Dịch vụ Starlink của tỷ phú Elon Musk được đánh giá là có nhiều tác động tới hạ tầng kỹ thuật về an ninh, quốc phòng và dân sự. Cuộc đàm phán đổ vỡ giữa chính phủ Việt Nam và Starlink dẫn tới những hệ lụy nào?
Đầu tháng Ba, Starlink đã tạm dừng đàm phán tham gia thị trường Việt Nam. Nguyên nhân được cho là do những bất đồng về chính sách của Việt Nam về sở hữu cổ phần.
Starlink muốn có tỷ lệ sở hữu cổ phần áp đảo khi hoạt động tại Việt Nam, nhưng luật mới lại không cho phép điều đó.
Theo Luật Viễn thông 2023 được Quốc hội phê duyệt tháng 11 năm ngoái (có hiệu lực từ 1/7/2024), tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế có dịch vụ hạ tầng mạng tối đa là 49%.
Trong một dự thảo nghị định vào tháng 2/2024 nhằm thực thi luật trên (vốn kế thừa Luật Viễn thông năm 2009), Việt Nam bổ sung thêm yêu cầu đối với các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, bao gồm phải có sự hiện diện tại Việt Nam và kiểm soát luồng lưu thông dữ liệu.
Theo một bài viết ngày 29/2 của Reuters, trước khi ngừng đàm phán, Starlink từng cung cấp dịch vụ thử nghiệm cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Dịch vụ thử nghiệm chưa từng được công bố rộng rãi này cho phép Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng vệ tinh của Starlink để điều khiển thiết bị bay không người lái (drone) ở Biển Đông, bao gồm Vịnh Thái Lan.
Tính đến tháng 11/2023, Starlink đã phóng tổng cộng 5.420 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất ở tầm thấp, theo số liệu từ Statista.
Việc Starlink ngừng đàm phán có nghĩa Việt Nam sẽ mất đi một số cơ hội về hạ tầng viễn thông, bao gồm tăng cường năng lực an ninh quốc phòng.
Có nên nới rộng quy định cho Starlink?
Một chuyên gia chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào ngày 7/3 với điều kiện ẩn danh rằng việc chính phủ Việt Nam giới hạn lượng sở hữu cổ phần đối với pháp nhân nước ngoài “cũng có cái lý của họ”.
Ông nói rằng khi Starlink là cổ đông chi phối, sở hữu hơn 50% cổ phần, họ sẽ có quyền đơn phương ra quyết định.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong lĩnh vực quân sự nếu Việt Nam xây dựng một mô hình an ninh quốc phòng phụ thuộc vào hệ thống vệ tinh hoặc internet do Starlink cung cấp.
“Việt Nam có lẽ muốn họ [Starlink] đáp ứng quy định và nhu cầu của chính phủ,” ông đánh giá.
Tuy nhiên, đó cũng được cho là yếu tố mà Starlink sẽ cân nhắc khi đầu tư vào một thị trường còn mới như Việt Nam. Phía Starlink cũng không muốn phải “báo cáo [hoạt động kinh doanh] cho chính phủ [Việt Nam]”.
Chuyên gia này đánh giá rằng có thể có những lo ngại về việc Starlink đột ngột ngừng cung cấp dịch vụ, có thể do thua lỗ hay những bất đồng chính sách kinh doanh khác.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt vào ngày 4/3 từ Anh, Tiến sĩ Marina Miron, một nhà nghiên cứu quốc phòng tại King’s College London, đã nêu lên những lo ngại tương tự khi thiết lập mạng lưới quân sự xoay quanh hệ thống của một doanh nghiệp tư nhân.
Theo bà, thay vì hợp tác với các tổ chức tư nhân, Việt Nam có thể cân nhắc ký kết với các quốc gia khác, chẳng hạn Nga hoặc Trung Quốc.
“Đấy sẽ giống như một cuộc hôn nhân, một mối quan hệ lâu dài với quốc gia cụ thể đó, mà như vậy thì có thể dẫn tới những nhượng bộ về chính trị. Thế nên đấy sẽ không chỉ là một quyết định quân sự mà còn là quyết định mang tính chính trị.”
“Ví dụ, Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga hoặc Trung Quốc, tùy thuộc vào tình hình chính trị hay chính sách nào có lợi hơn cho an ninh quốc phòng Việt Nam,” bà nói.
Theo Nikkei Asia, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng phiên bản Starlink của riêng mình, với kế hoạch phóng 26.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, sau khi nhận thấy những ứng dụng quân sự của drone ngày càng gia tăng ở Ukraine và Gaza.
Năm ngoái, Trung Quốc đã thực hiện 17 vụ phóng vệ tinh với mục đích thương mại (trong đó có một vụ thất bại), với tổng số vệ tinh được phóng lên là 213. Hiện Trung Quốc được coi là đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, trong lĩnh vực phóng vệ tinh thương mại.
Dù Trung Quốc đủ năng lực cung cấp dịch vụ, nhưng khả năng Việt Nam sử dụng công nghệ Trung Quốc để phục vụ cho hạ tầng an ninh, quốc phòng là khó xảy ra, xét những xung đột giữa hai quốc gia này.
Do đó, nếu hợp tác với chính phủ nước ngoài, Việt Nam nhiều khả năng sẽ có những lựa chọn khác, có thể là Mỹ, Nga, Ấn Độ hoặc châu Âu.
Nếu chỉ cho thương mại?
Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng công nghệ của Starlink chỉ cho mục đích thương mại, dân sự.
Khi đó, theo chuyên gia ẩn danh nói trên, đây sẽ là một tín hiệu tốt cho kinh tế Việt Nam, giúp giải quyết nhu cầu lớn cho người dùng đại chúng, cũng như cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông, vấn đề về lượng sở hữu cổ phần vẫn còn đó do “mong muốn có khả năng kiểm soát, không phải vì lý do thương mại, mà vì đây là hệ thống hạ tầng trọng yếu”.
Hiện nay, hai doanh nghiệp tiêu biểu cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do nhà nước nắm cổ phần chi phối (hơn 50%) là VNPT và Viettel.
“Có lẽ phía chính phủ muốn kiểm duyệt rồi chặn web này web kia. Về mặt nguyên tắc, giữ nguyên quy định về sở hữu cổ phần là có lợi cho Việt Nam.”
“Nhưng cũng nên cân nhắc rằng Starlink là công ty của Mỹ, hợp tác với họ có thể thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam,” chuyên gia ẩn danh nói.
Drone có vệ tinh hỗ trợ
Drone được đánh giá sẽ giúp cải thiện an ninh quốc phòng trên nhiều khía cạnh như do thám, cảnh báo, hay cả khả năng tấn công.
Tiến sĩ Marina Miron đánh giá drone có rất nhiều tác dụng trong hoạt động quân sự:
“[Drone] có tiềm năng giúp quân đội Việt Nam trong hoạt động trinh sát. Ngoài ra, có thể thiết lập drone như một hệ thống cảnh báo an ninh thời gian thực. Điều này giúp phát hiện từ sớm các nguy cơ an ninh.”
Bà gọi drone là những “đôi mắt trên trời” có giá rẻ và dễ dàng thay thế.
Tuy nhiên, nếu không có hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, khả năng vận hành của drone sẽ gặp nhiều hạn chế.
Theo nhà phân tích quốc phòng Tayfun Özberk trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 6/3:
“Nếu không có vệ tinh hỗ trợ, [quân đội] sẽ phải sử dụng Hệ thống truyền thẳng (LOS – Line of Sight) để điều khiển drone. Khi đó, người ta chỉ có thể điều khiển drone trong phạm vi mà thiết bị có thể liên lạc thẳng trực tiếp với trạm điều khiển.”
“Ngược lại, drone được vệ tinh hỗ trợ không gặp vấn đề này,” ông Özberk lấy ví dụ về khả năng tấn công tầm xa bằng drone của quân đội Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Ông đánh giá rằng khả năng này không chỉ tạo ra sự răn đe mà còn dẫn tới thay đổi về cách tiếp cận, về học thuyết quốc phòng.”
Drone ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Hồi đầu tháng 2/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã ra lệnh thành lập lực lượng quân sự chuyên biệt về drone.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại an ninh quân sự liên quan tới tính bảo mật của hệ thống và cơ sở dữ liệu khi sử dụng công nghệ của Starlink.
Cả Tiến sĩ Miron và chuyên gia ẩn danh đều cho rằng không có nhiều lo ngại về việc Starlink mua hay bán dữ liệu, mà nhiều hơn là về nguy cơ xâm nhập trái phép vào hệ thống.
Khi đó, những thông tin như vị trí, tần suất bay, hành trình bay hay số lượng drone có thể bị lộ.
Một điều cần lưu ý rằng những lo ngại này không chỉ riêng đối với công nghệ của Starlink, mà cho cả những hệ thống tương tự.
Chỉ hơn một tháng trước, Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) cho biết họ đã vô hiệu hóa hoạt động tấn công mạng của một nhóm hacker được chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Cuối tháng Hai, một tổ chức chính quyền vùng tây nam Trung Quốc được cho là đã chi tiền để đột nhập website của cảnh sát giao thông Việt Nam, theo thông tin từ một tài liệu rò rỉ mà BBC có được.
Kết nối internet mới
SpaceX, công ty mẹ của Starlink, từng bàn bạc với Việt Nam về việc cung cấp dịch vụ công nghệ cho các trạm quân sự tiền phương, đặc biệt ở các khu vực miền núi và vùng biển rộng lớn, nơi thường xảy ra tranh chấp với Trung Quốc, theo nguồn tin từ Reuters.
Khi được hỏi liệu việc không có kết nối internet có phải vấn đề trong hoạt động quân sự của quân đội Việt Nam hay không, Tiến sĩ Miron đánh giá đây “chắc chắn là một bất lợi”.
Tuy nhiên, bà Miron cũng gợi ý một phương pháp thay thế – làm nhiễu kết nối internet của Trung Quốc.
“Do Việt Nam không có khả năng đó [tự cung cấp internet mà không cần Starlink], họ có thể cố gắng cân bằng tình thế bằng cách làm nhiễu internet của Trung Quốc.”
Bà cho rằng cách này dễ dàng hơn nhiều so với việc xây dựng hệ thống vệ tinh tương tự như của Starlink.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ gặp khó khăn nếu tranh chấp xảy ra trên biển.
Theo ông Özberk, trên các đơn vị tàu chiến, internet chủ yếu chỉ được sử dụng cho mục đích phụ trợ. Thay vào đó, tàu chiến vận hành sử dụng mạng nội bộ intranet để đảm bảo an toàn.
Ông nói thêm hiện nay phương thức Mạng lưới Tác chiến (Network Centric Operation), giúp quân đội vận hành và phối hợp mà không cần kết nối internet, đã được một vài quốc gia phát triển và sử dụng.
Bên cạnh mục đích quân sự, kết nối internet đến khu vực vùng sâu vùng xa cũng có thể góp phần hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn, giáo dục, phát triển kinh tế-xã hội…
Việt Nam hiện nay vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào năm tuyến cáp quang biển. Tuy nhiên, các tuyến này thường xuyên gặp sự cố, gây gián đoạn tín hiệu internet.
Theo một bài viết đăng tải hồi tháng 2/2023 trên mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã lên kế hoạch có tối thiểu 10 tuyến cáp quang.
Theo chuyên gia ẩn danh nói trên, cách làm này dễ hơn do không yêu cầu nhiều công nghệ mới, nhưng chỉ có lợi ích ngắn hạn, so với việc xây dựng công nghệ mới như của Starlink.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, ông đánh giá tình hình hạ tầng mạng Việt Nam vẫn “ổn” nên chính quyền không quá vội vàng trong việc hợp tác với Starlink.
“Nếu cáp quang biển gặp vấn đề liên tục khiến áp lực từ đại chúng tăng thì có thể chính quyền sẽ cân nhắc lại,” ông nói thêm.
Nguồn : https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv2yp55d61zo