Hai ông Thành, Lê Kiên Thành và Trương Nguyện Thành đều là người có tiếng tăm, phần thì nhờ vào trình độ kiến thức hiểu biết, học hàm học vị; phần do đặc điểm cá nhân (gia thế đặc biệt có người nhà làm quan to, hoặc thích mặc quần lòi đầu gối trước đám đông mà thiên hạ đùa là quần đùi).
Bất cứ ai trên đời đều có quyền bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, bộc bạch tư duy cá nhân. Chớ nên cấm điều ấy, nhất là khi cộng đồng đang khát khao một xã hội tự do dân chủ, đầy đủ quyền con người. Bất kể ai, dù là hai ông Thành tài giỏi, danh tiếng, giàu có, đẳng cấp khá trong xã hội, hoặc anh móc cống, đứa đánh dậm dưới đáy, đều có quyền bộc lộ suy nghĩ của mình. Chỉ có điều, cộng đồng tử tế chấp nhận hay không mà thôi.
Biên mấy dòng này, tôi chỉ nhắc tới ông Thành gia thế.
Tôi đã đọc mấy câu hỏi vặn vẹo của ông đối với nhà tu hành Thích Minh Tuệ. Ban đầu, tôi nghĩ ngay đó chỉ là kiểu nhỡ mồm bởi một Lê Kiên Thành doanh nhân thành đạt, học vị cao, kiến thức rộng, gia thế lẫy lừng thì không thể như vậy được. Tới giờ, thâm tâm tôi vẫn mong vậy. Tuy nhiên, điều cần nói vẫn phải nói, bởi thứ tư duy cổ lỗ sĩ tưởng đã bị chôn vùi từ tám hoánh lại còn đọng trong rất nhiều người, kể cả những vị đẳng cấp như hai ông Thành.
Ông Kiên Thành cật vấn nhà tu hành rằng “Ai trồng lúa để có gạo cho thầy dùng? Ai dệt vải để có áo cho thầy mặc? Ai giữ gìn bình yên trên đường đi để thầy đi?”. Mới thoáng nghe/đọc, vẻ rất có lý. Cứ nhang nhác kiểu suy luận đúng “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hột đắng cay muôn phần”, “Không thầy đố mày làm nên”. Xin thưa, ông Thành đã nhầm, những cật vấn “ai” ấy không thể hiện sự biết ơn như các cụ xưa dạy, mà là sự so bì thô thiển.
Không thể nói thế được. Xã hội, cuộc sống phân công mỗi người mỗi việc, ai làm việc có ích đều đáng được tôn trọng, không thể bắt người này phải phụ thuộc, chịu ơn người khác. Chỉ nhìn thấy sự tồn tại của riêng ai đó mà xí xóa người khác, đó là thứ suy nghĩ rất vớ vẩn. Biết ơn thì phải biết ơn chung chứ không riêng cho hạng người nào. Đừng cho rằng không có A thế này thì sẽ không có B thế kia. Người móc cống, hút hầm cầu, quét rác, chôn người chết… đều cần thiết cho đời sống, cần chẳng khác gì các ông bà đẳng cấp cao trong xã hội. Thợ móc cống làm tốt việc mình thậm chí còn tốt, đáng trân trọng gấp vạn lần chủ tịch nước tham nhũng, ông Thành ạ. Vậy nhưng họ chả bao giờ đặt vấn đề “không có tôi móc cống, chủ tịch có ngồi yên làm lãnh đạo được chăng”.
Cật vấn của ông Lê Kiên Thành cực kỳ sai, bộc lộ thứ tư duy rất lạc hậu từng tồn tại nhiều năm trong chế độ này, mà nhẽ ra một người đã tiếp cận văn minh như ông ấy phải rũ bỏ từ mấy chục năm trước. Người cộng sản, trong đó có ba ông Thành, chỉ tôn thờ “công nông binh”, ngoài ra những “hạng” người khác đều bị coi là ăn bám, sống nhờ, sống dựa, phải chịu ơn công nông binh. Họ đã từng nói toẹt “trí phú địa hào/đào tận gốc, trốc tận rễ”, trên cái quốc huy cũng chỉ có hình tượng công nông binh, luôn bắt dân phải ơn đảng ơn chính phủ. Họ dạy trẻ con lúc chúng mới chập chững chân son vào đời “Nếu không có bác công nhân/Lấy đâu nhà cửa trú thân đêm ngày/Áo quần ta mặc ai may/Lấy đâu máy móc dựng xây nước nhà” với thứ suy nghĩ cạn hẹp, méo mó thảm hại. Đó là thói tự cho mình là trung tâm, cao hơn tất cả, chỉ mình hay, còn thiên hạ đều dở xấu tồi, ăn hại, dựa dẫm.
Tôi lại nhớ, có lần một cựu chiến binh cật vấn tôi, rằng “không có chúng tao cầm súng ngoài chiến trường thì mày có được yên ổn sống ở hậu phương không?”, tôi chỉ đáp rằng “chưa bàn chuyện các anh tham gia vào cuộc nồi da xáo thịt là đúng hay sai, nếu không có những người, trong đó có tôi, một nắng hai sương nơi hậu phương làm ra hột gạo cho các anh ăn, thì các anh thành con ma đói, nói gì đánh được ai”. Vậy là tịt, hết kể công.
Nguyễn Thông