Bây giờ trong thế giới phẳng, kỷ nguyên thông tin thì có quá nhiều kênh để đọc và đối chiếu, để tự lựa chọn thông- tin- đáng – tin cho mỗi người. Tuần qua, có quá nhiều video clip trên mạng về “thực trạng bên trong TP Vũ Hán” (livestream của cô Thổ Nhĩ Kỳ, trên báo Hồng Kông, của chàng thanh niên “liều mình” người Vũ Hán…). Nhưng nói chung, loạn thông tin để lại một khoảng trống thông tin to lớn và có 2 tác dụng: thiếu thông tin chính thức thì thông tin “tự do” chèn vào, vì không bao giờ có khoảng CHÂN KHÔNG về thông tin. Và cùng lúc, cơ quan chính thức có nhiệm vụ thông tin càng bị mất điểm, nghi ngờ.
Các báo quốc tế nêu câu hỏi với nhà nước TQ: “Vì sao bất ngờ cách ly đô thị 11 triệu dân Vũ Hán, nơi có biết bao người ngoại quốc sống và làm việc, mà không thông báo minh bạch các bước xử lý ?”. “Vì sao ca đầu tiên mắc coronavirus đã được báo cáo vào ngày 01/12/2019, mà mãi tới 23/1, 29 Tết, mới thình lình phong tỏa Vũ Hán và trong thời gian từ đầu tháng 12 tới 23/1, đã để cho 5 triệu dân Vũ Hán kịp tung tẩy đi khắp nơi?”
Nỗi nghi ngờ chính nhà nước TQ bưng bít, “che đậy” thông tin lan ra chắc cũng nhanh không kém sức lây lan của con virus.
Vài bạn bè tôi làm nghề tuyên giáo bênh vực cho nhà nước TQ : “có khi cũng chẳng phải có chủ trương quyết liệt, cố tình giấu nhẹm mà tại cái quán tính “tốt khoe xấu che” hay “ban phát thông tin” của cơ chế chinh trị nó là như thế.
Như Trung Quốc cấm internet, cấm cả Facebook, Twitter, và lãnh đạo coi mạng xã hội là nguy hiểm, chỉ dùng các kênh cổ điển để thông tin là truyền hình, họp báo, thì “gậy ông đập lưng ông” xảy ra, chính các mạng XH của nhà nước như Weibo, WeChat tràn ngập thông tin tự do đủ kiểu. Trong đó, sôi sục ý kiến dân yêu cầu chính quyền Vũ Hán từ chức vì “bưng bít thông tin” để cho dân hoàn toàn bị bất ngờ trước nạn dịch, ngay cả số khẩu trang cần thiết cũng nắm sai và đã bất lực trước sự bùng phát quá nhanh của dịch.
Hôm 3/1, Công an Vũ Hán đã phạt 8 người vì “loan tin sai lệch vô căn cứ trên internet” trên weibo rằng “SARS đã quay lại” và yêu cầu công dân ở Vũ Hán không truyền bá thông tin sai lệch. Rose Luqiu, Phó Giáo sư báo chí, cũng là người từng đưa tin về SARS với tư cách là phóng viên Đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hong Kong, thì nói với New York Times rằng: “Cách thức thông tin hiện nay với công chúng cũng tựa như với virus SARS 17 năm trước”.
Mới đây, tối 27/1, Thị trưởng Chu Tiên Vượng trả lời trên TH TW Trung Quốc (CCTV) rằng ông phải xin ý kiến cấp trên trước khi công bố dịch. Chu cho rằng vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng này đã bị hiểu sai và ông tự mô tả bản thân như một người “giơ đầu chịu báng” trước búa rìu dư luận
Để “xoa dịu” làn sóng đó, quan chức cao cấp nhất, Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 27/1/2020 đã phải đến Vũ Hán để hưa hẹn tiếp tục chi viện người, thiết bị, chỉ đạo bệnh viện phải nhận người nghi nhiễm…
Bài học về chính sách và cung cách thông tin của TQ cũng đáng phân tích và bài học về xử lý thảm họa của chính quyền Vũ Hán cũng có thể có ích cho 11 tỉnh TP nguy cơ thành ổ dịch chứ?
Tôi đã đọc thông báo của Thủ Tướng Lý Hiển Long nói với dân. Có cả tweet giả của Trump khen Việt Nam quá “”lộ nhưng Trump phát biểu nhiều câu rất vui: khen Tập, rồi sáng 27/1 là nhờ vả Tập bằng mọi cách ngăn chận nạn dịch để rồi ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo người Mỹ không đến thăm bất cứ tình TP nào của Trung Quốc do loại virus mới này.
Hôm qua thấy có trang tin đặc biệt của Bộ Y Tế dành cho corona virus, tôi đã thấy mừng vì ít nhất dư luận cũng có một điểm tựa chính thức. Nhận diện ban đầu trang tin hơi luộm thuộm (mất chữ, màu âm u khó đọc) đã thay đổi ngay cũng là bước tiến đáng kể của Bộ Y Tế. Tuy nhiên, gọi là “cập nhật mới nhất-liên tục” thì lại còn chậm. Và thiếu, vì có quá nhiều câu hỏi mà chưa có thông tin (chờ duyệt?)
8g sáng mùng 5, tức ngày 29/1/2020, trang web của ĐH Johns Hopkins đã đưa tin: TQ đã có 5494 ca nhiễm bệnh, 130 người chết (5 người chết là ngoài ổ dịch chính Vũ Hán: Bắc Kinh, Thượng Hải, Hắc Long Giang, Hải Nam, Hà Bắc) trong khi trang tin Bộ Y Tế mới có 4515 ca mắc bệnh, 107 người chết. Nhưng lúc 9g sáng nay thì thông tin đã cập nhật đúng những con số của ĐH Johns Hopkins. Vậy thôi cũng là khá.
Tối qua tôi đọc thông tin của vnexpress. Net: Có 11 tỉnh thành phố có nguy cơ thành ổ dịch viêm phổi, tôi tự hỏi ngay: Thế nào là “nguy cơ thành ổ dịch” và 10 triệu dân ở nơi có nguy cơ thành ổ dịch này, họ phải hiểu cái nguy cơ này thế nào, họ phải làm gì đây? Gỉa thử chạy về Bình Dương thì thoát “nguy cơ ổ dịch” không?
Thông tin đang rất lốm đốm: Thủ tướng nói “diệt dịch như diệt giặc” và dự định xây bệnh viện dã chiến để đối phó. Xây bệnh viện khi ta chỉ có 2 ca ngoại nhân ngoại nhập mắc bệnh và đã “chửa khỏi” 1 ca (Riêng chuyện “điều trị khỏi” coronavirus cũng đã đáng suy nghĩ, trong khi TQ nỗ lực vậy mà đến nay chỉ có 60 ca là “hồi phục xuất viện” còn VN thì đã chửa khỏi, liệu có đang trở thành quốc gia duy nhất dập tắt được dịch viêm phổi Vũ Hán??
Vì sao chuyện dân kiến nghị râm ran (chẳng có diễn đàn nào nên rốt cuộc facebook thành diễn đàn công khai) là nên đóng cửa biên giới cũng chẳng có ai giải thích, để thành suy đoán, bàn tán quá phức tạp: sợ mất điểm với anh lớn (khi mà chính TQ đã cấm dân mình đi du lịch ra khỏi nước?), bị áp lực đòi cắt mạch nhập nông sản tiểu ngạch, mất lợi ích KT lớn về du lịch…
Chuyện nông sản ùn ứ ở biên giới, đóng cửa thì nông dân chết, là có thật không, sao không thấy thông tin nào từ hai Bộ Nông Nghiệp và Công Thương, hay ít nhất 2 Bộ kêu mấy anh nhà báo lại yêu cầu đưa tin “phóng sự” về nguyên nhân này?
Trên FB có một kiểu ví von, dịch viêm phổi không hại bằng dịch tung tin đồn gây hoang mang, nhưng môi trường nuôi lớn nạn tung tin giả là từ đâu, ai tạo môi trường đó?
Thông tin không có khoảng chân không. Và quyền “DÂN BIẾT” tức quyền “ĐƯỢC THÔNG TIN” là quyền đầu tiên, cơ bản của dân. Cuộc chiến thông tin đang là thách thức nghiêm trọng mà cái hại, cái lợi đang hiển hiện từng giây phút. Ảnh. Lý Khắc Cường thăm Vũ Hán và Thị trưởng Vũ Hán trả lời THTW đều vào ngày 27/1/2020.