Xử sơ thẩm nhà báo tự do Lê Mạnh Hà: tiếp tục hoãn lần hai

0
230
Nhà báo công dân Lê Mạnh Hà Ảnh chụp màn hình từ video

RFA

Phiên sơ thẩm xét xử nhà báo tự do Lê Mạnh Hà bị Tòa án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang hoãn hai lần trong vòng một tuần lễ. Lần thứ nhất vào ngày 19/9, và lần thứ hai vào ngày 26/9  với lý do giám định viên quá bận và không thể có mặt tại phiên toà.

Thông tin trên được cung cấp bởi luật sư Lê Đình Việt, một trong năm luật sư nhận bào chữa cho nhà báo tự do Lê Mạnh Hà. Ông Hà bị bắt vào giữa tháng 1 vừa qua với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.

Luật sư Lê Đình Việt nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 26/9:

Đáng ra vụ án được đưa ra xử vào ngày 19/9. Tuy nhiên, sau đó Toà án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang có thông báo cho chúng tôi lùi lịch xét xử và chuyển sang ngày 26/9.

Cuối tuần qua chúng tôi lại nhận được thông báo do người giám định bận công tác không tham gia phiên toà được vào ngày 26/9 và do đó Toà án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thông báo cho chúng tôi lùi lịch xét xử.

Luật sư này cho biết thêm toà chưa đưa ra lịch xét xử mới nhưng nói sẽ thông báo bằng văn bản sau.

Phóng viên gọi điện cho Toà án Nhân dân tỉnh Tuyên Quang theo số điện thoại đăng công khai trên website của cơ quan này nhưng không ai nghe máy.

Luật sư Lê Đình Việt cũng cho biết nhóm luật sư gồm có ông, Lê Văn Luân, Nguyễn Hà Luân, Lệ Quyên và Nguyễn Tiến Nghĩa được phép tiếp xúc với thân chủ từ đầu tháng 9, sau khi công an tỉnh Tuyên Quang đã kết thúc quá trình điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát.

Theo cáo trạng, ông Lê Mạnh Hà làm 21 video clip và 13 bài viết có nội dung “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đăng tải trên hai trang Facebook “Dân oan và nhà báo” và “Dân oan Thuỷ điện,” và kênh YouTube “Tiếng Dân TV Lê Hà.”

Trong đó, 14 video vi phạm “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” và bảy video có nội dung “chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước” theo khoản 1, Điều 16 của Luật An ninh mạng.

Vẫn theo cáo trạng, chín video và chín bài viết có nội dung “sai sự thật, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân” theo khoản 5 Điều 16 và một video cùng một bài viết có nội dung “xuyên tạc sự thật, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc.”

Trả lời về cáo buộc đối với thân chủ của mình, luật sư Lê Đình Việt nói:

“Tôi nhận định những vấn đề cáo trạng nêu ra là không có căn cứ, vì cáo trạng chủ yếu dựa trên kết luận điều tra được làm ra bởi người giám định. Không có căn cứ nào cho rằng kết luận giám định của người giám định tư tưởng đã phù hợp với nội dung truy cứu trách nhiệm trong vụ án của ông Lê Mạnh Hà.”

Bà Ma Thị Thơ, vợ ông Lê Mạnh Hà, nói với phóng viên:

Những chia sẻ và bài viết của anh trên Facebook có nội dung đúng sự thật, phản ánh đúng với thực tế. Còn những bài anh chia sẻ lại trên mạng xã hội thì tôi không thể kiểm chứng được.”

Bà cho biết chồng bà bị biệt giam trong gần tám tháng, không được gặp luật sư và người nhà trong thời gian điều tra. Sau khi công an Tuyên Quang kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát thì ông được gặp gia đình từ tháng 8 và luật sư trong tháng 9.

Ông Lê Mạnh Hà, sinh năm 1970, bị bắt ngày 12/1. Ông là một nhà báo tự do sở hữu kênh YouTube và tài khoản Facebook có tên là “Tiếng dân TV – Tiếng nói người dân Việt” chuyên tư vấn pháp lý cho người dân bị mất đất.

Trước đây, gia đình ông sống ở huyện Na Hang, nhưng việc xây dựng nhà máy thủy điện Na Hang (Thuỷ điện Tuyên Quang) đã khiến gia đình ông phải di chuyển nơi sinh sống đến địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà bị bắt với cáo buộc “phát tán tài liệu chống Nhà nước”

649450cookie-checkXử sơ thẩm nhà báo tự do Lê Mạnh Hà: tiếp tục hoãn lần hai