Bài thơ  hoạ của Cao Đăng trong vụ “Xướng hoạ thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” 1984

0
188

Hoàng Tuấn Công

Nhân bác Lê Thống Nhất và anh Lam Hoang Lam muốn biết bài thơ  hoạ của Cao Đăng trong vụ “Xướng hoạ thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” 1984, xin trích đăng một đoạn bài viết “Nhớ một Tết độc lập buồn và ba mươi năm bài thơ chống Đảng”.

“…Chắc bạn đọc không khỏi thắc mắc, muốn biết Cha tôi “chống Đảng” như thế nào? Vâng, ông “chống” bằng một bài thơ Thất ngôn bát cú! Nghĩa là ông tham gia cuộc thi “Xướng họa thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” do báo Đảng Thanh Hóa mời. Nói một cách thú vị hơn, là “chống Đảng” theo lời mời của “Đảng”. Thơ ông “Họa” lại bài “Xướng” của ông Hà Khang và Mai Bình – Chủ tịch Hội văn nghệ Thanh Hóa. Tôi nhớ như in hai bài thơ này:

Bài “Xướng” do ông Mai Bình chấp bút:

“Năm Tý về đây nhắc chuyện đời

Không coi chừng chuột, chuột sinh sôi!

Chùm nem sơ hở con chù vọc

Đĩa chả thờ ơ lũ cống lôi!

Lạ nhỉ ? chơi không toan gọn lốm,

Ở kìa! ngồi rỗi chực ngon xơi!

Hẹn nhau sẵn bả phòng năm chuột

Hễ chúng bò ra đánh tiệt nòi!

Bài “Họa” của Cao Đăng (Cha tôi – Hoàng Tuấn Phổ):

Giống chuột làm sao vẫn sống đời?

Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi!

Đồ ăn bè cánh chia phần nhậu,

Của để tớ thầy hợp sức lôi!

Tiếc lọ chê ai đành chuột phá,

Hoài cơm trách bạn để mèo xơi!

Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc,

Cống lỗ chi chi cũng hết nòi!

Đọc xong chắc có độc giả phải phì cười mà bảo rằng: chúng tôi chỉ thấy đây là bài thơ “chống chuột” chứ làm gì có chỗ nào “chống Đảng” nhỉ? 

Đúng vậy, thưa bạn đọc yêu mến! 

Đây là bài thơ vui “chống ông Tý”, “nói chuyện chuột” 100% (như chủ đề cuộc thi “Xướng họa thơ vui năm Tý nói chuyện chuột” đã đề ra).

          Này nhé: Giống chuột hại, đục khoét từ thượng cổ đến giờ. Thời nào con người cũng tìm cách diệt chuột, và diệt được khá nhiều. Vậy mà chúng “vẫn sống đời”, “Con đàn cháu lũ cứ sinh sôi”. Vì sao? Vì giống này rất mắn đẻ và cực tinh quái trong cuộc chiến sinh tồn. Chúng hay rúc rích kéo nhau đi ăn. Thứ cùng đánh chén tại trận, thứ hợp sức lôi về hang dùng dần. Khó mà bẫy bắt được chúng. Người xưa có câu “Ném chuột sợ vỡ bình quý”, nên đôi khi chuột nhờ cơ hội đó mà sống sót. Nhiều con mèo được nuôi để bắt chuột, nhưng chỉ giỏi ỉa bếp, để chuột ngang nhiên hành hoành, quả là “hoài cơm”, đáng trách. 

Bài “Xướng” của Mai Bình đề xuất: “Hẹn nhau sắm bả phòng năm Chuột, Hễ chúng bò ra giết tiệt nòi”. Nhưng giống chuột đa nghi có khả năng “xuất quỷ, nhập thần”, “thiên biến vạn hóa”. Chấp nhận cho chúng tồn tại trong hang hốc là cách đánh chuột nửa vời và thụ động. Cao Đăng đề xuất biện pháp đánh chuột của dân gian, triệt để, quyết liệt hơn: “Triệt đường ẩn nấp hang cùng hốc, Cống lỗ chi chi cũng hết nòi”. Nghĩa là đánh vào tận sào huyệt giống đục khoét! Lại chủ trương diệt cả chuột cống, chuột lỗ – loại chuột kếch xù mà họ nhà mèo không dám đụng đến. Rồi chuột nhắt, “chi chi” chuột…hễ đục khoét, ăn hại đều diệt hết!…”

(Trích “Nhớ một Tết độc lập buồn và ba mươi năm bài thơ “chống Đảng” – HTC).

Lời bàn: Nếu ví tham quan với giống chuột đục khoét, ai dám bảo những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trương Minh Tuấn,…rồi  Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá, Trần Phương Bình…không phải là chuột cống, chuột lỗ?

Ảnh: Bút tích của Cao Đăng-Hoàng Tuấn Phổ trong bài phát biểu tại Đại hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá lần thứ III vào lúc 2 giờ chiều ngày khai mạc 22/5/1989 tại hội trường tỉnh 25B).

604290cookie-checkBài thơ  hoạ của Cao Đăng trong vụ “Xướng hoạ thơ vui, năm Tý nói chuyện chuột” 1984