Sunday, December 22, 2024
HomeDÂN CHỦVụ TTBL: Hội đồng liên tôn nói chính quyền muốn xóa bỏ...

Vụ TTBL: Hội đồng liên tôn nói chính quyền muốn xóa bỏ cơ sở tôn giáo không theo giáo hội

RFA

Hội đồng Liên tôn Việt Nam hôm 25 tháng 7 ra tuyên bố lên án bản án nặng nề mà các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai bị tuyên phạt.

Có thành viên là đại diện của năm tôn giáo lớn tại Việt Nam, bao gồm Phật Giáo, Công Giáo, Tin lành, Cao Đài, và Phật giáo Hoà Hảo, Hội đồng Liên tôn là tổ chức chuyên đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo không được chính quyền công nhận.

Trong tuyên bố của mình, tổ chức này bày tỏ “cực lực phản đối vụ án bất công và phi pháp, trái ngược với các nguyên tắc căn bản về nền tư pháp quốc tế.” 

Đồng thời tố cáo chính quyền Việt Nam “bất chấp Tuyên Ngôn Quốc Tế về quyền làm người của Liên Hiệp Quốc, tước bỏ các quyền tự do căn bản của người dân Việt Nam trong đó có quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội, quyền được xét xử công bằng…”

Trước đó, hôm 21 tháng 7, toà án huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, đã kết án sáu thành viên của Tịnh thất Bồng Lai, sau đổi tên là Thiền am Bên bờ Vũ trụ, với tổng cộng 23,5 năm tù giam. 

Những người này bị cáo buộc dưới tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Khoản 2, Điều 331, Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, Hoà thượng Thích Không Tánh, đồng chủ tịch của Hội đồng Liên tôn, cho biết lý do tổ chức này đưa ra tuyên bố về phiên toà xử các thành viên của Tịnh thất Bồng Lai:

“Có thể nói rằng Hội đồng Liên tôn có mặt ở Việt Nam đã mười mấy năm rồi, trước giờ thì lập trường của hội đồng là chủ trương vận động cho tự do tôn giáo, tín ngưỡng, và nhân quyền ở Việt Nam. 

Nhân đây xin thưa cái vụ của Tịnh thất Bồng Lai, sau này đổi tên thành Thiền am Bên bờ Vũ trụ, thì đây (bản án 23,5 tù-PV) là một cái việc vi phạm vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng rất là trầm trọng. Cũng như là xúc phạm cái phẩm giá của con người, cũng như nhân quyền của người dân ở Việt Nam không được tôn trọng.”

Trong phiên toà xét xử thì một trong những vấn đề được thẩm phán nêu ra đó là việc Tịnh thất Bồng Lai không chịu đăng ký gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Điều này được ông Lê Tùng Vân, người đứng đầu tịnh thất, giải thích là vì cảm thấy Giáo hội Phật Giáo Việt Nam “không xứng đáng” để tham gia. 

Nói về vấn đề này, Hoà thượng Thích Không Tánh cho rằng Tịnh thất Bồng Lai có quyền tu theo Phật Giáo theo cách mà họ muốn, không nhất thiết phải gia nhập giáo hội:

“Anh tự nhiên anh ép người ta vô cái tròng của anh để anh quản lý, thì cái đó sao gọi là quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, tự do tôn giáo được. 

Phật Giáo Việt Nam rất đã dạng, và sự tu tập có nhiều hình thức. Bởi vì giáo pháp của Đức Phật đưa xuống có tới bốn vạn tám ngàn pháp môn tu (tám vạn bốn ngàn pháp môn tu-PV). Thành thử ra tuỳ quần chúng và đồng bào, ví dụ mình tiếp cận được một cái điều nào đó của Đức Phật dạy và mình muốn tu tập thì đều có thể được hết.”

Hòa thượng Thích Không Tánh từ năm 2016 giữ vai trò đồng Phó Viện Trưởng Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một tổ chức tách ra từ giáo hội có từ thời Việt Nam Cộng Hòa. 

Một thành viên khác của Hội đồng Liên tôn Việt Nam là Chánh trị sự Hứa Phi của đạo Cao Đài, cũng cho chúng tôi biết rằng bản tuyên bố mà tổ chức này đưa ra nhằm khẳng định quyền tự do tôn giáo của các thành viên Tịnh thất Bồng Lai, và để tố cáo chính sách đàn áp của nhà nước Việt Nam:

“Chúng tôi đấu tranh để Việt Nam có quyền tự do tôn giáo, không ai có quyền ép buộc mình phải theo một cái tôn giáo nào mà mình không thích. 

Thứ hai thì chúng tôi thấy rằng đối với những bản án bất công thế này, thì cộng đồng mạng cũng như những người đấu tranh cần phải nói lên để cho thế giới biết, rằng ở tại Việt Nam nhiều khi người ta áp đặt các bản án để răn đe những người không tuân theo cái ý của nhà cầm quyền.”

Vị Chánh trị sự của đạo Cao Đài cũng cho biết việc chính quyền ban đầu vu cáo cho ông Lê Tùng Vân phạm tội loạn luân, nhưng sau lại dùng Điều 331 để xét xử, cho thấy bản chất của vụ án này là muốn xoá bỏ cơ sở tôn giáo nên mới phải áp dụng điều luật mơ hồ. 

Hôm 26 tháng 7, lãnh đạo Công an tỉnh Long an cũng thừa nhận rằng không có đủ chứng cứ để buộc tội loạn luân đối với ông Lê Tùng Vân – người đứng đầu Tịnh thất Bồng Lai, và tuyên bố ngưng tiếp nhận tố giác về tội danh này. 

Trong thông cáo của mình, Hội đồng Liên tôn cũng “thỉnh cầu Cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các Tổ Chức Quốc Tế Nhân Quyền, các Quốc gia Tự do Dân chủ trên thế giới áp lực buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền làm người và tuân thủ các thủ tục và nguyên tắc tư pháp quốc tế cho nhân dân Việt Nam.”

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular