BÀ MẸ KHÁNG CHIẾN HỒNG KÔNG THỜI HIỆN ĐẠI

0
313
« Hongkong mama », bà mẹ kháng chiến Hồng Kông thời hiện đại

« Hongkong mama », bà mẹ kháng chiến Hồng Kông thời hiện đại http://vi.rfi.fr/…/20190706-hongkong-mama-ba-me-khang-chien…

L’Obs tuần này nói về «Hongkong mama» : Dorothy Wong đã trở thành người ủng hộ vô điều kiện các thanh niên biểu tình ở Hồng Kông, họ gọi bà là « má », trong khi xưa nay bà chưa hề nghĩ đến bước ngoặt này.

Trong số những chuyên gia marketing giỏi, Dorothy Wong từ lâu vẫn nổi tiếng với đôi giày cao chót vót luôn mang trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Những kilomet hàng lang métro, những bậc thang cho khách bộ hành, lề đường nhấp nhô…là những thứ không dành cho bà. Người phụ nữ Hồng Kông xinh đẹp 55 tuổi sống trong thế giới của hàng hiệu, tài chính cao cấp và các phương tiện truyền thông lớn mà bà chịu trách nhiệm về hình ảnh, thường xuyên tổ chức những sự kiện dành cho giới thượng lưu.

Nhưng gần đây, tín đồ thời trang này đã bỏ rơi những đôi giày Louboutin sang trọng, thay bằng giày đế thấp, khiến bà bị bạn bè trêu chọc vì chợt bị « lùn » đi đáng kể. Bởi vì Dorothy nay tham gia tất cả những hoạt động của giới trẻ Hồng Kông : biểu tình ngồi, xuống đường, chạy vắt giò lên cổ dưới cơn mưa hơi cay. Và đi bộ những quãng đường dài khi khu Trung Hoàn bị phong tỏa, để tìm mua những mặt hàng cần thiết phân phối cho những người trẻ ở « tiền tuyến ».

Bà trở thành khuôn mặt quen thuộc trong những cuộc biểu tình quy mô, phát ngôn viên của những « bà mẹ Hồng Kông » – một nhóm gồm phụ huynh, luật sư, nhân viên xã hội…nhưng trước hết là những người mẹ, mà vai trò là hiện diện bên cạnh lớp trẻ đang đấu tranh cho tương lai.

Từ cuộc sống nhung lụa đến đường phố và hơi cay

Sinh ra trong một gia đình giàu có, khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, Dorothy 16 tuổi lên đường sang Toronto du học để vừa kiếm mảnh bằng vừa có được hộ chiếu ngoại quốc. Bà gặp gỡ người chồng tương lai tại đây, và năm 1991cả hai quay về Hồng Kông, không mấy quan tâm đến chính trị.

Đến năm 2002, khi chính quyền đặc khu định thông qua dự luật về « an ninh quốc gia » nhằm kiểm duyệt báo chí, các nhà báo hết sức lo lắng. Dorothy Wong lúc đó làm truyền thông, mới nhận ra sự nguy hiểm. Năm 2003, đối lập tổ chức cuộc « tuần hành ngày 1 tháng Bảy » đầu tiên nhân kỷ niệm Hồng Kông được trao trả. Đó cũng là lần đầu tiên bà xuống đường chống Bắc Kinh cùng với con trai 7 tuổi. Theo con số chính thức thì có nửa triệu người biểu tình, nhưng Dorothy cho rằng thực ra còn hơn thế, bà như bơi trong một biển người, để lại những kỷ niệm không bao giờ quên được.

Cũng là lần đầu, Dorothy Wong tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn đầy cảm động ngày 4 tháng Sáu. Nhưng bước ngoặt thực sự diễn ra vào năm 2012, cùng với Scholarism, phong trào công dân đầu tiên của thế hệ thiên niên kỷ. Cậu bé Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) 14 tuổi cùng với các bạn học đã đứng lên chống lại chương trình tẩy não mà Bắc Kinh định áp đặt.

Do tò mò, Dorothy Wong tham dự một cuộc biểu tình ngồi gần Nghị Viện. Bà kể : « Thật ấn tượng khi thấy những đứa trẻ này, đơn độc trước cảnh sát, lại đầy ý thức và quyết tâm như thế. Cuối buổi biểu tình, bọn trẻ đứng xếp hàng cảm ơn công chúng, rồi thu dọn giấy tờ rơi vãi dưới đất. Tôi vô cùng kinh ngạc trước sự chín chắn đó ».

Trung tâm hậu cần dành cho thanh niên biểu tình

Đêm đó, Dorothy Wong không thể nào chợp mắt được. Các cô cậu bé này hoàn toàn trái ngược với những đứa trẻ được cưng chiều trong giới thượng lưu của bà. Làm thế nào để giúp đỡ ? Bà quyên góp nơi bạn bè, mua tặng những chiếc loa cầm tay vì người tham gia ngày càng đông, các diễn giả trẻ tuổi phải gào khản cổ. Hoàng Chi Phong và các bạn rất vui mừng với món quà thiết thực này.

Sau hai tuần phản kháng, Scholarism giành được thắng lợi. Về phần Dorothy, bà đã tìm được hướng đi : trở thành người bảo trợ cho những nhà đấu tranh trẻ tuổi phải trốn gia đình đi biểu tình. Hai năm sau, Hoàng Chi Phong và các bạn khởi động « Phong trào Dù vàng » đòi phổ thông đầu phiếu, tiếp theo là 79 ngày « Chiếm lĩnh Trung Hoàn ». Dorothy lập ra « trung tâm hậu cần » đầu tiên, được những người bạn giàu có bí mật tài trợ.

Tại đây có tất cả những thứ cần thiết để sống trong lều và đối phó với sự tấn công của cảnh sát : băng cá nhân, nước đóng chai, bánh cookies, khẩu trang, kính bơi, nón bảo hộ lao động…Cũng như những bà mẹ người Hoa thực thụ lo lắng cho sức khỏe con cái, mỗi ngày bà đi « tuần tra » những chiếc lều, thúc giục bọn trẻ ăn món súp tự nấu, uống nước có vitamin C. Rồi bà lập ra nhóm Umbrella Parents, kiên quyết chống lại bạo lực cảnh sát.

Những « bà mẹ kháng chiến » hiện đại

Cuộc Cách mạng Dù thất bại, nhiều lãnh đạo vào tù, người Hồng Kông thất vọng thu mình lại. Nhưng năm năm sau, dự luật dẫn độ đã là giọt nước tràn ly. Dorothy Wong một lần nữa lại ra trận. Lần này, đa số dân chúng đã đứng về phía giới trẻ, kể cả giới kinh doanh vốn thân Bắc Kinh.

Những gì gầy dựng được trong phong trào trước đây bỗng sống lại : các bà mẹ lại đi vận động, lập trung tâm hậu cần, phân phối những chai Ventoline – thuốc cắt cơn suyễn nhưng chống lại hơi cay khá tốt. Bản kiến nghị tố cáo bạo lực cảnh sát, ủng hộ giới trẻ đấu tranh chỉ trong một ngày đã thu được 40.000 chữ ký. Những bà mẹ kháng chiến của Hồng Kông thời hiện đại.

Cũng về Hồng Kông, The Economist cảnh báo, vụ xâm nhập Nghị Viện chỉ làm Bắc Kinh thêm cứng rắn, và khuyên người biểu tình nên thận trọng. Một vài khuôn mặt dân chủ nhiều kinh nghiệm lo ngại về yêu sách bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức, vì chỉ có những người hết sức cứng rắn mới chịu lên thay bà trong bối cảnh hiện nay.

426700cookie-checkBÀ MẸ KHÁNG CHIẾN HỒNG KÔNG THỜI HIỆN ĐẠI