Mấy ngày qua, một số cơ quan truyền thông đưa tin “người nghiện Facebook ùn ùn nhập viện tâm thần”, “cảnh báo về tình trạng nghiện mang xã hội”, rằng “nghiện Facebook dẫn đến trầm cảm” vv… khiến nhiều người rất hoang mang.
Trong 2 tỷ người dùng Facebook trên thế giới, đến tháng 7-2017, Việt Nam đã có 64 triệu người sử dụng, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook đang hoạt động trên toàn cầu. Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong 10 quốc gia có số người dùng Facebook lớn nhất thế giới. Mà, với những ứng dụng tiện lợi trong công việc, trong sinh hoạt, số người “nghiện” Facebook ở Việt Nam chắc chắn là rất lớn.
Trước những gì một số cơ quan báo chí đưa, nhiều người không khỏi lo âu với câu hỏi: Với lượng người sử dụng mạng xã hội ở nước ta đông đảo như vậy, chả nhẽ số người bị tâm thần ở Việt Nam đang gia tăng? Nếu đúng thì tại sao ngành y tế và đại diện WHO tại Việt Nam lại không có thông báo chính thức để cảnh báo cho người dân?
Tuy nhiên, có một điều dễ thấy là, trong các bài viết trên, không thấy có một chứng cứ khoa học nào so sánh, để khẳng định số người bệnh tâm thần – nhất là nghiện Facebook – nhập viện tăng bất thường. Vì thế, một luật sư đã lập tức lên tiếng: “Sáng nay xem thấy có phóng sự khẳng định ngày càng có nhiều người vào viện khám tâm thần, bị trầm cảm do dùng mạng xã hội. Nhưng tuyệt nhiên không thấy đưa ra những số liệu nào khẳng định số bệnh nhân tâm thần tăng lên vì sử dụng mạng xã hội. Ví dụ bệnh viện X năm ngoái năm kia bao nhiều người vào viện khám bệnh tâm thần, trong đó có bao nhiêu % có nguyên nhân dùng mạng xã hội, tăng lên về % lẫn về số lượng như thế nào?”
Bệnh nhân ở BV Tâm thần Trung ương 1 |
Để tìm hiểu thực hư sự việc, sáng 10-1, PV Báo CAND đã liên lạc với chính BS Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1, để xem có thực số người nghiện Facebook vào BV này tăng nhiều không thì được ông cho biết: Đến nay, ở BV Tâm thần Trung ương 1 mới có 3 người nhập viện với các biểu hiện nghiện Facebook.
Cũng trong sáng 10-1, trao đổi với PV Báo CAND, Thầy thuốc Ưu tú –TS. Nguyễn Mạnh Hùng –Giám đốc BV Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) khẳng định: BV Tâm thần ban ngày Mai Hương không có người nghiện FB nào nhập viện trong những ngày qua. Do đó, thông tin người nghiện Facebook nhập viện ùn ùn là không chính xác.
Ông Hùng cho biết, cũng có người nghiện Facebook, nhưng số lượng rất ít. Ông cũng từng gặp một vài người có biểu hiện nghiện Facebook phải nhập viện, nhưng thực ra, đằng sau những người đam mê Facebook quá mức thường là họ có bệnh về sức khỏe tâm thần như tự kỷ, trầm cảm. Vì thế họ ngại giao tiếp, nên điện thoại và mạng xã hội là nơi người bệnh “trốn” vào, chứ không phải do nghiện Facebook dẫn đến trầm cảm, tự kỷ.
“Hiện chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, nhưng bệnh lý tâm thần mới là nguyên nhân chính khiến người bệnh tìm đến chiếc điện thoại và mạng xã hội. Còn những người sức khỏe tâm thần bình thường thì làm sao có thể bị nghiện mạng xã hội đến mức tâm thần. Bản thân tôi cũng thích sử dụng Facebook nên ngày nào cũng vào nhiều lần, để xem bạn bè ra sao, công việc của đồng nghiệp thế nào, nhất là với những người ở xa không có điều kiện gặp gỡ, vì đây là một hình thức giao tiếp tiện lợi” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Giữa năm 2017, Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT) –Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết đã tiếp nhận 2 người có biểu hiện nghiện Facebook. Tuy nhiên, trong số đó, một người bị hoang tưởng ảo giác, thường xuyên vào lúc chạng vạng tối nghe có tiếng nói của đàn ông, hoặc đàn bà giục bên tai “phải chơi đi”. Có một bệnh nhân cũng lạnh dụng Facebook phải nhập viện nhưng đi kèm những rối loạn tâm thần khác.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Viện SKTT) cho rằng: Facebook hoàn toàn không xấu, mà có nhiều mặt tích cực. Vấn đề là làm sao sử dụng cho hiệu quả, có mục đích, chứ không phải lệ thuộc vào Facebook một cách không có mục đích. Lạm dụng Facebook không có mục đích rõ ràng mới là nghiện. Còn những người sử dụng Facebook cho công việc thì không coi là nghiện Facebook.
Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương –Viện trưởng Viện SKTT cho biết, đến nay, Viện SKTT chưa tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú đơn thuần liên quan đến nghiện Facebook. Hiện, trên thế giới cũng chưa có mã bệnh nghiện Facebook.
Vì thế, chứng nghiện Facebook chỉ là khuyến cáo của các nhà tâm lý.
Thanh Hằng