HomeDU LỊCHBLOGLƯƠNG THIỆN VÀ HÀNH THIỆN

LƯƠNG THIỆN VÀ HÀNH THIỆN

Một người lương thiện thì không có lí do gì khi thấy sự lương thiện lại không thích. Đó là qui luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Bằng không, chỉ có thể lí giải rằng lòng lương thiện ấy chưa rốt ráo, vẫn chấp chứa nhiều sân si, đố kị.
Nhưng, như thế nào là lương thiện? Câu hỏi này không dễ trả lời, vì “lương thiện” là một khái niệm trừu tượng, và nó gắn với phẩm chất nội tâm, tức không thể định tính. Như cách cha ông ta từng nói – “Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”.
Hiểu như vậy để thấy rằng không dễ gì mà đánh giá được một con người lương thiện hay bất thiện, thương người hay chỉ thương thân, vị tha hay vị kỷ.
Những biểu hiện bên ngoài có thể là thật, xuất phát từ lòng nhân bên trong; nhưng nó cũng có thể là sự khoa trương, trang trí nhằm che đậy điều gì đó, hoặc có thể chỉ để thể hiện cho cái ngã kiêu mạn của chính mình.
Theo giáo lý nhà Phật, làm việc thiện hay phụng sự Tam bảo cũng chỉ có chút công đức, sẽ được phước báo; đó là kết quả của những nhân duyên thiện lành mà mình đã gieo trồng. Tuy nhiên cái phước ấy chỉ là phước hữu lậu (1), tức nó có giới hạn, hưởng sẽ cạn dần, rồi cũng hết.
Phước hữu lậu dành cho chúng sinh ở cõi nhân – thiên. Dễ hiểu hơn, một người làm việc thiện thì có thể sẽ được hưởng vinh hoa phú quý, hay kéo dài thọ mạng trong kiếp nhân sinh. Phước báu sâu dày thì có thể được sinh lên cõi trời, được hưởng những niềm hỷ lạc thắng diệu.
Nhưng để có được phước hữu lậu này người làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm trắng bạch (2), vô cầu, vô chấp, ly dục, ly tham. Nghĩa rằng làm việc thiện là giúp người giúp đời với, chứ không phải để tìm kiếm cái danh hư hay ánh hào quang ảo tưởng.
Làm với cái tâm trong sáng ấy mà phước báo vẫn còn lậu hoặc (3), thì huống chi vừa làm vừa kể, liệu có được chút phước mọn gì? Chẳng những thế, mà còn kéo theo phiền não, rước họa vào thân và tạo nghiệp cho nhiều kiếp lai sinh.
Công đức thực sự chỉ có được ở những bậc chân tu. Chính công hạnh tu hành ở họ mới mang lại lợi lạc quần sinh. Sức lan toả năng lượng thiện lành đem đến cho xã hội một bầu không khí mát mẻ, trong trẻo, an hoà. Chính cái năng lượng ấy đã xua đi những uế tạp, yêu ma, chướng khí. Nói cách khác, đó như một sự chọn lọc và đào thải. Do vậy, công đức của người tu Phật, tu thật mới tạo ra cái phước vô lậu (4). Ở đó không có chỗ cho tâm vị kỷ hẹp hòi, lòng công cao ngã mạn.
Vậy nên, đừng lấy việc thế tục ra so với sự xuất thế, đừng dùng ánh mắt phàm nhân ra soi chiếu bậc chân tu. Tất nhiên, phải là bậc chân tu. Còn giả tu, tu giả thì không thể thoả hiệp, họ đáng bị lên án. Vi bản chất, họ không tu, mà là đang hành nghề dưới lớp áo cà sa để mị dân, trục lợi. Muốn phân biệt đâu là thật/ giả, chân/ nguỵ không khó. Chỉ cần lấy giới hạnh ra làm thước đo tiêu chuẩn đối với người tu, ai không có giới, ai không giữ giới, tất thảy đều là giả.
Kỳ thực, bàn về bố thí hay từ thiện cũng không cần viện dẫn đến kinh điển Phật pháp; ngay trong kinh nghiệm, vốn sống của cha ông ta, đã nói – “thi ân mạc niệm”, “thi ân bất cầu báo”, nghĩa là làm ơn cho người khác thì không cần ghi nhớ trong lòng, hay không để tìm sự báo đáp. Lại nói, “của cho không bằng cách cho”. Thực tế, thế giới hay Việt Nam không hiếm người hành thiện với tâm Bồ đề, hạnh Bồ tát. Họ làm mà không nói, cống hiến mà thầm lặng. Cũng vì họ không có thói quen khoe nên không ồn ào, không mấy ai biết đó thôi!
Rõ ràng, nhân nghĩa, đạo lý, dân gian có cả, chúng ta cứ lấy đó mà bình tâm quán sát những hiện tượng xung quanh. Khi ấy chắc chắn sẽ không còn những ngộ nhận, lấy giả làm chân, lấy hư làm thực. Tất cả sẽ trả về đúng giá trị của nó.
———-
Chú thích:
(1) Hữu lậu: còn bám víu, chấp thủ, mong muốn, tham luyến…
(2) Trắng bạch: từ cách so sánh thường dùng trong kinh – “trắng bạch như vỏ ốc” – để chỉ tâm trong sạch, thanh tịnh.
(3) Lậu hoặc: từ gốc là “Ãsava” (Pãli) hay “Ãsrava” (Sanskrit). Lậu hoặc (âm Hán Việt), Lậu có nghĩa đen là chất mủ rỉ chảy từ thân cây; Hoặc có nghĩa là dơ bẩn, ô uế, hay là mê mờ, mê lẫn.
(4) Vô lậu: vượt lên mọi chi phối của phiền não, không còn rơi rớt trong thế gian. Vô lậu thuộc pháp xuất thế gian.
———-
Nha Trang, 15/10/2024
Nguyễn Thanh Huy

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here