ hơn được áp dụng.
5. Mâu thuẫn với Nghị Quyết 109 của Quốc hội năm 2015 thi hành BLHS 2015, trong đó không được khởi tố, truy tố, xét xử theo điều 165 BLHS 1999 sau ngày 1/7/2016 nếu hành vi cố ý này không bị khởi tố trước ngày 1/7/2016.
6. Năm 1999 Quốc hội khoá 10 từng ban hành nghị quyết 32 thi hành BLHS 1999 không có bất cứ quy định nào tương tự điều 2e của Nghị quyết 41 này. Nghị quyết 32/1999 khẳng định, không xử lý về hình sự đối với những hành vi BLHS trước đây quy định là tội phạm nhưng theo BLHS 1999 không phải là tội phạm.

Theo Luật Luật Sư và Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, luật sư phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để bảo vệ thân chủ. Do đó, theo chúng tôi, kiến nghị Toà án thực hiện quyền của mình theo Luật Tổ chức Toà án để dừng Toà án và kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét về tính vi hiến và trái nguyên tắc áp dụng luật của quy định tại điều 2e Nghị Quyết 41 năm 2017 của Quốc Hội vừa là quyền và bổn phận của các luật sư trong phiên toà xét xử vụ án Đinh La Thăng – Trịnh Xuân Thanh, vừa thực hiện trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp theo điều 122 khoản 2 Hiến Pháp 2013

Rất mong các đồng nghiệp lưu tâm đến ý kiến này của chúng tôi.

Luật sư Trần Vũ Hải và Luật gia Hirota Fushihara.

Tham khảo thêm:

Điều 2 khoản 7 Luật Tổ chức Toà án Nhân Dân 2014
7. Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án

Trích điều 122 khoản 2 HP 2013
2. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular