1.2 PVEP và ban TGĐ PVN sử dụng văn bản được coi là bằng chứng về “chứng chỉ trữ lượng” đối với Lô Junin 2 cũng là một sự LỪA DỐI HĐTV PVN, các Bộ ban ngành và Chính phủ về chứng chỉ trữ lượng. Đây là sự lừa dối đặc biệt nghiêm trọng của PVEP/PVN đối với Chính phủ trong quá trình xin phê duyệt đầu tư dự án Junin 2.
d. Tại trang 7 của Báo cáo đầu tư phiên bản ngày 06/10/2008 có đoạn: “Ngày 05/9/2008, Ryder Scott đã cấp chứng chỉ trữ lượng cho Lô Junin 2 với trữ lượng dầu khí tại chỗ cho toàn lô là 50,038 tỷ thùng dầu”. Theo bản dịch có công chứng văn bản của Ryder Scott đã trình bày phía trên, ngay tại phần mở đầu tại trang 1 đã khẳng định rõ đây chỉ là một báo cáo nghiên cứu, thu thập thông tin về “ước tính lượng dầu khí tại chỗ ban đầu và lượng tài nguyên dầu khí dự phòng của Lô Junin 2”, không phải văn bản Chứng chỉ Trữ lượng dầu khí. Trên thực tế, theo thông lệ quốc tế các công ty cấp chứng chỉ trữ lượng sẽ ghi rõ trong nội dung rằng văn bản đó chứng thực Trữ lượng dầu khí. Như vậy, PVEP đã lừa dối Chính phủ và các bộ ngành về việc Lô Junin 2 đã được cấp chứng chỉ trữ lượng, dẫn tới các cơ quan có thẩm quyền đã hiểu nhầm rằng PVEP đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản 2011/TTg-DK. Thực tế PVEP/PVN không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
e. Tại nghiên cứu của Ryder Scott, các mức đánh giá về lượng dầu khí thu hồi là ở mức “C” (theo thông lệ quốc tế được nêu trong báo cáo mà Ryder Scott sử dụng thì điều này nghĩa là chưa đủ điều kiện để khẳng định được khả năng khai thác có hiệu quả kinh tế). Cũng tại phần mở đầu tại trang 1 Ryder Scott đã viết rõ nội dung “lượng dầu khí thu hồi được trình bày trong thư này mà đôi khi được hiểu là Trữ lượng theo một góc nhìn kỹ thuật, thì theo các định nghĩa của SPE 2007, nó được xếp vào hạng phân loại lượng tài nguyên dầu khí dự phòng”. Trong khi đó, theo Báo cáo trữ lượng của PVEP lập, những thông số được Ryder Scott xác định là lượng tài nguyên dầu khí dự phòng thì được PVEP chuyển thành cấp P (theo cả thông lệ quốc tế lẫn quy định của Việt Nam tại Quyết định của Bộ Công Nghiệp số 38/2005/QĐ-BCN, có hiệu lực tại thời điểm xem xét quyết định đầu tư dự án, thì cấp P là có thể khai thác mang lại hiệu quả kinh tế). PVEP và Hội đồng trữ lượng PVN chưa bao giờ đưa ra so sánh về sự khác biệt giữa mức C của Ryder Scott và mức P của PVEP, trong khi sự khác biệt này chính là sự khác biệt giữa CÓ THỂ khai thác hiệu quả và KHÔNG THỂ khai thác hiệu quả. Điểm này chính là tính khả thi về hiệu quả đầu tư dự án. Đây chính là điểm lừa dối quan trọng nhất được các chuyên gia về thăm dò khai thác dầu khí tại PVEP/PVN giấu kín, và chỉ có những người làm chuyên môn thăm dò khai thác mới có thể hiểu rõ. Và nếu người làm chuyên môn đó có chủ ý không trung thực thì những người không hoạt động chuyên môn sẽ không thể phát hiện ra. Tôi từng tham gia khóa học về kế toán dầu khí của nước ngoài và rất quan tâm tìm hiểu các yếu tố hình thành nên tài sản dầu khí, qua đó cũng nhận biết được những nguyên tắc cơ bản về xác định Trữ lượng theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên học hỏi và được chia sẻ khá cặn kẽ bởi nhiều bạn bè, đồng nghiệp được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu về thăm dò khai thác dầu khí. Từ đó, tôi phát hiện ra bản chất cốt lõi của sự lừa dối tại rất nhiều dự án thăm dò khai thác dầu khí từ trước đến nay như đã trình bày phía trên.