Friday, December 27, 2024
HomeBLOGChuyện tham nhũng: Từ ‘nhốt cáo’ đến ‘ói ra’

Chuyện tham nhũng: Từ ‘nhốt cáo’ đến ‘ói ra’

Tròn một năm sau khi chủ trương ‘kiểm tra tài sản quan chức’ ra đời và suýt nữa lặng lẽ chết yểu, rất nhiều biệt thự, tài khoản ngân hàng và vàng bạc kim cương chôn giấu của giới quan chức giàu nứt đố đổ vách ở Việt Nam lại một lần nữa phải chịu cảnh mất ngủ.

Từ ‘Săn cáo’ đến ‘Nhốt cáo’

Tin tức đáng mất ngủ như thế vừa được thông báo bởi một ủy viên bộ chính trị là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: ngày 27/4/2018, trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ông Huệ cho biết ‘Trung ương dự kiến tăng thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là cấp huyện trở lên, có thể đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’.

Cứ ứng với thành ngữ “ăn của dân không chừa thứ gì,” ít nhất hàng ngàn tâm trạng đang mất ăn mất ngủ vì lo sợ bị “bóc” sạch của nổi lẫn của chìm.

Vào lần này, Nguyễn Phú Trọng và nhân vật quyền lực thứ hai sau ông ta là Trần Quốc Vượng có vẻ muốn ‘làm thật’, muốn triển khai một chiến dịch ‘nhốt cáo’ thực sự, thay cho chiến dịch ‘săn cáo’ vẫn chẳng có kết quả gì đáng tự hào cho tới nay.

‘Săn cáo’ là biệt danh của chiến dịch truy tìm và dẫn độ quan chức tham nhũng Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài, do Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn trực tiếp phụ trách. Một đội chuyên gia săn lùng hàng trăm người hoặc hơn có kinh nghiệm điều tra, am hiểu luật pháp cơ bản của quốc tế, giỏi võ thuật và ngoại ngữ đã được tổ chức để hoạt động tại các địa bàn Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc… Cho tới nay, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc đã tổ chức khá thành công chiến dịch ‘Săn Cáo’ và lôi về hàng trăm quan chức, đại gia tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài. Đầu năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương lần đầu tiên công bố danh sách khoảng 1000 quan chức mà trong đó chính quyền Trung Quốc biết rõ 30% trong số đó đang ở nước nào và làm gì.

Triển khai chủ trương ‘Săn cáo’ với độ trễ sau Trung Quốc khoảng 5 năm, cho tới nay Việt Nam mới chỉ đạt được thành tích ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ (trong khi Nhà nước Đức thẳng thừng cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, và hiện nay Đức đang mở một phiên tòa lớn xử vụ bắt cóc này). Trong khi đó, những nhân vật cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Trịnh Xuân Thanh là Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy đều đã ‘ra đi tìm đường cứu nước’ nhưng cho tới nay ‘công an Việt Nam giỏi nhất thế giới’ vẫn không làm sao tìm ra và lôi về được. Thậm chí cả một quan chức phụ trách một chi nhánh Ngân hàng EximBank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam) vừa chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của khách hàng và trốn ra nước ngoài, bị công an Việt Nam truy nã quốc tế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tung tích nào.

Có lẽ không khỏi thất vọng sâu sắc trước ‘thành tích’ của Bộ Công an và công an các tỉnh thành về ‘săn cáo’, ông Nguyễn Phú Trọng đang phải khẩn trương đổi sang biện pháp ‘rào giậu’.

Vào tháng Năm năm 2017, Bộ Chính trị Việt Nam đã ban hành bản quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp, bao gồm cấp ủy viên bộ chính trị, 200 ủy viên trung ương và khoảng 800 ủy viên thường vụ cấp tỉnh và thành phố.

Tuy nhiên, chủ trương trên xuất hiện trong bối cảnh chiến dịch ‘đốt lò’ chỉ mới nhen nhóm, ‘củi lửa’ còn quá hiu hắt cùng bức tranh của hai gam màu ‘trên nóng dưới lạnh’. Bối cảnh đó lại thừa hưởng kết quả công tác kê khai tài sản cán bộ vào những năm trước, khi chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong tổng số gần 1 triệu công chức viên chức kê khai tài sản.

Với chủ trương ‘kiểm tra tài sản 1000 quan chức’ vào năm 2017, về thực chất Nguyễn Phú Trọng đã đi quá nhanh và phải chịu sự hụt hẫng. Không bao lâu sau đó, quy định này rơi vào quên lãng do quá nhiều cản trở từ đội ngũ công chức ‘rờ ai cũng tham nhũng’.

Nhưng đến tháng Tư năm 2018, ông Trọng có ý muốn tái khởi động quy định trên với thẩm quyền được giao cho Ủy ban Kiểm tra trung ương là lớn hơn hẳn.

Có thể cho rằng đây là một lần tăng quyền hạn chưa từng có dành cho cơ quan ủy ban kiểm tra đảng các cấp, đồng thời nâng vai trò và quyền lực của Ủy ban Kiểm tra trung ương mà Trần Quốc Vượng đang là chủ nhiệm lên một bậc – có thể so sánh với quyền hạn của Bộ Công an.

Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng đang có kế hoạch kiểm tra đến tận cấp quận, huyện của các địa phương, thay vì chỉ kiểm tra cấp đầu tỉnh như trước đây.

Làm sao để buộc ‘ói ra’?

‘Cơ quan chức năng được quyền cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’ lại là một thẩm quyền quan trọng của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc, được Tập Cập Bình giao cho Vương Kỳ Sơn mà do đó đã đưa cơ quan kiểm tra kỷ luật này vượt mặt Bộ Công an để trở thành cơ quan có quyền uy thuộc loại ghê gớm nhất Trung Hoa đương đại. Thậm chí, một số nguồn tin của báo chí quốc tế cho biết Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương còn có nhà tù riêng.

Ở Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra trung ương không có nhà tù riêng, nhưng cơ quan này đang vươn lên vị trí cận thần của tổng bí thư và đã được ông Trọng khen ‘làm việc gì ra việc nấy’ vào năm 2017.

Trong thời gian gần đây khi làm việc với Ủy ban Kiểm tra trung ương và Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, ông Trọng đặc biệt chú ý đến hoạt động giám định tài sản. Đây là một tin rất không vui đối với giới quan chức nhiều tiền lắm của, bởi ông Trọng rốt cuộc đã chú ý đến vấn đề chi tiết và chuyên môn.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây báo đảng đặc biệt mô tả chủ trương ‘thu hồi tài sản tham nhũng’, bởi thực tế là cho đến nay tỷ lệ thu hồi tài sản qua các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt được từ 8 – 10%, quá thấp so với mức mà ông Trọng cần có để duy trì chế độ đảng trị của ông.

Thế nhưng trong thực tế, có nhiều trường hợp quan chức có tài sản khủng bị phát hiện, nhưng do các cơ quan chức năng hoặc không chịu giám định, hoặc chỉ giám định cho có, hoặc thông đồng với quan chức nên kết quả đã chẳng tới đâu.

Gần đây, giới nghĩ sĩ quốc hội đã tranh luận về phương thức thu hồi tài sản tham nhũng. Có ý kiến cho rằng chỉ cần thấy tài sản bất minh là lập tức thu hồi 45% giá trị tài sản đó. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị một số ý kiến khác phản bác bởi ngay cả việc xác định ‘tài sản bất minh’; cũng sẽ trở thành một vấn đề quá khó.

Nếu trong những ngày sắp tới, đề nghị ‘cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’ trở thành hiện thực, đó có thể là một cơn bão lớn thổi tung nóc nhà nhiều quan chức ở Việt Nam.

Và nếu Nguyễn Phú Trọng biết cách làm như Vương Kỳ Sơn về tổ chức công tác truy nguồn và giám định tài sản một cách hiệu quả, sẽ có rất nhiều ‘cáo’ bị nhốt ở Việt Nam.

Trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt và cơ chế tróc dân thu thuế đang vấp phải lời tố cáo từ chính người dân ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, cách thức khả dĩ nhất của Nguyễn Phú Trọng chỉ còn là làm nhiều cách để bắt đám quan chức tham nhũng phải ‘ói ra’. Tiền và tài sản ‘ói ra’ ấy sẽ được đảng dùng để nuôi lại bộ máy cầm quyền, được ngày nào hay ngày đó. Còn nhân dân thì rất nhiều triển vọng sẽ chẳng nhận được gì từ những đồng tiền của nguồn gốc của dân ấy.

Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular