Monday, December 23, 2024
HomeBLOGXã hội dân sự VN nên làm gì sau lễ ký EVFTA?

Xã hội dân sự VN nên làm gì sau lễ ký EVFTA?

BBC

Một nữ nhà báo tự do nói với BBC rằng sau khi EVFTA được ký, có lẽ giới xã hội dân sự “nên tìm cách tập trung tác động vào chính quyền Việt Nam để cải thiện quyền công dân hơn là vận động bên ngoài”.

Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA) tại Hà Nội hôm 30/6.

Đây là thỏa thuận mậu dịch tự do thứ hai EU ký với một nước tại Đông Nam Á, trước đó là Singapore.

Trên mạng xã hội, có ý kiến cho rằng EVFTA hiện mới qua được một cửa – Hội đồng EU, đại diện cho 28 chính phủ thành viên. Cửa còn lại là Quốc hội EU, cơ quan dân cử gồm 751 thành viên đại diện cho cử tri toàn châu Âu.

Do vậy, câu hỏi khi nào EVFTA hoàn tất để có hiệu lực vẫn còn để ngỏ và Việt Nam còn phải nỗ lực thêm nữa để hoàn tất nửa chặng đường còn lại.

Một chút tiến bộ’?

Hôm 2/7, nhà báo tự do Cát Linh nói với BBC:

“EVFTA được ký kết là một sự nỗ lực quan trọng của phía Việt Nam. Chúng ta đang trong tình trạng kinh tế khó khăn, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng không được tạo điều kiện phát triển. Vì thế, EVFTA có thể sẽ là cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam.”

“Nếu chúng ta đang thắc mắc về việc những tổ chức xã hội dân sự nên làm gì thì tôi nghĩ rằng chúng ta nên ủng hộ và ghi nhận một chút “tiến bộ” của chính quyền Việt Nam.”

“Ở vị thế là một quốc gia đang phát triển, chúng ta nên bắt tay, kết nối, giao thương với tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là các nước có nền kinh tế mạnh dựa trên các quy định chuẩn quốc tế.”

“Mặc dù hiệp định còn cần phải đợi nghị viện EU thông qua, nhưng chúng ta đã thấy nhiều sự thay đổi của chính phủ Việt Nam như việc gặp gỡ với các lãnh đạo trong khối EU, sửa đổi một số điều luật để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.”

“Chúng ta khó có thể đoán trước rằng liệu EVFTA có suôn sẻ hay không bởi vì như những gì nhìn thấy, mặc dù Việt Nam đã cố gắng nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đối với một quốc gia một đảng.”

PhúcVGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại tại lễ ký kết EVFTA ở Hà Nội hôm 30/6

“Hiệp định này là vấn đề kinh tế. Các quốc gia đều muốn có lợi cho mình, đặc biệt giới xã hội dân sự ở Việt Nam còn lẻ tẻ, ít ỏi… cho nên để nói tác động vào sự quyết định của một Liên minh châu Âu có lẽ không hề dễ dàng. Khi họ đưa ra những quyết định có lẽ họ sẽ nhìn vào nhiều khía cạnh.”

“Với tư cách là công dân một quốc gia, có lẽ chúng ta nên tác động vào chính quyền Việt Nam. Họ cần phải cải thiện các vấn đề về quyền công dân, về luật pháp… để đến gần hơn với quốc tế.”

“Đến nay, nhiều khái niệm về nhân quyền mà chính quyền Việt Nam vẫn luôn né tránh, công đoàn độc lập hay các tổ chức độc lập hiện nay vẫn còn lạ lẫm với người dân. Nhưng nếu Việt Nam muốn đạt được những thỏa thuận, chắc chắn họ phải tạo ra môi trường cởi mở hơn, tự do hơn.”

“Chẳng ai muốn đến nhà bạn nếu họ có thể bị bóp cổ bất kỳ lúc nào.”

“Theo tôi, việc mà những người hoạt động xã hội, các tổ chức xã hội dân sự có thể làm hiệu quả đó là tác động vào chính quyền Việt Nam về các vấn đề như quyền công dân, quyền của người lao động, các vấn đề nhức nhối về luật pháp… để cải thiện những điều này dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, hơn là vận động bên ngoài.”

‘Giám sát nghị trình’

Hôm 3/7, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn nói với BBC:

“Tôi nghĩ đa phần giới hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam muốn EVFTA được thông qua suôn sẻ, nhưng cũng muốn đi kèm với nó là việc cải thiện nhân quyền thật sự.”

“Điều mà các nhà hoạt động có thể làm là tìm hiểu kỹ về các điều khoản của EVFTA liên quan đến luật lao động của Việt Nam và thúc đẩy cơ chế giám sát nghị trình này.”

“Theo như tôi hiểu, Bộ luật Lao động mới sẽ được bàn thảo tại Quốc hội vào tháng 10/2019 và giới hoạt động xã hội dân sự có thể lên tiếng yêu cầu mở rộng quyền của người lao động.”

“Tất nhiên, mình mong muốn đưa vào hiệp định EVFTA những điều khoản có lợi cho người lao động, tạo cơ chế để giới chủ tôn trọng người lao động… Nhưng điều đó trở thành hiện thực tới đâu thì còn tùy thuộc vào mức độ tác động của giới hoạt động xã hội dân sự cũng như ý thức của người dân nói chung.”

Hiện tại, truyền thông Việt Nam chủ yếu đánh giá tác động kinh tế của EVFTA mà không đề cập đến khía cạnh nhân quyền.

Trước đó, kinh tế gia Phạm Chi Lan nói với AP: “Thỏa thuận này rất quan trọng cho Việt Nam. Một mặt nó sẽ thúc giục đất nước thay đổi thể chế để phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận. Mặt khác sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vực tư nhân.”

Việt Nam xuất khẩu sang EU các mặt hàng như điện thoại, giày dép và hàng may mặc trong khi nhập từ các nước EU máy móc công nghệ cao, máy bay, xe hơi và thuốc men.

Cát Linh
Cây bút tự do Cát Linh nói về XH dân sự VN

Được biết Việt Nam sẽ giảm 49% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Để đổi lại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm 85% thuế quan với lộ trình để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular