Ngày 20/10, một nhóm gồm 14 tổ chức nhân quyền quốc tế và trong nước gửi thư ngỏ chung kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc (LHQ) António Guterres thúc giục ban lãnh đạo Nhà nước Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động môi trường bị kết án vì cáo buộc “trốn thuế” trong năm nay.
Thư ngỏ chung, được ký bởi các tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ân xá Quốc tế, Điều 19 (Article 19), Dự án 88 (The Project 88), Người Bảo vệ Nhân quyền (DTD) và chín tổ chức phi chính phủ khác gửi đến người đứng đầu LHQ nhân dịp ông đến thăm Việt Nam trong hai ngày 21-22/10.
Thư ngỏ nhắc đến bốn nhà hoạt động môi trường và xã hội dân sự bị kết án vì tội danh “trốn thuế” gồm: bà Nguỵ Thị Khanh- giám đốc tổ chức xã hội dân sự Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Đặng Đình Bách- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Pháp luật & Phát triển Bền vững (LPSD), Mai Phan Lợi- Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm Giáo dục Truyền thông (MEC), và ông Bạch Hùng Dương, phó giám đốc của tổ chức này.
Họ bị kết án từ hai năm tù đến năm năm tù trong các phiên toà riêng biệt trong năm nay.
Theo thư ngỏ, họ là tù nhân chính trị- nạn nhân điển hình của làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam, thông qua sự kết hợp của các mối đe dọa và quấy rối tư pháp, đang đe dọa tiến bộ trong việc chống biến đổi khí hậu, bảo vệ nhân quyền và việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ.
Bà Jessica Nguyễn, người phụ trách vận động của Dự án 88, nói với với Đài Á Châu Tự Do qua tin nhắn:
“Chúng tôi đề nghị ông Tổng Thư ký kêu gọi Điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam công khai và tích cực hơn nữa trong việc yêu cầu Việt Nam nghiêm túc cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Để làm được điều đó thì chính các cơ quan của Liên Hiệp Quốc cần phải tăng cường trách nhiệm giải trình của chính họ trong vấn đề nhân quyền Việt Nam, đặc biệt là với các tổ chức xã hội dân sự. “
Theo các tổ chức ký tên vào thư ngỏ, cuộc đàn áp những người bảo vệ môi trường chỉ là phần nổi của cuộc trấn áp rộng rãi hơn đối với những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Dẫn thông tin từ nhiều tổ chức theo dõi tình hình Việt Nam, thư ngỏ nói chính phủ nước này hiện đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm chỉ vì họ đã thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình.
Theo các cơ chế nhân quyền LHQ, hầu hết tù nhân lương tâm ở Việt Nam bị truy tố vì các tội danh mơ hồ thuộc chương An ninh Quốc gia của Bộ luật Hình sự, bị giam giữ vô cớ kéo dài và bị từ chối tiếp cận với cố vấn pháp lý và thăm hỏi gia đình, thường là trong khi bị cố ý bỏ mặc hoặc ngược đãi.
Theo thư ngỏ, LHQ cần thúc giục Chính phủ Việt Nam chấm dứt các chính sách và thực tiễn vi phạm nhân quyền, đồng thời nhấn mạnh rằng không thể có tiến bộ về biến đổi khí hậu và phát triển nếu không có một xã hội dân sự tích cực có thể tự do thực hiện các quyền tự do của họ, như quyền biểu đạt, hội họp và tụ tập.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á-Thái Bình Dương của HRW gửi email cho RFA với nội dung:
“Tại Hà Nội, Lãnh đạo LHQ bàn thảo với Việt Nam về các chính sách biến đổi khí hậu, nhưng làm thế nào Việt Nam có thể thực sự tiến lên khi nước này đang bận rộn với việc tống giam các đối tác xã hội dân sự quan trọng, những người có vai trò quan trọng đối với các nỗ lực quốc gia nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Sự mâu thuẫn này không thể đứng vững, và LHQ cần nói với Chính phủ Việt Nam rằng họ phải chấm dứt việc đàn áp các tổ chức xã hội dân sự và lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự.”
“Mỗi ngày Việt Nam đang bất chấp các nghĩa vụ duy trì nhân quyền của mình và chúng tôi đang yêu cầu LHQ kêu gọi họ về điều đó và thúc đẩy Hà Nội làm tốt hơn nhiều. Nhà nước Việt Nam bỏ tù bất cứ ai chỉ trích họ. Do đó, số lượng tù nhân chính trị đã tăng lên nhưng cộng đồng quốc tế dường như không nhận thấy. Tổng Thư ký LHQ có thể và nên thay đổi ấn tượng sai lầm đó bằng cách nêu rõ rằng việc Việt Nam tiếp tục đàn áp các nhà hoạt động và các nhóm xã hội dân sự sẽ gây nguy hiểm cho khả năng của đất nước trong việc đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ.”
Việt Nam, với tư cách là thành viên mới được bầu của Hội đồng Nhân quyền LHQ, có nghĩa vụ tôn trọng các tiêu chuẩn nhân quyền cao nhất, thúc đẩy và thực hiện các nghĩa vụ về quyền con người được ghi trong các điều ước quốc tế về quyền con người đã được nhà nước ký kết và phê chuẩn, thư ngỏ nói.
Nhà nước Việt Nam phải ngừng hình sự hóa việc vận động chính sách và hoạt động của các liên minh vận động chính sách của xã hội dân sự, không được áp dụng những hạn chế quá mức đối với xã hội dân sự.
Hà Nội cần sửa đổi cơ bản Nghị định 58/2022/NĐ-CP về các nhóm xã hội dân sự quốc tế hoạt động tại Việt Nam để đảm bảo rằng các quy định đó tuân thủ đầy đủ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là thành viên.
Việt Nam cần làm rõ xem các tổ chức phát triển phi chính phủ có phải nộp thuế doanh nghiệp hay không và trong trường hợp nào. Cụ thể, Chính phủ Việt Nam cần giải quyết sự không rõ ràng và thiếu nhất quán giữa Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và Luật Quản lý thuế năm 2019 liên quan đến nghĩa vụ thuế của các tổ chức khoa học và công nghệ. Những quy định này đại diện cho một khung chính sách mâu thuẫn, được sử dụng để tấn công với động cơ chính trị vào xã hội dân sự.
Cuối cùng, các tổ chức nhân quyền đề nghị ông Tổng Thư ký thúc giục Điều phối viên thường trú của LHQ và các cơ quan của tổ chức này ở Việt Nam công khai và tích cực yêu cầu Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền tồi tệ của quốc gia.
Cách tốt nhất mà LHQ có thể làm là tự làm cho mình có trách nhiệm hơn với xã hội dân sự Việt Nam, thư ngỏ nói.
Trong chuyến thăm kéo dài hai ngày nhân kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên LHQ, ông António Guterres gặp gỡ với ban lãnh đạo quốc gia, bao gồm Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ.
Thanks for sharing. I read many of your blog posts, cool, your blog is very good.
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.