Saturday, October 19, 2024
HomeDU LỊCHBLOGXÔN XAO VỀ “TIẾNG VIỆT CÔNG NGHỆ”

XÔN XAO VỀ “TIẾNG VIỆT CÔNG NGHỆ”

Lã Minh Luận

Thưa các bạn!
Vừa qua, báo chí và cộng đồng mạng xôn xao về cuốn sách Tiếng Việt Lớp 1 dạy trẻ phát âm “LẠ” theo “TIẾNG VIỆT CÔNG NGHỆ” của GS Hồ Ngọc Đại. Nhiều người nhăn trán thốt lên: “Công nghệ phát âm Tiếng Việt” là cái quái gì? Nhiều người lại chửi đổng, lại lôi cái ông già Bùi Hiền ra mà nguyền rủa. Là một nhà giáo dạy môn Ngữ văn có kinh nghiệm, tôi xin trao đổi với các bạn mấy ý kiến như sau:

1- Trước tiên, phải khẳng định rằng nền GDVN cho đến bây giờ vẫn còn rối rắm lắm. Việc dạy cho trẻ phát âm theo bảng chữ trong sách lớp 1 hiện nay, tất nhiên người biên soạn đưa ra ý tưởng “táo bạo” này phải căn cứ vào một cái gì chứ? Thống nhất cách phát âm của các vùng miền trong một quốc gia hay theo xu thế hiện đại, hội nhập quốc tế? Như chúng ta đã biết tiếng Việt được hình thành từ thế kỉ XVII, khi các đạo sĩ vào truyền đạo cho nước Việt. Tiếng Việt cũng giống như nhiều ngôn ngữ Á – Âu… đều dựa trên nền tảng phát âm và viết kí tự của chữ Latinh. Từ đầu thế kỉ XX, tiếng Việt đã được gọt dũa khá hoàn thiện và sau 1945, tiếng Việt đã được phổ cập rộng rãi, được dân tộc và quốc tế công nhận là CHỮ QUỐC NGỮ. Đã là chữ Quốc ngữ thì chữ (kí tự – âm tiết – tiếng) đã được qui định, sử dụng khá ổn định và trở thành thói quen khó thay đổi.

Tuy nhiên, tiếng Việt vẫn đang trên con đường cải tiến để ổn định, sử dụng gọn, khoa học hơn nhưng nó có thể chấp nhận được. Ví dụ: Khi viết, nhiều trường hợp, chữ y có thể thay bằng chữ i (công ti, lí luận, nội qui…), giày xéo = dày xéo, cà phê = Cafe (vay mượn)… nhưng âm đọc thì không thay đổi. Chữ Quốc ngữ khi đọc, ngoài mang âm sắc riêng tiếng nói của dân tộc Việt Nam, nó còn có những chữ phát âm theo tiếng Latinh (quốc tế). Thế nên, khi thay đổi chữ viết hay cách đọc (phát âm, đánh vần) thì cần phải hết sức cân nhắc. Tiếng Việt khác với ngôn ngữ Á – Âu… là tiếng Việt có thanh điệu, âm điệu đi kèm với các kí hiệu phi ngôn ngữ là nét mặt, ánh mắt, miệng, tay… một sự phối hợp rất sinh động. Tạo nên một âm sắc luyến láy có hồn. Có thể khi đọc phát ra đồng âm nhưng chữ và nghĩa của nó viết ra lại khác. Tôi nghĩ ngôn ngữ nước nào cũng thế thôi, không kém phần phức tạp. Thế nên, việc dạy cho trẻ theo cách đọc (phát âm, đánh vần) như hiện nay có thể phù hợp với xã hội hiện đại và cách dùng của thế giới nhưng có thể “cái lưỡi” sẽ không được dẻo như trước nữa. Dễ đọc, dễ nhớ nhưng khô cứng và vô hồn. Chính vì cái công nghệ phát âm này mà đã khiến nhiều phát thanh viên truyền hình phát âm rất buồn. Cách phát âm này cũng ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh rất nhiều, phát âm không chuẩn, nhất là âm cuối (âm gió).

2- Không phải bây giờ GDVN mới đưa vào dạy TIẾNG VIỆT CÔNG NGHỆ này cho HS lớp 1, mà nó đã được phổ biến qua truyền thông từ những năm 90 của thế kỉ trước. Nó đã được đưa vào dạy thí điểm ở một số trường từ năm 2015. Lâu dần nghe cũng quen. Song giáo viên dạy cũng nên nắm rõ nguồn gốc của tiếng Việt để dạy cho trẻ hiểu và lựa chọn khi phát âm. Không nên ép trẻ phải đọc một cách khô cứng.

3- Song cách dạy trẻ đọc và phát âm như vậy chưa “nguy hiểm chết người” bằng chương trình dạy – học của sách Tiểu học cũng như các cấp tiếp theo, NÓ rất có vấn đề. NÓ thể hiện sự nhồi sọ, nô dịch của nền GDVN, cái gọi là Cộng sản XHCN. Tôi xin vạch rõ mấy điểm như sau:
– Về chương trình Dạy – Học, phải nói là đậm màu sắc chính trị. Sách Tiếng Việt Tiểu học đưa vào chương trình những bài học, bài tập làm văn ngợi ca, tô vẽ, sùng bái lãnh tụ khá đậm đặc. Một nền giáo dục áp đặt, hình thức chủ nghĩa, mang tính nô dịch, phụ thuộc, lí thuyết… là chính chứ không mang tính gợi mở, khai minh, khai phóng con người.
– Về giáo viên, đào tạo GV Tiểu học hầu như thiếu chuẩn mực. Dốt nhưng luôn giấu dốt, lười nghiên cứu, không nắm bắt được xu thế phát triển của xã hội và thế giới, cũng chỉ là con vẹt lớn dạy con vẹt bé. Dạy trẻ kiểu nhồi nhét, khuôn mẫu, áp đặt. Bắt HS học theo bài văn mẫu mà không dạy phương pháp tư duy, tưởng tượng, sáng tạo và đặc biệt là khơi dậy cảm xúc cho trẻ. Học văn là phải có cảm xúc thực, mọi hình ảnh, hình tượng, sự việc… đều lấy trái tim để nhìn và cảm nhận chứ không phải bằng đôi mắt.
– Về phía cha mẹ HS (phhs), chừng nào các vị chưa thoát li được bệnh thành tích, háo danh, chưa hiểu được tâm lí trẻ, khả năng của trẻ và phương pháp giáo dục tiên tiến thì con em của các vị còn bị sa lầy vào cánh đầm lầm than, nô lệ, phản khoa học như nền GDVN hiện nay. Và nhất là sau khi rời ghế nhà trường, thì con em mình sẽ làm gì, đi đâu, về đâu?

4- Nhân đây, tôi xin bày tỏ thêm nỗi băn khoăn về sách NGỮ VĂN LỚP 9. Trong cuốn sách này, có một chùm bài HS phải học về lãnh tụ CS mà biết bao năm qua, nhiều nhân chứng lịch sử đã muốn đưa nhân vật ra “xét lại” và đòi ngành GD phải viết lại sách giáo khoa cho đúng, cũng như môn lịch sử vậy. Nếu giáo dục con người mà giáo dục sai, dạy sai thì sẽ hỏng cả một thế hệ. Sau này các thế hệ lớn lên, chúng đào lật lại lịch sử, tìm ra sự thật thì chúng sẽ thất vọng thế nào? Ngay bây giờ, nhiều người ở thế hệ 9X và 2000 cũng đã nhận chân ra sự thật và cất tiếng lên án. Vậy, vì sao các giáo viên đứng lớp vẫn tiếp tục nhồi nhét, phủ lên đầu lớp trẻ những điều không có thực này chứ?

Thưa các bạn! Nền giáo dục Việt Nam vẫn đang ở tình trạng quân hồi vô phèng, đầy bế tắc, mạnh ai người đó thắng. Có những giáo viên thức thời nhưng cũng không dám đi chệch cái vết xe đổ. Đó là điều đau xót. Các cha mẹ học sinh thức thời, ôm trong lòng bao lo lắng cho tương lai của con em mình nhưng cũng bế tắc. Tôi chỉ xin khuyên các bạn một điều: Hãy biết dạy cho lớp trẻ có tư tưởng khai phóng: Tự học, học để hiểu biết; để làm việc, kiếm sống; để khẳng định bản thân và hội nhập thế giới. Học kĩ năng phản biện và những thói quen tốt. Sống có bản lĩnh, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Sống có nhân cách, lòng tự trọng và nhân bản. Biết yêu – ghét rõ ràng, biết đề cao tinh thần dân tộc, dân chủ. Biết loại trừ cái sai, cái xấu, cái ác và nhất là phải biết đạp đổ cường quyền, xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ. Chỉ có vậy, tương lai của thế hệ hôm nay và mai sau mới sáng tươi được.

Nguồn.https://www.facebook.com/profile.php

……………
GS Hồ Ngọc Đại, tác giả của chương trình đánh vần kiểu “lạ”. Nguồn: PLTP

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular