Mẹ yêu con lắm- Cẩm Tú Cầu
Tôi chưa bao giờ nghe ba mẹ mình cải vả, gây gổ nhau, kể cả chiến tranh lạnh giữa hai người cũng không thấy, Vậy mà ba mẹ bất chợt chia tay nhau. Thật một điều làm cho tôi choáng váng, không dám tin trước mắt mình là sự thật, tôi cứ nghĩ chuyện của ai đâu đâu
Hai người chẳng tranh giành tài sản, mà họ thoả thuận với nhau rất thoải mái, ba bảo mẹ cái gì cần thì cứ giữ lấy, còn mẹ thì cứ nhường cho ba. Rồi một ngày cái gì đến phải đến, ba nói:
_ Con Phương tôi nuôi, nó là con tôi
Mẹ nói :
_ Vậy con Nga không phải con ông à! Ông xúc phạm tôi vừa thôi, ông không xứng đáng với lòng chung thuỷ của tôi. Tôi muốn nuôi hết hai đứa, để chi em nó gần gũi nhau, tôi chăm sóc luôn thể
_ Không được toà đã xử, mỗi người nuôi một đứa rồi.
Mẹ lia ánh mắt căm tức về phía ba, sau này khi tôi có gia đình, tôi mới thẩm thấu cuộc đời và thân phận của người đàn bà lắm lúc cũng ngậm đắng, nuốt cay mà sống cho trọn kiếp. Mẹ tần ngần rồi mẹ vụt ôm tôi thật chặc, mẹ nói:
_ Bây giờ con không hiểu mẹ, nhưng rồi một ngày nào đó con sẽ hiểu mẹ, em con rất cần mẹ, vì cơ thể nó yếu đuối, tật nguyền đau ốm liên miên.
Ba thối phần nhà của mẹ, vì mẹ muốn đi xa
Vậy là ba mẹ tôi chia tay nhau, họ chia tay trong một sớm mùa thu, ngoài kia bầu trời u ám, mọi vật chìm trong làn sương mờ. Bổng tôi nhớ cách đây rất lâu, lúc ấy tôi mới bảy tuổi, em Nga ba tuổi, mùa hè năm ấy trường mẹ tổ chức đi thăm quan ba ngày, đáng ra mẹ đăng ký đi cả nhà, nhưng ba bận nhiều việc, em Nga không được khoẻ, mẹ định ở nhà rồi, nhưng ba cứ khuyên mẹ nên đi cho biết Đà Nẳng, vì ba mẹ ở Nha Trang cũng gần Đà Nẳng, mà ba thì đi nhiều lần mà mẹ chưa đi lần nào.
Mẹ mới đi buổi sáng, chiều lại em Nga khóc đòi mẹ, người giúp việc dỗ dành mãi mà em không nín, lúc ấy ba đi làm vừa về. Ba lấy váy của mẹ mặc vào, mẹ mặc dài đến mắt cá chân, mà ba mặc chỉ ngang ống quyển, ba mặc cái váy hoa sặc sỡ của mẹ, với cái áo thun trắng ngắn tay của ba, rồi ba lại lấy cái mũ rộng vành của mẹ, đội vào, ba giả tiếng nói của mẹ, làm chị em tôi cười ngất ngây….Nhìn ba hôm ấy không ai nhịn cười được. Âm thanh rộn rã vui tươi, như cứ vọng mãi trong tâm tư tôi, hình ảnh ẻo lã vụng về, cùng tiếng nói eo éo nhại lại mẹ, của ba hôm ấy cứ ám ảnh trong tìm thức của tôi, làm tôi nhớ mãi, nhớ mãi, trong tôi luôn nghĩ ba mẹ mình hạnh phúc hơn tất cả mọi người…. Nhìn mẹ tay giắc em Nga đi chậm chạp,( vì em Nga lúc sinh ra đã bị, bàn chân mặt nhỏ bằng nửa bàn chân trái, các ngón dính vào nhau, mặt em thì dúng tất cả các nét xấu của ba mẹ ), nên em không được ba cưng, còn mẹ thì thương em vô ngần, ba thường bảo em là con riêng của mẹ, tay mẹ kéo cái vali, tay mẹ dắt em, còn tôi, xách dùm vali của em, mà nghe lòng xót xa, vì áo quần của em có là bao, trong nhà hình như tôi là đứa dành hết tình thương, của ba mẹ, dành hết những áo quần đẹp và đồ chơi về phần mình. Cũng may mẹ và em chỉ đi một đoạn ra khỏi cổng, rôi lên tắc xi. Lúc này tôi mới thấy mẹ xa tôi, cảm giác hụt hẫng đến tê người, cảm xúc nghẹn ngào đến rơi nước mắt như mình vừa mất mát một vật gì vô cùng quý giá đè nặng, tâm hồn tôi quyến luyến chẳng muốn rời xa mẹ và em. Từ đây mẹ đi rồi, ai là người thương yêu chìu chuộng tôi, tâm tư tôi đau đớn trong nỗi lạc lõng chơi vơi….. Rồi đây mẹ con mỗi người một ngả, mẹ ơi! mẹ ơi! Con mới có mười ba tuổi, tôi mơ ước mình lớn nhanh để theo mẹ, đầu óc non nớt của tôi cứ nghĩ mẹ thương yêu em hơn tôi, nên mẹ đem em theo mẹ
Hai năm đầu lễ tết mẹ đều có quà cho tôi, với những bức thư nồng nàn tình mẫu tử. Từ khi ba có vợ, tôi không nhận được thư của mẹ nửa. Môt hôm ba nói cùng tôi:
_ Mẹ mày có chồng rồi
Tin ấy làm trái tim tôi nhói đau, tôi suy nghĩ miên man, hèn chi mẹ không liên lạc với tôi nửa. Ba cũng có vợ rồi, vợ ba rất trẻ và đẹp. Tôi thấy lòng mình tràn ngập nỗi thống khổ, bơ vơ. Cũng may dì Duyên vợ sau của ba và tôi chẳng xung khắc mấy, tôi không bị cảnh mẹ ghẻ con chồng, cảnh bánh đúc có xương. nhưng giữa tôi và dì Duyên như có một khoảng cách vô hình, mà chúng tôi không thể nào gần gủi yêu thương trìu mến được
Dì Duyên giáo viên cấp hai, dì dạy môn toán, thỉnh thoảng dì cũng vui vẻ chỉ bài cho tôi. Ngoài thì giờ đi dạy, dì ở nhà lo trau chuốt thân thể, mỹ phẩm dì để khắp nhà, dì đẹp, da dẻ mịn màn, ăn nói nhỏ nhẹ
Thôi từ đây tôi chỉ biết lo học hành, vui cùng sách vở, thui thủi một mình, nhưng mỗi khi nhớ mẹ, tôi lại hình dung mẹ già lắm, hoặc mẹ đang hạnh phúc cùng người chồng mới, rồi tôi tự hỏi không biết mẹ giờ này ra sao, em gái tôi ra sao? Có ai nhớ, nhớ đứa con, nhớ người chị này không?
Mỗi lần tôi soạn thư mẹ ra đọc lại, là tôi khóc….mẹ không để địa chỉ rõ ràng cho tôi, tôi cứ mơ hồ mẹ mình đang sống cùng người đàn ông khác và mẹ đã quên hẳn tôi
Năm năm qua, tôi cứ mơ về mẹ, về em. tôi cứ hình dung về mẹ, về em và luôn luôn ước mơ một ngày nào đó, tôi đủ lớn để đi tìm mẹ, tôi nghĩ chắc gặp tôi mẹ mừng lắm, vậy là tôi tủi lòng tôi khóc
Rồi một ngày, một ngày mà tôi cảm thấy sung sướng nhất cuộc đời, tôi đã đậu đại học, đại học Y Ban Mê Thuột, sở dĩ tôi chọn Ban Mê Thuột vì trong những thư mẹ gửi cho tôi, tôi thấy khuôn dấu bưu điện Pleiku. Tôi nghĩ từ Đại học Y Ban mê Thuột, những ngày lễ tết tôi có thể về Pleiku với mẹ. Trời ơi! Mới nghĩ thôi mà lòng tôi sao nao nức thế này, cảm giác như đang thấy mẹ trước mắt. Tôi xin ba tôi đi Ban Mê Thuột một chuyến để thăm trường, trước khi nhập học. Trong ý nghĩ của tôi, sẽ nhân dịp ghé về Pleiku tìm mẹ, tim em.
Con đường từ Nha Trang lên Tây Nguyên, xe chạy theo quốc lộ 26, qua khỏi Dục Mỹ, một con đường nhỏ hẹp, nhà cửa thưa thớt nghèo nàn, phần đông họ sống với nghề làm ruộng và nương rẫy, nhưng đất ở đây có vẻ rất xấu, hai bên đường toàn đồi núi trọc, cây cối lưa thưa. Đến trưa xe đến Ban Mê Thuột, trước mắt tôi một thành phố Tây Nguyên sầm uất, sạch sẽ, đường phố rộng thênh thang, thấy còn sớm, tôi đi thẳng Pleiku, từ Ban mê Thuột qua Pleiku gần 200 cây số, đường cũng nhỏ hẹp, nhưng hai bên đường phần nhiều là rừng cao su bạc ngàn, đan xen với những rẩy cafe tít tắp chạy mút mắt. Đến khi xe chạy hết địa phận của tỉnh Đắk Lăk, tôi thấy tấm bảng ” Pleiku kính chào quí khách ” Lòng tôi nôn nao, hồi hộp, tôi cố nhìn các bảng hiệu hai bên đường, Qua khỏi núi Hàm Rồng, tôi thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân, để bảng thu mua nông sản, xe chay qua Xí nghiệp Hoàng Anh Gia Lai khoảng 500 mét, bổng tôi run lên, tim đập liên hồi, đôi mắt nhoà lệ, một tấm bảng lớn Doanh nghiệp tư nhân Phương Nga thu mua nông sản, tôi không biết chắc có phải nơi ở của mẹ mình không? Hay là của ai trùng tên Nhưng tôi thấy trái tim tôi như ngùng thở, một nỗi xúc động miên man đang tràn ngập trong tôi, khi xe chạy qua 200 mét tôi mới sực tỉnh, báo tài xế cho mình xuống nơi này, tôi kéo lê cái xách mà lòng nao nức trông cho mau đến cổng, tôi rụt rè đi vào, một căn nhà khang trang bên tay phải, nhà trệt, phía sau có nhà kho lớn và có sân rộng mênh mông, khoảng 10 người đàn bà đang ngồi sàng lựa cafe, tôi phân vân hỏi cô ơi!
_ Đây có phải nhà bà Kính không? ( bà Kính là tên mẹ tôi )
Có người nói không, có người nói phải, làm tôi lo lắng khôn cùng, Người ta bàn tán nhau, bà Phương Nga chính là bà Kính, lòng mừng khấp khởi
Tôi hỏi :
_ Cô ơi ! Cả nhà đi đâu hết
Có tiếng trả lời:
_ Chị Phương đi công chuyện, còn bé Nga đi học chưa về
Vậy là lòng tôi tràn trề hy vọng, tôi hỏi dò thêm, ông Phương đi đâu?
Lại tiếng trả lời:
_ Đâu có ông Phương nào
Tôi thấy trong người nhẹ nhỏm và một niềm vui từ nơi xa xôi nào vọng về trong trái tim tôi …
Khoảng một giờ sau, một cô bé khoảng mười ba mười bốn tuổi đi xe đạp điện về, ngỡ ngàng nhìn tôi, rồi ngập ngừng thốt lên
_ Chị, chị Phương…..
Hai hàng nước mắt từ từ lằn dài trên má, tôi vội chạy đến ôm em và hai chị em cùng khóc, mặc cho nước mắt tuông rơi. Chung quanh hoàng hôn đang xuống, nhuộm khắp bầu trời, ánh nắng chiều lay lắc, chiếu qua các mái nhà tole tạo thành những vệt sáng dài lấp loá, Em Nga mở cửa dẫn tôi vào nhà, em nói huyên thuyên, em kể mẹ nhớ chị ghê lắm, đêm nào , sau khi công việc thảnh thơi, mẹ cũng nhắc về chị, tôi nhìn sửng em, thấy em bây giờ lớn và rất đẹp, da em trắng, má em hồng hồng, có lẽ vì nắng và gió Cao nguyên đã điểm tô con người em.Chị em đang nói chuyện thì mẹ về. Từ ngoài như mẹ đã biết trước, mẹ nhào vào ôm chầm hai chị em, nước mắt tuôn rơi, mẹ nói :
_ Mẹ biết con thi đậu đại học
_ Làm sao mẹ biết được, mẹ giỏi quá
_ Mẹ luôn theo dõi bước chân của con, từ ngày mẹ rời xa con, Vì mẹ yêu con lắm, con có biết không ? Một tình yêu mà trên cõi đời này không có gì sánh bằng
Những giọt nước mắt mừng vui, những giọt nước mắt đoàn tụ, cứ chảy mãi trên má ba mẹ con……Từ đây mãi mãi không còn cách xa
Cẩm Tú Cầu
———————————————————-