Thursday, December 26, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIThực trạng băng nhóm “xã hội đen” trong nền kinh tế: Làm...

Thực trạng băng nhóm “xã hội đen” trong nền kinh tế: Làm sao xóa bỏ?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2018-01-12

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần loại bỏ những băng nhóm “xã hội đen” xuất hiện trong nền kinh tế. Liệu rằng lời đề nghị vừa nêu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam được thực hiện một cách hiệu quả?

Quyền lực không được kiểm soát

Trong lời phát biểu tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8, diễn ra vào ngày 5 tháng Giêng ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cơ quan này góp phần vào công tác loại bỏ băng nhóm mà ông gọi là “xã hội đen” trong nền kinh tế thị trường đe đọa cuộc sống người dân và doanh nghiệp.

Băng nhóm “xã hội đen” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến như vừa nêu được báo giới trong nước nhắc lại lời của Chủ tịch thành phố Hà Nội, Tướng Nguyễn Đức Chung từng tuyên bố rằng đó không phải là những người đi chiếm đoạt vài ba ngàn đồng ở các bến xe, mà đã chuyển hướng sang các hoạt động lấn chiếm đất đai và đất công. Một số bài báo còn nêu lên nhiều trường hợp minh chứng cho thực trạng băng nhóm “xã hội đen” góp phần không nhỏ trong việc thao túng kinh tế và thao túng cả giới chính quyền, như nhân vật Vũ “nhôm” có biệt danh “mafia” của Đà Nẵng, một doanh nhân sở hữu nhiều công ty và sở hữu các khu đất, nhà cửa có nguồn gốc là nhà đất công.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận câu hỏi dư luận đặt ra là các băng nhóm “xã hội đen” trong nền kinh tế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc nói đến có phải là những nhóm người hay cá nhân giống như nhân vật Vũ “nhôm” hay không? Và làm thế nào các băng nhóm này có thể thao túng được nền kinh tế quốc gia? Dư luận cho rằng phải chăng băng nhóm “xã hội đen” mà người đứng đầu Chính phủ nhắm tới mục tiêu xóa sổ chính là các nhóm lợi ích?

Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước nói với Đài Á Châu Tự Do rằng thực trạng hoạt động “xã hội đen” trong nền kinh tế luôn tồn tại với mức độ không hề thuyên giảm. Những nhà quan sát tình hình Việt Nam, mà RFA tiếp xúc khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quyền lực không được kiểm soát. Họ cho biết quyền lực điều hành của hệ thống công quyền thay vì phục vụ cho nền kinh tế của đất nước, thì được sử dụng để mang lại lợi ích cho các nhân và lợi ích nhóm. Nhà quan sát chính trị Việt Nam, ông Vũ Hồng Lâm, ở Hawaii, Hoa Kỳ lên tiếng sự kết hợp giữa những doanh nghiệp và các thế lực có quyền hành trong chính quyền như là một mắc xích để cả hai bên cùng có lợi. Ông Vũ Hồng Lâm nói:

Tôi nghĩ rằng tình hình các nhóm lợi ích đã đề ra là vấn đề thực sự thời sự và cũng rất là gay gắt hiện nay. Các lợi ích nhóm đó không phải chỉ có ở tầm đầu tư hay đất đai…mà bây giờ có thể xuất hiện kể cả trong việc ảnh hưởng đến những chính sách được quyết định ở các cấp cao
-TS. Lê Đăng Doanh

Nói chung, tình hình chung ở Việt Nam là ông đại gia nào cũng có ô dù, không có ô dù thì không thể nào sống được. Còn nếu trở thành đại gia rồi mà không có ô dù thì ô dù sẽ chạy đến xin làm ô dù cho ông ta.”

Từ trong nước, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc, nêu lên nhận xét của ông với RFA về thực trạng hoạt động “xã hội đen” trong các nhóm lợi ích:

“Tôi nghĩ rằng tình hình các nhóm lợi ích đã đề ra là vấn đề thực sự thời sự và cũng rất là gay gắt hiện nay. Các lợi ích nhóm đó không phải chỉ có ở tầm đầu tư hay đất đai…mà bây giờ có thể xuất hiện kể cả trong việc ảnh hưởng đến những chính sách được quyết định ở các cấp cao. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến vấn đề đó là một sự thẳng thắng. Đây là điều rất đáng chú ý và tôi hoan nghênh.”

Xóa bỏ được hay không?

