Nguyễn Đăng Quang
15-12-2017
Tiếp theo bài 1: Có ai tin vào thanh tra Hà Nội
Bài 3 : Trái luật và vượt thẩm quyền
Thưa ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung,
1/. Ngày 22/4/2017, nhận lệnh của Bộ Chính trị và Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông về Đồng Tâm để đối thoại trực tiếp với người dân nhằm thực thi một nhiệm vụ hy hữu, vô tiền khoáng hậu, chưa từng xảy ra trong lịch sử chính thể Nhà nước ta. Thật may mắn, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, dù cho đến nay sự việc chưa được giải quyết tận gốc, còn tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Việc giải cứu 20 CSCĐ an toàn ra về trong tiếng hò reo của cả ngàn người dân địa phương cũng như của các quan chức trong đoàn, chứng tỏ đây là giải pháp “WIN-WIN” (Hai bên cùng thắng) đầu tiên cho đến nay. Sự việc tuy đã diễn ra cách đây 8 tháng, song dư âm vẫn còn nóng hổi như sự việc mới xảy ra ngày hôm qua vậy. Nhắc lại sự kiện này không thể không nói đến bản “Cam kết 3 điểm” mà ông đã ký trước người dân Đồng Tâm hôm đó. Điều đặc biệt là bản “Cam kết 3 điểm” này có đóng con dấu đỏ của Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, xác nhận chữ ký của ông là chữ ký thực, và đương nhiên người ký đó là ông.
Nói về bản “Cam kết 3 điểm”, ngay tại điều cam kết đầu tiên, ông trịnh trọng hứa sẽ tiến hành thanh tra khách quan 59ha đất trên cánh đồng Sênh: “Trực tiếp kiểm tra Đoàn Thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực khách quan và đúng pháp luật khu vực đất đồng Sênh rõ ràng đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, đảm bảo đúng quyền lợi cho nhân dân theo quy định của pháp luật”. Đọc kỹ câu chữ trên, ai cũng hiểu là ông đã mặc nhiên ghi nhận ở cánh đồng Sênh là “có đất nông nghiệp”. Vấn đề chỉ là việc ông chỉ đạo sao để đoàn Thanh tra xác định cụ thể ranh giới “đâu là đất nông nghiệp của người dân Đồng Tâm” và “đâu là đất quốc phòng của Tập đoàn Viettel” (nếu họ có) mà thôi.
Người dân Đồng Tâm coi 59ha đất cánh đồng Sênh và 47,36ha ở Cổng Đồn là đất “bờ xôi ruộng mật” đã bao đời nay nuôi sống họ. Song chấp hành nghiêm túc Quyết định 133/TTg ngày 14/4/1980 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), người dân Đồng Tâm đã vui vẻ bàn giao 47,36ha đất nông nghiệp ở Cổng Đồn cho Bộ Quốc phòng để làm sân bay Miếu Môn, chỉ nhận có 150.312 VNĐ (năm 1981) tiền bồi thường hoa mầu. Phải ghi nhận người dân Đồng Tâm đã vì lợi ích quốc gia mà hy sinh quyền lợi của mình. Riêng diện tích 59ha đất nông nghiệp thuộc cánh đồng Sênh liền kề, người dân vẫn tiếp tục canh tác bình thường từ đó cho đến nay.
2/. Nhưng thật trớ trêu, tại văn bản Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP ngày 19/7/2017, Thanh tra Hà Nội lại khẳng định toàn bộ đất cánh đồng Sênh là “đất quốc phòng”, người dân Đồng Tâm không hề có đất nông nghiệp ở đây cả. Như vậy, “điều ghi nhận” của ông trong bản cam kết ngày 22/4/2017 là có đất nông nghiệp trên cánh đồng Sênh trở thành điều rỗng tuếch, và bị chính cấp dưới ông thẳng thừng bác bỏ. Tôi không rõ, đây là ý kiến chỉ đạo của ông hay Thanh tra Hà Nội tuân theo ý kiến “chỉ đạo sát sao” của nhóm lợi ích khác?
3/. Kết luận này sai cả về lý lẫn cả về tình, phủ nhận thực tế khách quan. Trong “Thư ngỏ gửi ông…” (1) đề ngày 27/7/2017, KTS Trần Thanh Vân vạch rõ bản kết luận của Thanh tra Hà Nội là “coi thường sự thật, thậm chí còn lươn lẹo, dối trá”. Tiện đây, tôi xin nêu một giả dụ để minh họa thêm về bản Kết luận của Thanh tra Hà Nội: “Một nông dân đi trên một chiếc xe đạp chở theo một valy to. Bỗng nhiên, một thanh niên con nhà giầu, đang ngáo đá nhảy ra chặn đường, cướp đi xe đạp và chiếc valy, và tuyên bố đấy là tài sản của y. Vụ việc được đưa ra chính quyền. Ủy ban Hành chính xã yêu cầu thanh niên xuất trình bằng chứng. Thanh niên này ú ớ, không chứng minh được chiếc xe đạp là của y và cũng chẳng biết trong chiếc valy kia có những gì. Y chỉ lớn tiếng gào to chiếc xe đạp và valy không phải của người nông dân kia, mà là của y, do bởi chúng đẹp và tốt nên phải là của y, hơn nữa vợ con y đã viết giấy xác nhận đấy là tài sản của gia đình y, nên chúng phải là của y.” Trường hợp giả dụ trên, chẳng cần phải có bằng cấp cao về luật pháp, ai cũng có thể kết luận thanh niên ngáo đá kia là tên cướp và đã có hành vi trắng trợn vi phạm pháp luật, phải không, thưa ông Chủ tịch?
4/. Trở lại bản kết luận 2346/KL-TTTP, Thanh tra Hà Nội ra vẻ khách quan, nêu là: “Theo hồ sơ quản lý đất nông nghiệp của UBND xã Đông Tâm, không có 59ha hay 49ha đất nông nghiệp ở xứ đồng Sênh như các công dân trình bày”. Với chi tiết có vẻ khách quan này, người dân ngay lập tức đặt nghi vấn đối với Thanh tra Hà Nội: Thanh tra Hà Nội có trung thực? Liệu UBND xã Đồng Tâm có dám trái ý lãnh đạo Thành phố? Và ngay cả nếu UBND xã có trình ra hồ sơ quản lý đất đai khẳng định đất xứ đồng Sênh là đất nông nghiệp, liệu Thanh tra Thành phố có dám công khai điều này không? Cụ Lê Đình Kình nhờ tôi nhắn gửi ông rằng, Thanh tra Hà Nội có kết luận lươn lẹo như vậy, nhưng người dân Đồng Tâm có đầy đủ bằng chứng khách quan và giấy tờ hợp pháp chứng minh đất xứ đồng Sênh xưa nay là đất nông nghiệp, và SẼ trình ra khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Ông thấy sao, thưa ông Chủ tịch?
5/. Văn bản 2346/KL-TTTP ngày 19/7/2017, Thanh tra Hà Nội kết luận 59ha đất trên là đất quốc phòng nhưng không thể nêu ra được văn pháp lý nào của chính quyền về việc đã thu hồi diện tích đất này của dân để giao cho Bộ Quốc phòng. Còn Tập đoàn Viettel (BQP) cũng không trưng ra được văn bản, quyết định hợp pháp nào chứng minh 59ha đất nói trên là của họ. Như vậy kết luận của Thanh tra Hà Nội như nói ở trên có đúng với thực tế và có phù hợp với luật pháp không, thưa ông? Nếu thực sự “Dự án A1 là công trình quốc phòng” thì nó phải được giao cho Bộ Tư lệnh Thông tin-Liên lạc, chứ không thể giao cho Viettel, vì Viettel chỉ là doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần. Người dân Đồng Tâm nghi ngờ đây chỉ là thủ thuật, vì sau khi hợp pháp hóa, Viettel rất có thể sẽ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để bán Dự án này cho một doanh nghiệp khác (mà trong thực tế Viettel đã làm nhiều rồi). Mọi người rất lo và cho rằng rất nguy hiểm nếu bên mua lại là một doanh nghiệp trá hình của Trung Quốc.
6/. Được biết ngày 4/6/2016, ông thay mặt UBND Tp. Hà Nội ký Biên bản Hợp tác với Tập đoàn Viettel, trong đó có điều khoản UBND Thành phố Hà Nội sẽ giao mặt bằng tại huyện Mỹ Đức cho Viettel để mở rộng đầu tư. Trị giá Dự án này là 1 tỷ USD. Nhiều người cố gắng truy cập vào Cổng Giao tiếp Điện tử của UBND Thành phố với mong muốn tìm nguyên văn bản Hợp đồng Kinh tế giữa UBND Thành phố với Viettel nhưng rất tiếc nó đã không còn.
Người dân Đồng Tâm nói Tập đoàn Viettel rất mê “mảnh đất” nông nghiệp ở cánh đồng Sênh mà họ đang canh tác (tức 59ha đất nông nghiệp liền giáp với 47,36ha đất của cánh đồng Cổng Đồn mà xã Đồng Tâm đã giao cho BQP năm 1981). Vùng đất này đã lọt vào mắt xanh của Viettel vì nó không chỉ có địa hình đẹp mà nó còn có phong thủy rất tốt, có 2 mặt tiếp giáp với tỉnh lộ 429 nối với đường HCM. Phải chăng vì thế nên 59ha đất nông nghiệp này bỗng dưng trở thành “đất quốc phòng” và được giao cho Viettel để làm cái gọi là “Dự án A1” mà họ nói là “Công trình quốc phòng”, và lấy lý do đây là “bí mật quân sự”, cấm ai được thắc mắc. Thưa ông, phải chăng đây là lý do chính của việc UBND huyện Mỹ Đức từ tháng 7/2016 ép buộc cán bộ và đảng viên xã Đồng Tâm phải ký xác nhận đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng, nếu ai không ký sẽ bị cách chức và khai trừ như bà Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Lan vừa qua?
***
Thưa ông Nguyễn Đức Chung,
Tôi viết những dòng này trong lúc các trạm BOT, đặc biệt là “BOT Cai Lậy” (Tiền Giang) đang gây nhiều bức xúc và phẫn nộ tột đỉnh cho người dân, nhất là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tình hình rất dễ bùng nổ và lây lan thành hiệu ứng Domino trên toàn quốc, sẽ vô cùng nguy hiểm. Nhưng rất may, Chính phủ đã họp và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đích thân “tháo ngòi nổ” bằng cách lệnh cho trạm BOT Cai Lậy ngừng thu phí 30-60 ngày. Đây chỉ là giải pháp tình thế để các bên có thời gian bàn bạc, nhân nhượng nhằm tìm ra giải pháp cuối cùng. Nhưng tôi tin, Chính phủ không thể phủ nhận thực tế là nhiều trạm BOT, đặc biệt là BOT Cai Lậy đã xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vì nó đặt sai vị trí để thu phí trái phép, chẳng khác nào công khai “trấn lột” người dân. Rồi đây, tôi tin Chính phủ sẽ có quyết định chính thức đóng cửa BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1, buộc trạm này di rời vị trí về đường tránh, không cho phép nó nằm chềnh ềnh trên Quốc lộ 1 để móc túi, trấn lột dân lành như những năm vừa qua.
Tôi nghĩ hình như có cái gì đó giống nhau giữa “BOT Cai Lậy” của Công ty Bắc Ái với cái gọi là “Dự án A1” của Tập đoàn Viettel thì phải? Người ta lấy lý do “quốc phòng” để hòng nuốt gọn 59ha đất nông nghiệp của dân Đồng Tâm cũng chẳng khác nào Trạm BOT Cai Lậy lợi dụng chiêu trò móc ngoặc để được đặc quyền “vận hành” BOT ngay trên Quốc lộ 1 là huyết mạch giao thông quốc gia để ngang nhiên móc túi, thu tiền bất chính dân lành, cho dù phương tiện giao thông của họ không sử dụng đoạn đường tránh 12km mà Công ty Bắc Ái (chủ đầu tư BOT Cai Lậy) bỏ tiền ra để được ông Nguyễn Văn Thể (đương kim Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải hiện nay) và UBND tỉnh Tiền Giang gật đầu cho phép đầu tư.
Tôi hy vọng điều nghi ngờ trên của tôi là sai, và rất mong muốn ông Chủ tịch giúp giải tỏa mối nghi ngờ lớn của người dân Đồng Tâm cũng như của dư luận rộng rãi về “Dự án bí hiểm A1” mà cả Viettel và UBND Tp. Hà Nội đều nói là “công trình quốc phòng” để dễ được giao đất đầu tư. Mong ông thật sự cầu thị và lắng nghe. Xin gửi ông lời chào trân trọng.