(Tác giả: Brian Eyler. Lược dịch: Kiến Phước Nguyễn Tấn)
Ở chương này, tác giả bàn về lịch sử lâu đời của khu vực Vân Nam – Đại Lý, nơi thượng nguồn của sông Mekong chảy qua và là quê nhà của nhiều dân tộc thiểu số đã bị đồng hoá trong chương 2. Đại Lý, mọi người đã quá quen thuộc với gia tộc họ Đoàn trong Thiên Long Bát Bộ với tuyệt chiêu Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm. Đại Lý vốn là 1 quốc gia Phật Giáo hiền hoà và có nền văn hoá riêng. Nhĩ Hải là một trong những hồ to lớn và màu mỡ nhất của Đại Lý. Vậy điều gì đã xảy ra với Nhĩ Hải và Đại Lý?
Chương 3: NGƯỜI HÁN ĐỒNG HÓA “NƯỚC” ĐẠI LÝ-THUNG LŨNG HỒ NHĨ HẢI ĐIÊU TÀN
Ít người biết rằng hồ Nhĩ Hải cũng là 1 phần của lưu vực sông Mekong. Năm 1946, đập thuỷ điện đầu tiên ra đời ở hồ Nhĩ Hải để lấy điện cho thành phố Đại Lý, nhưng sau đó đã bị dẹp bỏ khi đập Tiểu Loan ra đời. Con đập Tiểu Loan với công suất 4200 megawatts nằm ngay chỗ hợp dòng của Mekong và dòng Dạng Giang (Yangbi), lấy nguồn nước từ hồ Nhĩ Hải làm thuỷ điện.Đại Lý và Nhĩ Hải, trong tâm trí người Trung Quốc, đều được nhớ đến nhờ tiểu thuyết gia Kim Dung, qua các tác phẩm cuối những năm 1950-60.
Trước thế kỷ 20, thung lũng hồ Nhĩ Hải, tương tự phần lớn Vân Nam, đều biệt lập với Trung Quốc. Vùng này chỉ có thể đến được thông qua đường núi gập ghềnh và là có địa hình dễ để người dân địa phương phòng thủ khỏi ngoại xâm. Điều này, cùng sự màu mỡ của đồng bằng phía tây Nhĩ Hải đã giúp 1 số vương quốc độc lập thách thức sự bành trướng của Trung Quốc, và có lúc họ đã lấn sâu tầm ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á.
NHỮNG NGÀY HÌNH THÀNH VƯƠNG QUỐC ĐẠI LÝ
Vương quốc Nam Chiếu-Vào thế kỷ thứ 8, một nhóm dân tộc thiểu số hùng mạnh quanh thung lũng Nhĩ Hải đã hợp nhất để tạo ra vương quốc Nam Chiếu, gần Đại Lý ngày nay. Nam Chiếu đã có lúc lấn sâu vào các khu vực mà ngày nay là Myanmar, Lào, và Thái Lan. Họ cũng đã lên phía bắc, đánh chiếm Thành Đô, thủ phủ của Tứ Xuyên ngày hôm nay. Nằm ngay giao lộ thương mại của Trung Quốc và Ấn Độ, Nam Chiếu nổi lên là thủ đô của Phật Giáo Mật Tông (Tantric Buddhism), trường phái Phật Giáo uyên thâm nhất thời điểm bấy giờ. Phật Giáo Mật Tông có lẽ được hình thành nhờ sự giao thoa với phật giáo Tây Tạng. Hùng mạnh là thế, nhưng rồi Nam Chiếu tự sụp đổ khi bành trướng quá mức, đến độ mất tự chủ và các thành viên hoàng tộc bị ám sát, khiến rất nhiều người phải rời khỏi thung lũng Nhĩ Hải. Theo nhiều học giả, nhóm người lưu vong này đã góp phần hình thành nên Thái Lan, Lào và Myanmar hiện đại ngày nay.
Vương quốc Đại Lý-Khi Nam Chiếu suy tàn, đã có 1 người tên Đoàn Tư Bình (Duan Siping), hậu duệ quý tộc nước này dẫn 1 nhóm người bỏ đi và lập ra vương quốc Đại Lý vào năm 937. Không to lớn như Nam Chiếu, nhưng vương quốc Đại Lý lại chiếm được vùng Vân Nam (ngày nay) trù phú và nhờ đó đã tồn tại độc lập hơn 300 năm và là trung tâm Phật Giáo hàng đầu Châu Á. Phật Tử từ Ba Tư và Ấn Độ đổ xô đến đây, ngồi dưới chân Sùng Thánh Pháp Tự (Chongsheng Monastery). Nhiều người hành hương đến đây để đi lại theo bước chân của đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), dọc theo 140 cây số bờ sông. Ngày nay, 3 chùa lớn nhất của Đại Lý, nằm ngay dưới chân của công trình phục chế của Sùng Thánh Pháp Tự, cùng với dãy tường thành cổ là di tích duy nhất còn xót lại của thời kỳ đó. Trong thập kỷ vửa rồi, Sở du lịch của Đại Lý cũng đã đổ tiền tái hiện lại các công trình Phật Giáo dọc theo bờ hồ Nhĩ Hải.
Tỉnh Vân Nam-Vào thế kỷ 13, Hốt Tất Liệt (Kublai Khan) đã đánh chiếm Đại Lý và lập ra một chính quyền cai trị của người Mông Cổ, đặt tên là Vân Nam – đây là lần đầu tiên cái tên này xuất hiện trong lịch sử. Vương gia Mông Cổ đầu tiên cai quản Đại Lý là Hoàng tử Hốt Ca Xích (Hugeshi), một người theo đạo Hồi (Islam), và ông đã dùng nhóm quân theo đạo Hồi để cai quản vương quốc này. Người Hán đồng hóa Đại Lý. Năm 1257, ngài Sayyid Ajall đã thành công trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp Vân Nam và giới thiệu hệ tư tưởng Nho Giáo của người Hán đến vùng này. Sử gia người Myanmar, Thant Myint U, trong quyển sách của mình “Nơi Ấn gặp Trung” (Where China meets India) đã mô tả giai đoạn này là thời kỳ đồng hoá của Hán tộc đối với Đại Lý.
Trung tâm hành chánh của Vân Nam đã được chuyển từ Đại Lý đến Côn Minh khi đế chế Mông Cổ sụp đổ và triều đại Nhà Minh nổi dậy vào thế kỷ 13. Tuy nhiên, do địa thế cách trở nên Đại Lý, trong mắt triều đình Trung Quốc, vẫn là dân tộc bất trị khi vào thế kỷ 19, một thương nhân đạo hồi tên Đỗ Văn Tú (Du Wenxiu) đã dẫn đầu cuộc khởi nghĩa Panthay (Panthay là 1 từ tiếng Myanmar, chỉ những thương nhân từ Vân Nam đến) chống lại triều đình nhà Thanh đang suy yếu. Quyền lực của Đỗ Văn Tú phủ lên vùng Vân Năm mà không bị cản trở gì trong hơn 2 thập kỷ. Khi 2 nhà thám hiểm người Pháp, De Lagree và Garnier, trong 1 chuyến viễn chinh lên thượng nguồn Mekong thất bại, đã vô tình đến được Đại Lý năm 1868, và trước mắt họ là một vương quốc hiện đại đầy sinh khí.
Khởi nghĩa Panthay kết thúc khi triều đình Đại Thanh cùng với quân đội Anh kéo lên Đại Lý năm 1872 với đầy đủ súng ống, sau khi đã dập tan cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (Taiping) ở trung tâm Trung Quốc trước đó. Họ Đỗ đầu hàng mong cứu được tính mạng của mình và thuộc hạ nhưng cuối cùng cũng bị ép uống thuốc độc; họ Đỗ bị chặt đầu và thủ cấp bị bỏ vào 1 hũ mật ong đưa về triều đình. Thuộc hạ của ông đã bị truy đuổi, những ai không chạy kịp bị ép nhảy xuống hồ và chết đuối ở đó. Sự thất bại của khởi nghĩa Panthay và Thái Bình Thiên Quốc, cùng nhiều đợt binh biến lẻ tẻ khác đã đẩy rất nhiều người đi sâu vào vùng núi phía Tây, vượt sông Mekong để tiến về bán đảo Đông Nam Á. Ngày nay, dinh thự của họ Đỗ trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Đại Lý. Trước nhà ông có 1 tấm bia kể về tiểu sử của ông và ghi chú như 1 vị anh hùng đứng lên chống lại triều đình Mãn Châu xâm lược.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ BẰNG TÀN PHÁ VĂN HÓA VÀ THIÊN NHIÊN
20 triệu khách du lịch đến Đại Lý hàng năm, lớn hơn nhiều nếu so với Angkor Wat, thường được coi là điểm du lịch nổi tiếng nhất Mekong, chỉ có 3 triệu khách/năm. Đại Lý là 1 vùng giàu lịch sử và văn hoá. Khung cảnh hùng vĩ của dãy Thương Sơn, nằm ở biên giới phía Tây của thung lũng Nhĩ Hải, cùng hồ Nhĩ Hải xanh biếc cùng Đại Lý Cổ thành là thắng cảnh nổi tiếng nhất lưu vực sông Mekong. Và tương tự như Yubeng, lượng du khách khủng đã và đang đe doạ lên Nhĩ Hải, hồ lớn thứ nhì Mekong.
Năm 1999, khi tôi lần đầu tiên đến thung lũng Nhĩ Hải sau 10 giờ đi xe buýt tơi tả, Đại Lý vẫn là một thành phố yên bình, chậm rãi, nơi chỉ có những du khách mộng mơ tìm đến. Thời điểm đó, thu nhập bình quân đầu người ở Trung Quốc vẫn chỉ là $800. Phần đông người đến Đại Lý đều là những nghệ sĩ trẻ, yêu và tò mò về vùng đất cổ tích này, (Điều đó phải cám ơn nhà văn Kim Dung) và họ đã dựng lên các trà quán, phòng trưng bày nghệ thuật nho nhỏ làm duyên cho Đại Lý.
Lúc đó, du lịch không phải là nguồn thu duy nhất ở Đại Lý. Cổ thành có đầy đủ các tiện ích như bệnh viện, trường học, chợ búa, nhiều sở chỉ huy quân sự địa phương, chùa chiền và có cả nhà thờ. 2 sản phẩm nổi tiếng nhất của Đại Lý lúc đó là đá hoa cương từ các hầm mỏ dãy Thương Sơn và dệt nhuộm từ các hợp tác xã do phụ nữ làm. Cả 2 sản phẩm đó đều được xuất đi bán khắp Trung Quốc, đặc biệt mô hình hợp tác xã dệt nhuộm đã thắng nhiều giải thưởng khu vực và quốc tế cho hình thái kinh doanh địa phương. Ngày đó, đi trên đường phố Đại Lý Cổ Thành, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều chị em người Pai mặc đầm trắng, bên ngoài khoác áo thêu tay tinh xảo (tương tự thổ cẩm mình), đầu quấn khăn đen khi họ đi chợ, hoặc đang tán gẫu bên hiên nhà. Do ở xa thủ đô và hoà nhập với tinh thần phóng khoáng của du khách phương Tây, người Đại Lý khi đó có trồng và buôn bán cần sa; đôi lần ngồi uống cà phê bên vệ đường, tôi đã bắt gặp nhiều phụ nữ trung niên đến hỏi nhỏ “ganja, ganja?” (cần sa). Khách du lịch luôn kháo nhau rằng “Đại Lý thì ở trên cao (high, còn có thể hiểu là luôn phê pha), còn hoàng đế thì ở mãi nơi nao” nên không cần lo; điều này cũng thể hiện sự lỏng lẽo trong quyền lực cai trị của Trung Quốc đối với các khu vực xa xôi.
Phụ nữ trẻ người Đại Lý thường quấn đầu bằng khăn bán nguyệt, tay phải đeo núm tua để cho thấy mình còn độc thân. Hàng quán ven đường bày bán đủ loại đồ ăn vặt, mà nổi tiếng nhất là rushan, tương tự phô mai que của mình. Theo ông Colin Flahive, một doanh nhân – tác giả người Mỹ, đã dọn đến đây sinh sống từ 2002: “Đại Lý có 1 nhịp sống rất lạ. Nơi đây làm cho ta chỉ muốn mỗi ngày ngồi ở một quán cà phê thật đẹp, nhấp từng ngụm cà phê, viết từng trang cuốn tiểu thuyết dang dở của mình. Chẳng có nơi nào tuyệt vời để an cư hơn là Đại Lý, nuôi 1 con chó nhỏ, để tóc dài hơn một chút, mỗi ngày thả hồn cùng bạn bè bên đàn guitar.”
Nhưng từ 1999, sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng bành trướng đến đây. Lúc đó, những trung tâm mua sắm lớn và khu chung cư đã bắt đầu được xây dựng. Năm đó, đường xe lửa từ Côn Minh đến Đại Lý được hoàn thành, giúp giảm ½ thời gian di chuyển giữa 2 nơi. Sự thuận tiện đó giúp tôi đem được bạn bè, vợ và ba mẹ tôi đến đây trong chuyến đi du lịch ngoại quốc đầu tiên của họ năm 2009. Cuộc sống rất yên bình. Nhưng cuộc sống này không kéo dài bao lâu khi du lịch phát triển.
Các công ty du lịch lần lượt đập bỏ từng phần của Cổ Thành để “phục dựng” những cổ tích “giả” cho mục đích kinh tế.
Chính quyền phục dựng Ngô Tự (bị Cách mạng Văn hóa tàn phá những năm 60), cả Sùng Thánh Pháp Tự. Ngày nay, du khách Trung Quốc đến Đại Lý đi từng đoàn lớn, chen lấn xô đẩy và ồn ào hết mức. Đến đâu cũng chỉ dừng lại vài phút đủ để chụp hình rồi lại bị lùa đi tiếp. Đêm họ vào 20 quán bar mới, phá huỷ bầu không khí yên bình của Cổ thành. Những người đã lỡ yêu Đại Lý cũ, mỗi năm đều đến đây ở dài ngày thì đã không còn xuất hiện nữa.
Năm 2015, khi quay lại Đại Lý, tôi gặp lại A Triệu (Ah Zhao), một người bạn cũ. A Triệu và vợ là một trong những người đầu tiên xây khách sạn, làm món cá chép om và giò heo hầm địa phương và giàu lên nhờ du lịch. Gặp lại, A Triệu kể rằng Đại Lý đã dần mất đi nền văn hoá của mình. Người Hán ngày càng đông, họ kiểm soát luôn nhiều nhà hàng khách sạn, và làm mọi thứ đáp ứng nhu cầu của khách.Thấy rõ, trong sự lụi tàn dần của 1 nền văn hoá lâu đời, mọc lên đủ các nhà hàng tào lao, các quán bar tạp nham và hàng loạt quầy quà lưu niệm thập cẩm từ các công xưởng ở Quảng Đông. A Triệunói khi chia tay: ông lo lắng cho tương lai Đại Lý khi lượng khách tăng quá nhanh, dẫn đến cả thành phố đều bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mùa xuân Đại Lý nóng hơn hẳn trước đây và khi băng ở đỉnh Thương Sơn tan hết cũng là lúc Đại Lý điêu tàn vì các hồ quanh đây không còn nguồn nước dự trữ. Nước giếng đào nhiều, cũng dần cạn.
Vùng đồng bằng trù phú dài 40 cây số nằm giữa hồ Nhĩ Hải và 18 đỉnh của dãy Thương Sơn có thể nuôi sống cả 1 vương triều cổ đại, nhưng bất lực trong việc cung cấp cho hàng chục triệu miệng ăn của du khách. Kèm theo là việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học và việc không thể xử lý chất thải từ động vật đã đe doạ nghiêm trọng hệ sinh thái của thung lũng Nhĩ Hải.
Năm 2001, lần đầu tiên chính quyền Đại Lý phải đương đầu với 1 thảm hoạ tự nhiên chưa từng có: dịch Tảo nở hoa (algae bloom). Tảo nở hoa là 1 loại tảo sinh sôi nảy nở ở môi trường nước có nhiều nitrogen và phốt-pho (thường thấy trong phân bón và nước thải chưa qua xử lý). Tảo nở hoa lan rộng rất nhanh chóng, bao phủ hết mặt hồ, cản không cho ánh nắng xuyên xuống các tầng sâu hơn, làm chết thảm thực vật của hồ, trực tiếp làm cạn kiệt nguồn thức ăn của cá tôm nơi đó. Loại tảo này cũng chết nhanh, bị phân huỷ và tiêu thụ khí oxy, đe doạ luôn sự sống dưới hồ. Vòng xoay đó gọi là Phú dượng (hay phì dưỡng-eutrophication) cứ vậy mà tiếp diễn không ngừng và giết cả cái hồ. Đại Lý đã mất hơn 2 năm để kiểm soát được nạn tảo này. Sau hơn 10 năm bùng nổ du lịch, đó là món quà của tàn phá thiên nhiên.
Giáo sư Chu Tuấn (Zhou Jun), khoa Quản lý Tài nguyên Tự nhiên của đại học Đại lý đã nghiên cứu về chất lượng nước Nhĩ Hải trong hơn 10 năm qua. Kết quả: ông nhận thấy rằng sự đa dạng sinh học của loài cá ở đây đang suy giảm nghiêm trọng. “10 năm trước, nước hồ trong có thể thấy đáy. Nhưng giờ đây, do ô nhiễm nên chỉ nhìn thấu 2 mét sâu thôi”.
NHỮNG MẤT MÁT KHÔNG BAO GIỜ TÌM LẠI ĐƯỢC CỦA “PHÁT TRIỂN BẤT CHẤP”
Kinh tế phát triển cũng dẫn đến một hiện tượng khác: nhu cầu cho các loại thực phẩm mới. Giờ đây, để đáp ứng nhu cầu sữa tươi khủng khiếp, ngành khai thác bò sữa đã được chuyển về thị trấn Đặng Châu (Dengchuan) ở mạn Bắc của hồ. Hơn 100,000 đầu bò sữa tạo ra hơn 14 triệu tấn khí nitrogen mỗi năm, và khi mùa mưa đến, lượng khí đó lại xuôi dòng xuống hồ. 1 số loại phân bón làm từ phân bò cũng được người dân sử dụng để trồng trọt, tiếp tục góp phần đẩy thêm chất thải xuống hồ. Năm 2014, chính quyền Đại Lý đưa ra kế hoạch 2333 với mục tiêu làm cho chất lượng nước hồ Nhĩ Hải trở lại cấp độ 2 trong 3 năm, với ngân sách 3 tỷ tệ đầu tư vô 3 dự án. Giáo sư Chu cho là kế hoạch 2333 không giải quyết triệt để vấn nạn môi trường.100% các nhà nghỉ ven sông đều đổ thẳng chất thải sinh hoạt xuống hồ. Giáo sư Chu đề nghị tôi đến Song Lương (Shuanglang), khu du lịch mới nổi ở bên kia hồ để hiểu thêm về điều đó.
Song Lương vốn là 1 làng nhỏ yên bình khi tôi lần đầu đến đây năm 2009, hấp dẫn nhờ một đảo nhỏ giữa hồ có vài căn nhà cổ theo truyền thống dân tộc Pai.Ở mũi đảo là 2 kiến trúc hiện đại, khu biệt thự nghỉ dưỡng của nghệ sĩ múa nổi tiếng nhất Trung Quốc Dương Lệ Bình (Yang Liping). Bà Dương Lệ Bình là người dân tộc thiểu số Pai và là người đem vũ khúc chim công của Trung Quốc ra với thế giới. Nhờ sự nổi tiếng của bà Dương và cảnh quan tươi đẹp mà Song Lương đón tiếp khách du lịch ngày càng nhiều hơn. Năm 2010, Song Lương được đấu nối vào đường cao tốc chạy dọc bờ Đông hồ Nhữ Hải để kết nối Côn Minh và Lệ Giang (Lijiang), một thành phố du lịch khác ở phía Đông Bắc Đại Lý. Những ai du lịch Lệ Giang mà không kịp đến Đại Lý đều dừng 1 ngày ở Song Lương.
Sau khi chia tay giáo sư Chu, tôi đã thuê 1 chiếc xe máy để đi đến Song Lương. Dọc hồ, mọc lên các nhà nghỉ và quán bar giành chủ yếu cho tình một đêm, thú vui kỳ quái mới của người Hán khi đến Vân Nam. Đối với người Hán Trung Quốc, Vân Nam luôn bị xem là 1 vùng mọi rợ và lạc hậu, và phụ nữ vùng này được xem là bừa bãi dễ dãi.
Khi du khách Nam người Hán tới đây vui chơi, họ bị thu hút bởi mị lực của phụ nữ Ma Thoa nhưng chính họ lại nhanh chóng nhận ra không thể dụ dỗ được ai. Chính vì thế các dịch vụ cư trú và giải trí ở Lệ Giang đều cung cấp thêm gói “tình một đêm”. Và đường cao tốc mới cáu đã đẩy luôn dịch vụ này vào Song Lương. Song Lương đã mở rộng gấp 4-5 lần so với khi tôi đến làn đầu năm 2009. Khắp nơi, không khí tràn ngập mùi vôi vữa dùng để xây các nhà nghỉ mới, với nhiều chiêu trò kinh doanh quái đản mới. Tất cả kiến trúc cũ của 10 năm trước đều đã bị thay mới và toàn bộ những nhà nghỉ mới này đều xả thải thẳng xuống hồ Nhĩ Hải. Thật sự tôi không hiểu ai sẽ chịu ở đây trong vài giờ chứ đừng nói là vài ngày. Đi được vài bước và tôi suýt bị 1 bao xi măng rớt từ công trường gần đó rớt trúng đầu. Quay lên cằn nhằn vài câu và nhận được sự phớt lờ của công nhân nơi đó, tôi liền lên xe rời khỏi Song Lương vì thật sự không thể chịu nổi được nữa.
UNESCO muốn phục hồi lại Song Lương. Nhưng hiện trạng của khu du lịch Lệ Giang sau khi trở thành Di sản văn hoá đã thể hiện điều ngược lại. Từ năm 1997, du lịch Lệ Giang phát triển không ngừng và ngày nay, mỗi năm họ đón hơn 40 triệu khách. Năm 2007, UNESCO đe doạ loại bỏ Lệ Giang khỏi danh sách di sản vì tình trạng thương mại hoá vô tội vạ làm thui chột nền văn hoá Nạp Tây cổ truyền. Ngày nay, Lệ Giang nổi tiếng tại Trung Quốc như là 1 khu chuyên bẫy du khách và các quán bar rẻ tiền.
Ở Đại Lý và khu vực quanh Nhĩ Hải, quan chức Trung Quốc vẫn đang nắm vận mệnh người dân nơi đây. Chủ nghĩa thành tích vẫn ăn sâu vào máu của quan chức Trung Quốc nên họ vẫn luôn thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế bất chấp. Từ đó, cơ hội tham nhũng càng nhiều, đặc biệt nơi xa như Đại Lý, Vân Nam. Họ luôn cố gắng xây thêm cơ sở hạ tầng để kiếm thêm tiền, thay vì giải quyết như 1 cộng đồng gắn kết như các quốc gia dưới hạ nguồn. Đại Lý và hồ Nhĩ Hải đã đến điểm bùng nổ và không lâu nữa sẽ phải cần 1 cuộc đại tu từ thượng tầng chính phủ, thẳng từ thủ đô về đến địa phương. Và đó sẽ là một vòng quay khắc nghiệt.
Ảnh. Đại Lý (2 ảnh). Hồ Nhĩ Hải (2 ảnh). Làng Song Lương (3 ảnh). Tảo nở hoa ở hồ Oregon