Trả lời câu hỏi của chúng tôi điều kiện tiên quyết mà Chính phủ phải thực hiện để loại bỏ các hoạt động “xã hội đen” trong nền kinh tế là cần phải công khai minh bạch, cung cấp thông tin cho người dân liên quan các dự án, chính sách về kinh tế cũng như phải có trách nhiệm giải trình và công bố khi đã có quyết định cuối cùng. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh dẫn chứng một ví dụ:

“Ví dụ trong trường hợp ông Đinh La Thăng, chúng ta thấy rất rõ là có hiện tượng ông Đinh La Thăng đã chỉ định thầu. Thế nhưng mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng của Chính phủ vừa ra quyết định từ nay trở đi cấm chỉ định thầu, mà phải đấu thầu tất cả dự án đầu tư công. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu tiến bộ rất đáng chú ý. Và nếu chúng ta thực hiện được các điều đó thì đây là bước ban đầu để có sự giám sát và kiểm soát các lợi ích nhóm.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Mặt trận Tổ quốc phải góp phần trong việc giúp Chính phủ loại bỏ các băng nhóm “xã hội đen” trong nền kinh tế, có thể sẽ đem lại hiệu quả với điều kiện có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chấp pháp và hành pháp cùng người dân. Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định:

“Tôi nghĩ bản thân Mặt trận Tổ quốc chẳng làm được việc gì cả hoặc là làm được rất ít, mà bây giờ có chăng ngày càng nhiều người tham gia mạng xã hội để người dân có thể đưa các phản ảnh liên quan những chuyện đó lên mạng xã hội để gây sức ép. Nhưng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là các lực lượng chấp pháp. Ở Việt Nam, chủ yếu là cảnh sát và tòa án, nếu họ làm nghiêm thì sẽ được cải thiện và hiệu quả hơn nhiều.”

Tôi nghĩ bản thân Mặt trận Tổ quốc chẳng làm được việc gì cả hoặc là làm được rất ít, mà bây giờ có chăng ngày càng nhiều người tham gia mạng xã hội để người dân có thể đưa các phản ảnh liên quan những chuyện đó lên mạng xã hội để gây sức ép. Nhưng tôi nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là các lực lượng chấp pháp. Ở Việt Nam, chủ yếu là cảnh sát và tòa án, nếu họ làm nghiêm thì sẽ được cải thiện và hiệu quả hơn nhiều
-TS. Nguyễn Quang A

Trong khi đó, không ít những người quan tâm đến yêu cầu loại bỏ các băng nhóm xã hội đen trong nền kinh tế thị trường của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại cho rằng họ không lấy làm lạc quan và có niềm tin là Chính phủ sẽ dẹp bỏ được thực trạng này, khi mà doanh nghiệp liên kết với chính quyền địa phương, thậm chí sử dụng cả côn đồ để hành hung các tài xế phản đối trạm BOT thu phí quá cao hay đặt sai vị trí, trấn áp nạn nhân thảm họa môi trường biển khiếu kiện nhà máy Formosa, hay cưỡng chế phi pháp đất đai và tư liệu sản xuất của người dân dân một cách trắng trợn đến mức họ bị dồn vào đường cùng phải nổ súng.

Những ngày đầu năm 2018, dư luận đặc biệt quan tâm đến phiên tòa xét xử các nông dân nổ súng ở Đắk Nông chống đối Công ty tư nhân Long Sơn tiến hành cưỡng chế đất phi pháp và cho côn đồ đến phá hoại tài sản hồi tháng 10 năm 2016. Dư luận cho rằng Tòa án tỉnh Đắk Nông vào ngày 3 tháng Giêng đã tuyên các bản án quá nặng nề đối với những nông dân này, trong đó nông dân Đặng Văn Hiến bị mức án tử hình, dù ông Hiến đã đầu thú để được khoan hồng.

Một số những người dân quan tâm thời cuộc tại Việt Nam chia sẻ với RFA rằng họ trông đợi phiên tòa phúc thẩm đối với nông dân Đặng Văn Hiến, ở Đắk Nông; vì nếu Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên hủy bản án tử hình, đồng thời xét xử việc làm sai trái của công ty Long Sơn cũng như xem xét trách nhiệm của chính quyền huyện Tuy Đức đến nơi đến chốn, thì đó là dấu hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam thực tâm loại bỏ tình trạng hoạt động “xã hội đen” trong nền kinh tế mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đang đe dọa cuộc sống của người dân.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular