Friday, October 18, 2024
HomeDU LỊCHBLOGNGU CÓ GỐC!

NGU CÓ GỐC!

Chu Mộng Long

Khi xảy ra sự cố, giới chức sắc trong giáo dục hay đổi lỗi do cá nhân. Chẳng hạn, vụ cô giáo xỉa xói, xởn tóc học trò như đánh ghen, lãnh đạo sẽ nói lỗi ở cá nhân cô giáo!

Bây giờ họ lên báo còn nói lỗi bắt đầu ở học trò, cả cô trò cùng xin lỗi là xong, huề nhen! He he, một bên phạm luật hình sự ở tội làm nhục và xâm phạm thân thể trẻ em, một bên nhuộm tóc, chẳng xâm phạm đến ai, nhưng vẫn đánh đồng được!

Cách làm ấy càng chứng minh ngu có gốc. Gốc từ lãnh đạo ngành dục. Họ cố tình lờ đi, rằng cô giáo có hành vi của đứa vô học là do những nội quy quản giáo của đứa vô học, biến nhà trường thành nhà tù!

Đó là cái ngu trong giải quyết tình huống sư phạm, ở bình diện đạo đức, nhân cách. Riêng về tri thức, còn có vô số tình huống ngu từ gốc, ở đây là gốc trình độ của giáo sư tiến sĩ làm sách giáo khoa. Ông Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên sách Ngữ văn tự hào rằng, một giờ văn diễn “trơn tru” theo kịch bản là giờ dạy tốt. Kịch bản đó là theo đúng giáo án, được tập luyện nhiều lần, học sinh thảo luận bằng cách trả lời máy móc theo bài mẫu. Và như vậy, lẽ ra một giờ dạy học hiện đại phải có tình huống về tri thức cần giải quyết để tương tác và để thể hiện năng lực của người dạy thì lại không có tình huống sư phạm nào. Dạy học như vậy thì lớp Ba hay con robot cũng có thể đứng lớp cho mọi cấp học!

một bài thi học kỳ môn Ngữ văn 8

Đêm nay, cháu tôi có con học lớp 8 đưa cho tôi xem một bài thi học kỳ môn Ngữ văn 8, có câu:

Dựa vào mục đích nói, hãy so sánh hai câu sau:

a. Bạn ấy không bao giờ bỏ cuộc.

b. Bạn ấy chưa bao giờ bỏ cuộc.

Đáp án như sau:

Giống nhau: Hai câu đều là câu phủ định,

Khác nhau: 

– Câu a: Từ phủ định (không); Phủ định ở mọi thời điểm,

– Câu b: Từ phủ định (chưa); Phủ định tại thời điểm nói.

(lưu ý cách viết sai chính tả, lẽ ra dùng dấu ngoặc kép thì dùng dấu ngoặc đơn, sau dấu chấm phảy mà viết hoa mới ngộ!)

Kết quả, học sinh bị chấm sai ở vế phân biệt sự khác nhau, vì theo học sinh, hai câu a và b không phân biệt về nghĩa, dù là dùng phủ định từ “không” hay “chưa”. Cháu tôi cãi thầy giáo không được, ức quá bèn hỏi tôi, rằng sao giáo viên ngu vậy?

Tôi nói, cái sự ngu này có gốc. Khi đọc sách Ngữ văn 8 cũ lẫn mới (đều do GS. Nguyễn Minh Thuyết chủ biên), tôi đã thấy cách phân biệt máy móc như vậy. Sách đưa ra ví dụ: 

a – Choắt không dậy được…

b – Choắt chưa dậy được…

Trường hợp a, Choắt sắp chết, phủ định vĩnh viễn. Trường hợp b, Choắt có khả năng khỏe lại, phủ định không hoàn toàn.

Từ đó, sách giáo khoa khái quát: a. “không”, phủ định hoàn toàn; b. “chưa”, phủ định không hoàn toàn. Trường hợp ví dụ thì đúng, nhưng khái quát thì hàm hồ, sai bét! Cách khái quát ấy dễ bị hiểu ngu là “không” – phủ định “mọi thời điểm” và “chưa” – phủ định “tại thời điểm nói” như cái đáp án trên.

Đã gọi là “ngữ dụng” mà bất chấp ngữ cảnh và mục đích nói, cứ khái quát ngang phè như sách giáo khoa thì đủ thấy những người biên soạn sách giáo khoa có năng lực tiếng Việt ở trình độ nào.

Ở trường hợp đề thi trên, hai câu: a và b, sau phủ định từ “không” hoặc “chưa” có từ “bao giờ” đi theo, chúng gần như hoàn toàn đồng nghĩa, tức đều phủ định hoàn toàn. Khác chăng chỉ dư một nét nghĩa: “chưa bao giờ”, tại thời điểm nói trở về trước là “không bỏ cuộc”, còn sau này thì có thể… chưa biết. Khác với dứt khoát “không bao giờ”, cho cả tương lai. Nhưng sự khu biệt này trong ngữ cảnh và mục đích nói của người Việt là không rõ. Bởi rất nhiều trường hợp người Việt nói “chưa” cũng là “không” và ngược lại. Chẳng hạn, “Tôi đã cố gắng nhưng chưa ngủ được”, hoàn toàn đồng nghĩa “Tôi đã cố gắng nhưng không ngủ được”. “Không ngủ được” không có nghĩa là mất ngủ vĩnh viễn. Không ai là người Việt nói: “Bạn ấy chưa bao giờ…” với mục đích chỉ mang nghĩa phủ định tại thời điểm nói cả. Theo thầy giáo và sách giáo khoa, nói “Bạn ấy chưa bao giờ bỏ cuộc” có nghĩa là chỉ tại thời điểm nói là bạn “không bỏ cuộc”, còn trước đó đã từng hoặc sau đó có thể “bỏ cuộc”? Giống như nói: “Tôi chưa bao giờ ăn thịt chó” chẳng lẽ có nghĩa là trước đó tôi đã từng hoặc sau đó tôi có thể ăn thịt chó? Lạy Phật, nếu tôi là nhà tu, tôi bị phạt quỳ sám hối đại tăng cũng nên!

Tôi nói “ngu có gốc” là như vậy. Sách viết ngu, thầy giáo ngu theo. Nhưng học sinh học tiếng mẹ đẻ từ lúc lọt lòng, ắt chúng không ngu. Tôi dám khẳng định, trẻ em không cần học sách ông Thuyết vẫn nói và hiểu đúng. Và cháu tôi, bị mang tiếng “dân ngu khu đen”, cũng không ngu nên mới cãi và không biết hậu quả con mình sẽ bị trù dập thế nào. Cần khẳng định lần nữa, rằng giáo dục không phải “ngu dân” mà “ngu hơn dân”! Đúng nhận sai cãi!

Chu Mộng Long 

—–

Chữ “ngu” tôi dùng theo triết gia người Anh, B. Russell chứ không phải nặng lời. Triết gia B. Russell nói: “Con người ta sinh ra chỉ có thiếu hiểu biết, không ngu; nhưng con người ta bị ngu bởi giáo dục” (Men are born ignorant, not stupid; they are made stupid by education). Đó là Russell nói nền giáo dục ngu làm cho người ta ngu theo.

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid02X65ag59ps6MMwsdYuXZsKfmMudh9dM2h83XeA2TC4xjLx3Jtd5dRi6H67dfnqv6el

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular