VNTB-Thường Sơn
(VNTB) – Chính các quan chức quốc hội vừa phải thừa nhận một sự thật mà đã miêu tả không thể rõ hơn bản chất của chế độ cầm quyền: nhiều cán bộ trẻ thuộc dạng ‘tương lai của đất nước’ đã xin không nhận quy hoạch về cơ quan quốc hội.
Thừa nhận trên hiện ra vào chiều 14-9, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội.
“Là tại sao khi quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, uỷ viên thường trực các uỷ ban của Quốc hội họ thường từ chối. Phần lớn những cán bộ khi đề nghị quy hoạch về Quốc hội thì họ đều “xin đừng đưa em vào quy hoạch” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải thuật lại.
Còn Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết điều tương tự: “Có những cán bộ ở cơ quan khác, khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách ở Quốc hội thì họ thường xin đừng cho em vào, nếu chị cho em vào quy hoạch sang Quốc hội thì sẽ ảnh hưởng đến công việc hiện tại của em nên em xin rút”.
Vì sao cơ quan quốc hội ‘to’ thế mà các cán bộ trẻ lại phủi như phủi đất?
Nguyên do chính yếu là vai trò của Quốc hội trong thể chế chính trị độc đảng và kéo theo dàn nhân sự của các cơ quan quốc hội. “Nhất bộ, nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang quốc hội” – giới quan chức quốc hội vẫn thường ta thán như thế khi so sánh với các bộ ngành màu mỡ bên chính phủ và sau đó là các ban đảng ít màu mỡ hơn. Và trong thực tế đúng là như vậy, số quan chức này không có thực quyền, chỉ có tiếng nhưng không có miếng. Còn Quốc hội cho dù được tiếng là ‘cơ quan dân cử tối cao’, nhưng về thực chất chỉ là một loại cơ quan ‘yếu’, nếu không nói thẳng là cơ quan bù nhìn.
Trong rất nhiều năm, dù không được phát lộ trong các cuộc họp chính thức của Quốc hội, nhưng bên lề nghị trường đã có một số đại biểu than vãn về tình trạng Quốc hội khá bị động khi xem xét và quyết định một số vấn đề, dự án mà bên chính phủ trình, nhưng vẫn phải ‘gật’. Trong một số trường hợp, Quốc hội còn bị xem là ‘bù nhìn’ vì chẳng được quyết định…
Tiêu biểu cho cơ chế ‘bù nhìn’ của Quốc hội là một vấn đề được nêu ra trong kỳ họp thứ 7: bất chấp các nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công quy định dự án có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được trình qua Quốc hội, phía các cơ quan chính phủ vẫn phớt lờ, mà chỉ đến khi dự án gây hậu quả hoặc đội vốn quá cao và sinh nạn thiếu tiền thì mới chịu kêu gào đòi được thông qua vốn bổ sung.
Hẳn đó là nguồn cơn giới cán bộ trẻ ‘tương lai của đất nước’ chỉ chăm chăm chạy ghế ở các bộ ngành ngon ăn.
Trong khi đó, Quốc hội không chỉ hành xử khuất tất với dự luật đặc khu mà còn ‘gật vô thức’ với một số vụ khác mang đậm yếu tố lợi ích nhóm như bỏ phiếu cho tăng giá điện, xăng dầu, dịch vụ y tế, với nhiều loại thuế được ‘kiến tạo’ để bóp hầu bóp họng dân chúng…, Quốc hội đã tự biến nó thành cơ quan không chỉ vô tích sự về công tác phản biện và giám sát, mà còn bị không ít người dân xem là ‘phản động’ – theo đúng nghĩa hành động ngược lại quyền lợi của tuyệt đại đa số nhân dân đã bầu ra nó.
Nhưng với ‘bạn vàng’ thì khác hẳn. Nếu trong vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Quốc hội và Nguyễn Thị Kim Ngân đã không há nổi miệng và cũng chẳng trút ra được một nghị quyết nào về Biển Đông, thì 2019 còn tồi tệ hơn: trong khi bà Ngân ‘mắt liếc mày cong’ với Tập Cận Bình ở Bắc Kinh về ‘làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện’ và cả một khái niệm cực kỳ trừu tượng và bỉ bôi là ‘đại cục’, cái bóng ma Hải Dương 981 lại hiện hình trên Biển Đông. Nhưng ngay cả thế, từ khi chia tay Tập đến nay và bất chấp ‘nhóm tàu Hải Dương 8’ vẫn quần thảo khu vực Bãi Tư Chính chốn vô chủ quyền, Nguyễn Thị Kim ngân vẫn không thốt nổi một lời về phản đối Trung Quốc.