Trước một ngày kết thúc phiên toà phúc thẩm xét xử Trần Văn Minh và Phan Văn Anh Vũ, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trực tiếp toà án phúc thẩm tuyên bắt giam ngay hai ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến tại toà.
Ông Minh từng giữ chức chủ tịch TP Đà Nẵng, Phó ban tổ chức trung ương, uỷ viên trung ương đảng. Việc chỉ đạo cho toà bắt ông này ngay lập tức, cho thấy quyền lực của Phúc rất lớn, định đoạt số phận của nguyên uỷ viên trung ương đảng chỉ trong một tích tắc.
Cuối cùng thì dân đen hay quan chức, đại gia đều có chung một kiểu xét xử giống nhau, đó là chỉ đạo từ trước, chỉ đạo từ trên ngay khi đang xử. Cũng giống như vụ Hồ Duy Hải, vụ việc mua đất của Vũ với tp Đà Nẵng không có chứng cứ vi phạm nào, nhưng có người chết, có đất giá trị thì tất có vụ án và có kẻ chịu tôi.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 329 BLTTHS “trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. HĐXX có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên toà nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội”.
Việc HĐXX ra quyết định bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh và ông Văn Hữu Chiến theo lệnh thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhằm triệt hạ những phản đối từ hai ông này, bởi trước sau như một cả hai đều không nhận sai và đưa ra những chứng cứ, nghị quyết, kết luận của thủ tướng, trung ương và bộ chính trị. Cơ quan điều tra cũng không kết luận được động cơ vụ lợi của họ.
Các ông Chiến và Minh đã làm theo đường lối của thành uỷ Đà Nẵng, đường lối chứ không phải ý kiến riêng của ông Bá Thanh. Đường lối bán đất công lấy tiền để phát triển đô thị, mang lại bộ mặt phát triển của Đà Nẵng đến nỗi người ta khen ngợi đó là hiện tượng mới.
Cả hai vụ án Hồ Duy Hải và Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ đều diễn ra một lúc, đều không cần xem xét đến chứng cứ hay phản biện, toà án kết tội như một cái máy đã được lập trình sẵn từ trước. Nếu vụ Hồ Duy Hải là tiến thân của Nguyễn Hoà Bình thì vụ Đà Nẵng là đường tiến tiếp của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Với việc 17/17 thẩm phán đồng ý với kết luận Hồ Duy Hải đúng tội. Chánh án Nguyễn Hoà Bình có cửa đi tiếp tới chức phó thủ tướng coi về tư pháp như người đàn anh tiền nhiệm Trương Hoà Bình. Ở vụ án Đà Nẵng thì Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy. Cả hai đều mượn toà án để dập tắt những ý kiến chỉ trích mình, nhằm dọn sạch sẽ các dấu vết để không ai dị nghị được.
Trở lại vụ việc Đà Nẵng , công văn số 1570/ CV-BCSĐ ngày 19/11/2019 của ban Cán sự toà án tối cao, đã báo cáo BCĐ 110 rằng không đủ chứng cứ kết tội các bị cáo là đồng phạm. Nhưng cả Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đều bỏ qua ý kiến này và xử theo “luật của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ”.
Điều này cho thấy thực lực của Phúc ở trước thềm đại hội 13 rất mạnh, nếu như Phúc đã chỉ đạo được với nhóm công an, viện kiểm sát, toà án như vậy…thì tương lai nếu trụ được, Phúc sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai dám ý kiến ngăn cản Phúc ngồi lại khoá sau. Bởi thế ở hội nghị trung ương 12 đang diễn ra, Phúc không chịu về, còn đòi mình phải ngồi ghế tổng bí thư kiêm chủ tịch nước nếu như ông Trọng về hưu. Tình hình này rất khó cho chọn nhân sự chủ chốt, bởi thực lực Phúc quá mạnh, có thể khiến đại hội bất thành vì không thống nhất được chọn nhân sự. Lường trước được dã tâm tham vọng của Phúc, tổng bí thư Trọng đã nhấn mạnh không chọn người bè phái, tham vọng quyền lực, được cái mã ngoài, người vợ con thân thích tư lợi…nhưng lòng người phù thịnh chẳng phù suy, ông Trọng già yếu, ông Vượng thì thiếu phe cánh hỗ trợ…con đường đi tiếp của Nguyễn Xuân Phúc khá thênh thang. Cửa duy nhất Nguyễn Phú Trọng có thể áp dụng là theo tiền lệ trước, chỉ một trường hợp duy nhất quá tuổi do bộ chính trị giới thiệu ở lại, còn lại phải làm đơn từ chức. Nhưng tiền lệ trước còn quy định đại hội giới thiệu ai thì người đó làm đơn từ chối, rồi đại hội bầu xem đồng ý từ chức không, sau đó bầu tiếp. Phúc đã lường trước bài học này, đương nhiên sẽ không viết đơn từ chức từ bộ chính trị, không viết đơn từ chối nếu đại hội bầu ra. Qua hai cửa này, Phúc vẫn còn cửa đại hội sẽ bỏ phiếu không đồng ý cho Phúc từ chức.
Các đại gia sân sau của Phúc đã cho người chuẩn bị đi mua phiếu của các đoàn đại biểu, khi việc mua bán thống nhất xong. Sẽ đến màn truyền thông thổi bùng dữ dội về những ưu điểm cực kỳ lớn của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Những cây bút trái quan điểm sẽ bị triệt hạ ngay tại thời điểm trung ương 13, 14 họp.
Chuyện đấu đá, tranh giành ghế là chuyện thường tình của nội bộ đảng CSVN. Nhưng dùng toà án xét xử bất công để phục vụ âm mưu giành quyền chức của mình, lại là điều đụng đến tính mạng của người dân, đụng đến công bằng mà người dân nào cũng trông đợi. Nếu một xã hội mà pháp luật quyết định đúng sai thế nào là do quan chức quyết định, thì đấy là điều đáng sợ cho nhân dân.
Hãy thôi những trò xét xử theo kiểu căn cứ vào nhân chứng, hồ sơ, bị cáo đã nhân. Vì nhân chứng một chiều, hồ sơ tự bịa ra, bị cáo bị đánh đập phải nhận tội, hay kể cả không nhân tội.
Hãy tuyên án thế này.
Căn cứ vào yêu cầu của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chánh Án Tối Cao Nguyễn Hoà Bình, để phục vụ việc thăng tiến của lãnh đạo, toà xét thấy đầy đủ tình lý để xác định tội bị cáo, không cần phải tranh luận, đối chất, đưa bằng chứng…toà uyên án.
Hãy tuyên án thế, chắc chắn dân sẽ tâm phục, khẩu phục.