Monday, December 23, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGTừ COC Đến Một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Cho Các Động...

Từ COC Đến Một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Cho Các Động Thái Hàng Hải Ở Đông Nam Á

Research Asssisant Biên dịch, ,

Tác giả: Vũ Hải Đăng | Asia Maritime Transparency Initiative

Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Kết thúc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 56 và các cuộc họp liên quan tại Jakarta vào tháng 7 năm 2023, các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đã đạt được tiến bộ trên hai khía cạnh. Thứ nhất, lần đọc thứ hai của Văn bản đàm phán Dự thảo COC duy nhất đã được hoàn thành. Thứ hai, một bộ Hướng dẫn nhằm đẩy nhanh việc sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử thực chất và hiệu lực ở Biển Đông đã được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng 10+1 với Trung Quốc. Trên thực tế, những kết quả này mang nhiều tính thủ tục (và có lẽ mang tính chính trị) hơn là thực chất.

Bài bình luận này đề xuất trong hoàn cảnh đàm phán COC tiếp tục kéo dài không có hồi kết, các quốc gia Đông Nam Á có thể xem xét thúc đẩy việc phát triển và đàm phán một công cụ khác nhằm quản lý tất cả các động thái hàng hải của tất cả các bên liên quan ở tất cả các vùng biển Đông Nam Á: một “Bộ Quy tắc ứng xử cho các động thái hàng hải ở Đông Nam Á” song song với tiến trình COC. Phạm vi đề xuất của thỏa thuận này thậm chí còn lớn hơn COC, nhưng việc áp dụng sẽ dễ dàng hơn với một cách tiếp cận đàm phán khác.

Toàn cảnh hoạt động của tàu nghiên cứu/khảo sát Trung Quốc ở Biển Đông nửa năm đầu năm 2023. Ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Một Bộ Quy tắc ứng xử có phạm vi áp dụng mở rộng hơn

Mục tiêu của COC giữa Trung Quốc và các Quốc gia Thành viên ASEAN là đạt được một môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa thuận ở Biển Đông. Tuy nhiên, Biển Đông không phải là vùng biển duy nhất nằm ở Đông Nam Á và Trung Quốc không phải là cường quốc biển duy nhất có hải quân hoạt động ở vùng biển Đông Nam Á. Vì vậy, nếu các quốc gia Đông Nam Á muốn duy trì hòa bình, hữu nghị và  hòa thuận một cách toàn diện trên toàn bộ vùng biển Đông Nam Á thì nên xem xét phát triển một công cụ áp dụng cho tất cả các vùng biển xung quanh khu vực và mở ra cho tất cả các quốc gia hoạt động ở những vùng biển đó. Như vậy, phạm vi địa lý của Bộ Quy tắc ứng xử mới có thể là tất cả các vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia Đông Nam Á, không chỉ bao gồm Biển Đông mà còn bao gồm các khu vực ở Biển Philippine, Biển Sulu-Celebes, Biển Bandar, Biển Arafura, Biển Timor, Eo biển Malacca và Singapore và Biển Adaman. Ngoài các quốc gia Đông Nam Á, tư cách thành viên của Bộ Quy tắc có thể được mở cho tất cả các quốc gia hiện đang hoạt động ở các vùng biển này bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Anh, Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác.

Nội dung tương tự

Nhiều điều khoản trong Bộ Quy tắc ứng xử cho các động thái hàng hải ở Đông Nam Á sẽ có nội dung tương tự như các điều khoản của COC. Mặc dù đàm phán COC chưa hoàn tất nhưng một số nguyên tắc quan trọng được ghi nhận trong Tuyên bố Ứng xử Các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 chắc chắn sẽ được nhắc lại trong COC. Các nguyên tắc này bao gồm: các cam kết đối với Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi đóng vai trò là các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ giữa các quốc gia; tôn trọng và cam kết tự do hàng hải và hàng không; cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Những nguyên tắc này có giá trị phổ quát nên có thể áp dụng cho tất cả các vùng nước có tranh chấp hoặc không tranh chấp và cho tất cả các quốc gia. Hơn nữa, một điều khoản quan trọng khác cần được đưa vào COC và Bộ Quy tắc ứng xử trong các động thái hàng hải ở Đông Nam Á là thiết lập các cơ chế tuân thủ mạnh mẽ nhằm đảm bảo tôn trọng các quy định. Nếu không có cơ chế tuân thủ như vậy, cả COC và văn kiện mới đều sẽ gặp phải cùng một vấn đề  như DOC: mỗi bên ký kết có thể cáo buộc bên ký kết khác vi phạm các điều khoản của văn kiện mà không cần để ý gì đến hành vi của chính mình.

Tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 5/8/2023. Reuters

Phương pháp đàm phán khác

Bộ Quy tắc ứng xử cho các động thái hàng hải ở Đông Nam Á không nên thay thế COC mà nên là một văn kiện song song và độc lập, vì mỗi công cụ đều phục vụ một mục đích riêng. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm đàm phán kéo dài của COC, các nhà đàm phán về Bộ Quy tắc mới từ Đông Nam Á không nên áp dụng cách tiếp cận tương tự trong quá trình soạn thảo và đàm phán. Thay vào đó, các bên nên sử dụng cách tiếp cận như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác năm 1967. Khi đó, các nước thành viên ASEAN đã đàm phán và ký kết Hiệp ước với nhau trước khi mở văn kiện này ra cho các bên thứ ba có thể gia nhập. Ngày nay, Hiệp ước đã được 51 quốc gia ký kết. Tư cách thành viên của Hiệp ước hiện là điều kiện tiên quyết để các nước thứ ba trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.

Vì vậy, Bộ Quy tắc ứng xử cho các động thái hàng hải ở Đông Nam Á cũng cần được đàm phán trước tiên giữa các Quốc gia Thành viên ASEAN. Một khi tất cả các Quốc gia Thành viên ASEAN đã ký Bộ Quy tắc, văn kiện có thể được mở cho các quốc gia khác ngoài Đông Nam Á gia nhập. Tư cách thành viên của Bộ Quy tắc cũng có thể trở thành điều kiện tiên quyết để tham gia vào các diễn đàn của ASEAN liên quan đến các vấn đề hàng hải (chẳng hạn như Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng). Một chiến thuật như vậy có thể giúp các quốc gia Đông Nam Á ưu tiên lợi ích của mình trước hết đồng thời tránh được những cuộc đàm phán kéo dài vô tận về những điều khoản gây khó khăn trong Văn kiện.

Tóm lại, việc phát triển Bộ Quy tắc ứng xử cho các động thái hàng hải ở Đông Nam Á sẽ không chỉ giúp các quốc gia Đông Nam Á thúc đẩy hòa bình và an ninh toàn diện trên toàn bộ vùng biển ở Đông Nam Á mà còn thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giúp đạt được mục tiêu được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

TS. Vũ Hải Đăng là nhà nghiên cứu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Các quan điểm trong bài viết này là của riêng tác giả. Bài viết được đăng lần đầu tại https://amti.csis.org/from-the-coc-to-a-code-of-conduct-for-maritime-engagements-in-southeast-asia/

Nguyên tắc hoạt động của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập, phi chính trị và phi lợi nhuận. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular