Đỗ Cao Cường
Kính gửi các ông, bà trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tên tôi là Đỗ Cao Cường, từng công tác tại nhiều báo đài trong nước, nhiều lần gửi tâm thư cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Do môi trường làm việc không lành mạnh nên tôi trở thành đạo diễn tự do, vẫn âm thầm đồng hành cùng nhiều mảnh đời bất hạnh.
Hôm nay, đứng trước một mạng người có nguy cơ bị chết oan, tôi xin gửi tới ông, bà bức thư này. Tôi không cầu xin ông, bà cứu giúp Hồ Duy Hải, tôi chỉ mong ông, bà cứu lấy chính ông, bà, con cháu của ông bà – vì có thể một ngày nào đó chúng ta cũng giống Hồ Duy Hải – và cũng là cách để cứu nền tư pháp Việt Nam, với những nguyên tắc và giá trị căn bản.
Để viết ra một tác phẩm văn học, các ông các bà chỉ cần cảm xúc và trí tưởng tượng. Nhưng để buộc tội một ai đó, các ông các bà cần có đủ bằng chứng luận tội. Mắc lỗi trong bài tập làm văn thì chỉ cần xóa đi viết lại, nhưng mắc lỗi trong việc giết oan một người, đẩy gia đình, tương lai họ đến bến bờ tuyệt vọng, thì không có cách nào cứu chữa.
Luật pháp được coi là hơi thở của chế độ, chế độ dài hay ngắn phụ thuộc vào hệ thống luật pháp nước đó mạnh hay yếu, có đủ giám sát, thực thi được hay không. Mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh có tội, nguyên tắc suy đoán vô tội là nguyên tắc quan trọng nhất trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong một xã hội mang hình dáng con người. Nhưng, với hàng loạt sai phạm vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng hình sự, việc “ban” án tử cho Hồ Duy Hải không khác gì “góp phần” rút ngắn tuổi thọ của chế độ đó.
Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được coi là quyết định cao nhất, vậy mà với vai trò quan trọng của mình, Hội đồng Thẩm phán lại cho rằng cơ quan điều tra “có sai sót trong hoạt động điều tra nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Với hàng loạt hành vi để lại hậu quả nghiêm trọng chỉ được coi là sai sót thôi ư? Nếu một ngày nào đó con, cháu của các ông, các bà rơi vào trường hợp như Hồ Duy Hải, dao thớt mua ở chợ để thay thế, hợp pháp hoá vật chứng, dấu vân tay thu được tại hiện trường không phải của con cháu ông, bà, không trưng cầu giám định vết máu ngay khi thu được mà để tới tận 4 tháng sau, không đưa lời khai ban đầu của con, cháu ông bà và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, không thu giữ vật chứng quan trọng mang dấu vết vụ án, không giám định thời điểm chết của nạn nhân, biên bản ghi lời khai, hỏi cung có sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai, quá trình lấy lời khai không được ghi hình, giám sát, những nghi can quan trọng như Nguyễn Văn Nghị bị bỏ qua… mà chỉ được gọi là sai sót, không thay đổi bản chất vụ án ư?
Xin lỗi các ông, bà, một khi quá trình lấy lời khai không có hệ thống ghi hình, luật sư giám sát, thì kể cả ông, bà vào khám cũng phải khai theo ý muốn của các điều tra viên chứ không cần nói tới Hồ Duy Hải.
Theo điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự, thẩm phán phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi đã tham gia tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên. Vậy mà, ông Nguyễn Hoà Bình vẫn ngồi xổm trên pháp luật, tham gia xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, trong khi trước đó ông Bình ký quyết định không kháng nghị vụ án này với tư cách là Viện trưởng VKS NDTC.
Cá nhân, cơ quan thực thi pháp luật cao nhất cả nước mà ngồi xổm trên pháp luật thì còn ai dám tin vào công lý và làm theo?
Đề nghị các ông, bà ủy viên trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt mình vào Hồ Duy Hải, thể hiện rõ vai trò của các ông, các bà để vụ án sớm được điều tra lại, những kẻ cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án phải bị khởi tố.
Xin cám ơn các ông, bà.
P/s: Các bạn có thể sửa tên, sửa nội dung, in ra và gửi cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC.