TTO – Nhiều người dân tự mua kit test nhanh COVID-19 đã vô tình sử dụng luôn cả que chứng dương – loại que kháng nguyên mà khi nhỏ bất cứ dung dịch gì lên cũng cho kết quả dương tính, nên dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười…
Que test chứng âm, chứng dương sẽ có bao bì khác – Ảnh: NVCC
Que chứng âm và que chứng dương không phải ai cũng biết.
Âm tính thành… dương tính
Anh Đ.N.T. (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết anh thường xuyên test nhanh COVID-19 trước khi vào chỗ làm. Trong một lần sử dụng, anh đã lấy ngay một que test mà anh không biết là loại chứng dương (một loại que mẫu của hộp kit test), kết quả báo anh dương tính với COVID-19. Lo lắng, anh T. thử test lại nhiều lần với kit test của các hãng khác và cho kết quả âm tính.
Để an tâm tuyệt đối anh vẫn đến bệnh viện để xét nghiệm RT-PCR và được khẳng định âm tính. “Mình đã đem cả que test và khay thử mẫu đến gặp bác sĩ, lúc đó mới được cho biết mình lấy nhầm que test mẫu chứng dương, nhỏ dung dịch gì vào cũng dương tính”, anh T. kể lại.
“Dù bình tĩnh nhưng cảm giác lúc đó khó chịu vô cùng”. Đó là chia sẻ của bà B.N. (ngụ quận 3, TP.HCM) khi nói về lần test nhầm que chứng dương.
Bà N. cho biết mình mua loại kit test hộp 25 que từ một người quen. Khi có kết quả dương tính đã vô cùng bất ngờ và hoang mang, đến khi liên hệ lại người bán thì mới biết bà đã sử dụng nhầm que test mẫu.
Hiện nay, trong bối cảnh bình thường mới, nhiều người có nhu cầu sử dụng kit test nhanh COVID-19 tại nhà hay cơ quan làm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết thông tin về que test mẫu (que chứng âm, que chứng dương) và nhận diện được hai loại que này.
Nếu không cẩn trọng rất dễ xảy ra các trường hợp như ông T., bà N. hoặc có thể nghiêm trọng hơn khi bản thân mắc bệnh COVID-19 nhưng lại test nhầm que chứng âm, làm tạo ra kết quả âm tính giả.
Lưu ý que mẫu
Thông tin về vấn đề này, BS Nguyễn Đình Phương (thuộc Trạm y tế phường 4, quận 3) – người có nhiều kinh nghiệm lấy mẫu, truy vết cộng đồng trong đợt dịch vừa qua – cho biết đã có trường hợp tình nguyện viên của trạm khi thực hiện lấy mẫu cho người dân đã lấy nhầm hai loại que test mẫu này.
“Ở một số loại kit test nhanh COVID-19 khi đóng hộp sẽ có hai que test mẫu, một là que chứng dương, sẽ cho ra kết quả dương tính ngay cả khi không lấy mẫu hoặc lấy bất cứ dung dịch thử gì thì que đó vẫn hiển thị hai vạch, còn que chứng âm thì nguyên lý hoạt động sẽ ngược lại”, BS Phương chia sẻ.
Theo PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM – những loại que mẫu không sử dụng để lấy dịch tỵ hầu mà chỉ dùng để kiểm tra chất lượng bộ kit test.
“Que chứng dương là que tăm bông có chứa sẵn kháng nguyên, nếu thử que chứng dương mà kết quả là âm tính thì kit test bị sai. Que chứng âm là tăm bông hoàn toàn kháng nguyên, nếu thử trên kit test thì phải có kết quả âm tính, nếu kết quả lại dương tính thì kit test đó bị sai”, ông Dũng cho biết.
Theo các chuyên gia, không phải tất cả các loại kit test trên thị trường đều có hai que mẫu này, tuy nhiên khi chọn mua sản phẩm, người dân phải hết sức thận trọng. Nên mua loại kit bán tại các nhà thuốc, theo danh mục mà Bộ Y tế cấp phép, tránh mua sản phẩm trôi nổi, hàng giả, kém chất lượng.
Tính đến nay, có 131 sinh phẩm xét nghiệm đã được cấp số đăng ký, cấp phép nhập khẩu còn hiệu lực tại Việt Nam, bao gồm 43 sinh phẩm cho kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR, 60 sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên và 28 sinh phẩm xét nghiệm kháng thể.
Các sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các quốc gia như: Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore… Trong đó, một số loại kit test nhanh có que mẫu chứng dương, chứng âm như: Flowflex SARS CoV-2 Antigen Rapid Test của Trung Quốc, CareStart COVID-19 Antigen của Mỹ, Panbio COVID-19 Ag Rapid Test Device của Hàn Quốc…, người dân cần lưu ý.