Saturday, December 14, 2024
HomeBLOGBLACK LIVES MATTER-Vì sao tôi lên tiếng nói?

BLACK LIVES MATTER-Vì sao tôi lên tiếng nói?

Mấy ngày nay tôi thấy rất nhiều người Việt tại Mỹ lên án bạo lực khi những cuộc biểu tình trở thành “riot” bạo loạn và cướp bóc. Nhưng tôi để ý hầu như không có người nào lên tiếng (có cả tôi trong số đó) khi ông George Floyd người Mỹ da đen bị cảnh sát dùng bạo lực giết chết một cách tàn nhẫn.

Điều đó làm tôi suy nghĩ nhiều. Vì sao vậy? Có lẽ vì tôi cũng như phần đông người Việt Nam cùng thế hệ chúng tôi (nghĩa là tuổi trung niên) đều có một “tần số” suy nghĩ chung, cùng nhìn sự việc qua một “lăng kính” giống nhau.

Chúng tôi là những người tỵ nạn cộng sản đến với đất nước này với hai bàn tay trắng. Chúng tôi từ nghèo khổ ban đầu nhưng đã vươn lên bằng chính sức lực của mình, đến ngày hôm nay ba bốn chục năm sau hầu như ai cũng thành công trong xã hội đạt được giấc mơ “American Dream”. Sau bao nhiêu năm trời sống ở đây tôi cũng chưa thật sự trải nghiệm một sự kỳ thị nào đáng kể, có lẽ là vì pháp luật Hoa Kỳ không cho phép bất cứ sự kỳ thị nào dù về màu da, sắc tộc, ngôn ngữ hay giới tính.

Biểu tình tại Pioneer Courthouse Square, Portland, Oregon ngày 02-06-2020.
Ảnh : Hoàng Hải

Cho nên tôi không thể hiểu được sự kỳ thị đối với người Mỹ da đen. Tôi không hiểu được tại sao họ cứ phải sống trong nghèo khổ từ thế hệ này qua thế hệ khác, trong khi chúng tôi là những người di dân mới đến có vài chục năm lại có thể “thành công” được trong xã hội. Khi học đại học tôi không có một người bạn da đen nào vì lý do đơn giản là không có người da đen nào học cùng lớp. Đến khi đi làm cũng vậy, tôi cũng không có đồng nghiệp người da đen nào bởi vì không có (hay rất ít) những người da đen trong hãng.

– Một cô gái gốc Việt cầm biểu ngữ, ủng hộ người gốc Châu Phi trong cuộc biểu tình ở Garden Grove. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Tôi KHÔNG thấy và KHÔNG hiểu được sự kỳ thị đối với người da đen, nhưng không có nghĩa là điều đó không xảy ra, mà ngược lại nó tồn tại rất nhiều trong xã hội Mỹ. Hãy nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ để thấy. Từ việc bắt nguời da đen làm nô lệ vào thế kỷ 17 đến cuộc nội chiến giải phóng nô lệ năm 1860, cho đến bây giờ giờ xã hội Hoa Kỳ đã tiến một bước rất dài. Nhưng đừng quên rằng, chỉ mới cách đây vài chục năm thôi mãi đến thập niên 60, người da đen vẫn còn không được ngồi chung xe bus, ăn chung nhà hàng, đi học cùng trường, hay ở cùng một khu với người da trắng!

– Có nhiều người trẻ gốc Việt tham gia biểu tình ở Garden Grove, ủng hộ dân quyền cho người gốc Châu Phi. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Từ sự kiện năm 1955 khi bà Rosa Park từ chối nhường ghế trên xe bus cho người da trắng nên phải vào tù, cho đến năm 1962 anh James Meredith bị từ chối vào học trong University of Mississippi đến nỗi Attorney General thời đó là ông Robert F. Kennedy phải gởi US Marshals để hộ tống anh vào trường, và sự việc này đã dẫn đến cuộc bạo động do những sinh viên da trắng cầm đầu làm chết 2 người, bị thương 28 nhân viên liên bang và 160 người khác, và cuối cùng Tổng thống Kennedy đã phải cho Vệ Binh Quốc Gia đến can thiệp để dẹp loạn.

Từ phong trào đấu tranh cho dân quyền do Mục sư Martin Luther King cầm đầu đến các luật về Dân Quyền được quốc hội Hoa Kỳ thông qua như Civil Rights Act of 1964 và Civil Rights Act of 1968, phải nói xã hội Hoa Kỳ đã tiến một bước rất dài trong vấn đề dân quyền, dù vẫn còn chưa đủ. Những tiến bộ này đã giúp cho xã hội Hoa Kỳ được bình đẳng hơn, và chúng ta, những người tỵ nạn Việt Nam mới đến sau này, dù muốn dù không, cũng hưởng một cách gián tiếp những thành quả đó.

– Một cô gái cầm chân dung ông George Floyd. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

“Black Lives Matter” là một phong trào tranh đấu chống lại sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống và bạo lực với người da đen, xuất phát từ việc những người da đen bị sát hại bởi cảnh sát năm 2013. Xin đừng hiểu kiểu “literally” nghĩa là chỉ có sinh mạng người da đen mới quý, còn sinh mạng những sắc dân khác thì không. Xin đừng gom chung “Black Lives Matter” đồng nghĩa với bạo động để không ủng hộ phong trào này vì đây là hai thứ hoàn toàn khác nhaụ. Những kẻ lợi dụng việc biểu tình để “looting” cướp của là tội phạm và đáng bị pháp luật trừng phạt thích đáng.

Nếu bạn không hiểu được sự kỳ thị đối với người da đen trong xã hội cũng không sao, vì tôi cũng là một trong những số đó! Hãy tìm hiểu thêm qua sách báo, qua văn chương, qua phim ảnh. Bộ phim “Moonlight” được giải Oscar Best Picture năm 2016 sẽ giúp giải thích một phần nào cái vòng luẩn quẩn xiết nghẹt cuộc sống mà bao thế hệ nguời da đen không thoát ra nổi.

– Đám đông biểu tình nằm xuống như đang bị cảnh sát bắt. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Hãy lắng nghe tiếng nói từ những người trẻ thế hệ con cháu gốc Việt của chúng ta sinh trưởng và lớn lên bên đây. Đừng vội cho rằng tuổi trẻ quá “lý tưởng”, chưa biết sự thật cuộc đời như thế nào. Hãy nhớ lại rằng ba chục năm về trước, chúng ta cũng đã là những chàng trai cô gái đôi mươi tràn đầy lý tưởng như thế! Nếu lý tưởng là làm cho một xã hội mình sống ngày càng tiến bộ, đẹp hơn và công bằng hơn, thì đó chẳng phải là điều phải mà chúng ta vẫn dạy con cái và hằng mong muốn hay sao?

Dương Thanh Phong – 6/3/2020

1. Civil right movements: https://en.wikipedia.org/wiki/Civil_rights_movement

2. Trên FB của Hoa Nghiêm, một em học sinh cũ của Văn Lang sinh trưởng ở Mỹ.
(Nguyên tác: https://lettersforblacklives.com/about-the-letter-ed27ea67e…)

 

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular